Sự tàn bạo chưa bao giờ trấn áp được cái ác, mà chỉ ươm mầm cho nó

Lê Nguyễn Duy Hậu

5-5-2019

Vì sao từ năm 2011, Quốc Hội Việt Nam đã quyết định chuyển hình thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang xử tiêm thuốc độc bất chấp việc kinh phí để thi hành án tử rõ ràng đã tăng lên?

Xét trong các hình thức xử tử hình mà Việt Nam từng áp dụng (và cư dân mạng từng đề nghị áp dụng gần đây!), xử bắn là một hình thức tạm gọi là nhân đạo. Tiêu chí của một án tử hình nhân đạo là sự tước đoạt mạng sống phải nhanh chóng, ít gây đau đớn nhất có thể, không man rợ, và đặc biệt là không hạ nhục nhân phẩm người bị tử hình. Xét trên các tiêu chí đó, treo cổ được coi là man rợ, xử trảm là hạ nhục, và ăn lá ngón là tàn bạo và theo ý kiến của mình, có phần bệnh hoạn (mất từ 1-7 tiếng để nạn nhân chết, sau khi trải qua cơ đau đớn tột cùng).

Nhưng xử bắn không đủ nhân đạo bằng tiêm thuốc độc. Quy trình tiêm thuốc độc rất ít gây đau đớn cho phạm nhân. Nó gồm ba bước, trong đó mũi tiêm đầu tiên là để gây mê. Mũi tiêm thứ hai là để làm tê liệt cử động. Mũi tiêm thứ ba mới là mũi tiêm đi qua tim để kết thúc sự sống. Việc tiêm phải do cán bộ được đào tạo y tế thực hiện để đảm bảo không gây đau đớn hay thương tổn nào thêm cho phạm nhân. Thuốc dùng để tiêm phải đảm bảo không có phản ứng phụ. Chính hai yếu tố này khiến trong một thời gian đầu, Việt Nam gần như không thể thi hành án tử hình được trên thực tế. Các cán bộ y tế không muốn thực hiện nhiệm vụ này vì lời thề y đức của họ là cứu người chứ không giết người, cho dù là tên tội phạm. Còn các quốc gia có thuốc đạt tiêu chuẩn thì lại là những nước phản đối án tử hình và không muốn bán thuốc này cho Việt Nam để thi hành án. Có lúc người ta đã nghĩ đến việc nhập thuốc từ các quốc gia ủng hộ án tử hình và có khả năng sản xuất thuốc như… Ấn Độ, Trung Quốc. Nhưng yếu tố nhân đạo và độ an toàn của các loại thuốc này thì lại không đảm bảo. Cho đến nay cũng không rõ nguồn gốc thuốc độc mà Việt Nam đang sử dụng là từ đâu và dường như Quốc Hội cũng quên không giám sát việc này.

Ở Mỹ, từng có trường hợp việc tiêm thuốc độc gặp trục trặc khiến tử tù bị co giật và chịu đựng trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ. Sau lần đó, thống đốc bang nơi vụ tử hình diễn ra đã phải ra quyết định ngừng thi hành toàn bộ án tử hình để xem xét lại tính hợp hiến và nhân đạo của hình phạt.

Cần phải hiểu rằng án tử hình là biện pháp cuối cùng khi xã hội cảm thấy không thể cải tạo một con người được nữa. Đôi khi một án tử hình được tuyên, công chúng sẽ vỗ tay, ăn mừng như thể công lý được thực thi. Đúng, có lẽ công lý đã được thực thi, nhưng đó chỉ là công lý báo thù. Xét cho cùng, xã hội thất bại mỗi khi một án tử hình được tuyên. Người chết không sống lại khi kẻ thủ ác chết đi, còn xã hội thì lại càng thêm lo sợ vì độ tàn bạo của tội ác. Trên thực tế thì Việt Nam cũng đã có những cam kết để giảm, tiến đến loại bỏ hoàn toàn án tử hình. Chỉ có điều, chúng ta không hẹn một thời hạn nhất định, trong khi UN thì muốn thời hạn đó là năm 2030. Có lẽ chính phủ Việt Nam cũng không lấy gì làm tự hào lắm về việc vẫn phải thi hành án tử hình trên đất nước mình, do đó khi báo cáo UPR vừa rồi đã phải lấp liếm số liệu án tử hình bằng việc gọi đó là “bí mật quốc gia”.

Quay trở lại từ đầu bài, vì sao chúng ta chọn việc tiêm thuốc độc thay vì các hình phạt khác? Câu trả lời đã được đề cập: vì lý do nhân đạo. Nhưng vì sao cần nhân đạo? Vì sự văn minh. Không ai muốn thấy một cái chết bi thảm, vì không ai có trái tim có thể chịu được những hình ảnh man rợ. Nếu như vậy, đừng bao giờ ủng hộ những hình phạt tàn bạo. Trừ khi chúng ta muốn quay lại thưở xa xưa, cách đây 200 300 năm, khi sinh mạng con người là cỏ rác, thì chúng ta hãy nghĩ đến chuyện dùng lá ngón để xử tử một ai cho tiết kiệm hay tru di tam tộc một kẻ khác chỉ vì sự tức giận nhất thời. Lúc ấy xin hãy nhớ cho, lịch sử đã chứng minh, sự tàn bạo chưa bao giờ trấn áp được cái ác, mà chỉ ươm mầm cho nó.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây