Điện và Dân túy

Nguyễn Tiến Tường

28-4-2019

Tôi vẫn thường trực một cảm giác kỳ khôi khi ai đó nói rằng người dân sợ giá điện thị trường. Người ta vẫn thường viện dẫn giá điện thế giới để nói về thị trường. Một cách truyền thông mòn vẹt của ý chí độc quyền.

Không thể lấy giá điện mỗi quốc gia để so sánh vì cơ cấu giá, tài nguyên và chính sách năng lượng, chênh lệch tỷ giá hoàn toàn khác biệt. Nhất là không thể nào so sánh mà không kèm theo tương quan thu nhập của người dân. Trừ phi là chuyên gia hoặc nhà báo bỏ túi.

Việt Nam không có thị trường điện, dân đã sờ nắn được nó đâu mà sợ? Điện ở VN là một mặt hàng do EVN phân phối dưới sự quản lý của Chính phủ. Điều này đưa người dùng vào thế cưỡng bách, vừa thiếu minh bạch vừa phải hàm ơn.

Tấm áo “an ninh năng lượng” và “nhiệm vụ chính trị” đang buộc người dân trả giá theo bậc thang, càng dùng càng đắt để bù chéo cho các lĩnh vực hành chính, sản xuất.

Giá điện do chính EVN ấn định dựa trên sản lượng tiêu thụ, tự EVN phên cơ cấu giá thành. Theo tôi, cơ cấu ấy là chưa minh bạch. Cơ cấu giá thành ấy, không thể nào gộp khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ mà EVN đã thua lỗ vì bài toán đa ngành.

Cũng cần thấu đáo lại, hầu hết nguồn năng của điện là nội địa. Than và khí mới thực hiện cơ chế thị trường từ đầu năm 2019. Trong vòng 3 năm qua, EVN không có nhà máy điện lớn nào đáng kể. Khoản tăng 8,36 % (chưa tính luỹ tiến) để bù đầu vào và chênh lệch tỷ giá đầu tư công nghệ là không thuyết phục.

Thị trường là gì? Đơn giản là người dân có lựa chọn khác. Ít nhất 40% điện năng đang được cung cấp ngoài EVN. Con số báo chí tôi tiếp cận được, EVN mua của các đơn vị dao động từ 800-1.000 đồng/KwH. Bán lại cho dân theo cung bậc thang.

Gần một nửa điện năng quốc gia có thể thị trường hoá ngay tức thì với kiểm soát nhà nước. Thay vì EVN “bắt chẹt” đầu này và làm giá đầu kia. Nhưng nó vẫn đang là lộ trình và chưa biết đến bao giờ.

Dân không sợ thị trường. Dân chỉ sợ không minh bạch. Trực quan không minh bạch đến từ hàng chục nghìn tỷ dôi dư đầu tư đa ngành, 42 nghìn tỷ số dư không thời hạn trong ngân hàng. Đội ngũ nhân sự trên 60 nghìn người ăn lương 8 con số trong thời gian dài vừa qua, ăn chơi du hý khắp xứ bầu trời. Thậm chí nhân sự “trèo thang ghi số” cũng có thu nhập mơ ước so với công chức lẫn thường dân.

Trực quan đó đáng sợ hơn thị trường nhiều. Và một thể chế rắn rỏi với lợi ích nhóm phải là thể chế hướng tới sự minh bạch chứ không phải nỗi sợ hãi thị trường mơ hồ. Không thể có chuyện mâu cũng là EVN, thuẫn cũng là EVN; ăn cướp cũng là EVN mà la làng cũng là họ nốt.

Thị trường, an ninh năng lượng, nhiệm vụ chính trị… đều là xảo biện nếu không có sự minh bạch. Bất kỳ một cá nhân kỹ trị nào cũng thừa hiểu thời của dân tuý đã qua lâu rồi!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây