Mùa xuân dân chủ đang đến ở châu Phi

Trung Nguyễn

12-4-2019

Các “bố già dân tộc” liên tục ra đi

Lại thêm một đòn giáng mạnh vào các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới, đó là cuộc nổi dậy của người dân nhằm lật đổ gã độc tài Omar al-Bashir, 75 tuổi, người đã nắm quyền tại Sudan từ 30 năm nay.

Trước đó, cũng tại một nước châu Phi là Algeria, người dân đã tiến hành cuộc Cách Mạng Cười (Smile Revolution) để lật đổ gã độc tài Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi, là người đã cầm quyền suốt 20 năm nay. Cuộc Cách Mạng Cười nổ ra ngay sau khi Abdelaziz Bouteflika tuyên bố ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ năm liên tiếp.

Đông đảo người dân Algeria xuống đường làm cách mạng, kêu gọi tổng thống từ chức và thay đổi thể chế. Ảnh: Báo NYT

Các ông già đam mê quyền lực này, các “bố già dân tộc” cuối cùng đã phải cúi đầu trước sự phẫn nộ của nhân dân.

Chế độ độc tài bất an

Ngày xưa, cuộc cách mạng dân chủ khởi đầu từ mùa xuân 2011 tại các quốc gia Ả Rập được biết với tên gọi “Mùa xuân Ả Rập”. “Mùa xuân Ả Rập” thực sự đã làm rung chuyển cả thế giới. Và ngày nay, liệu sẽ có một thuật ngữ mới như “mùa xuân châu Phi” hay không?

Còn nhớ, trong thời gian diễn ra các cuộc cách mạng màu, “mùa xuân Ả Rập”, nhà cầm quyền Việt Nam đã phải liên tục tung ra các bài báo phản đối các cuộc cách mạng dân chủ này nhằm tiếp tục lừa mị người dân và trấn an đám đảng viên Cộng sản đang hoang mang, bất an.

Thời điểm đó, các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo tại Việt Nam không được phép đọc báo chí gì từ bên ngoài đưa vô, vì an ninh sợ những người tù này đọc tin sẽ phấn chấn và lên tinh thần để tiếp tục cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ.

Cô gái trẻ là biểu tượng của cuộc cách mạng

Người dân Sudan xuống đường lật đổ tổng thống Omar al-Bashir. Photo Courtesy

Trong cuộc cách mạng dân chủ mới nhất đang diễn ra ở Sudan, đáng ngạc nhiên là người tạo cảm hứng cho đám đông lại là một cô gái trẻ 22 tuổi, tên là Alaa Salah. Cô cũng là một nhà báo, thế nhưng cô đã dũng cảm trèo lên nóc ô tô để hát, để hô vang các khẩu hiệu nhằm truyền tải thông điệp của mình, đó là “Sudan cho tất cả”, chứ không phải Sudan là sở hữu riêng của bất kỳ gã độc tài nào.

Cô Alaa Salah đứng trên nóc ô tô hát, cổ vũ cho cuộc biểu tình ở Sudan. Nguồn: Telegraph

Hình ảnh một cô gái trẻ trong áo dài trắng đứng trên nóc xe ô tô đã gây ấn tượng mạnh với người dân và cô đã trở thành biểu tượng của cuộc cách mạng. Cũng như Tổng thống tạm thời Juan Guaido 36 tuổi ở Venezuela, cô gái đã xuất hiện rất tình cờ và bất ngờ chứ không hề có trong danh sách đen của lực lượng an ninh Sudan từ trước.

Những người lính Sudan đứng gác trên những chiếc xe quân sự bọc thép khi người dân tiếp tục cuộc biểu tình. Nguồn: AFP

Điều này cho thấy là nỗ lực của các lực lượng an ninh Việt Nam nhằm đàn áp, trục xuất những người đi đầu của phong trào dân chủ Việt Nam ra nước ngoài chưa chắc đã hiệu quả vì các lãnh đạo có thể là bất kì ai, kể cả những người còn rất trẻ. Nên nhớ Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), lãnh đạo biểu tình ở Hongkong chỉ mới có 17 tuổi.

Sự kiên trì và ôn hòa của nhân dân

Các cuộc biểu tình đã khởi đầu từ tháng 12/2018, nghĩa là người dân Sudan đã liên tục đấu tranh, xuống đường biểu tình trong năm tháng mới đạt được mục tiêu. Chỉ có sức ép kinh khủng và bền bỉ như vậy mới có thể khiến chế độ độc tài lung lay và bị khuất phục.

Cũng chính sự kiên trì kêu gọi một cách hòa bình của người dân đã khiến các tướng lãnh quân đội phải đổi ý và đứng về phía nhân dân, tiến hành lật đổ chính quyền độc tài. Các lực lượng an ninh, công an bảo vệ chế độ phải quy phục chứ không dám thách thức quân đội, dù trước đó, trong vòng 5 tháng biểu tình diễn ra, đã có 3000 người bị an ninh bắt giữ và tra tấn.

Số người bị bắt giữ tuy cao nhưng không còn có thể làm người dân Sudan sợ hãi nữa. Bây giờ họ đã đủ đông và đoàn kết để tiếp tục cuộc đấu tranh. Cuối cùng thì không có hệ thống nhà tù nào có thể nhốt hết toàn bộ người dân Sudan.

Cảm hứng

Trở lại Việt Nam, gần đây, sau khi ông Nguyễn Hữu Linh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Đà Nẵng “nựng” một bé gái trong thang máy, người dân đã đến nhà riêng của ông này để bày tỏ sự phẫn nộ vì ông này chưa bị bắt giữ.

Người dân chọn cách chụp hình trước cửa nhà ông để đưa ảnh lên mạng xã hội. Một số người thậm chí còn ném rác, ghi dòng chữ “ấu dâm” lên cổng nhà ông Linh.

Những hành động bộc phát của người dân cho thấy, người dân căm ghét các đảng viên Cộng sản phạm tội như thế nào. Một người dân bình thường ấu dâm chắc chắn không nhận được sự phẫn nộ lớn như một đảng viên Cộng sản cao cấp như ông Linh ấu dâm.

Hơn nữa, người dân Việt Nam đã sẵn sàng bày tỏ thái độ phẫn nộ với nhà cầm quyền, miễn là những việc đó chưa đẩy họ vào cảnh nguy hiểm để có thể bị truy tố. Như thế, khi trên đường phố đã bắt đầu có đông người biểu tình phản đối chế độ, và những người dân e dè cũng cảm thấy đám đông đã đủ đông và an toàn để rủi ro xuống thấp, họ sẽ sẵn sàng tham gia biểu tình để chấm dứt chế độ độc đảng toàn trị tại Việt Nam. Chắc chắn rằng trình độ dân trí của người dân Việt Nam không thấp hơn các nước châu Phi như Sudan hay Algeria.

Chất xúc tác

Chắc chắn rằng người dân Việt Nam sẽ cần một lý do, một chất xúc tác để tập hợp lực lượng. Ở Sudan, Algeria hay Venezuela, nguyên nhân chỉ có một, đó là kinh tế sụp đổ, thất nghiệp lan tràn.

Với nạn tham nhũng, lãng phí hoành hành, nợ công ngập đầu và một đảng cầm quyền vô trách nhiệm thì chuyện Việt Nam “xuống hố cả nút” (XHCN), kinh tế rơi vào khủng hoảng không có gì là lạ. Đó là chuyện chắc chắn sẽ đến.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đòi tính thêm nền kinh tế ngầm vào GDP để được tăng hạn mức vay nợ, trong khi tốc độ phát triển kinh tế giảm dần qua các năm vì tăng trưởng dựa trên vay nợ, khai thác tài nguyên vô tội vạ, bóc lột nguồn lao động giá rẻ, trình độ thấp, kìm hãm kinh tế tư nhân… Quản trị đất nước như vậy mà chế độ không sụp đổ mới là điều lạ lùng.

Cần chuẩn bị cho nền dân chủ ngay từ bây giờ

Những người dân Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ cần tiếp tục kiên trì, lan tỏa tinh thần dân chủ, ý tưởng dân chủ đến cho bạn bè, gia đình, người thân của mình để sẵn sàng chuẩn bị cho vận hội mới của dân tộc. Dân chủ là điều chắc chắn sẽ đến. Và từng người dân cần chuẩn bị cho nền dân chủ ngay từ bây giờ.

Các cán bộ cộng sản đã chuẩn bị cho ngày đó bằng việc đưa vợ con ra nước ngoài, lấy thêm quốc tịch nước ngoài, như trường hợp của Vũ nhôm hay của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch Malta.

Còn người dân thì phổ biến các giá trị về dân chủ, nhân quyền, tham gia vào các hội nhóm xã hội dân sự, là các cách tốt nhất để chuẩn bị cho giờ G.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây