Phản biện một số ý kiến của tác giả Marwin S. Samuels trong tập “Tranh chấp Biển Đông” (Phần 3)

FB Trương Nhân Tuấn

10-4-2019

Tiếp theo Phần 1 và Phần 2

Ảnh: internet

6/ Một ý kiến khác của Samuels, đã được các học giả TQ (và một vài học giả VN) nhắc đi nhắc lại nhiều lẫn, là “kết hợp” hai Hòa ước Nhật-Trung năm 1952 ký với Đài loan và năm 1972 ký với nhà cầm quyền Bắc Kinh, Nhật đã ngầm công nhận HS và TS thuộc về Trung quốc.

Hòa ước Nhật-Trung năm 1952 nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa?

Hòa ước Trung-Nhật được ký tại Đài Bắc ngày 28 tháng Tư năm 1952. Hòa ước được viết thành 3 bản: bản tiếng Hoa, bản tiếng Nhật và bản tiếng Anh.

Nguyên văn điều 2 Hòa ước dẫn lại như sau:

“It is recognized that under Article 2 of the Treaty of Peace with Japan signed at the city of San Francisco in the United States of America on September 8, 19512 (hereinafter referred to as the San Francisco Treaty), Japan has renounced all right, title and claim to Taiwan (Formosa) and Penghu (the Pescadores) as well as the Spratly Islands and the Paracel Islands”.

Tạm dich: “Hòa ước nhìn nhận Điều 2 của Hòa ước San Francisco ngày 8 tháng 9 năm 1951, Nhật đã từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa, và yêu sách đối với Đài Loan (Formosa) và Bành Hồ (Pescadores) cũng như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.

Hòa ước Nhật-Trung 1952 tái khẳng định nội dung Hòa ước San Francisco 1951 ở phần lãnh thổ mà Nhật từ bỏ. Vậy điều 2 Hòa ước San Francisco nói gì?

Điều 2 khoản b Hòa ước San Francisco: b) Japan renounces all right, title and claim to Formosa and the Pescadores.

Điều 2 khoản f: f) Japan renounces all right, title and claim to the Spratly Islands and to the Paracel Islands.

Gộp hai khoản b) và f) của Hòa ước San Francisco 1951 vào Hòa ước Nhật-Trung 1952 không thể hiểu là Nhật ngầm “công nhận” HS và TS thuộc TQ.

Còn Hòa ước Nhật-Trung ký với Bắc kinh năm 1972 nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa?

Điều ghi nhận là phe cộng sản Trung quốc không hề có tuyên chiến với Nhật vào Thế chiến thứ hai. Không có chiến tranh thì lý do gì ký “hiệp ước hòa bình”?

Tuyên bố chung năm 1972 nội dung có nhắc lại các điều khoản trong Tối hậu thư Postdam:

“Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tái khẳng định rằng Đài Loan là một phần không thể tách tời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chính phủ Nhật hiểu và tôn trọng lập trường này của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và Nhật sẽ vẫn giữ lập trường theo như Điều 8 của Tuyên bố Postdam”.

Vậy nội dung điều 8 của Tối hậu thư Potsdam tháng 8 năm 1945 nói gì?

Nói là:

Nhật Bản phải chấp nhận:

1/ thi hành các điều đã xác định theo tuyên bố Cairo;

2/ lãnh thổ Nhật Bản sẽ chỉ giới hạn trên các đảo Hondo, Hokkaido, Kiousiou và Si Kok cũng như trên một số đảo nhỏ khác sẽ được xác định do các nước đồng minh;

3/ Nhật sẽ bị hoàn toàn giải giới và các lực lượng quân đội Nhật sẽ giải ngũ.

Tức là Hòa ước Nhật-Trung 1972 không nói gì về HS và TS.

Như vậy nội dung điều 2 Hòa ước San Francisco phải là “hệ qui chiếu” cho mọi thắc mắc về số phận lãnh thổ mà Nhật từ bỏ.

Điều 2 Hòa ước buộc Nhật phải từ bỏ mọi “quyền”, “danh nghĩa” và “yêu sách” ở các vùng lãnh thổ đã qui định, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa.

Tức là Nhật không có “quyền” công nhận, chuyển giao, hay có thái độ công khai nào về chủ quyền ở bất kỳ vùng lãnh thổ nào mà Nhật từ bỏ.

Giả sử rằng Nhật nhìn nhận một vùng lãnh thổ mà Nhật từ bỏ cho một quốc gia nào đó, hành vi này trái với nội dung Hòa ước San Francisco, nó không có hiệu lực pháp lý.

Trường hợp ngoại lệ, quần đảo Kouriles nhượng cho Liên Xô. Nhật phản đối vì quần đảo này không bao gồm “lãnh thổ phương Bắc” của Nhật gồm các đảo Etorofu, Kunashiri, Shikotan và quần đảo Habomai. Điều Nhật phản đối ở đây không phải nội dung của hòa ước San Francisco mà vì Liên Xô đã chiếm lãnh thổ của Nhật.

Trả lời báo chí ngày 29-9-1972 (liên quan đến việc hai bên Nhật và Trung cộng bang giao), ông Bộ trưởng bộ Ngoại giao Nhật là Masayoshi Ohira cho biết: hòa ước Nhật-Trung 1952 đã không còn lý do hiện hữu và (tuyên bố) chấm dứt hiệu lực (caduc).

Người ta không thể “kết hợp” nội dung một hiệp ước chấm dứt hiệu lực (caduc) là Hòa ước Nhật-Trung 1952 vào một kết ước mới đang hiệu lực là hòa ước Nhật-Trung 1972.

Tuyên bố của Châu Ân Lai, bên lề Hội nghị San Francisco 1951, không chấp nhận nội dung Hội nghị này. Vì vậy Trung Quốc không nhắc tới nội dung hòa ước 1952 giữa Nhật và Đài loan mà chỉ nhắc tuyên bố (tối hậu thư) Potsdam.

Mặt khác, giả sử rằng người ta chấp nhận hiệu lực việc “kết hợp” hai hòa ước 1952 và 1972. Vấn đề là làm thế nào một quốc gia hiện hữu hai lập trường trái ngược nhau về lãnh thổ?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây