Không bây giờ thì bao giờ?

Nguyễn Vi Yên

8-4-2019

1. Cuối tuần rồi, mình có buổi trò chuyện với người bạn đang theo học thạc sỹ ở Sydney. Bạn, từ góc nhìn của một người ngoài cuộc, e dè một hồi rồi nói “Vi Yên có đấu tranh gì thì cũng cố đừng ‘cực đoan’ nhé”.

Bạn làm mình nghĩ tới câu chuyện về cô Thư Đỗ với câu nói “nếu con mình bị dâm ô, đặc biệt khi thủ phạm là một quan chức cao cấp, mình cũng không kiện” đang dậy sóng mấy ngày rồi.

Hình ảnh của cô bị bêu khắp nơi trên mạng xã hội, với những lời bình luận tấn công mang nhiều thù ghét. Ông Linh, người bị cho là xâm hại bé gái trong thang máy, cũng không tránh khỏi ‘khổ nạn’ này.

Trước cơn sóng giận dữ của cư dân mạng, một cuộc tranh luận mới nổ ra: rốt cuộc, hành động của cư dân mạng lần này là ‘cực đoan’ hay ‘đúng đắn’.

2. Đâu đó mình thấy có bạn trích thoại của Voltaire/Hall rằng “Tôi có thể không đồng ý lời anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của anh”, kèm theo lời kêu gọi hãy thôi công kích cá nhân cô Thư Đỗ.

Mình cũng thấy một vài người dẫn luật nhân thân và các luật khác nữa để lên án những ai đang ném chất bẩn, treo quần xilip, và xịt sơn lên cổng nhà ông Linh.

Song, trích dẫn về quyền thì dễ, đặt nó vào trong bối cảnh để hiểu được nguồn cơn của nó lại là điều khó khăn. Đó là điều mình nhận thức được khi trực tiếp làm các công việc liên quan tới nhân quyền.

3. Án tử hình vẫn đang treo lơ lửng trên đầu ông Đặng Văn Hiến.

Ông vốn là một người dân bình thường như bao người khác, cho đến một ngày nọ, có những người đến cướp đất của ông nhưng chính quyền địa phương không chịu giải quyết, buộc ông phải rút súng ra để bảo vệ mảnh đất của mình.

Hiến pháp đã không bảo vệ ông. Hệ thống pháp luật đã không bảo vệ ông. Cơ quan công quyền đã quay lưng lại với ông. Ông phải tự bảo vệ mình, bằng súng, và rốt cuộc, bằng mạng của những người khác.

Ông bị kết án tử.

Người dân giờ đây cũng như ông Hiến. Những thứ vốn được sinh ra để bảo vệ họ – chính quyền, luật pháp, tòa án, công an – rốt cuộc lại phớt lờ sự an nguy của họ. Họ phải tự chống chọi trước hàng loạt cơn bão cứ xảy tới dồn dập: những đứa trẻ và những cô gái bị tấn công trong thang máy, những em nhỏ bị hành hung, học sinh bị nhiễm sán lợn, vân vân và vân vân.

Sự giận dữ dồn nén ấy, may thay, chỉ mới dừng lại ở chỗ ném chất bẩn vào nhà ông Linh, chứ chưa phải là những tiếng súng liên hồi.

4. Bất mãn lan rộng là nguồn cơn của khủng hoảng xã hội, mà vụ việc ông Linh có thể coi là một triệu chứng. Khi luật không bảo vệ được người dân, họ sẽ không tuân theo nó. Khi chính quyền mặc kệ người dân, họ sẽ tự tìm cách bảo vệ mình, theo cách của riêng họ. “Đúng đắn’ hay ‘cực đoan’ sẽ không còn nằm trong mối bận tâm của họ, khi có nhiều mối an nguy khác khiến họ phải lo lắng hơn.

Khế ước xã hội bị phá vỡ dẫn đến biến động chính trị là chuyện một sớm một chiều, nếu chính quyền không chóng đưa ra những cải cách mang tính hệ thống.

Trong vụ việc này, cải cách cần tiến hành ngay lập tức chính là điều chỉnh luật nhằm ngăn chặn nạn quấy rối tình dục.

Không bây giờ, thì các vị còn đợi đến bao giờ nữa?

Tác giả Nguyễn Vi Yên

___

Ký tên và chia sẻ “Kiến nghị điều chỉnh pháp luật nhằm ngăn chặn bạo lực – quấy rối tình dục”: http://chng.it/4KZNNjHVBQ

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây