Phản biện một số ý kiến của tác giả Marwin S. Samuels trong tập “Tranh chấp Biển Đông” (Phần 1)

Trương Nhân Tuấn

7-4-2019

Qua tập sách Samuels có nhận xét rằng, yêu sách của TQ về chủ quyền HS và TS đặt nền tảng trên “di sản của Thế chiến thứ hai” và “sự trao quyền của đế quốc Nhật”.

Thực ra đây là lập trường của chính quyền Đài loan. Nhà nước này luôn khẳng định chủ quyền của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa đến từ sự “kế thừa” về lãnh thổ đế quốc Nhật đồng thời dựa lên các văn kiện quốc tế như Hòa ước San Francisco 1951 và Hòa ước Trung-Nhật năm 1952. Nhà cầm quyền Bắc Kinh sau này lấy đó làm nền tảng chung cho lập trường của TQ. Phía TQ cũng thêm vào một số “bằng chứng lịch sử” cũng như “chủ quyền lịch sử” mơ hồ về đường chữ U 9 đoạn (hay 11 đoạn).

Nếu những lời biện giải của Samuels là “đúng”, danh nghĩa chủ quyền của TQ ở HS và TS sẽ được khẳng định bằng các chứng từ pháp lý (danh nghĩa pháp lý). Phần lớn các vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ được phân xử trước một tòa quốc tế, không ngoại lệ, quan tòa luôn so sánh và thẩm định giữa hai yếu tố “danh nghĩa” với “effectivité”.

Nhưng có thực là những dẫn chứng hoặc biện giải của Samuels qua tập sách có “đúng”, hay “hợp lý” hay không ? Nhiều học giả VN và quốc tế đã dẫn những ý kiến của Samuels rồi cho rằng Đài loan đã có chủ quyền ở HS và TS qua hiệp ước Trung-Nhật 1952. Theo tôi, những ý kiến của Samuels (để củng cố lập luận “danh nghĩa pháp lý” của TQ ở HS và TS) đa số đều không thuyết phục.

Một số ý kiến “sai lầm” của Samuels trong sách được dẫn ra sau đây:

1/ Về công ước phân định biên giới 1887, Samuels cho rằng : “đường ranh giới theo hiệp định này (tức là đường kinh tuyến 108°03’ kinh độ đông) không khẳng định và cũng không bác bỏ việc phân định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Đây là một sai lầm lớn lao của Samuels.

Đường kinh tuyến 108°03’ kinh độ đông mà Samuels nhắc là dẫn từ điều 2 của Công ước phân định biên giới giữa Trung hoa và Bắc Kỳ ngày 26-6-1887 – “Convention relative à la délimitation de la frontières entre entre la Chine et le Tonkin”. Nguyên văn điều 2 như sau:

2° Les points sur lesquels l’accord n’avait pu se faire entre les deux Commissions et les rectifications visées par le 2e paragraphe de l’article 3 du Traité du 9 juin 1885 sont réglés ainsi qu’il suit:

“Au Kouang-tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkaï, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de la délimitation, sont attribués à la Chine. Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105° 43’ de longitude est, c’est-à dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-Kou ou Ouan-chan (Tra-Co) et formant la frontière, sont également attribués à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam… ”

Tạm dịch:

“2/ Các địa điểm mà tại đó hai Ủy Ban đã không có sự đồng thuận, cũng như những sửa đổi chiếu theo phần 2, điều 3, của Công Ước ngày 9 tháng 6 năm 1887, chúng được giải quyết như sau:

Khu vực Quảng Ðông, hai bên đồng ý rằng những địa điểm tranh chấp về phía Ðông và phía Ðông-Bắc Móng Cái, những địa điểm này ở phía bên kia của đường biên giới đã được ủy ban phân định xác định, chúng được giao cho Trung Hoa. Những hòn đảo ở về phía Ðông của đường kinh tuyến Paris 105° 43’ kinh độ Ðông, có nghĩa là đường thẳng Bắc Nam đi qua đông điểm của đảo Tch’a Kou hay Ouan-Chan (Trà Cổ) và tạo thành đường biên giới, cũng được giao cho Trung Hoa. Các đảo Go-Tho và những đảo khác ở về phía Tây của đường kinh tuyến nầy thì thuộc về cho An Nam.”

Nguyên văn, đường kinh tuyến Paris 105°43’. Để phổ thông hóa tiêu chuẩn tọa độ, Samuels đổi thành kinh tuyến Greenwich 108°03’.

Từ khi hai bên Pháp và nhà Thanh ký Hiệp ước Thiên Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885, điều 3 Hiệp ước này qui định : “trong một thời gian 6 tháng từ khi ký kết hiệp ước này, những ủy viên (phân định biên giới) sẽ được hai bên chỉ định để ra thực địa để nhìn nhận đường biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ (Tonkin). Những người này sẽ cắm mốc ở mọi nơi thấy cần thiết để đường biên giới được xác định”.

Người ta phải mất hai năm (thay vì 6 tháng như qui định) để ký kết Công ước phân định biên giới 1887, một kết ước không có giá trị vì phân định biên giới trên những tấm bản đồ hoàn toàn sai do phía Trung Hoa cung cấp. Người ta phải mất thêm 10 năm nữa, đến năm 1897 việc cắm mốc biên giới mới hoàn tất. Trong suốt 12 năm, các ủy ban Pháp lần lượt làm việc với các ủy ban thuộc Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Hàng chục thùng hồ sơ được lưu trữ ở văn khố Pháp. Ta không tìm được một mảnh giấy nào nói về việc phân định trên biển, ngoại trừ đoạn Samuels đã dẫn.

Đoạn văn này nói gì?

Theo qui định từ các công ước Vienne về hiệu lực các công ước, nếu một điều ước có ý nghĩa mù mờ, không xác định được ý nghĩa, người ta phải qui chiếu về mục tiêu ký kết công ước (điều 31) và quá trình thương thảo các công ước (điều 32) để tìm dữ liệu soi sáng các điểm mờ.

Nếu có tham khảo hồ sơ phân định biên giới Pháp-Thanh 1887, ta thấy 12 năm làm công tác phân định, sau đó cắm mốc phân giới, tất cả thời gian của các bên đều cống hiến cho việc xác định biên giới trên đất liền. Và mục đích của công ước, như tên của nó đã xác định, là “phân định biên giới” giữa Trung hoa và Bắc Kỳ.

Tức là nếu “đường kinh tuyến 105°03’ kinh độ đông làm thành đường biên giới”, có hiệu lực để “phân chia ranh giới”, thì nó chỉ có hiệu lực ở Bắc Kỳ (Tonkin) và Trung Hoa mà thôi.

Thời kỳ Pháp bảo hộ, VN được phân chia thành 3 vùng: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (An Nam) và Cochinchine (Nam kỳ). Bắc kỳ có qui chế “thuộc địa”. An Nam có qui chế “bảo hộ” và Nam kỳ có qui chế là “nhượng địa”. Tất cả cùng với Cambodge và Lào họp lại trở thành “Liên bang Đông dương” thuộc Pháp.

Vì vậy, ngoài ý nghĩa đường phân chia các đảo, người ta chỉ có thể diễn giải “đường kinh tuyến Paris 105°43’” là đường biên giới trong Vịnh Bắc việt (Golf du Tonkin). Người ta cũng có thể suy diễn đường kinh tuyến 105°43’ kéo thẳng về phía bắc, xuyên qua lãnh thổ Trung hoa, những đảo nào ở phía tây đường này thuộc về Việt Nam. Nhưng người ta không thể nối dài nó về phía nam, vượt ra khỏi lãnh thổ của Bắc Kỳ. Vượt qua, công ước không còn hiệu lực, vì nó đã xâm phạm qua vùng “lãnh thổ” có qui chế khác.

Điều cần biết thêm, “những địa điểm tranh chấp phía đông và đông bắc Móng Cái” đề cập trong công ước là các khu vực nào?

Nếu ta có tham khảo hồ sơ phân định biên giới, các địa điểm tranh chấp là doi đất mang tên mũi Bạch Long và các đảo trong vịnh Vạn Xuân mang tên Sơn Tâm, Vu Đầu, Vạn Vĩ… (nay được TQ gọi chung dưới tên Tam Đảo). Những địa danh này thuộc về Việt Nam, chứng minh bằng các tập địa chí của TQ, cũng như bằng tài liệu của nha kinh lược ở Huế. Những địa điểm quan trọng về kinh tế và chiến lược này đơn thuần bị Pháp giao cho Trung Hoa để được quyền lợi về kinh tế.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Baotiengdan.com tuy không phải là một diẽn đàn chuyên biệt về đè tài này, nhưng rất hữu ích cho độc giả, cho mọi người Việt Nam khi baotiengdan.com phổ biến & đăng lại những bài như thế này từ fb TNT

  2. Tác giả nên viết bằng Anh ngữ và trực tiếp phản biện nơi tạp chí nào mà Marwin S. Samuels đăng bài viết, như vậy sẽ có tác dụng trao đổi nhiều hơn. Báo Tiếng Dân không phải là một diễn đàn phù hợp để tranh luận cho chuyên đề này. Trân trọng

Leave a Reply to Noileo Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây