Bối rối văn bia

Hoàng Xuân Nhuận

3-4-3019

Hôm vừa rồi tôi đã rất bối rối khi đặt thợ khắc văn bia cho bố vợ tôi là giáo sư, nhà giáo nhân dân Ngô Thúc Lanh.

Số là anh Việt (anh vợ tôi) cho biết, các chú nguyên học trò của cụ đã đến tòa soạn báo Nhân Dân đề nghị đăng cáo phó. Quý tòa đã yêu cầu các chú trình quyết định phong tặng danh hiệu NGND. Trong hoàn cảnh tang gia bối rối, con cháu cụ đã cố gắng tìm, nhưng cuối cùng thì vỡ nhẽ ra chưa ai từng thấy một quyết định như vậy.

Thế là các chú bèn kéo nhau lên Bộ của anh Phùng Xuân Nhạ tìm tư liệu lưu trữ. Hóa ra cụ Lanh được phong tặng danh hiệu NGND từ năm 1988, thời buổi rất khó khăn, nên quyết định đã không được lưu lại.

Đối với tôi việc báo ND không đăng cáo phó là việc không cần bận tâm, vì khối báo khác đã đăng, nhưng cái sự quản lý công danh quan liêu bao cấp đã khiến tôi suy nghĩ nhiều.

Quả vậy, đã có không ít oan sai ngút đến trời xanh, thế mà những cơ cơ cấu có trách nhiệm quản lý chưa bao giờ kiểm điểm nghiêm túc trước Đảng và dân.

Chỉ xin nêu ra một sự việc trong gia đình tôi.

Trước hết, trên ảnh 1 là bằng huân chương Kháng chiến hạng nhất mà ba tôi, cụ Hoàng Xuân Nhị, được tặng vào dịp 15 năm thành lập nước (1960). Trải qua 68 năm, chiến tranh và sơ tán, tấm bằng đã hư hại nhiều, nhưng vẫn nhận thấy hai thông tin tối quan trọng ở góc dưới bên trái bị thiếu, đó là số lệnh và số huân chương được lưu vào sổ.

Ảnh chụp bằng huân chương không chính danh vì ở góc trái thiếu số lệnh và số huân chương. Hồ sơ công trạng gần như chắc chắn đã thất lạc. Nguồn: Hoàng Xuân Nhuận

Về việc này thì ba tôi đã kể lại như sau. Hồi đó Huân chương kháng chiến hạng nhất là do Bác Hồ đích thân duyệt thành tích và ký lệnh. Bác đã mời một số trí thức Nam Bộ, trong đó có ba tôi và cụ Phạm Thiều, lên gặp và nói rõ rằng Bác đã đọc kỹ báo cáo thành tích nên rất trân trọng công lao của trí thức Nam Bộ tham gia kháng chiến.

Riêng về ba tôi, do biệt phái sang quân đội và chuyển ngành muộn vì thế gặp nhiều bất cập trong việc bổ nhiệm công tác, bởi vậy tuy đã ký bằng, nhưng Bác cho biết Bác chờ đến lượt số đẹp sẽ ký lệnh và vào sổ để sau này danh phận của ba tôi được hanh thông hơn.

Cần phải nói rõ thêm, ba tôi nguyên là Khu ủy viên, Ủy viên UB Hành chính kháng chiến Nam Bộ, Chính ủy trung đoàn quốc tế – như vậy trong giới nhà giáo, về chức vụ Đảng, hành chính và quân sự thì ba tôi chỉ đứng sau GS Trần Văn Giàu. Ấy thế mà khi nhận công tác tại trường ĐH Tổng hợp thì chức danh duy nhất còn trống là phó chủ nhiệm khoa và bộ môn chưa có ai đảm nhận là Văn học Nga – mà cả thầy lẫn trò phải bắt đầu từ số không.

Đúng dịp phát huân chương thì Bác Hồ đi công tác nên thư ký của Bác, thấy bằng đã được ký, thì cứ vậy cho mang đến lễ trao tặng để phát cho ba tôi.

Bây giờ, nếu đặt lại vấn đề chính danh như báo Nhân Dân đã đặt ra với cụ Ngô Thúc Lanh, bố vợ tôi, thì e rằng Huân chương kháng chiến hạng nhất do đích thân Bác Hồ xét duyệt là không chính danh vì không có số lệnh, chưa được vào sổ và sẽ không ai hình dung nổi rằng cái cụ phó chủ nhiệm khoa được thưởng huân chương vì lý do gì.

Bởi vậy tôi thấy bối rối khi soạn văn bia là đúng thôi.

Cuối cùng, sau khi suy nghĩ chán chê, tôi không trách móc gì hệ thống quản lý công danh của Đảng và Nhà nước mà chỉ thấy buồn vì cái sự công danh ngày càng trở nên tù mù, xuống cấp, cho nên tình cảm trân trọng của dân với những người thực sự có danh phận và có công với nước ngày càng mờ nhạt đi.

Suy nghĩ như vậy nên tôi bàn với anh Việt và cả gia đình hay là ta dẹp béng đi những rắc rối liên quan đến hệ thống quản lý công danh quan liêu bao cấp nên chỉ ghi trên bia đơn giản là Nhà giáo Ngô Thúc Lanh.

Anh Việt và toàn gia đình đã đồng ý, nên hôm nay trên bia tạm của cụ chỉ ghi nhà giáo Ngô Thúc Lanh (ảnh 2). Sau 49 ngày, chúng tôi sẽ bắt đầu hoàn thiện mộ của cụ bà, cụ ông và toàn khu nghĩa trang của 2 chi thuộc dòng họ Hoàng và Ngô tại Hà Nội.

Ảnh chụp bia tạm của Nhà giáo Ngô Thúc Lanh. Nguồn: Hoàng Xuân Nhuận

Kính mong thân quyến hai họ, các chú cựu học trò của cụ và bạn bè thân hữu gần xa thông cảm với cái sự bối rối văn bia của chúng tôi.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Có gì mà bối rối,anh Hoàng Xuân Nhuận? Tôi tin Thầy sẽ hài lòng với danh xưng “Nhà Giáo Ngô Thúc Lanh” hơn tất cả các danh xưng “to tát” khác. Chính nhân cách của một nhà giáo chân chính là di sản lớn nhất mà Thầy đã để lại cho bao thế hệ học trò.

  2. Có gì mà bối rối,anh Hoàng Xuân Nhuận. Tôi tin Thầy sẽ hài lòng với danh xưng “Nhà Giáo Ngô Thúc Lanh” hơn tất cả các danh xưng “to tát “ khác. Chính nhân cách của một nhà giáo chân chính là di sản lớn nhất mà Thầy đã để lại cho bao thế hệ học trò.

  3. Có gì mà bối rối ,anh Hoàng Xuân Nhuận? Tôi tin rằng Thầy sẽ hài lòng với danh xưng “Nhà Giáo Ngô Thúc Lanh” hơn tất cả những danh xưng “to tát” khác. Chính nhân cách của một nhà giáo chân chính là di sản lớn nhất mà Thầy đã để lại cho bao thế hệ hoc trò.

  4. Thứ anh Hoàng Xuân Nhuân:
    Thuở thầy Trần Văn Giàu còn tại thế,một lần tôi đến thăm,cùng đi có một vị nguyên phó chủ tịch thành phố HCM và một Việt kiều.Vừa gặp thầy Trần Văn Giàu tôi nói: hôm nay tôi đến thăm ông với tư cách một công dân ở Quảng Ngãi,đến thăm thầy giáo Trần Văn Giàu,còn chuyện ông làm lớn ở miền Nam,rồi người ta đưa ông ra Bắc ngồi chơi xơi nước,giờ về đây người ta gắn Huân chương cho ông- điều đó đối với tôi vô nghĩa!
    Bia mộ Thầy Lanh ghi như anh là Vĩnh cửu.Chào anh nhé.

Leave a Reply to Nguyễn Tiến Tài Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây