Lợi dụng một nghị quyết của BCT, các nhà lãnh đạo tiền nhiệm TP Đà Nẵng ngồi xổm lên luật pháp, phá nát bán đảo Sơn Trà

Hoàng Hải Vân

2-4-2018

Đưa bán đảo Sơn Trà trở thành “rừng cấm”, sau đó là “Khu bảo tồn thiên nhiên” quốc gia với diện tích hơn 4000 ha là quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo luật, chuyển mục đích đất rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên sang mục đích khác phải là thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.

Cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào như vậy, nhưng khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vẫn bị phá nát, rừng nguyên sinh bị xâm phạm nghiêm trọng. 1.300 ha rừng đã đưa khỏi khu bảo tồn để phục vụ cho các dự án du lịch và “tâm linh” không căn cứ trên một cơ sở pháp lý nào. Thông tin về vấn đề này tôi đã từng phân tích tại đây: Sơn Trà ký sự – Kỳ 3: Mấu chốt của những vấn đề ‘nóng’ trên bán đảo Sơn Trà.

Gần đây, khi báo cáo giải trình về các dự án trên bán đảo, một văn bản của UBND Đà Nẵng do Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn ký (ông Tuấn này vừa bị khởi tố), có đề cập đến các “căn cứ pháp lý”, căn cứ đầu tiên là Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước“, Nghị quyết này do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ký ngày 16-10-2003. Có nghĩa là, cho đến thời điểm này, Chính quyền TP. Đà Nẵng vẫn viện vào Nghị quyết 33 để hợp pháp hóa các dự án phi pháp trên bán đảo.

Liên quan đến bán đảo Sơn Trà, Nghị quyết 33 ghi như sau: “Thành phố Đà Nẵng cùng với Bộ Quốc phòng xây dựng các phương án kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các địa bàn chiến lược của thành phố, đặc biệt là khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Vân; thống nhất xác định cụ thể việc quy hoạch sử dụng khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Vân phục vụ cho phát triển kinh tế văn hóa – du lịch – dịch vụ gắn với quốc phòng – an ninh, trừ một số khu vực có các công trình phòng thủ; có phương án triển khai và giải pháp bảo đảm bí mật cho các công trình quốc phòng”.

Chỉ đạo đưa bán đảo Sơn Trà (và cả khu vực rừng núi Hải Vân nữa) vào “phục vụ cho phát triển kinh tế-du lịch-dịch vụ” mà không hề có một câu một chữ nào yêu cầu bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, đó chính là “cây gậy” chống cho ông Nguyễn Bá Thanh và các vị cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng ngồi xổm lên luật pháp để phá nát bán đảo Sơn Trà.

Tôi không có căn cứ gì để nói rằng các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Đà Nẵng đã “chạy” để có được bản Nghị quyết trên, mặc dù ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch thành phố, nay đã bị bắt giam) từng lên truyền thông khoe mình đã chuẩn bị các nội dung để làm căn cứ cho bản Nghị quyết đó.

Tôi chỉ muốn nói rằng, chỉ có thể thi hành nội dung nói trên của bản Nghị quyết khi biến thành luật pháp, tức là Chính phủ phải có một quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Thanh và các đồng mưu (phần lớn đã bị khởi tố trong các vụ án khác) đã bất chấp, các ông này coi Nghị quyết Bộ Chính trị là tột đỉnh pháp lý rồi, chẳng coi luật pháp quốc gia, chẳng coi nhà nước pháp quyền ra cái thể thống gì cả.

Gần đây, Bộ Chính trị lại ra một bản Nghị quyết khác về Đà Nẵng thay thế Nghị quyết 33, đó là Nghị quyết 43, ban hành ngày 19-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tôi chưa đề cập đến nội dung bản Nghị quyết này có phù hợp hay không, dù Nghị quyết có đề cập đến việc bảo vệ rừng và môi trường sinh thái. Chỉ muốn nói rằng, với một loạt cán bộ chủ chốt của thành phố đã bị đưa vào vòng tố tụng sau một quá trình thi hành Nghị quyết 33, trong khi vấn đề bán đảo Sơn Trà chưa có kết luận thanh tra, lẽ ra Ban Kinh tế Trung ương cần phải tham mưu cho Bộ Chính trị kiểm điểm việc thi hành Nghị quyết 33, xác định rõ trách nhiệm của các cán bộ vi phạm luật pháp, lợi dụng Nghị quyết của Đảng để làm sai trái phục vụ cho các nhóm lợi ích trước khi tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành bản Nghị quyết mới thay thế.

Và các cơ quan bảo vệ pháp luật và cả các cơ quan bảo vệ Đảng nữa, cần lưu ý, nếu như các cơ quan này không căn cứ vào luật pháp để xử lý các vấn đề của Sơn Trà mà chỉ căn cứ vào Nghị quyết của Đảng để hợp thức hóa việc phá nát bán đảo Sơn Trà một cách phi pháp, thì chính các vị sẽ phế bỏ pháp quyền và làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Bộ Chính trị.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Nghe các bác chửi mắng nhau tui không biết mô tê chi cả ! Thôi từ nay xin bái bai không đọc chi hết cho khỏe cái long thể tui ! Chào các bác !

  2. Ông bà ta có câu “Mưa xuống ễnh ương kêu”, rất đúng với giọng điệu của tác giả bài này. Một loại ễnh ương.

    Ễnh ương này từng cung kính gọi nguyễn phú trọng và trương tấn sang là “Cụ” thì đủ biết y thuộc bè phái nào rồi. Nói rằng Nguyễn Bá Thanh “chẳng coi luật pháp quốc gia, chẳng coi nhà nước pháp quyền ra cái thể thống gì cả” là … xạo. Việt Nam làm gì có luật pháp, làm gì có pháp quyền. Cả cái nước này có gì là luật pháp? Cái gọi là “luật pháp” chỉ là một số quy định do người cộng sản đẻ ra để bảo vệ lợ ích của giai cấp thống trị cộng sản. Chính Lê Duẩn từng tuyên bố “Luật pháp là tao”. Vậy thì đừng lôi NBT ra mà chỉ trích. Hãy chỉ trích những kẻ còn đang sống mà tác giả bài này gọi họ là “Cụ”.

  3. Ông HHV.này không biết ân oán gì với người đã chết NBT.mà bây giờ
    toàn lên giọng moi móc đầy cay đắng đến như thế cơ chứ ?
    Tội lớn nhất của ông ta là bán đât cho Sungroup làm cái gọi là “trung
    tâm du lịch sinh thái’,kể cả đuổi người Cùi ra khỏi làng Hoà Vân.
    Nếu tôi nhớ không lầm thì HHV.hâu như không dám viết bài nào phê
    bình hay chỉ trích NBT.cả,khi ông ta còn đương chức !

Leave a Reply to Hoàng Troành Đoạch Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây