Luật sư chỉ định, ông là người của ai?

FB Ngô Anh Tuấn

30-3-2019

Chúng ta phải thừa nhận một thực tế đã và đang diễn ra là các luật sư bào chữa theo chỉ định chỉ mang nặng tính hình thức, có mặt cho đủ thủ tục tố tụng, còn chất lượng tranh tụng hay nhiệt huyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo là một vấn đề còn bỏ ngỏ.

Ăn cây nào, rào cây ấy

Bổn phận của luật sư là bảo vệ thân chủ, nguyên tắc ấy là bất di bất dịch. Tuy vậy, đối với luật sư chỉ định, nguyên tắc ấy nhiều lúc bị lung lay. Luật sư bảo vệ thân chủ nhưng người trả tiền cho luật sư lại là các cơ quan tiến hành tố tụng (chính xác hơn là ngân sách nhà nước) mà quyền lợi của thân chủ và quyền lợi của các cơ quan tiến hành tố tụng/những người tiến hành tố tụng không phải lúc nào cũng trùng khớp nhau. Do đó, khi phải lựa chọn để “bảo vệ” một trong hai phía thì luật sư chỉ định buộc phải nghiêng về phía người chi trả tiền cho mình. Xét về mặt đạo hành nghề luật sư thì có vẻ như luật sư này đang vi phạm nhưng xét về đạo đức làm người thì có lẽ họ đúng vì ăn cây nào thì họ rào cây ấy cũng không phải là điều khó hiểu.

Lựa chọn

Khi phải lựa chọn giữa hai phương án: đi ngược lại quyền lợi của thân chủ hoặc từ chối tiếp tục bảo vệ một cách khiến cưỡng, luật sư chỉ định nên làm gì? Nếu có bản lĩnh, họ nên từ chối tiếp tục công việc mà họ hiểu rằng họ không thể giúp được thân chủ, nếu không muốn nói là làm hại thân chủ. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng không nhiều luật sư chỉ định làm được điều đó. Có người hơi cực đoan khi nhận định “không có việc thì mới đi làm luật sư chỉ định”, nhưng không phải đó là một nhận định không có lý. Vì thiếu chút bản lĩnh, vì mối quan hệ ràng buộc lằng ngoằng mà nhiều khi các luật sư chỉ định đã vô tình hay hữu ý trở thành những cánh tay nối dài của các cơ quan tiến hành tố tụng/những người tiến hành tố tụng.

Có không ít trường hợp những luật sư chỉ định trở thành cứu cánh, trở thành giải pháp hữu ích, gỡ rối cho các cơ quan tiến hành tố tụng để khép lại một quy trình làm án hoàn hảo về mặt thủ tục dù có thể nó chứa đựng đầy rẫy sự bất công, sai trái về nội dung. Tôi được biết rằng có một bộ phận luật sư chuyên đi cãi án chỉ định và đó là công việc chính của họ – nếu đi ngược lại với ý kiến của những người mời mình thì lần sau khó lòng mà họ được mời tiếp trong các vụ án khác; cái khó của các luật sư chỉ định chủ yếu nằm ở đó.

Một ví dụ

Mới đây, tôi tham gia một vụ án có dấu hiệu oan sai ở Thái Nguyên; vụ án đã được TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm và bị cáo kháng cáo kêu oan. Luật sư chỉ định sơ thẩm tiếp tục là luật sư chỉ định ở cấp phúc thẩm nhưng gia đình mời thêm luật sư là tôi. Mặc dù bị cáo kêu oan nhưng luật sư chỉ định luôn động viên bị cáo nhận tội, đồng thời còn suốt ngày gọi giục gia đình bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả khiến gia đình họ rất bức xúc và đề nghị tôi bảo bị cáo từ chối luật sư này đi – tôi không làm điều đó và có bảo thêm, nếu gia đình mong muốn điều đó, hãy nói với bị cáo khi thăm gặp. Tôi không hiểu, trong trường hợp này luật sư chỉ định này làm việc đó để làm gì, họ đang cố gắng bảo vệ cho ai?

Giải pháp nào?

Luật sư chỉ định làm theo kế hoạch, hưởng theo tiêu chuẩn (thấp) nên đặt ra yêu cầu khắt khe với họ là điều không dễ. Trong phạm vi bài viết ngắn này tôi chỉ nêu ra một góc khuất nhỏ cần giải mã chứ không phải là giải pháp chung cho toàn bộ chế định này.

Nếu thực tâm muốn có luật sư để bảo vệ một cách thiết thực cho bị can/bị cáo thuộc diện được cử luật sư chỉ định thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần giao hẳn việc này cho Liên đoàn luật sư và các đoàn thành viên, đồng thời không can thiệp/tác động vào công việc của họ dưới bất kỳ hình thức nào. Hiện tại, tiếng là đoàn luật sư chỉ định nhưng thực chất là cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định (giới thiệu) những người nào “hợp cạ” với mình thôi.

Mặc dù luật sư chỉ định không phải là nơi màu mỡ để nhiều người muốn vào nhưng đó cũng là đất sống của một bộ phận người nên muốn yên ổn hành nghề, muốn hay không thì họ cũng phải chấp nhận luật chơi. Như vậy, chỉ khi nào được tạo cơ chế thực sự độc lập một cách vô điều kiện thì những luật sư chỉ định mới có thể khách quan bảo vệ thân chủ được – ngược lại, với cơ chế hiện tại, việc họ trở thành gián điệp hoặc luật sư phản chủ là điều rất dễ xảy ra…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ở Đức luật sư chỉ định được Tòa án cử theo nguyện vọng của thân chủ (nghi can) chứ không theo chỉ định đơn thuần phía nhà nước (tất nhiên Tòa cho 1 thời hạn ví dụ 3 ngày để nghi can đưa ra tên của luật sư – chậm chễ Tòa mới cử). Chỉ có thể 1 nghi can muốn có 1 luật sư ở quá xa (ví dụ bị bắt ở Hà Nội mà muốn luật sư Sài Gòn) thì nhiều khả năng bị từ chối do phí tổn nhà nước không chịu nổi. Nếu Việt Nam cũng làm như Đức hay các nước văn minh thì các luật sư không cần lo lắng.

  2. Dân biểu quốc hội, nhân viẻn chính phủ, thẩm phán, tất cả đều ăn lương từ ngân sách nhà nước, tuy nhiên có khi vì công việc & nhiệm vụ của mình mà dân biểu quốc hội có thể trở nên xung khắc với bộ trưởng…, có khi chánh án tuyên bản án ngược với mong muốn của bộ trưởng, trái ý dân biể…, đó là sự thường

    “Luật sư chỉ định”, ăn lương & lệ phí từ ngân sách quốc gia như nhân viên công tố, có trách nhiệm khác với nhân viên công tố, có trách nhiệm, theo luật đã ấn định, là bênh vực nghi can, bị cáo

    Không tích cực làm tròn nhiệm vụ bênh vực nghi can & bị cáo, chống lại những tố cáo của công tố, thì luạt sư đó, dù là “chỉ định”, là luật sư bất lương, là kẻ bất tín, bất nghĩa

Leave a Reply to Noileo Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây