Khép một “chương” đời

FB Trần Đức Anh Sơn

30-3-2019

Ngày mai, 31/3/2019, sẽ là ngày tôi chấm dứt “sự nghiệp” viên chức nhà nước của mình sau 29 năm 1 tháng 11 ngày theo đuổi “sự nghiệp” ấy. Quyết định cho tôi thôi việc đã được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng ký hôm thứ Năm (28/3/2019), mà hôm nay và ngày mai là hai ngày nghỉ cuối tuần, nên chính xác thì tôi đã chấm dứt sự nghiệp “viên chức” từ 5g chiều qua (29/3/2019).

Bắt đầu từ 01/4/2019, tôi sẽ làm việc trong khu vực tư nhân, với vai trò của một “phu chữ” (xin mượn từ này của nhà thơ Lê Đạt) để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê viết lách và làm sách của mình.

Hơn 29 năm làm viên chức nhà nước là một quãng đời khá dài, ghi dấu sự “lớn lên” của tôi về nhiều mặt: tuổi tác, thể chất, học vấn, kinh nghiệm, tư duy, tình cảm, ý nguyện. Trong 29 năm ấy, tôi đã trải nghiệm nhiều công việc, vị trí công tác và chức trách khác nhau: hướng dẫn viên du lịch, nghiên cứu viên, quản lý bảo tàng, giảng viên đại học, nhà báo… Có quá nhiều điều đã xảy đến với tôi trong hơn 29 năm ấy, chắc chắn là không thể nào kể hết nơi đây. Thôi thì tạm điểm qua một vài “việc chính”, kiểu như một sơ kết về những gì tôi đã làm trong hơn 29 năm phụng sự “việc công”, để khép lại một “chương” cũ, trước khi bước sang một “chương” mới trong đời. Sơ lược như sau:

– Tôi chính thức làm việc trong hệ thống nhà nước từ ngày 20/2/1990. Nơi tuyển dụng đầu tiên là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Từ đó đến nay, tôi đã thay đổi vị trí làm việc 5 lần; đã “dịch chuyển” từ Huế vô Hội An, rồi trở ra Đà Nẵng. Nơi tôi làm việc lâu nhất là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) với 6 năm làm phó giám đốc, 7 năm làm giám đốc, tổng cộng là 13 năm (1995 – 2007). Nơi tôi làm việc ngắn nhất là Đại học Phan Châu Trinh ở Hội An (1 năm) với cương vị là Trưởng khoa Việt Nam học.

– Về viết lách, trong 29 năm qua, tôi đã xuất bản được 9 đầu sách viết riêng, 3 đầu sách viết chung và 12 cuốn sách với tư cách là chủ biên. Những cuốn sách tôi viết hay chủ biên, chủ yếu là về lịch sử – văn hóa Huế, di tích và văn vật của triều Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông… Tôi cũng đã viết rất nhiều bài báo / bài nghiên cứu (không nhớ chính xác, nhưng ước khoảng trên 1.500 bài), đăng tải trên khoảng 300 tờ báo và tạp chí khác nhau ở trong và ngoài nước. Tôi đã tập hợp nhưng bài đăng báo này, copy và đóng thành bộ TRẦN ĐỨC ANH SƠN TOÀN TẬP để lưu trữ tại tủ sách gia đình. Đến nay, bộ toàn tập này đã được 18 tập.

– Về nghiên cứu khoa học, tôi đã chủ trì 13 đề tài / đề án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xã hội – nhân văn; và hiện đang chủ trì 2 đề án nghiên cứu khác sẽ kết thúc trong năm nay. Tôi đã tham dự khoảng 40 hội thảo khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn; có 5 bài nghiên cứu được đăng trong tạp chí chuyên ngành ở Nhật Bản (2 bài), Hàn Quốc (2 bài) và Pháp (1 bài).

– Về giảng dạy và đào tạo, tôi được 5 trường đại học và cao đẳng ở Huế, Hội An, Đà Nẵng và 2 trường từ Sài Gòn và Hà Nội (mở phân hiệu ở Huế) mời giảng dạy cho sinh viên bậc cao đẳng và đại học từ năm 1998 đến năm 2013. Trong đó, trường Đại học Phú Xuân ở Huế là nơi tôi tham gia giảng dạy lâu nhất, cho sinh viên các ngành Lịch sử, Địa lý – Du lịch và Văn hóa – Du lịch từ khóa 1 đến khóa 7. Tôi đã hướng dẫn 10 học viên cao học làm xong luận văn thạc sĩ tại các cơ sở đào tạo ở Huế và Hà Nội, hiện đang hướng dẫn 01 học viên khác làm luận văn thạc sĩ tại một trường đại học ở Sài Gòn.

– Về nghiên cứu và tu nghiệp ở nước ngoài, tôi đã đoạt được học bổng toàn phần của các chính phủ nước ngoài để đi tu nghiệp và nghiên cứu ở: Nhật Bản (1997 – 1998), Hàn Quốc (1999), Đức (2004), Pháp (2004) và Hoa Kỳ (2015 – 2016). Tôi cũng đã đi tới 18 quốc gia / vùng lãnh thổ và quá cảnh ở 5 quốc gia khác nhau. Các chuyến đi này chủ yếu là vì việc công hoặc đi du học. Chỉ có 5 chuyến đi là du lịch cùng gia đình. Nhờ những chuyến đi này mà tôi được mở mang kiến thức và mở rộng tầm nhìn, tư tưởng.

Có thể nói rằng, trong hơn 29 năm đó, tôi đã làm tròn trách nhiệm của một viên chức, của một người nghiên cứu khoa học và của một người trao truyền kiến thức cho thế hệ trẻ. Ngoài 3 việc này ra, những việc khác tôi làm thì có thành công, có thất bại, có hay, có dở. Nhưng tất thảy đều do tôi tự làm, tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm.

Nhân đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các đồng nghiệp ở tất cả những nơi tôi từng kinh qua, đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong nghiên cứu, làm báo, hay trong công tác quản lý.
Tôi cũng rất biết ơn các thế hệ sinh viên, học viên cao học ở nhiều nơi trong nước đã luôn tin tưởng, tín nhiệm, quý mến tôi, cho dù tôi luôn khắt khe với các em.

Ngày mai, tôi sẽ chính thức khép lại một “chương” của đời mình, để bước sang một “chương” mới. Theo lá số tử vi do GS. Trần Quốc Vượng chấm cho tôi vào năm 1995, thì tôi còn 36 năm góp mặt trên cõi nhân gian để viết thêm những “chương” đời khác nữa. Vì thế, tôi hy vọng những “chương” đời phía trước của tôi cũng sẽ sôi nổi và đáng nhớ như “chương” đời đã qua, nhưng sẽ suôn sẻ và ít rắc rối hơn.

Rứa hỉ!

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Vấn đề của qúy bác nói ở trên thì được phân tích dưới nhiều lăng kính,
    chứ không phải chỉ 1,theo thiển ý của tôi.
    Về phần tôi,tôi chỉ nghĩ vấn đề hữu ích như thế này là mình làm được
    gì có lợi cho nước và dân hay không,chứ không phải làm cho đảng CS.
    cho dù họ vơ lấy hết về cho họ nhưng đáng tiếc là nhiều khoa bảng cứ
    bị dảng CS.lợi dụng giới này để tuyên truyền.

  2. Bác là người có năng lực siêu việt. Một người còn tương đối trẻ mà đã viết hơn 1500 bài báo, xuất bản cả chục cuốn sách, chủ biên hơn chục cuốn khác, hướng dẫn cả chục sinh viên, chủ trì hàng chục “đề tài nghiên cứu” … tính sơ sơ trong 29 năm bác viết hơn 9300 trang, tính trung bình mỗi năm bác viết hơn 300 trang! Chỉ có thể miêu tả bằng hai chữ siêu phàm vì ngay cả Einstein cũng chưa làm được như bác.

    Tôi không nghi ngờ gì thiện chí của bác. Nhưng khi bác viết bài kể công thì tôi thấy kỳ kỳ. Cái công của bác chắc chắn là do có “đảng” và “bác” dẫn đường. Vậy mà không thấy bác cảm ơn đảng bác! Giọng văn thuần thành tiếng Việt thời xã hội chủ nghĩa, tính khệnh khạng kiêu căng ngầm, cách kể công bằng thống kê tiêu biểu của các “học giả” cộng sản, tất cả cho tôi cái cảm tưởng bác là một trí thức đặc chất XHCN. Thà bác đừng nói, chớ như bác kể công về đóng thành tập sách thì người ta thấy bác làm vì danh hơn là vì dân.

    • Bác Đình Trọng khắt khe quá. Theo tôi tác giả chỉ muốn qua việc của mình để cảnh tỉnh giới tri thức đang làm việc cho đảng. Rằng đảng chẳng bai giờ coi tri thức, hiền tài là nguyên khí quốc gia như đảng vẫn thường ca.

      • Tôi không nghĩ đảng cs có khái niệm “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nếu là “trí thức” thì bác ấy phải biết đảng không bao giờ tôn trọng những hiền tài. Bác làm cho họ tức là bác đã thỏa thuận với họ. Thỏa thuận với cái ác là trí thức? Tôi nghi ngờ điều đó.

        • Quan điểm của bác khá giông tôi. Tôi đã nghỉ việc lâu rồi vì không muốn góp tí công sức gì cho bọn khốn cả.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây