Vẫn là nói láo

Đỗ Duy Ngọc

20-3-2019

Gần 2.000 học sinh ở Bắc Ninh đã phải đi xét nghiệm và kết quả cho đến nay đã có 209 học sinh bị nhiễm khuẩn. Cũng như mọi khi, trước những hiện tượng bất thường của xã hội, lãnh đạo nhà nước, các cơ quan ban ngành tìm đủ mọi cách để lý giải, để biện minh, để khiến cho sự việc trở thành không là vấn đề, chẳng có chi quan trọng.

* Nguyễn Nhân Chiến, bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, đã nhấn mạnh điều này khi về làm việc ở huyện Thuận Thành – địa phương có 209 trẻ dương tính với ấu trùng sán cho đến nay.

Chiều 18-3, ông Nguyễn Nhân Chiến đã có cuộc làm việc tại huyện Thuận Thành. Tại đây, ông cho biết tỉ lệ nhiễm sán lợn của trẻ em qua đợt xét nghiệm vừa qua nằm trong khoảng chung của cộng đồng người Việt Nam, ở mức hơn 11%, trong khi bình quân chung trong cộng đồng khoảng 1-12%.

“Kết quả vừa qua không có gì bất thường, người dân không phải lo lắng thái quá” – ông Chiến nói.

* Cũng theo ông Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư mà ông Chiến đã dẫn lời, “đây không phải là dịch, không phải là bệnh cấp tính, không phải ngộ độc thực phẩm”.

* Phó giáo sư Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc người dân Bắc Ninh dồn dập đưa con đi lấy máu xét nghiệm sán lợn là không cần thiết.

Lý giải về nhận định trên, ông Cường cho biết, xét nghiệm máu sàng lọc hiện nay chỉ phát hiện kháng thể và kháng nguyên của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh, với các trẻ khỏe mạnh không triệu chứng là vô nghĩa. Nếu kết quả dương tính sán cũng chỉ khẳng định là trẻ có phơi nhiễm với trứng sán do ăn uống phải nguồn nước, rau sống chứa trứng sán, không phải do ăn thịt lợn chứa ấu trùng (lợn gạo).

* Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế. Khi được hỏi về tỷ lệ 11% người nhiễm sán theo báo cáo của tỉnh Bắc Ninh liệu có nhiều và đáng lo ngại, ông Phong cho biết, từ 0 đến 12% là tỷ lệ tương đối cao, nhưng không phải quá cao hay bất thường. Vì thế, không phải vì tỷ lệ như vậy ngành y tế mới điều tra dịch tễ học mà vẫn đang triển khai. Riêng sán lá gan nhỏ, có tỉnh 26% nhiễm. Viện Sốt rét Ký sinh trùng có xét nghiệm một gam phân có 30.000 trứng. Điều đó cho thấy, bệnh ký sinh trùng đường ruột không phải chỉ xuất hiện ở Bắc Ninh.

Ảnh: Theo chiều kim đồng hồ, từ trên: PGS. TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Nhân Chiến, bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

* Cũng theo GS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, số trẻ em của huyện Thuận Thành được phát hiện bị nhiễm sán lợn vẫn nằm trong tỷ lệ chung của cả nước không có gì bất thường cả.

Qua một số phát biểu của lãnh đạo địa phương và các bác sĩ, tui nhận thấy đây chỉ là một cách trấn an dư luận và tránh tội cho công ty cung cấp thực phẩm cho nhà trường. Người lãnh đạo muốn trấn an bằng cách nói để an dân. Người bác sĩ nói để người nhà bệnh nhân bớt lo âu. Thực chất đều là nói láo.

Chính con số nói lên tất cả. 2000 học sinh xét nghiệm có 209 bị nhiễm và trước đó đều đã có ăn thịt bị nhiễm khuẩn. Rõ ràng đây là một hình thức ngộ độc thực phẩm, không thể lấy tỷ lệ chung cả nước để biện hộ cho sự việc này. Hơn nữa tỷ lệ mắc bệnh của cả nước trước đây chưa từng được công bố công khai khiến cho dân chúng thêm nghi ngờ con số đấy.

Đáng lẽ với trách nhiệm của người lãnh đạo địa phương là phải cho điều tra và kết luận ngay những thực phẩm và các công ty cung cấp thực phẩm ấy. Đồng thời có những biện pháp tích cực để giúp đỡ các học sinh và gia đình của họ đang học tại địa phương đã sử dụng những thực phẩm ấy như xét nghiệm máu, hỗ trợ kinh phí, mời các trung tâm xét nghiệm có uy tín về địa phương để xét nghiệm cho họ thay vì họ phải rồng rắn xếp hàng từ khuya tại các bệnh viện tại Hà Nội với kinh phí xét nghiệm từ 700.000 đến 1.000.000 đồng, đó là cách an dân tốt nhất thay vì nói láo.

Các bác sĩ và bộ Y tế cũng thế, nên hướng dẫn người dân cách điều trị một cách tích cực, tương lai lâu dài của đứa trẻ rất quan trọng mà căn bệnh này không chỉ tác hại một sớm một chiều mà đôi khi theo cả một đời người với nhiều biến chứng. Các ông bà nên thể hiện chức năng và trách nhiệm của một người thầy thuốc chứ đừng nên phát biểu như một cán bộ tuyên huấn, như một nhà chính trị.

Các ngài đang nói láo căn bệnh này để an dân như cán bộ tuyên huấn. Một sự việc xảy ra như vậy mà các người cho là bình thường, trong tỷ lệ cho phép, chẳng có gì phải quan trọng thì các người vô cảm quá. Các người đang cố tình nói láo để tránh liên đới trách nhiệm và muốn trấn an xã hội, nhưng an dân kiểu này là giết dân.

Tui rất đồng tình với ý kiến của BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục chăm sóc & Bảo vệ Trẻ em (Bộ LĐTB & XH). Có lẽ ông không còn đương nhiệm nên ông nói thật, ông làm người tử tế, không láo quẩn quanh.

“Chúng ta đều biết rằng sức khỏe của trẻ em là phụ thuộc vào ăn uống, dinh dưỡng hàng ngày. Mặc dù ngành Y tế và Giáo dục đã ban hành nhiều quy định về Bảo đảm ATVSTP cho bữa ăn cho học sinh, tuy nhiên thực hiện rất hạn chế. Thực tế bữa ăn của trẻ ở trường học đã bị bỏ ngỏ từ lâu rồi…”.

Đây là quan điểm của ông trao đổi sau vụ việc hàng trăm trẻ nhiễm sán lợn gạo nghi do ăn “thịt bẩn, trứng thối” gây phẫn nộ trong dư luận những ngày qua.

Sau khi một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến hàng trăm bà mẹ đã ồ ạt đưa con đi xét nghiệm. Trong 3 ngày từ 15- 17/3, đã có trên 2.000 gia đình ở Bắc Ninh đưa con xuống Hà Nội xét nghiệm. Đến tối muộn 17/3 đã có 1.700 mẫu có kết quả và tổng số mẫu dương tính tăng lên 209 ca ở cả hai bệnh viện, các cháu nhiễm sán lợn cư trú ở 14/19 xã của huyện Thuận Thành. Tỉ lệ dương tính so với số mẫu đã hoàn tất xét nghiệm là rất lớn, 10-15% tùy xã.

Là bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng, từng đảm nhận chức Phó Cục trưởng Cục chăm sóc & Bảo vệ Trẻ em (Bộ LĐTB & XH), ông Nguyễn Trọng An không khỏi bức xúc trước sự việc này. Ông chia sẻ nỗi lo lắng với các bậc cha mẹ Thuận Thành (Bắc Ninh) và nhấn mạnh “rất phẫn nộ trước sự vô cảm, vô trách nhiệm của hiệu trưởng Trường/lãnh đạo Phòng GD ĐT, của Chủ tịch huyện, của lãnh đạo Y tế Dự phòng huyện và ngành tế Tỉnh”.

“Vì vụ việc thịt lợn có sán như hạt gạo lổn nhổn đã được các cô nuôi trẻ bất ngờ phát hiện từ ngày 20/2. Trước khi chế biến, các cô nuôi phát hiện. Nhà trường báo cho Công ty Hương Thành để đơn vị này trực tiếp đổi lại thực phẩm cho nhà trường. Đến ngày 5/3/2019, nhiều phụ huynh lại phát hiện nhà trường dùng thịt gà đông lạnh không đảm bảo cùng nhiều loại chân gà dùng để nấu cháo cho các cháu đã bốc mùi hôi thối nên đã báo chính quyền địa phương vào cuộc xử lí. Thế nhưng, qua theo dõi tôi không thấy các vị Lãnh đạo nào từ Trường đến Bộ, từ Y tế Phường đến Giám đốc Sở có một động thái can thiệp mạnh mẽ quyết liệt? Chỉ đến khi hàng ngàn gia đình đưa con đi xét nghiệm ồ ạt thì mới thấy lãnh đạo tỉnh vào cuộc chỉ đạo”.

Ông An cũng cho biết thêm, “chúng ta đều biết rằng sức khỏe của trẻ em là phụ thuộc vào ăn uống, dinh dưỡng hàng ngày. Mặc dù ngành Y tế và Giáo dục đã ban hành nhiều quy định về bảo đảm ATVSTP cho bữa ăn cho học sinh, tuy nhiên thực hiện rất hạn chế. Thực tế bữa ăn của trẻ ở trường học đã bị bỏ ngỏ, thiếu kiểm soát từ lâu rồi, đặc biệt là sự phối hợp giữa ATVSTP của ngành Y tế với ngành Giáo dục thật là lỏng lẻo, thờ ơ”.

Viện dẫn điều này, ông An chỉ ra một loạt những vụ việc ngộ độc thực phẩm ở học đường đã được phát hiện trong thời gian qua. Đó là vụ ngộ độc vào ngày 10/2018, 352 học sinh bị ngộ độc thực phẩm do ruốc thịt gà do trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình), vụ 54 học sinh tiểu học nhập viện vì ngộ độc sau khi ăn sáng tại căng tin trường Tiểu học Thạnh Đức (Long An)…Ngay tại Hà Nội, báo chí cũng đã phản ánh về sự thật có dòi bò lổm ngổm trong khay cơm của 1 trường tại Hoàng Hoa Thám…

“Đó là chưa kể đến sự ô nhiễm về các loại hóa chất trừ sâu, chất tăng trọng độc hại mà không thể kiểm tra bằng cảm quan được…Rồi câu chuyện xử lý qua loa, rút kinh nghiệm và rơi vào quên lãng… Tôi mong rằng vụ việc ở Trường mầm non xã Thanh Khương này sẽ được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, tránh lại “chìm xuồng”.

Ông An cũng cho rằng, hiệu trưởng nhà trường vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi vấn đề liên quan đến việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú.

“Lãnh đạo địa phương đó phải vào cuộc xử lý, phải làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm đến cùng mới đủ sức răn đe, cần có hình thức xử lý nghiêm với cả người đứng đầu trường học, nếu để bếp ăn tập thể mất an toàn thì hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm, bị xử lý nghiêm.

Về phía ngành Y tế (theo Thông tư số 54/BYT về cập nhật thông tin và xử lý bệnh dich) nếu đã nhận được tin báo của dân- không cần phải có công văn yêu cầu của trường- phải vài cuộc ngay, lấy mẫu, xét nghiệm, công bố kết quả, xử lý theo đúng Luật VSATTP. Y tế Phường/xã phải trực tiếp xử lý và báo cáo lên trên, nếu để xảy ra dịch bệnh do sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm thì Giám đốc YTDP huyện phải chịu trách nhiệm.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là trách nhiệm của người đứng đầu chứ không phải cán bộ y tế trong trường học.

Theo đó phải quy trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sự việc mất an toàn thực phẩm tại trường học theo đúng tinh thần Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) chính thức có hiệu lực từ ngày 20-10- 2018…”, ông An chia sẻ.

Tui cũng rất đồng tình với ông về ý kiến sau:

“Sau vụ việc này, mong rằng các bếp ăn tập thể tại trường học phải cần thực hiện ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các đầu mối có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận đảm bảo ATTP của Trung tâm y tế thành phố, căng tin ký hợp đồng với cơ sở cung ứng thực phẩm an toàn, được tập huấn về ATTP.

Các cơ sở tổ chức ăn bán trú thực hiện việc mua thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm thực hiện tốt quy trình, chế biến thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế và Luật ATTP; quy định lưu mẫu thức ăn trong các bếp ăn tập thể; quy định thực hiện “Bếp ăn 1 chiều”.

“Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra giám sát các trường học có tổ chức ăn bán trú định kỳ 6 tháng/lần, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận bếp ăn đảm bảo ATTP; các địa phương nên tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành YT-GD về ATTP nhằm chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm công tác ATTP trường học đóng trên địa bàn.

Các trường cần phải thành lập ban giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó đại diện cha mẹ học sinh sẽ là một thành phần của ban này; nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng; bếp ăn của các trường có trách nhiệm ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ đối với các nguyên liệu chế biến bữa ăn trong trường”.

Minh bạch tất cả sự việc, phản ánh thật sự bản chất của nó, tìm mọi biện pháp phù hợp nhất để giải quyết sự việc, không quẩn quanh trốn tránh trách nhiệm, không bao che cho kẻ có tội, không nói láo chính là cách an dân tốt nhất.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cũng là ký sinh trùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
    Ký sinh trùng “Sản” bao che cho ký sinh trùng “Sán”: “Số trẻ em của huyện Thuận Thành được phát hiện bị nhiễm sán lợn vẫn nằm trong tỷ lệ chung của cả nước, không có gì bất thường cả”!

    Với chúng nó, khi nào người VN ai cũng có lá gan khỏe mạnh, sán không còn làm ai bị bệnh gan, khi ấy mới đáng lo.

  2. Nhìn mấy thằng vc ở trên lộ ra trên khuôn mặt ngu xuẩn, đểu giả, lưu manh, gian ác quá. Mà thằng nào cũng xưng danh là TS.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây