“Thời đại Trần Hồng Hà”

FB Mai Quốc Ấn

19-3-2019

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng phát ngôn “Rác là tài nguyên.” Một phát ngôn sai cơ bản về khái niệm mà cấp chính trị gia tầm bộ trưởng đưa ra trên báo mạng Vietnamplus cùa Thông tấn xã Việt Nam- cơ quan phát ngôn của chính phủ.

“Học tập và làm việc theo tấm gương” Bộ trưởng Hà, phường Thảo Điền, Quận 2, Tp.HCM yêu cầu người dân muốn vớt rác trên kênh rạch phải xin phép.

Một thời đại lạ lùng khi vứt rác vô tội vạ thì không sao nhưng thu dọn rác phải xin phép. Nhưng cái bạn biết chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện rác của quốc gia này.

Rác nông thôn do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý. Rác đô thị do Bộ Xây dựng quản lý. Rác công nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Ba bộ này đã tạo ra một thực trạng quốc gia ê hề rác.

Rác ở nhà bạn là của bạn. Bạn có thể phân loại để bán ve chai rác vô cơ gồm nhựa, vỏ lon, chai thủy tinh,.v.v.. Bạn cũng có quyền biến rác hữu cơ thành phân compost để rự bón chậu cây, vườn cây của bạn. Nhưng nếu bạn xử lý cho một xã, một huyện hay cả thành phố, cả quốc gia thì dù công nghệ tốt đến đâu bạn cũng phải xin phép. Không được cấp phép, bạn sẽ bị phạt hành chính hay thậm chí ở tù.

Xin phép cũng tốt thôi, Nhà nước có vai trò quản lý cơ mà. Và Tổng Cục môi trường là nơi cấp phép để xử lý rác thông qua quy trình thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nhưng vấn đề cũng nằm chính trong Tổng Cục môi trường và Bộ Tài nguyên khi họ “một mình một chợ ĐTM”.

Lấy ví dụ về cụm nhiệt điện Vĩnh Tân: Cũng chừng ấy gió, chừng ấy nước, chừng ấy diện tích mặt biển để xả nước súc xả, nước tản nhiệt lò hơi nhưng để một nhiệt điện sẽ hoàn toàn khác để một cụm các nhiệt điện vào một chỗ. Ô nhiễm cộng hưởng là thứ đã bị “cho qua” giống như cách các thủy điện không hề được tính toán vận hành liên hồ vậy.

Hiện nay đã có nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4 và 4 mở rộng mà trời mù mịt bụi, đất và nước ngầm biến dạng đến mức cây ngoại lai xuất hiện, bò uống vào còn chết, nuôi tôm giống và nuôi cá bè cứ chết liên tục, người dân khánh kiệt, trở thành con nợ của ngân hàng lẫn tín dụng đen và thụ động chờ đón bệnh tật…

Một ví dụ khác về ĐTM là bãi rác Đa Phước của Việt kiều đại gia David Dương. Được quảng cáo là công nghệ hiện đại, tiên tiến nhưng thực chất chủ là chôn lấp rác. Chôn lấp rác cũng không đàng hoàng nên dân cư xung quanh bãi rác Đa Phước khốn khổ vì nước rỉ rác. Rộng hơn, gần như toàn bộ dân cư khu Nam Sài Gòn khốn khổ vì mùi rác.

Giải thích rất… trời ơi, “Bãi rác hôi do biến đổi khí hậu” của ông Nguyễn Toàn Thắng-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nói như vậy.

Tôi nói thẳng đó là tư duy và cách làm đầy rác rưởi!

Nên mới có chuyện cán bộ phường Thảo Điền yêu cầu dân dọn rác phải xin phép. Nên mới có chuyện dân Vĩnh Tân xuống đường phản đối ô nhiễm. Nên mới có chuyện Việt Nam nằm trong top các quốc gia xả thải ra đại dương, vô cùng nhục nhã.

Tôi đem khẩu trang chống bụi mịn ra Vĩnh Tân rất bài bản. Danh sách ủng hộ cụ thể rất chi tiết, sản phẩm ủng hộ có kiểm định và hóa đơn mua bán, chương trình được tổ chức bởi một trung tâm nghiên cứu về môi trường do nhà nước cấp phép và có văn bản đến địa phương trước khi triển khai.

Đổi lại là lời từ chối giàu sự dối trá: “Vĩnh Tân đã hết ô nhiễm!”. Cộng thêm một lý do rất… trời ơi khác: “Sợ bị thế lực thù địch lợi dụng.” Lợi dụng chỗ nào khi làm bài bản như vậy là để phát khẩu trang cho trẻ em ngay trong trường, tránh tụ tập đông người như các vị lo sợ? Lợi dụng ở chỗ nào khi đây là một chương trình của tình người với nhau? Lợi dụng ở chỗ nào khi tôi làm công khai và đề nghị địa phương cứ giám sát?

Thực trạng quốc gia trên nền rác như vậy là do cán bộ hay do thế lực thù địch? Thực trạng người dân vì lo cho môi trường mà đi dọn rác bị cán bộ bắt phải xin phép là lỗi quản lý hay sự chống phá? Và chuyện lá lành đùm lá rách, dân các nơi giúp dân ô nhiễm lại bị cán bộ lợi dụng quyền hạn để từ chối, để che giấu ô nhiễm.

Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng nên mở rộng cuộc “đốt lò” qua lĩnh vực môi trường. Chỉ cần căn cứ theo luật môi trường, luật hình sự hiện hành thôi thì đúng nghĩa chỉ đâu bắt đó được.

Và ông Tổng bí thư nên hỏi ông Trần Hồng Hà bộ trưởng: “Đất nước có bao giờ bị như thế này chưa?”

P/s: Tôi biết sắp tới Bộ Tài nguyên môi trường sẽ quản luôn rác đô thị, rác nông thôn; nên tôi sẽ chờ xem ông Trần Hồng Hà sẽ làm gì để thay đổi. Xin nhấn mạnh là làm gì, chứ nói thì ông Hà luôn nói “Tốt lắm! Tốt lắm!”

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây