Chuyện đa dạng sách giáo khoa: Lỗi ở các nhà chuyên môn

FB Chu Mộng Long

13-3-2019

Chị Ngân hay nhiều đại biểu quốc hội không hiểu đa dạng hóa sách giáo khoa trong lộ trình đổi mới từ dạy học truyền thụ tri thức sang dạy học phát triển năng lực là hiển nhiên. Ngay cả giảng viên đại học mà lại là giảng viên dạy giáo học pháp của chúng tôi còn ấm ớ, huống hồ là đại biểu quốc hội đa thành phần.

Một lần họp hội đồng, khi nghe một giảng viên phát biểu lú lẫn về chương trình, sách giáo khoa, tôi hỏi “chị có phân biệt được chương trình với sách giáo khoa không?” Bất ngờ chị ta nói “chương trình ở trong sách giáo khoa chứ ai chẳng biết”.

Không hiểu thì đại biểu thắc mắc. Trách nhiệm giải trình, giải thích phải thuộc về giới chuyên môn.

Trong những điều chị Ngân thắc mắc, có điểm đáng lưu ý: “Làm sao cha mẹ học sinh đem ra nói nên chọn sách nào. Rồi lại có xu hướng chạy để bộ sách của mình được sử dụng ở trường này, tỉnh nọ. Có lãng phí không khi Nhà nước bỏ tiền cho Bộ GD-ĐT biên soạn”.

Hiển nhiên đa dạng hóa gắn liền với xã hội hóa thì không lo lãng phí tiền nhà nước bỏ ra, vì người làm sách, in sách tự chịu trách nhiệm về chất lượng và đồng tiền do chính mình đầu tư.

Nhưng khi anh Nhạ giải trình 2 nội dung sau thì không ổn chút nào.

1) Khi có bản thảo, Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ thẩm định, đảm bảo công bằng giữa các bộ sách và có điều kiện tiêu chuẩn người viết SGK chứ không phải ai cũng biên soạn.

2) Bộ đang soạn thảo thông tư để ban hành hướng dẫn lựa chọn sách, “chứ không phải ai thích chọn thế nào thì chọn”.

Rốt cuộc, anh Nhạ mở hướng đa dạng sách giáo khoa trong định hướng một Chương trình chung, nhưng lại trói chặt thị trường sách giáo khoa vào cơ chế xin cho rất bao cấp. Ai tin Hội đồng quốc gia kia sẽ thẩm định công bằng, kể cả ai tin đội ngũ có đủ điều kiện bằng cấp sẽ cho ra bộ sách tốt nhất? Học hàm học vị giáo sư tiến sĩ còn mua bán như cái chợ trời, huống hồ là cái món lợi kếch sù là sách giáo khoa?

Bộ sẽ soạn thảo thông tư để ban hành hướng dẫn lựa chọn sách “chứ không phải ai thích chọn thế nào thì chọn” ư? Hóa ra miệng nói sách giáo khoa không là pháp lệnh, nhưng chính cái thông tư này lại là pháp lệnh ấn định luôn sẽ dùng bộ sách nào. Liệu cái thông tư này có khác gì đưa ra tiêu chuẩn chất lượng ưu đãi cho nước mắm công nghiệp để tiêu diệt nước mắm truyền thống? Không chừng bộ sách giáo khoa tốt nhất thì bị loại ngay từ đầu và nhà đầu tư tâm huyết bị cái thông tư này bóp chết từ trong trứng nước?

Điều chị Ngân băn khoăn “xu hướng chạy để bộ sách của mình được sử dụng”, tôi dám chắc chỉ có thể là chạy ở cái cửa này nè, anh Nhạ ạ!

Chương trình dạy học phát triển năng lực là một chương trình mở, có phần bắt buộc và phần lựa chọn. Sách giáo khoa căn cứ vào đó xây dựng nội dung và phương pháp dạy học để thực hiện tốt nhất chương trình với chuẩn giáo dục chung. Như vậy là năng lực được phát huy khá rộng: năng lực biên soạn sách, năng lực lựa chọn của nhà quản lý và người dạy, kể cả năng lực lựa chọn theo sở thích của người học cùng với các sáng tạo khác về nội dung và phương pháp trong dạy và học.

Bằng cách nào đó mà người dạy và người học đạt được tốt nhất chuẩn chung do Bộ quản lý và kiểm định chất lượng đầu ra. Nôm na là chương trình này chống mọi áp đặt theo khuôn mẫu như giáo dục lâu nay để phát huy năng lực, trong đó đặc biệt là năng lực sáng tạo trong dạy và học.

Trong điều kiện đó, thị trường sách giáo khoa sẽ chịu sự tương tác cạnh tranh tự do, bình đẳng. Loại sách giáo khoa yếu kém hay không đạt chuẩn tất yếu bị đào thải tự nhiên, công bằng từ nhu cầu sử dụng khách quan chứ không phải ý chí chủ quan của Bộ. Tất nhiên, điều này còn tùy thuộc vào thị trường tuyển sinh, tuyển dụng mà tôi đã nhiều lần nói đến theo quy luật cung – cầu.

Anh Nhạ thực hiện “đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực” mà trung ương đã đề ra nhưng đòi định hướng theo ý chí chủ quan của anh hay nhóm lợi ích chóp bu nào đó thì chính anh là người có chủ trương bóp chết từ trong trứng nước mọi năng lực của người dạy và người học.

Đổi mới như vậy chỉ có thể làm giàu cho bọn mafia giáo dục và càng làm cho giáo dục thêm rối loạn. Hậu quả là dân tốn nhiều tiền nhưng lại hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng thấp nhất.

Tôi đề nghị chị Ngân và Quốc hội, nếu thấy anh Nhạ và giới chuyên môn trên Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thông thì hãy dừng đổi mới lại cho đến khi các ông bà này học tập, nghiên cứu cho thông đã!

Link bài liên quan: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chu-tich-quoc-hoi-co-nhung-mon-hoc-khong-the-co-nhieu-bo-sach-513081.html

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng các bộ sách giáo khoa đó đều giống nhau ở khung kiến thức. Khung kiến thức của một quốc gia là kết quả của những nghiên cứu, rút tỉa…để đảm bảo chắc chắn sẽ ra thầy ra thợ.Nguồn để tham khảo thì rất nhiều có thể trong thực tế, sách đọc, internet… Cái quan trọng nhất làm nên khung kiến thức chính là hiểu biết về sự vận động của lý thuyết ra đến sản phẩm bởi tận cùng của phát triển năng lực cũng chính là sản phẩm hoặc vật chất hoặc con người .Biết được điều này, người ta sẽ lấy đó làm nền tảng để phát triển giáo dục, cũng như trong việc soạn thảo và thẩm định sách học…

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây