Rọ mõm và nền hành chính quốc gia minh bạch

FB Đặng Đình Mạnh

9-3-2019

Trong một quốc gia, bất luận ý thức hệ như thế nào thì nền hành chính công vẫn phải dựa vào kiềng ba chân: Công sở, công vụ và công chức vận hành theo một số nguyên tắc quản trị căn bản. Trong đó, nguyên tắc mà công chúng vẫn thường nghe nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay là tính công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát.

Bởi lẽ, một khi công vụ rối rắm, không rõ ràng … sẽ là môi trường màu mỡ phát sinh tệ nạn nhũng nhiễu từ công chức, làm méo mó đi nền hành chính lương hảo. Thế nên, khi công vụ được công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền và của công dân thì vô hình chung, không còn đất sống cho công chức phát tác tệ nạn nhũng nhiễu nữa. Môi trường hành chính trở nên lành mạnh, lương thiện.

Cũng bởi nguyên tắc quản trị hành chính công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát thì công chúng không thể hình dung ra sự hiện diện của chiếc rọ mõm mờ ám trong nền hành chính ấy.

Nguyên thủy, rọ mõm là vật dụng được dùng che chắn bụi, khói, mùi, hóa chất… ô nhiễm từ môi trường xâm nhập vào đường hô hấp. Với ý nghĩa đó, rọ mõm là vật dụng bảo vệ sức khỏe con người.

Tiến một bước, rọ mõm còn được sử dụng rộng rãi hơn là che chắn sự nhận diện khuôn mặt khi con người muốn hành sự mờ ám. Thật vậy, kẻ trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, giang hồ … khi hành sự bất lương đều chuộng sử dụng rọ mõm để che khuất khuôn mặt.

Nhưng thực tế ở xứ sở này tiến xa hơn sự tưởng tượng của công chúng tử tế khi chiếc rọ mõm được trang bị một cách hết sức phổ biến trong những hành sự công vụ.

Đơn cử, khi tiến hành cưỡng chế nhà đất, khi cán bộ lãnh đạo “vi hành” tiếp công dân, khi “đối phó” với những người đấu tranh với BOT bẩn, khi canh giữ tài sản đang tranh chấp mà một bên tranh chấp là nhà nước … đều là những công vụ mang tính chất điển hình thông thường. Khi ấy, bên cạnh đội ngũ công chức, cảnh sát tháp tùng mặc đồng phục ngành, có bảng tên, huy hiệu, quân hàm thì lại xuất hiện đông đảo nhóm người mặc thường phục, đội mũ sụp hùm hụp, đeo túi chéo… và đều có nét chung là rọ mõm che kín khuôn mặt. Chính nhóm người này luôn sẵn sàng có các hành vi manh động nhất như xô đẩy, đập phá tài sản, trấn áp, bắt bớ, thậm chí hành hung người dân ngay trong tầm mắt của đội ngũ công chức, cảnh sát mặc đồng phục, sắc phục đang cùng hiện diện.

Điều đó cho thấy, nhóm người rọ mõm này là “đồng nghiệp”, “đồng đội”, “đồng chí” hoặc là “đối tác” giữa họ với nhau, chứ không phải là quần chúng tự phát như họ thường tự gọi về mình như vậy khi bị chất vấn ! Trong toan tính của “họ”, mặc thường phục kèm với rọ mõm manh động với dân sẽ “dễ coi” hơn mặc sắc phục! Và dễ dàng tránh tiếng “đàn áp” với công luận. Thế nhưng, sự thật “giấu đầu lòi đuôi” khi mà họ manh động ngay trước mắt nhau với sự công nhiên im lặng đồng lõa. Họ chẳng thể nào dễ dàng giải thích một cách thuyết phục được điều đó, cho dù người nghe là đứa trẻ lên năm.

Nếu công sở chủ trương hành sự công vụ vì mục đích ngay thẳng, nhân viên công lực phải thấy được sự vinh dự của mình khi được tham gia tiến hành công vụ lương thiện, vì lợi ích xứ sở và họ chẳng ngần ngại gì mà phải che dấu khuôn mặt. Cũng tương tự đó, khi công sở chủ trương hành sự công vụ vô đạo đức, trái pháp luật thì chiếc rọ mõm sẽ được mang ra sử dụng. Một mặt, nó chứng tỏ hành sự mờ ám, kém quang minh, chính đại, trái với nguyên tắc hành chính công khai, minh bạch … Mặt khác, trốn tránh được sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Với chiếc rọ mõm ngang nhiên xuất hiện trong công vụ hành chính, thay vì nêu gương, thì công sở đang chính mình nêu gương xấu, vô pháp cho công chúng.

Công chúng cần một nền hành chính lương hảo, công chúng không cần đến những chiếc rọ mõm bất lương, vô pháp.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây