Đẩy cái khó cho dân – Tư duy muôn thuở

FB Nguyễn Tuấn Anh

9-3-2019

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: mất bằng lái phải thi lại.

Ông Khuất Việt Hùng: không cần chứng minh vi phạm, cứ xử phạt trước rồi người dân nếu thấy sai, có thể kiện ra toà.

Hai câu nói của hai người làm giao thông cùng cho thấy một cách nghĩ giống nhau. Tư duy đẩy việc khó cho người dân luôn túc trực trong đầu những người quản lý với thói quen ăn trên ngồi chốc vô cùng tệ hại.

Công nghệ thông tin phát triển nhanh, cho phép con người tận dụng nó như 1 công cụ để giải quyết công việc của mình một cách nhanh chóng và tiết kiệm thời gian gấp nhiều lần.

Công nghệ cho phép tra cứu, giải quyết ngay lập tức những khiếu kiện, vướng mắc, những đúng sai mà không phải tốn quá nhiều công sức, thời gian và thủ tục rườm rà. Camera hành trình trên xe là một điển hình, người dân đã tự trang bị để dàn xếp khi va chạm với nhau, nói chuyện phải trái với CSGT khi họ bị gài bẫy.

Người dân họ tự hiểu và trang bị được như vậy? Còn những người thi hành công vụ (xử phạt) đã làm được gì?

Lập luận “cứ phạt rồi hậu xét” là một kiểu áp đặt độc đoán. Là sự tư duy một chiều mặc định đáng phải loại bỏ. Là một tri thức, một người quản lý, không ai có lối suy nghĩ kiểu tụt hậu như vậy.

Sao ông không nghĩ ngược lại rằng khi xử phạt, nếu cảnh sát cho rằng họ hoàn toàn đúng, họ không cần giữ giấy tờ hay phương tiện vi phạm mà chỉ cần lưu biển số xe, chụp ảnh người lái rồi kiện thẳng người đó ra toà?

Điều này hoàn toàn hợp lý và không mất thời gian của công dân. Toà sẽ triệu tập nghi phạm để làm rõ, cảnh sát sẽ đưa bằng chứng, nếu vi phạm sẽ xử đúng luật. Sao cứ mặc định: nhà nước ôm tiền phạt cái đã, rồi đẩy sự phiền nhiễu cho dân?

Niềm tin của người dân đang bị suy giảm nghiêm trọng khi nhắc tới lực lượng cảnh sát giao thông nhũng nhiễu, vòi vĩnh tài xế. Vấn đề này, các báo đăng quá nhiều. Nó đê tiện tới mức mở cả ví của người dân để lấy tiền mà báo chí đã phanh phui tại TP.HCM năm nào.

Tư duy đẩy phần thiệt thòi cho người dân thấp cổ bé họng, ít quyền lợi từ hệ thống chính trị, như được định khung trong đầu những con người giữ vị trí chủ chốt. Còn tư duy kiểu này, không bao giờ có một quốc gia phát triển khi những người đứng mũi chịu sào không gánh phần việc nặng nhất về mình.

Không phải kẹt xe, tai nạn. Cũng không phải sự bức xúc quá mức với BOT của người dân hay nhiều vấn đề khác… Tư duy một chiều và cách làm việc chậm chạp của những con người quản lý như vậy mới là nguyên nhân chính, khiến giao thông quốc gia vỡ trận.

Làm giao thông phải ưu tiên để dòng chảy vận tải được thông suốt không phải chăm chăm mỗi việc xử phạt. Làm quản lý nhà nước phải tạo điều kiện để người dân có thời gian làm ăn, phải kiến tạo và tương tác dựa trên sự hỗ trợ bởi khoa học & kỹ thuật.

Điều cần hướng tới thì không áp dụng, luôn nghĩ theo kiểu cổ hủ, lạc hậu, nặng về thủ tục. Quản lý tư duy thế, hỏi lúc nào có thể khá lên?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Theo tui biết thì ở những nước “phương tây”, cảnh sát chỉ việc nói lý do phạt và đưa giấy phạt cho người vi phạm để người vi phạm tự tới “đồn” nạp phạt mà không cần chứng minh hay đôi co với người vi phạm ngay tại “hiện trường” (như ở xứ thiên đường ……ta).

    Nếu người bị phạt chắc chắn rằng mình không vi phạm thì cứ việc không nộp phạt (đúng hạn) và dĩ nhiên anh/chi ta sẽ nhận được “trát của tòa án” (do phía cảnh sát……kiện).

    Ngày ra tòa, nếu người vi phạm chứng minh được mình bị phạt “oan”, thì tòa sẽ tuyên bố phía cảnh sát là sai, và anh/chị không phải nộp phạt; Còn nếu phía cảnh sát chứng minh được là họ phạt “đúng người, đúng tội”, thì anh chị buộc phải nộp phạt kèm theo với tiền “phí tòa án” do quan tòa phán, cộng với tiền lời do anh/chi nộp phạt trẽ han.

    Đó là ở những nước mà tòa án (tư pháp) hoàn toàn “độc lập” với hành pháp, có nghĩa là công an, cảnh sát không có bất cứ một ảnh hưởng nào đến mấy ông quan tòa, chứ không như ở xứ thiên đường (mù) thì công an nhơn dân và tòa án nhơn dân đều cùng một….mẹ là đảng CS, thì việc anh/chi không chấp hành lệnh phạt của công an, anh/chi sẽ rất….mệt.

    Xin đơn cử một thí dụ (bản thân không ở xứ thiên đường …..mù) để bạn bè rút kinh nghiệm :

    Mình đậu xe gần trụ nước cứu hỏa (Fire hydrant) để đi chợ, lúc trở ra thì thấy một cái giấy phạt kẹp trên gạt nước, nhìn lại thì đúng là minh đậu “hơi” gần cột nước so với quy định là 3 mét (chắc cở 2 mét 9 hay 2 mét 8 – ù má ông cảnh sát tinh mắt quá) – nhưng may mắn là mình nhìn thấy cái xe của ai đó đậu phía sau mình lại cách cột nước gần hơn xe minh mà không có giấy phạt (chắc là nó đậu sau khi ông cảnh sát phạt mình rời đi)….THẾ LÀ MÌNH BÈN LẤY ĐIỆN THOẠI CHỤP LIỀN BỐN NĂM TẤM HINH ĐỦ CÁC KIỂU rồi (bình tĩnh) lái xe về chờ ngày hàu tòa.

    Hôm ra tòa, mình trình lên mấy bức hình, và (lu loa) rằng mình đã đậu xe cách cột nước hơn 3 mét, bằng chứng là chiếc xe màu xanh kia đậu gần cột nước hơn xe mình mà không bị phạt (lại còn lu loa rằng “không lẽ vì tui là Chai na nên mới bị phạt”). Quan tòa lắc đầu vì không thể xác định khoảng cách bằng hình chụp qua cell phone, nhưng xác nhận là chiếc xe màu xanh đậu gần cột nước hơn mà không bị phạt; Phía cảnh sát cãi lại là vì xe màu xanh đậu sau khi cảnh sát đã rời đi, nhưng quan tòa cho rằng không có bằng chứng là xe màu xanh đậu sau khi xe của bị cáo dính phạt, và đây là điểm “nghi ngờ”, mà “lợi thế nghi ngờ thì thuộc về bị cáo”….thế là mình không bị mất oan gần 200 đồng tiền ….xương máu chỉ vì sai sót khoảng cách chưa đày một …..gang tay

    He he he Tư Pháp độc lập với hành pháp là như thế đấy, đó là lý do tại sao các nước có tam quyền phân lập đều là những nước văn minh.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây