Mậu Thân và Công pháp – Kỳ 2: Tính chính danh của Việt Nam Cộng hoà

Luật Khoa

Võ Văn Quản

12-2-2019

Tiếp theo Kỳ 1

Ở kỳ 1, chúng ta đã bàn về tính chính danh, hay tư cách pháp lý của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH). “Kẻ thua cuộc” Việt Nam Cộng hoà (VNCH) có lẽ ít khi có cơ hội bảo vệ tính chính danh của mình. Cho đến nay, một trong những thứ mà học sinh Việt Nam có ấn tượng sâu đậm nhất về VNCH là một chính quyền bù nhìn, ngụy quân – ngụy quyền, do Hoa Kỳ dựng lên. Song cách nhìn này có phần đơn giản hóa quá đáng lịch sử hiện đại Việt Nam theo góc nhìn của pháp luật quốc tế.

Có hai hướng lập luận có lợi cho tính chính danh của VNCH: (i) phủ nhận chủ quyền thống nhất và tính chính danh của VNDCCH trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và (ii) khẳng định chủ quyền và tính chính danh của VNCH ở miền Nam Việt Nam.

Cũng cần phải đặt cuộc tranh luận này trong bối cảnh lịch sử thời kỳ 1945 – 1954: VNDCCH không phải là chính thể duy nhất tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam.

Tôi xin đưa ra một số luận điểm sau đây để bạn đọc có thể xem xét thêm.

1. Thủ tiêu đối lập, Việt Minh tự bào mòn tính chính danh

Chính phủ liên hiệp ra mắt tháng 11/1946 gồm nhiều đảng phái và chính trị gia độc lập. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Người viết chưa bàn đến bình luận và quan sát của ông Trần Trọng Kim cho rằng cuộc bầu cử năm 1946 có dàn dựng và nhiều người dân bị cưỡng bách bầu cho Việt Minh. Tôi cũng cho rằng điều này là không cần thiết, vì nó chỉ mở đường cho hàng trăm các cáo buộc dạng tương tự về những cuộc bầu cử nửa vời trong lịch sử hiện đại và đương đại Việt Nam.

Điều quan trọng hơn chúng ta cần ghi nhận là: (i) Việt Minh không phải lực lượng duy nhất chống Pháp, (ii) bằng cách thủ tiêu các lực lượng đối lập trong thời kỳ 1945 – 1954, Việt Minh tự bào mòn tính chính danh của chính quyền VNDCCH.

Đại Việt Quốc dân Đảng (Đại Việt) là một trong những chính đảng tương đối có thực lực và nền tảng tại Bắc và Trung Kỳ, cũng là nhánh có tiềm năng nhất trong nhóm Việt Nam Quốc dân Đảng. Tuy nhiên, do định hướng đấu tranh là kiên quyết chống cả thực dân Pháp (nhưng thân Nhật) và xu thế cộng sản của Việt Minh, Đại Việt nhanh chóng bị cả hai thế lực cô lập, cũng như đơn độc trên mặt trận truyền thông sau Thế Chiến II. Đại Việt và một chính đảng khác là Đại Việt Quốc gia Xã hội Đảng bị ông Võ Nguyên Giáp ký Sắc lệnh bắt buộc giải thể chỉ ba ngày sau khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Điều này phần nào cho thấy nỗi lo lắng của một số thành viên chính quyền lâm thời đối với đảng này. Ông Trương Tử Anh, lãnh đạo Đại Việt thì mất tích đúng vào ngày Chiến tranh Đông Dương nổ ra (19/12/1946) và đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải.

Theo nhiều cáo buộc, điều tương tự cũng xảy ra đối với các nhóm chính trị khác, dù có xu hướng cộng sản, như nhóm Trotskyism.

Trotskyism là một nhóm cộng sản đi theo đường lối của Leon Trotsky, tương phản với nhóm cộng sản do ông Hồ Chí Minh dẫn đầu đi theo đường lối Leninism và Stalinism. Nhóm Trotskyism có một số thành viên có tiếng như Hồ Vĩnh Ký hay Huỳnh Văn Phương. Họ gây được tiếng vang trong phong trào đánh Pháp và được nhiều phe phái chính trị tại miền Nam tôn trọng, kính nể sau hàng loạt hoạt động kháng chiến đẫm máu. Mặc dù vậy, định hướng chống chủ nghĩa thực dân – đế quốc đồng thời với chống tư bản và địa chủ phong kiến có phần quá cứng nhắc của lãnh đạo Trotskyism tại Việt Nam khiến cho lực lượng này suy yếu nhân sự rất trầm trọng.

Họ từ chối cơ hội mượn danh nghĩa Đồng minh (do các nước Đồng minh đều là những nước đế quốc) để ghi điểm trước quốc dân, và từ đó làm mất cơ hội này về tay Việt Minh. Theo sử gia Pháp Philippe Devillers, đây cũng là lý do nhóm Trotskyism tại miền Nam dễ dàng bị lực lượng an ninh của Việt Minh thanh trừng ngay khi quân Anh tiến vào miền Nam để giải giáp quân đội Nhật năm 1945. Ngoài ra, một số tờ báo cộng sản quốc tế ủng hộ Quốc tế thứ Tư cũng cho rằng phe Stalinism tại Việt Nam đã tìm cách giải quyết bất đồng chính trị bằng cách mà Stalin thường làm nhất: ám sát đơn lẻ.

Kể ra một vài trường hợp nói trên để thấy được một điểm rằng rất khó để khẳng định Việt Minh có toàn quyền đại diện cho chính thể VNDCCH. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1946, như chúng ta nói ở kỳ 1, có 57% số đại biểu thuộc nhiều đảng phái khác nhau, và có đến 43% còn lại không thuộc đảng phái nào. Nhưng sau khi chiến tranh Đông Dương nổ ra ngày 19/12/1946 thì hầu hết những đại diện dân cử này đã bị triệt tiêu, bị thanh trừng hoặc không còn cơ sở hoạt động. Vì vậy, có thể nói với sự kiện Hà Nội và nhiều địa phương khác thất thủ trước quân Pháp, phần còn lại của chính quyền VNDCCH rút về miền núi phía Bắc xây dựng lực lượng chỉ là Việt Minh. Họ không thể đại diện cho chính quyền mà người dân bầu ra vào ngày 6/1/1946.

Các đại biểu đa thành phần của Quốc hội khoá I, ra mắt ngày 2/3/1946 tại Hà Nội. Ảnh: Website Quốc hội.

Tại miền Nam Việt Nam, tình hình lại càng rối rắm hơn. Theo lời của Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ (thuộc chính phủ De Gaulle) – Jean Cédile – Việt Minh rõ ràng không đại diện cho nguyện vọng của người dân miền Nam Việt Nam (CochinChina), không có năng lực kiểm soát khu vực này hay duy trì trật tự công cộng tại đây.

Kết luận được rút ra sau khi kỳ vọng của vị này nhằm bình ổn sớm tình hình tại miền Nam tương tự như miền Bắc không thành, và nhánh Việt Minh bên trong cơ quan nhà nước VNDCCH thậm chí đang có xu hướng sử dụng quân và danh nghĩa Đồng minh để xử lý các đảng phái bất đồng đường lối.

Mặt khác, các lực lượng chính trị ở miền Nam Việt Nam có thế lực vừa chống Pháp nhưng cũng vừa chống định hướng cộng sản của phe Việt Minh. Có thể kể đến đạo Cao Đài, một tôn giáo bản xứ đặc sắc có đến hàng triệu giáo dân vào những năm 1940 với tầm ảnh hưởng rất lớn tại Sài Gòn – Gia Định; Hòa Hảo thì là một nhánh Phật giáo cải tiến theo thông tục địa phương, cũng được ước tính có đến ba đến bốn triệu thành viên vào năm 1945. Băng Bình Xuyên (Binh Xuyen Gang) – nhóm bán quân sự thường được xem như là một tổ chức tội phạm cũng hoạt động rất năng nổ trong hoạt động đánh Pháp ngay sau Đệ nhị Thế Chiến, v.v.

Hầu hết những nhóm chính trị có tiếng nói tại miền Nam Việt Nam nói trên, dù liên minh với Việt Minh trước đó, đều có xu hướng chống lại Việt Minh ngay sau khi tổ chức này bị cáo buộc là hai mặt khi quân Đồng minh đổ quân vào Việt Nam để giải giáp quân Nhật. Sự kết nối giữa các tổ chức chính trị dân tộc chủ nghĩa, giữa các tổ chức cộng sản, các giáo phái… ở thời điểm tốt nhất, cũng chỉ có thể miêu tả là tạm bợ, vì mục tiêu chung là chống chế độ thực dân của Pháp. Một khi Pháp chấp nhận nhượng bộ, họ quay sang cho rằng Việt Minh nguy hiểm hơn cả. Một số thậm chí có thâm thù với Việt Minh, như đạo Cao Đài, sau vụ Việt Minh bị cáo buộc thảm sát 2.791 giáo sĩ và giáo dân của họ tại Quảng Ngãi vào tháng 8 năm 1945.

Với những lý do trên, có thể vin vào quyền dân tộc tự quyết trong công pháp quốc tế để chính danh hóa Việt Minh, hay thậm chí là chính danh hóa nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay không, cũng còn là một câu hỏi lớn. Hiển nhiên, người viết không muốn phủ nhận tầm ảnh hưởng mà Việt Minh xây dựng được cho đến năm 1954, nhưng nền tảng cho một cộng đồng khác, với kỳ vọng chính trị khác tại miền Nam Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1954 là hoàn toàn khả dĩ.

2. Hiệp định Sơ bộ Pháp – Việt 1946: VNDCCH chỉ có chủ quyền ở Bắc Kỳ

Lễ ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Từ trái qua phải: Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám, Sainteny, Pignon, Caput. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.

Hiệp định Sơ bộ Pháp – Việt (hay Franco – Vietnam Agreement 1946, hay Ho – Sainteny Agreement) là một văn bản gây rất nhiều tranh cãi. Phe Việt Minh thì ca ngợi đây là một quyết định đúng đắn theo chiến thuật “hòa để tiến”, một chiến lược “sắc sảo”. Các chính đảng khác thì lại cho rằng đây là hành vi nhượng bộ bạc nhược, bán nước, và là điểm nhấn khiến chính phủ liên hiệp của VNDCCH tan rã. Mỗi bên đều có quan điểm riêng của mình, và người viết không muốn bàn đến chúng.

Điều quan trọng mà người viết muốn nhắm đến, là một số nội dung xác nhận của hai bên trong hiệp định. Trong đó, ông Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh thành công trong việc đàm phán để Pháp thừa nhận VNDCCH có tư cách là một nền cộng hòa độc lập thuộc Liên bang Đông Dương (Indochinese Federation), một thành viên không thể tách rời của Liên Hiệp Pháp (French Union). Tuy nhiên, hiệp định này cũng chỉ giới hạn chủ quyền của VNDCCH tại Bắc kỳ (Tonkin); phần còn lại gồm Trung kỳ (Annam) và đặc biệt là Nam kỳ (CochinChina) thì vẫn còn danh nghĩa thuộc địa của Pháp.

Cả hai bên VNDCCH và Pháp đồng ý rằng việc có thống nhất ba kỳ hay không sẽ do người dân của từng kỳ quyết định. Hiệp định và các phụ lục sau đó còn ghi nhận về việc bảo vệ quyền và lợi ích của người Pháp tại Đông Dương.

Ai vi phạm Hiệp định Sơ bộ cũng là một câu chuyện mà cả hai phía đều cáo buộc nhau. Nếu Pháp đơn phương thành lập Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ (Autonomous Republic of Cochinchina – République autonome de Cochinchine) bị Việt Minh cho là vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Sơ bộ; ở bên kia chiến tuyến, các chính trị gia Pháp cũng liên tục công kích VNDCCH (tham khảo tại các trang 341 – 342) và thể hiện sự không tin tưởng của mình dành cho ông Hồ Chí Minh vì tính hai mặt và sự không trung thực, không thiện chí của ông.

Cụ thể, quân đội Pháp tại Việt Nam thì lên án về hành vi khủng bố, bắt cóc và ám sát người Pháp xảy ra như cơm bữa bởi các nhóm vũ trang địa phương – vi phạm yêu cầu bảo đảm an toàn cho người Pháp mà chính phủ VNDCCH hứa hẹn. Trong khi đó, ông Hồ Chí Minh lại tìm cách liên lạc với các nhóm chính trị tại Algeria hay Malagascar để bàn về việc đưa ra yêu sách độc lập đồng loạt để tạo áp lực cho Pháp, một hành động bị cho là kích động ly khai các thành viên của Liên hiệp Pháp. Bản Hiến pháp năm 1946 của VNDCCH vốn không hề nhắc đến Liên hiệp Pháp cũng bị người Pháp xem là sự phản bội các giá trị mà Hiệp định Sơ bộ đã thống nhất.

Tựu chung, điểm nhấn quan trọng nhất của Hiệp định Sơ bộ, là VNDCCH vẫn chưa thừa nhận một Việt Nam thống nhất, và từ bỏ nỗ lực đại diện cho một Việt Nam thống nhất, ít nhất là trên phương diện công pháp quốc tế. Trung Kỳ và Nam Kỳ, vì vậy, vẫn còn mang danh nghĩa thuộc địa của Pháp.

3. VNCH kế thừa Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại thành lập

Cựu hoàng Bảo Đại rời Điện Elysee ở Paris sau một cuộc đàm phán với Pháp năm 1948. Ảnh: AFP.

Nói đến đây, có thể thấy chính phủ VNDCCH do ông Hồ Chí Minh dẫn đầu đã tạo ra thế khó cho các yêu cầu độc lập và thống nhất của Trung Kỳ và Nam Kỳ.

Ở Nam Kỳ, con đường đấu tranh đòi độc lập chủ yếu phải thông qua con đường chính trị và thỏa hiệp. Trong đó, không thể xem nhẹ những nỗ lực của các gương mặt như Nguyễn Văn Xuân hay cựu hoàng Bảo Đại.

Nguyễn Văn Xuân là Thủ tướng của Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam (Provisional Central Government), tồn tại song song với chính quyền Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ mà chúng ta có dịp nhắc đến ở trên. Cả hai nhà nước đều theo định hướng thân Pháp và tồn tại bên trong Liên hiệp Pháp, song đấu tranh bằng những cách riêng để đạt được các thỏa thuận độc lập với Pháp. Trong đó, ông Xuân là dành được thỏa thuận cơ bản với người Pháp về việc thống nhất cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, một số nhân vật còn ủng hộ chủ nghĩa thực dân trong Quốc hội Pháp cũng ngăn cản quá trình này khi lập luận rằng Trung Kỳ, Nam Kỳ vẫn còn danh nghĩa thuộc địa theo Hiệp định Sơ bộ.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà người Pháp cảm thấy quản lý Việt Nam bằng các công cụ thực dân cũ kỹ là quá nguy hiểm. Họ cũng có quá nhiều vấn đề quốc nội cần phải lo và muốn chuyển giao bớt quyền lực. Đồng thời, họ muốn xây dựng một thể chế dân chủ vừa phải tại Việt Nam song vẫn đảm bảo Tonkin, Annam và CochinChina phải nằm trong Liên hiệp Pháp. Người Pháp chuyển sang cầu viện cựu hoàng Bảo Đại, và Bảo Đại dùng lá bài này khá tốt. Bằng cách chơi… “nhây” không chịu hợp tác với Pháp, đẩy Pháp vào tình thế mà nhiều đồng minh cũng phải nhắc nhở, Hiệp định Elysee (Elysee Accords) năm 1949 ra đời, tạo điều kiện cho sự hình thành của một nhà nước mới, Quốc gia Việt Nam, từ năm 1949. Kể từ năm 1955, khi Ngô Đình Diệm chiến thắng Bảo Đại trong cuộc trưng cầu dân ý ở miền Nam và trở thành tổng thống, VNCH kế thừa tư cách pháp lý của nhà nước này.

Hiểu đơn giản nhất, Hiệp định Elysee năm 1949 là tập hợp của nhiều thư trao đổi giữa Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Ariol, thừa nhận một số điểm cơ bản như: (i) danh nghĩa thuộc địa của Nam Kỳ sẽ phải bị xóa bỏ (và đã được Quốc hội Pháp trầy trật thông qua sau đó); (ii) lần đầu tiên Pháp đồng ý thống nhất cả ba kỳ với tên gọi chung là Việt Nam; (iii) chấp thuận trao lại chủ quyền (như dân sự, kinh tế, tư pháp, hành chính…) cho một chính phủ thống nhất đại diện cả ba miền. Tuy nhiên, các vấn đề về tài chính và quân sự vẫn còn phụ thuộc vào Pháp, lý giải bằng mối quan hệ với Liên hiệp Pháp.

Cựu hoàng Bảo Đại thường bị chế giễu là một nhân vật bù nhìn, không có quyền lực thực chất trong chính trị Việt Nam giai đoạn 1945 đến 1950. Thái độ của người dân Việt Nam đối với Hiệp định Elysee thì có nhiều chiều. Theo ghi nhận trong tác phẩm Accommodation and Resistance: The French Left, Indochina and the Cold War của nhà sử học Edward Rice Maximin, tại Sài Gòn phải có đến 50.000 người dân ra đường ăn mừng Hiệp định Elysee. Họ cho rằng đây là một thỏa hiệp lịch sử hướng đến nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng hơn 150.000 học sinh, sinh viên, chịu ảnh hưởng của Tây học (và có thể chịu cả ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản) biểu tình phản đối Bảo Đại vì cho rằng ông là gương mặt quá cũ kỹ cho một nền cộng hòa thực chất.

Dù sao đi chăng nữa, Bảo Đại thật sự đã làm được điều mà chính phủ VNDCCH và ông Hồ Chí Minh đã không làm được trên bàn đàm phán trước đó. Và như vậy, sự độc lập và tự chủ của chính phủ do Bảo Đại thành lập căn cứ theo Hiệp định Elysee – Quốc gia Việt Nam (State of Vietnam) – cũng có tính chính danh hình thức không kém cạnh so với VNDCCH – đặc biệt theo góc nhìn công pháp quốc tế.

Phân tích đến đây, có thể thấy Hiệp định Geneva năm 1954, vốn chỉ được VNDCCH và Pháp ký kết, mà không được Quốc gia Việt Nam (và Hoa Kỳ) chấp thuận,có những kẽ hở căn bản để lý giải cho tính hợp pháp của Việt Nam Cộng Hòa sau này với tư cách là chủ thể kế thừa Quốc gia Việt Nam.

(Còn nữa).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trích: “Phân tích đến đây, có thể thấy Hiệp định Geneva năm 1954, vốn chỉ được VNDCCH và Pháp ký kết, mà không được Quốc gia Việt Nam (và Hoa Kỳ) chấp thuận,có những kẽ hở căn bản để lý giải cho tính hợp pháp của Việt Nam Cộng Hòa sau này với tư cách là chủ thể kế thừa Quốc gia Việt Nam.”

    Thế cho nên VNCH mới không chấp nhận cái gọi là “tổng tuyển cử” theo “đòi hỏi” của Hồ Chí Minh.
    VNCH luôn luôn coi Hồ Chí Minh và đảng CS (đảng Lao Động) là thủ phạm của tội ác chia đôi đất nước

Leave a Reply to Trúc Bạch Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây