Bài 7: Bộ Y tế và sự quan tâm đến nhân viên y tế nhìn từ vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình

LS Trần Hồng Phúc

3-2-2019

Tiếp theo bài 1: Viết cho những ngày chờ tuyên án đối với bác sĩ Hoàng Công Lương — Bài 2: Những chứng cứ “giả mạo” buộc tội Hoàng Công Lương — Bài 3: Các hợp đồng thầu và sự cố ngày 29/5/2017 — Bài 4: Lỗi hệ thống trong sự cố ngày 29/5/2017 — Bài 5: Những ám ảnh phía sau lời luận tội  — Bài 6: Hệ thống lọc RO là thiết bị y tế hay thiết bị thông thường?

Trong vụ án sự cố y khoa do tồn dư hóa chất dẫn đến tử vọng các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, Cơ quan điều tra đã nhiều lần có văn bản gửi đến Bộ Y tế đề nghị phối hợp điều tra nhằm cung cấp các thông tin về công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến vụ án.

Theo đó, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản trả lời tại mỗi thời điểm yêu cầu nhưng đáng tiếc là nội dung một số văn bản của Bộ này không thống nhất, thậm chí có phần gây bất lợi và không phù hợp đối với nhân viên y tế trong vụ án.

Điều đáng bàn, quá trình nghiên cứu hồ sơ để tham gia tố tụng tại phiên tòa vào tháng 01/2019, nhận thấy vấn đề này, chúng tôi đã kiến nghị HĐXX triệu tập đại diện của Bộ Y tế nhưng HĐXX cho rằng không cần thiết. Vì vậy, ở bài viết này tôi xin nêu quan điểm vướng mắc và sự cần thiết phải có đại diện của Bộ Y tế tại phiên tòa xét xử vụ án vì phía trước là những quan điểm pháp lý có phần mâu thuẫn và chưa tìm ra cơ sở pháp lý cho lời giải đáp. Các quan điểm trong bài viết này và tài liệu, chứng cứ liên quan đã được công khai, xem xét trong phần thẩm vấn và phục vụ tranh tụng tại phiên tòa nên mọi người đều đã biết. Do vậy, tôi chỉ xin đề cập một vài ý kiến nhỏ về cách ứng xử, quan tâm của Bộ Y tế với nhân viên y tế của mình trong khuôn khổ vụ án này còn nhiều băn khoăn.

Cụ thể như sau:

Vấn đề thứ nhất: Có bắt buộc phải làm xét nghiệm AAMI sau tẩy rửa màng RO và tiệt trùng đường ống tuần hoàn của hệ thống RO2 không?

Tại phiên tòa hồi tháng 5/2018, kết quả thẩm vấn công khai, đặc biệt là phần hỏi của nữ KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã làm rõ bất cập của công văn số 4342 ngày 02/8/2017 của Bộ trả lời cơ quan điều tra về các nội dung được Cơ quan điều tra yêu cầu làm rõ. Điểm đáng lưu ý là cơ quan điều tra đặt ra các câu hỏi độc lập về nội dung nhưng Bộ này không hiểu do “cố ý” hay do “sai chính tả” đã biến câu hỏi của cơ quan điều tra thành “mệnh đề trả lời” trong phúc đáp của mình, điều này gây sự nhầm lẫn và mâu thuẫn trong lời phúc đáp. Cụ thể:

– Tại công văn số 454/CSĐT-PC45 ngày 13/7/2017 của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình gửi Bộ có đặt câu hỏi số 4 như sau: “Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, để đảm bảo chất lượng nước trước khi đưa vào sử dụng chạy thận nhân tạo cho người bệnh nhất thiết phải làm xét nghiệm để kiểm tra xem chất lượng nước có phù hợp với tiêu chuẩn AAMI trên đây hay không?” và câu hỏi số 5: “Việc sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế vật tư đối với hệ thống lọc nước RO có quy định cụ thể về quy trình không? Nếu có thì quy định ở văn bản nào?”.

– Tại công văn số 4342/BYT-PC ngày 02/8/2017, Bộ Y tế lại sử dụng mệnh đề hỏi của câu hỏi số 5 để trả lời cho câu hỏi số 4 như sau:

“4. Việc sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế vật tư đối với hệ thống lọc nước RO có quy định cụ thể về quy trình không? Nếu có thì quy định ở văn bản nào?
a) Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, để đảm bảo chất lượng nước trước khi đưa vào sử dụng chạy thận nhân tạo cho người bệnh nhất thiết phải làm xét nghiệm để kiểm tra xem chất lượng nước có phù hợp với tiêu chuẩn AAMI trên đây hay không. Việc xét nghiệm tồn dư hóa chất khi tiệt trùng, lọc nước, xúc rửa hệ thống lọc nước RO là bắt buộc, đồng thời, khuyến cáo xét nghiệm thêm vi khuẩn và độc tố Endotoxin…”.

Như vậy, Bộ đã đưa câu hỏi số 4 của CQĐT thành chính mệnh đề trả lời của mình nhưng không rõ ý; và mâu thuẫn ngay với nội dung kế tiếp khi khẳng định rằng chỉ có xét nghiệm tồn dư hóa chất là bắt buộc, còn xét nghiệm thêm vi khuẩn và độc tố Endotoxin là khuyến cáo làm thêm; hoàn toàn không đề cập đến xét nghiệm AAMI.

Nếu Bộ xác định “nhất thiết phải làm xét nghiệm để kiểm tra xem chất lượng nước có phù hợp với tiêu chuẩn AAMI hay không” được hiểu là nhất thiết phải làm thì lại mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ sau đây:

– Văn bản số 2322 ngày 27/4/2018 của Bộ Y tế trả lời Công ty luật Nguyễn Chiến nhấn mạnh: để bảo đảm chất lượng nước RO an toàn cho người bệnh thì có 02 vấn đề bắt buộc được đặt ra – hóa chất đó có trong danh mục được phép sử dụng không và trong nước RO có còn tồn dư hóa chất đó không.

– Quyết định 2482 ngày 17/4/2018, Bộ Y tế ban hành 52 quy trình kỹ thuật thận nhân tạo trong đó có 07 quy trình liên quan đến nước RO đều không quy định tuân theo tiêu chuẩn AAMI đối với nước dùng trong lọc thận.

Không hiểu Bộ Y tế có biết rằng HF và HCL được đưa vào sử dụng tẩy rửa màng RO của hệ thống RO2 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 28/5/2017 thì thị trường trong nước ở thời điểm xảy ra sự cố không có thanh/que thử test tồn dư hóa chất cho hai lọai hóa chất hóa chất HF và HCL này? Tìm đâu ra danh mục chất cấm có các hóa chất này không được phép dùng trong y tế? Bộ Y tế đã ban hành danh mục cấm HF và HCL tại văn bản nào, xin mọi người chỉ giáo?

Vấn đề thứ 2: Đơn nguyên Thận nhân tạo phải hoạt động theo Quy chế của Khoa lọc máu quy định tại Quy chế Bệnh viện 1997 như thế nào?

Trong quá trình điều tra bổ sung sau phiên tòa tháng 5/2018, Bộ Y tế khẳng định đơn nguyên thận nhân tạo phải hoạt động theo Quy chế Khoa lọc máu quy định tại Quy chế Bệnh viện 1997. Vấn đề này, xin phản biện như sau:

– Một là, cơ quan nào, văn bản pháp luật nào cho phép được thành lập “đơn nguyên” để hoạt động theo quy định của một khoa điều trị? Hiện nay ở rất nhiều bệnh viện có hoạt động của các đơn nguyên nhưng hành lang pháp lý cho thành lập và tồn tại mô hình “đơn nguyên” là hoàn toàn không có. Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Y tế đã ban hành quy định cho phép thành lập đơn nguyên trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa để căn cứ vào đó các bệnh viện điều hành hoạt động?

+ Quá trình điều tra, CQĐT đã hỏi ý kiến Bộ Y tế về việc thành lập đơn nguyên TNT thuộc Khoa HSTC của BVĐK tỉnh Hòa Bình có đúng quy định không và căn cứ văn bản quy định nào. Tại văn bản số trả lời gần đây, được nêu trng phần tranh luận của chúng tôi tại phiên tòa, Bộ Y tế cho rằng việc ông Trương Quý Dương ký Quyết định thành lập Đơn nguyên TNT thuộc Khoa HSTC của BVĐK tỉnh Hòa Bình là thuộc thẩm quyền phân cấp của địa phương đối với Giám đốc bệnh viện theo quy định. Điều này, chúng tôi tôn trọng quan điểm quản lý.

+ Về phần mình, Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình có văn bản số 2066/SNV-TCCB&TCPCP ngày 24/8/2018 trả lời cơ quan điều tra: “Việc ban hành Quyết định số 175/QĐ-BVĐK ngày 08/3/2010 của Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh về việc thành lập Đơn nguyên lọc máu thuộc Khoa HSTC Bệnh viện đa khoa tỉnh là không có văn bản pháp luật nào quy định được phép thành lập tổ chức bên trong thuộc các khoa (phòng) của bệnh viện đa khoa và phân cấp, phân quyền cho Giám đốc đơn vị sự nghiệp thành lập loại hình tổ chức này”(BL 11082).

+ Tại phiên tòa chiều 16/01/2019 đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã trả lời việc thành lập đơn nguyên TNT trong Khoa HSTC là phù hợp và đúng quy định. Tuy nhiên, vấn đề này chưa có cơ sở để kết luận vì dưới góc độ quản lý, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình có thể đưa ra quan điểm như vậy, nhưng theo quan điểm của Sở Nội vụ thì phải được Sở Nội vụ thẩm định. Vấn đề này chưa được làm rõ tại phiên tòa vào tháng 01/2019 do không có đại diện Sở Nội vụ được triệu tập tham gia phiên tòa mặc dù luật sư chúng tôi đã đề nghị và trong hồ sơ vụ án, cũng chưa thu thập được tài liệu, chứng cứ thể hiện việc thẩm định của Sở Nội vụ đối với đơn nguyên TNT của BVĐK tỉnh Hòa Bình hay không.

– Hai là, Đơn nguyên TNT của BVĐK tỉnh Hòa Bình không phải là một Khoa lọc máu vì nếu đủ điều kiện là một Khoa điều trị thì không có quy định nào cho phép đặt khoa điều trị này trong khoa điều trị khác. Quy chế Bệnh viện 1997 quy định rõ Khoa lọc máu và Khoa hồi sức tích cực là các khoa điều trị hoàn toàn độc lập. Do vậy nếu đơn nguyên TNT của BVĐK tỉnh Hòa Bình được xác định hoạt động theo quy định của Khoa lọc máu thì không thể cho phép hoạt động trong điều kiện là một phần của Khoa Hồi sực tích cực – BVĐK tỉnh Hòa Bình bởi pháp luật nào cho phép thành lập Khoa chồng lên Khoa, Khoa chui vào Khoa như vậy?

– Ba là, nếu coi đơn nguyên TNT hoạt động như một Khoa lọc máu thì vi phạm quy định của ngành y tế: “Một người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; không được đồng thời làm người phụ trách từ hai khoa trở lên” quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 41/2011/TT-BYT năm 2011 của Bộ Y tế và nay tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định không cho phép: “Người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Không được đòng thời làm người phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác”.

– Bốn là, quy mô và cơ cấu Khoa lọc máu quy định tại Quy chế Bệnh viện về nhân lực phải có Trưởng khoa lọc máu, bác sĩ lọc máu, điều dưỡng viên lọc máu và kỹ sư/kỹ thuật viên theo Quy chế Khoa lọc máu tại Mục 24 Quy chế Bệnh viện 1997, nhưng ở Đơn nguyên TNT – BVĐK tỉnh Hòa Bình hoàn toàn không có kỹ sư/kỹ thuật viên nên khôngđáp ứng điều kiện thành lập và hoạt động bình thường của một Khoa lọc máu quy định tại Quy chế Bệnh viện 1997.

Tại phiên tòa chiều ngày 14/01/2019, ông Trương Quý Dương có khai: Việc tổ chức Đơn nguyên TNT là một bộ phận của Khoa, không phải một Khoa lâm sàng, hoạt động theo nội dung chuyển giao kỹ thuật của BV Bạch Mai và theo hoạt động của Khoa lâm sàng là Khoa HSTC. Về nguồn nhân lực để hoạt động: bác sĩ lọc máu, điều dưỡng viên, ngoài ra có kỹ sư Phòng VTTTB y tế của bệnh viện và bệnh viện thuê đơn vị kỹ thuật bên ngoài. Như vậy, từ người đứng đầu bệnh viện đã xác định đơn nguyên TNT – Khoa HSTC của BVĐK tỉnh Hòa Bình không phải là Khoa lọc máu nên không thể buộc Hoàng Công Lương nhận thức đơn nguyên TNT là Khoa lọc máu và trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước RO thuộc Trưởng khoa.

Xin lưu ý ông Hoàng Đình Khiếu không phải Trưởng Khoa lọc máu mà là Trưởng khoa HSTC, không thể buộc Trưởng khoa HSTC chịu trách nhiệm của Trưởng Khoa lọc máu.

Hơn nữa, ngay những người được đào tạo và làm công tác kỹ sư về TTBYT như BC Trần Văn Sơn tại Phòng Vật tư TTBYT – BVĐK tỉnh Hòa Bình còn không biết/không được đào tạo về sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO cũng như quản lý chất lượng nước RO thì không có lý do để cho rằng điều dưỡng viên, bác sĩ điều trị trở thành kỹ sư/kỹ thuật viên lâm sàng được.

– Năm là, thực tiễn hoạt động từ ngày 08/3/2010 đến nay, chưa bao giờ bác sĩ Trưởng khoa HSTC có đơn nguyên TNT là ông Hoàng Đình Khiếu trong khoa phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước RO. Điểm mấu chốt về trách nhiệm kiểm tra nguồn nước RO bảo đảm an toàn lại thuộc về kỹ sư/kỹ thuật viên khoa lọc máu theo quy định của Quy chế Khoa lọc máu. Chỉ khi và chỉ khi có kỹ sư/kỹ thuật viên trong Khoa lọc máu thì Trưởng khoa lọc máu mới phải chịu trách nhiệm bảo đảm đầy đủ và chất lượng nguồn nước RO.

Đến ngay cả Bộ Y tế – cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm cao nhất trong lĩnh vực y tế còn khẳng định tại công văn số 4342 ngày 02/8/2017 như sau:“nước sử dụng trong lọc máu bảo đảm chất lượng thuộc về trách nhiệm của cơ sở cung cấp hệ thống lọc nước RO hoặc cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế vật tư đối với hệ thống lọc nước RO (theo hợp đồng đã ký với bệnh viện)…” (BL 1486) thì không thể đòi hỏi ông Hoàng Đình Khiếu phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước RO, càng không thể buộc bác sĩ Hoàng Công Lương phải biết trách nhiệm của ông Hoàng Đình Khiếu bảo đảm chất lượng nước RO theo quan điểm ủa cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tế, ngay kể cả khi sự cố 29/5/2017 xảy ra rồi, Bộ Y tế vẫn khẳng định đơn nguyên TNT – BVĐK tỉnh Hòa Bình không có kỹ sư/kỹ thuật viên nên chúng ta có thể xác định trách nhiệm không thuộc về Trưởng khoa HSTC là ông Hoàng Đình Khiếu.

Điều này cũng phù hợp với nội dung trình bày tại bản tự khai ngày 28/6/2017, của ông Khiếu mà chúng tôi đã công bố tạ phần tranh luận phiên tòa hồi tháng 5/2018: “Tôi là người phê duyệt sửa chữa hệ thống RO2, biết lịch sửa chữa và lịch chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân. Tuy nhiên do Bệnh viện không có kỹ sư đủ năng lực thực hiện việc bảo dưỡng hệ thống RO cũng như các máy thận, Bệnh viện đã ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa nên bên công ty phải bảo đảm nguồn nước tinh khiết đạt tiêu chuẩn AAMI cho chúng tôi.”

Tuy nhiên, đến nay, tại văn bản phúc đáp cơ qaun điều tra mà chúng tôi đã chỉ ra tại phiên tòa thì cho thấy Bộ Y tế xác định Đơn nguyên thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình phải tuân thủ đầy đủ quy chế chuyên môn bảo đảm an toàn cho người bệnh như một Khoa lọc máu, phải thực hiện theo quy định Mục 24 Quy chế công tác Khoa lọc máu của Quy chế Bệnh viện năm 1997. Như vậy, buộc trách nhiệm cho Trưởng khoa HSTC Hoàng Đình Khiếu phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước RO trong điều kiện không có kỹ sư/kỹ thuật viên tại đơn nguyên TNT và Bệnh viện đã thuê kỹ sư bên ngoài vào sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO là hoàn toàn vô lý và không thể chấp nhận; mâu thuẫn với chính quan điểm của Bộ trước đó tại công văn số 4342 ngà 02/8/2017, gây bất lợi và làm xấu đi tình trạng của các nhân viên y tế trong vụ án.

Tại phiên tòa tháng 01/2019 vừa qua, chúng tôi đã kiến nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ Y tế tham gia phiên tòa xét xử để làm rõ Bộ có 02 quan điểm: chất lượng nước RO thuộc cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO khi đơn nguyên TNT không có kỹ thuật viên và chất lượng nước RO thuộc trách nhiệm Trưởng khoa HSTC Hoàng Đình Khiếu, vậy Bộ giữ quan điểm nào và căn cứ vào đâu? Rất tiếc, cho đến nay vấn đề này còn bỏ ngỏ!

Về nguyên tắc tố tụng hình sự, nếu chúng ta không có được câu trả lời thì phải lựa chọn câu trả lời có lợi theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo.

Do đó, áp dụng cơ sở pháp lý quy định về Khoa lọc máu tại Quy chế Bệnh viện 1997 cho Đơn nguyên TNT nhằm buộc Hoàng Công Lương phải biết trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước RO thuộc ông Hoàng Đình Khiếu – Trưởng khoa HSTC là hoàn toàn khiên cưỡng, không đúng quy định pháp luật, trái thực tiễn hoạt động của đơn nguyên TNT của BVĐK tỉnh Hoà Bình. Điều này cũng phù hợp thực tiễn hoạt động của đơn nguyên TNT thuộc BVĐK tỉnh Hòa Bình từ ngày thành lập 08/3/2010 đến nay, chưa bao giờ ông Khiếu – Trưởng khoa HSTC phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước RO sau sửa chữa, tiệt trùng.

Cũng thấy thú vị hơn, vì tại văn bản số 2322/BYT-PC ngày 27/4/2018 Bộ Y tế gửi Công ty luật Nguyễn Chiến lại khẳng định: “Do chưa có các văn bản đầy đủ liên quan đến hướng dẫn kỹ thuật thận nhân tạo, ngày 17/4/2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2482/QĐ-BYT ban hành 52 quy trình kỹ thuật thận nhân tạo, trong đó có 07 quy trình liên quan đến nước RO cho thận nhân tạo. Đây là văn bản pháp luật quan trọng để Quý Công ty tham khảo bảo vệ cho BS Lươngliên quan đến các nguyên nhân khách quan”. Rõ ràng, ở đây Bộ Y tế có quan điểm về việc thiếu khuyết hành lang pháp lý liên quan đến các quy trình trong vực thận nhân tạo là nguyên nhân khách quan, miễn trừ trách nhiệm cho bác sĩ Lương.

Hy vọng tại phiên tòa phúc thẩm, với quyền năng, trách nhiệm của mình là cơ quan quản lý cao nhất trong lĩnh vực y tế, đồng thời là cơ quan đưa ra rất nhiều quan điểm trả lời cơ quan điều tra để làm cơ sở xem xét trách nhiệm các bị cáo trong vụ án- Bộ Y tế sẽ cử đại diện của mình tham gia phiên tòa phúc thẩm để làm rõ và giúp cho HĐXX có được phán quyết công bình, khách quan, toàn diện về vụ án trên cơ sở xét kháng cáo của những người kháng cáo.

(P/S: Ngày mai đã là ngày tất niên, mọi người đều hối hả chuẩn bị cho lễ đón Giao thừa và sáng Mồng Một Tết năm Kỷ Hợi 2019 nên xin phép tạm dừng loạt bài viết về những vấn đề pháp lý trong vụ án BVĐK tỉnh Hòa Bình tại đây. Chúc cả nhà đón Xuân vui vẻ, nhiều ý nghĩa. Cảm ơn những người quan tâm đến quan điểm của cá nhân tôi dưới góc độ nghiên cứu của luật sư bào chữa).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Hệ…, hệ…, ngay chính luật sư cũng nhầm lẫn Thái và Hoà (Bình) nhé, trách chi bọn cầm cân nảy mực nó mà cố tình nhầm lẫn thì….
    Dù sao thì cũng rất cảm ơn các luật sư đã làm hết sức mình để chứng tỏ Hoàng Công Lương vô tội, ơn rất nhiều!

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây