Trump thông đồng với Putin

Lời người dịch: Trong lịch sử Hoa Kỳ, Trump là tổng thống đầu tiên họp mặt với đối thủ là Putin, mà không có sự hiện diện của cố vấn. Điều đáng nói là trước cuộc họp tại Helsinki, thủ đô Phần Lan, Bộ Tư pháp của chính phủ Trump đã công bố bản cáo trạng kết tội 12 sĩ quan tình báo quân đội Nga, cáo buộc can thiệp vào bầu cử tổng thống năm 2016. Thế nhưng, trước toàn thế giới, Trump bỏ mặc báo cáo của an ninh chính phủ mình và mắng nước Mỹ ‘ngốc nghếch’ và ‘ngớ ngẩn’ khi để quan hệ Nga và Mỹ xấu đi.

Thử tưởng tượng, Nguyễn Phú Trọng TBT đảng CSVN họp mặt với Tập Cận Bình, rồi tuyên bố Việt Nam “ngốc nghếch” khi để quan hệ Việt-Trung xấu đi, để thấy vấn đề này nghiêm trọng như thế nào.

Sau thông tin Trump từ chối, không cho các thành viên chính phủ của ông ta biết nội dung cuộc họp với Putin tại Helsinki ngày 16/7/2018, cựu Tổng thống Estonia, Toomas Hendrik Ilves đã tweet: “Trong 15 năm làm Bộ trưởng ngoại giao và Tổng thống, sau một cuộc họp, người Nga sẽ nói láo về những gì chúng tôi đã bàn trong cuộc họp, ngay cả khi có sự hiện diện của nhiều người ghi chép và nhân viên chính phủ”.

Tại sao Trump không cho phép cố vấn tham dự cuộc họp? Trump chưa một lần lên án Putin trực tiếp, nhưng liên tục ca ngợi hắn. Sự sợ hãi của Trump với Putin là rõ như ban ngày và nguyên nhân thì ai cũng hiểu: vận mệnh của Trump nằm gọn trong bàn tay Putin.

_____

Politico

Đó là một sự thông đồng

Tác giả: Strobe Talbott

Dịch giả: Mai V. Phạm

13-1-2019

Chúng ta không cần các bản báo cáo nói với chúng ta rằng, Trump đang trao cho Putin những gì hắn muốn. Hãy tiếp nhận nó từ người có thâm niên về Nga: Sự thông đồng đang nhìn chằm chằm vào chúng ta.

Hôm thứ Sáu, báo New York Times tiết lộ một cuộc điều tra của FBI về việc ứng cử viên tổng thống Trump đã thông đồng – là từ mà ông ta ghét và phủ nhận – với người Nga để giúp chiến dịch tranh cử tổng thống của ông. Ngày hôm sau, báo Washington Post cũng phanh phui Tổng thống Trump đã không cho phép các thành viên cao cấp chính phủ tham gia vào các cuộc họp mặt nhạy cảm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong các diễn biến khác, Quốc hội đã lên tiếng mời Maria Gross, thông dịch viên của Bộ Ngoại giao và là người Mỹ duy nhất có mặt trong cuộc họp kéo dài hai tiếng giữa Trump và Putin ở Helsinki, Phần Lan, để chia sẻ những gì bà biết về nội dung cuộc họp.

Tình tiết ngày càng dày đặc, nên những xao lãng ngụy biện cũng tăng theo. Năm ngoái, nội dung các cuộc gặp giữa cựu Tổng thống Bill Clinton với Tổng thống Nga, Boris Yeltsin, đã được công khai, dẫn đến lập luận cho rằng, mối quan hệ của Trump và Putin cũng giống như của Bill Clinton và Boris Yeltsin trong thập niên 1990.

Thật vô lý. Tôi là người ghi chép hầu hết các cuộc trò chuyện giữa Clinton và Yeltsin. Mối quan hệ Clinton-Yeltsin chỉ có một điểm tương đồng so với mối quan hệ Trump-Putin: Trong cả hai trường hợp, tổng thống Mỹ đều trợ giúp người đồng cấp của điện Kremlin. Còn lại là sự khác biệt lớn như khí hậu vào tháng Giêng thì mát mẻ ở Miami, nhưng lạnh giá ở Murmansk (Nga).

Cho dù Trump có biết hay không, ông ta là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược của Putin nhằm tăng vị thế của chế độ độc tài và làm suy yếu các nền dân chủ trên toàn thế giới. Sự khác thường chưa từng có đang làm ô uế những gì Hoa Kỳ đại diện cả trong và ngoài nước; nó xa lánh và xua đuổi đồng minh; và nếu được phép duy trì, nó sẽ gây nguy hại cho an ninh của chúng ta.

Ngược lại, tổng thống Clinton làm việc không mệt mỏi với Boris Yeltsin trong 7 năm để hỗ trợ chương trình cải cách của ông. Yeltsin muốn nước Nga hậu Xô Viết gia nhập cộng đồng các quốc gia dân chủ và liên minh của các cường quốc sẽ vận động cho thế kỷ 21 hòa bình. Yelstin cần sự trợ giúp và động viên của phương Tây và tổng thống Clinton đã làm hết sức mình để cung cấp cả hai.

Mối quan hệ Clinton-Yeltsin còn có một điểm chung khác: cả hai tiếp tục phát huy dựa trên tầm nhìn của người tiền nhiệm. Mikhail Gorbachev bắt đầu tự do hóa dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống Xô Viết cứng nhắc, sau đó là Liên Xô, và Boris Yeltsin lên làm tổng thống của nước Nga độc lập, hậu cộng sản. Với tư cách là tổng thống Mỹ tại thời điểm Liên Xô tan rã, George H. W. Bush đã nhận ra rằng, cả hai nhà lãnh đạo điện Kremlin đều cam kết dân chủ hóa, phá hủy Bức màn sắt, khiến châu Âu trở nên “trọn vẹn và tự do” hơn. Chính lợi ích của Hoa Kỳ đã thúc đẩy trợ giúp sự chuyển đổi khổng lồ đó.

Khi đắc cử tổng thống năm 1992, Bill Clinton đã tiếp tục công việc mà tổng thống Bush đang thực hiện, dành phần lớn thời gian của mình để làm việc trực tiếp với Boris Yeltsin trong một chương trình nghị sự lớn, khẩn cấp và đầy khó khăn:

  • Đẩy mạnh nền kinh tế Nga vốn đang gặp nhiều khó khăn,
  • Xây dựng mạng lưới an toàn xã hội cho người lao động khi các doanh nghiệp tư nhân thay thế các doanh nghiệp lớn nhà nước,
  • Giúp các sĩ quan thời Liên Xô, vốn đã nghỉ hưu và sống ở các nước độc lập, trở lại Nga,
  • Gửi các chuyên gia có chuyên môn về tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng,
  • Bảo đảm rằng Nga sẽ là nước duy nhất trong số các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ có vũ khí hạt nhân, để đổi lấy Nga sẽ bảo đảm tôn trọng các quốc gia mới về lãnh thổ và chủ quyền,
  • Tạo cơ hội cho Nga tham gia G-8.

Những cam kết này rất có giá trị đặc biệt đối với Yeltsin. Khó khăn nhất trong tất cả là kêu gọi Nga cộng tác với NATO đang mở rộng và cung cấp quan hệ ngoại giao cần thiết để chấm dứt cuộc tắm máu khu vực Balkan. Cả hai đều cần thiết để ổn định Trung Âu.

Trở về thời chính quyền Trump hiện tại.

Dưới thời Putin, với tư cách là người muốn phục thù, Nga đã khôi phục 4 đặc điểm chính về chính trị và địa chính trị thời Liên Xô: Quả đấm thép (Iron Fist), Lời nói dối lớn (Big Lie), sự bành trướng vượt ra khỏi biên giới Nga và lật đổ các xã ​​hội phương Tây. Putin đang tạo một cơ hội khác cho hệ thống đã bị xóa sổ trên đống tro tàn của lịch sử trong thế kỷ trước vì những thất bại nội bộ.

Chiến tranh Lạnh vừa quay trở lại với một số điều mới và đáng ngại. Bàn cờ đã thay đổi. Putin đang trên đà chiến thắng. Những lãnh đạo mạnh mẽ ở châu Âu đang nhân bản giống Putin với sự giúp đỡ của chính Putin. Dân chủ đang gặp nhiều khó khăn nếu không muốn nói là khủng hoảng. Từ sau Thế chiến II, các thể chế được thành lập dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, đáng chú ý là NATO và sự hội nhập của Tây Âu. Và sau đó, một cuộc rút lui của Hoa Kỳ tại Trung Đông, có cơ hội khiến Nga trở thành cường quốc duy nhất tại Trung Đông.

Trump là món quà từ Trời của Putin và là cơn ác mộng đối với các chính phủ trong tầm ngắm, trong đó bao gồm chính phủ của Trump. Tổng tư lệnh Hoa Kỳ (Donald Trump) không đồng thuận với chính phủ của chính mình, thậm chí toàn bộ chính quyền. Đáng lưu ý là nỗi khao khát bướng bỉnh của Trump nhằm dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các tài phiệt đầu sỏ của Putin.

Tại châu Âu, Trump đã giúp Putin dễ dàng chôn vùi nỗ lực hợp tác Gorbachev-Yeltsin với phương Tây và làm sống lại những gì hắn xem là ảnh hưởng đến lãnh thổ nước Nga. Thay vì bảo vệ các đồng minh quan trọng, Trump lại bắt nạt và coi thường họ, khiến họ dễ bị tổn thương trước sự trỗi dậy của các lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, là những người nhìn thấy ở Trump sự nâng đỡ và kiểu mẫu.

Trump có một mối quan hệ đặc biệt với những kẻ độc tài khi mà Trump đã thừa nhận trong một bữa ăn trưa với các Thượng nghị sĩ: “Tôi không biết tại sao tôi lại hòa hợp với những người cứng rắn, chứ không phải những người mềm mỏng”. Thật ra Trump biết tại sao: bởi Trump ghen tị với sức mạnh không được kiểm soát của độc tài, sử dụng sự hăm dọa cho hoạt động bí mật, rõ ràng Trump không tin tưởng các cố vấn và các cơ quan làm việc cho mình.

Bài viết của Washington Post đã nhắc lại cuộc gặp gỡ Trump-Putin vào tháng 7 năm ngoái tại Helsinki, mà không có sự hiện diện của cố vấn, phụ tá hay người ghi chép. Bà Gross, thông dịch viên của Bộ Ngoại giao, là người Mỹ duy nhất ngoài Trump ra, biết những gì đã được nói đến trong cuộc họp và bà ấy đang che giấu. Bất cứ điều gì Trump nói với cố vấn của mình có thể là những gì ông ta muốn mọi người tin, đặc biệt khi ông ta đang muốn che giấu điều gì đó.

Trump nói rằng, ông ta không quan tâm nếu cuộc trò chuyện với Putin được công khai; nhưng phát biểu này của Trump không có giá trị. Sự tự mãn trên khuôn mặt của Putin và một điều gì đó không chắc chắn trên khuôn mặt của Trump sau cuộc họp bí mật, nói lên được nhiều điều.

Thông dịch viên người Nga của Putin có lẽ đã sao chép lại từ bộ nhớ và những ghi chú ngay sau cuộc họp giữa Putin-Trump. Hơn nữa, Putin là một thẩm vấn viên rất lành nghề, nên sẽ tóm tắt lại cho thân cận của mình nội dung cuộc họp. Do đó, phía Nga còn có một lợi thế khác trong việc xử lý người ngưỡng mộ Putin (là Trump).

Các nhà sử học trong tương lai sẽ đối mặt với sự bất lợi, khó khăn khi tài liệu lưu trữ về chính sách ngoại giao của chính quyền Trump được công khai, bởi vì rất nhiều thủ tục ngoại giao thông thường đã bị phá vỡ hoặc bị loại bỏ. Nhưng chúng ta đã biết rằng, điện Kremlin đã giúp đưa Trump vào Nhà Trắng và chơi ông ta như một thằng ngu.

Hoặc nói theo cách này: Trump đã thông đồng với nước Nga thù địch trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình. Chúng ta rồi sẽ biết nếu sự thông đồng này bắt đầu từ trước đó.

_______

Tác giả: Strobe Talbott là chuyên gia nổi tiếng về các chính sách đối ngoại tại viện Brookings. Trước khi gia nhập viện Brookings, ông Talbott là giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa của Đại học Yale. Ông cũng là phó ngoại trưởng thời Tổng thống Clinton.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Đọc xong cứ nghĩ chắc Trump chỉ là thằng nhóc 17, 18 tuổi. Hoặc tỉ như thằng già 72 tuổi lú lẫn, lẩm cẩm ham nhất thể hóa.
    Đã là tỉ phú Mỹ thì hẳn phải có biệt tài.
    Thiên cơ bất khả lộ khi mà mọi viêc đang trong giai đoạn tiến hành.
    Mẹ kiếp biết đâu Trump đang đàm phán sau lưng để xẻ nai Tập cũng nên
    Chờ xem

  2. Về tác giả:
    “… ông Talbott là giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa của Đại học Yale. Ông cũng là phó ngoại trưởng thời Tổng thống Clinton”
    Còn dịch giả:
    “…ai cũng hiểu vận mệnh của Trump nằm gọn trong bàn tay Putin”
    Chỉ cần đọc mấy dòng đó là đủ hiểu mục đích và giá trị của bài viết nhằm phục vụ cho ai. Câu hỏi là ở chỗ, nếu như bà Clinton (phe dân chủ) kỳ rồi lên làm tổng thống, thì số phận VN và thế giới đã về đâu trước nanh vuốt càng ngày càng quắp chặt của con cọp dữ Trung cộng?

  3. Bài này dù đúng đi nữa nhưng không biết độ chính xác được mấy
    % vì tác giả là một thành viên phe đảng DC.từ thời Clinton,do đó
    ông ta viết với ác cảm và không nên tin tuyệt đối.
    Phải nói là chưa bao giờ có một TT.đảng CH.bị không những chưởi
    bới mà còn bị chống đối một cách cực đoan,thâm chí muốn lật đổ
    ngay từ lúc nhận chức đến thời điểm hiện nay ?
    Số phận Trump cuối cùng chẳng biết có giống Nixon không ? Wait
    and see ! Nixon đổ kéo theo VC.chiếm đoạt miền Nam với sự đồng
    loã của nhiều tên thiên tả và thân cộng ?

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây