Ủy ban chống tra tấn kết luận về báo cáo sơ khởi của Việt Nam*

DVOV

27-12-2018

Bản gốc tiếng Anh.

Bản dịch của BPSOS, ngày 26/12/2018

Ghi chú của ban dịch thuật: Chúng tôi tô vàng 3 khuyến cáo mà Uỷ ban chống tra tấn yêu cầu nhà nước Việt Nam nhất thiết trả lời.

Ủy ban chống tra tấn kết luận về báo cáo sơ khởi của Việt Nam*

*Uỷ ban thông qua trong phiên họp thứ 65 (ngày 12 tháng 11- ngày 7 tháng 12 năm 2018). BẢN 2, chưa chỉnh sửa.

Ủy ban chống tra tấn đã xem xét báo cáo sơ khởi của Việt Nam (CAT/C/SARL/1) tại các cuộc họp lần thứ 1685 và 1688, được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 11 năm 2018 (CAT/C /SR.1685 và CAT/C/SR.1688) và thông qua các nhận xét kết luận sau đây tại cuộc họp lần thứ 1708 (CAT/C/SR.1708) được tổ chức vào ngày 29 tháng 11 năm 2018.

A. Dẫn Nhập

2. Ủy ban hoan nghênh cuộc đối thoại với phái đoàn của quốc gia thành viên của công ước (từ nay gọi là quốc gia thành viên) và các câu trả lời qua hình thức nói và bằng văn bản về các mối quan tâm của Ủy ban.

B. Về phương diện tích cực

3. Ủy ban hoan nghênh việc quốc gia thành viên gia nhập và phê chuẩn các văn kiện quốc tế sau đây:

(a) Công ước về Phòng ngừa và Trừng phạt Tội Diệt chủng, thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1950;

(b) Công ước về Nô lệ, thiết lập ngày 14 tháng 8 năm 1956;

(c) Công ước Geneva, thiết lập ngày 28 tháng 6 năm 1957;

(d) Nghị định thư bổ sung cho các Công ước Geneva, thiết lập ngày 19 tháng 10 năm 1981;

(e) Công ước về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ, thiết lập ngày 17 tháng 2, 1982;

(f) Công ước Quốc tế về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc, thiết lập ngày 9 tháng 6 năm 1982;

(g) Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị và Nghị định thư không ràng buộc, thiết lập ngày 24 tháng 9 năm 1982;

(h) Công ước Quốc tế về Các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, thiết lập ngày 24 tháng 9 năm 1982;

(i) Công ước về Quyền Trẻ em, thiết lập ngày 28 tháng 2 năm 1990;

(j) Công ước Quốc tế về Lao động số 182 liên quan đến việc Cấm và Hành động tức thời nhằm Loại Bỏ các Hình thức Lao động dùng Trẻ em Tồi tệ Nhất, thiết lập ngày 19 tháng 12 năm 2000;

(k) Nghị định thư không ràng buộc đối với Công ước về Quyền Trẻ em liên quan đến việc Buôn Trẻ em, Mại dâm dùng Trẻ em và Khiêu dâm dùng Trẻ Em, thiết lập ngày 20 tháng 12 năm 2001;

(l) Nghị định thư không ràng buộc đối với Công ước về Quyền Trẻ em trong việc dùng trẻ em trong cuộc Xung đột Vũ trang, thiết lập ngày 20 tháng 12 năm 2001;

(m) Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Chống Tham nhũng, thiết lập ngày 19 tháng 8 năm 2009;

(n) Công ước Chống Tội phạm Có Tổ chức Xuyên Quốc gia, thiết lập ngày 8 tháng 6 năm 2012;

(o) Nghị định thư về việc Ngăn chặn, Xoá bỏ và Trừng phạt Nạn Buôn người, nhất là có sự liên quan đến Phụ nữ và Trẻ em, bổ sung Công ước của LHQ về chống Tội phạm có Tổ chức Xuyên Quốc gia, năm 2000 (Nghị định thư Palermo), thiết lập ngày 8 tháng 6 năm 2012;

(p) Công ước về Quyền của Người Khuyết tật, thiết lập ngày 5 tháng 2 năm 2015.

4. Ủy ban hoan nghênh quốc gia thành viên đã chủ động để chỉnh sửa luật pháp trong các lĩnh vực liên quan đến Công ước, bao gồm:

(a) Năm 2011: thông qua Luật Buôn người, trong đó có các khoản nghiêm cấm việc cưỡng bách lao động và khai thác tình dục;

(b) Năm 2014: tu chỉnh Luật Quốc tịch Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin nhập quốc tịch Việt Nam của người tị nạn và người vô tổ quốc;

(c) Năm 2015: tu chỉnh Luật Thi hành việc Tạm Giữ và Tạm Giam, cho phép nghi can được thân nhân viếng thăm và được hỗ trợ pháp lý, đặc biệt là trong thời gian công an điều tra;

(d) Năm 2017: tu chỉnh Luật Trợ giúp Pháp lý, theo đó đã nới rộng danh sách những người
được hưởng sự trợ giúp pháp lý;

(e) Năm 2015: tu chỉnh Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự – có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2018 – trong đó quy định quyền tiếp cận với luật sư trong mọi giai đoạn tố tụng hình sự và nới rộng điều kiện cho nghi can được hưởng tư vấn pháp lý miễn phí; cho quay video và ghi âm các cuộc thẩm vấn nghi can bởi các cơ quan điều tra tại cơ sở của các cơ quan này;

5. Ủy ban cũng hoan nghênh việc quốc gia thành viên đã chủ động tu chỉnh các chính sách,
chương trình và biện pháp hành chính để hiệu lực hoá Công ước, bao gồm:

(a) 2011-2015: Triển khai Kế hoạch Chống Buôn người;

(b) Năm 2015: triển khai Dự án cho Bộ Tư pháp phổ biến Công ước Chống Tra tấn và các Hình Phạt hay Đối xử Tàn bạo, Vô Nhân đạo hoặc Làm Mất Phẩm giá, và tổ chức các khóa huấn luyện/đào tạo cho nhân viên phụ trách việc phổ biến pháp lý và giáo dục liên quan đến nhân quyền nói chung và quyền không bị tra tấn nói riêng;

(c) Năm 2016: Thành lập Tòa án Gia đình và Vị thành niên tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp chiếu theo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 (qua các điều 30, 38 và 45);

(d) Phổ biến bởi Bộ Thông tin và Truyền thông về các thông tin tại các cuộc hội thảo và hội nghị về Công ước Chống Tra tấn và các Hình phạt hay Đối xử Tàn bạo, Vô Nhân đạo hoặc Làm Mất Phẩm giá do Bộ Ngoại giao tổ chức năm 2014 và Bộ Công an tổ chức năm 2016.

C. Những điều chính yếu mà Uỷ Ban quan tâm đến và các khuyến nghị

Định nghĩa và hình sự hoá tra tấn trong luật pháp

6. Ủy ban nhận định rằng quyền không bị tra tấn và các hành vi phạm luật khác như áp dụng hình phạt thể chất và lấy lời khai bằng sự ép buộc, được xem như một hình thức tra tấn, được quy định trong Hiến pháp và các luật pháp khác. Tuy nhiên, Ủy ban quan ngại rằng luật pháp, và đặc biệt là Bộ luật Hình sự được tu chỉnh, đã không hình sự hoá tra tấn trong một điều khoản riêng biệt cấm tội trạng này.

Uỷ Ban cũng quan ngại rằng không có định nghĩa về tra tấn trong luật pháp. Ngoài ra, Ủy Ban còn quan tâm đến các báo cáo trong đó có hành vi tra tấn với sự đồng ý hoặc thông qua của một viên chức quốc gia thành viên hoặc một cá nhân khác được chính quyền ban cho thẩm quyền thi hành phận sự do chính quyền giao phó, như được đề cập trong Điều 1 của Công ước, không được quy định đầy đủ trong luật pháp của quốc gia thành viên (điều 1, 2 và 4).

7. Quốc gia thành viên nên:

(a) Tu chỉnh luật pháp, bao gồm Bộ luật Hình sự 2015, để hình sự hóa rõ ràng các hành vi tra tấn;

(b) Đưa ra một định nghĩa về tra tấn bao gồm tất cả các yếu tố được nêu trong điều 1 của
Công ước. Về vấn đề này, Ủy ban đề nghị lưu ý đến phê bình tổng quát số 2 (2007) của Uỷ ban về việc thực thi Điều 2 của Công ước bởi quốc gia thành viên, trong đó nêu rõ sự khác biệt nghiêm trọng giữa định nghĩa nêu ra trong Công ước và những gì được đưa vào luật quốc gia tạo những kẽ hở, thực tế hoặc tiềm năng, có thể dẫn đến sự miễn tố (đoạn 9).

Hình phạt cho tội tra tấn và sự miễn tố

8. Uỷ ban nhận thấy rằng Điều 27 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định 5 năm tù cho các tội ít nghiêm trọng; 10 năm cho tội phạm nghiêm trọng; 15 năm cho các tội phạm rất nghiêm trọng; và 20 năm cho các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Tuy nhiên, Ủy ban quan ngại rằng các hình phạt được quy định cho các tội phạm nói chung cũng như các tội phạm về tra tấn, mà tra tấn được định nghĩa khác nhau và rất mơ hồ trong các điều luật.

Điều đáng quan ngại là Điều 373 của Bộ luật Hình sự về việc “Sử dụng tra tấn”, đã nêu ra: “bất kỳ ai, trong quá trình tố tụng, xét xử hoặc thi hành các biện pháp bao gồm cưỡng chế vào một cơ sở cải huấn hoặc trung tâm cải tạo, sử dụng việc tra tấn hoặc đối xử tàn bạo, hoặc lăng mạ người khác dưới bất kỳ hình thức nào, sẽ bị tuyên án 6 tháng đến 36 tháng tù”, mà không thuộc tình huống gia trọng, điều đó có nghĩa là một người phạm tội tra tấn tại các cơ quan cải huấn và cải tạo có thể bị xử phạt thật nhẹ như 6 tháng tù giam (điều 1, 2 và 4).

9. Quốc gia thành viên nên:

(a) Đảm bảo rằng tội phạm tra tấn và việc toan tính phạm tội đó đều bị trừng phạt tương
xứng với độ nghiêm trọng của các tội trạng này, như được nêu trong Điều 4 (2) của Công ước, bất kể là ở trong tình huống gia trọng hay không;

(b) Cho Ủy ban biết việc tu chỉnh Bộ luật Hình sự có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2018 có làm gia tăng số trường hợp tra tấn bị truy tố hay không, và liệu có dự định tu chỉnh thêm cho Bộ luật Hình sự để cho việc truy tố tra tấn được đơn giản và rõ ràng hơn hay không.

Thời hiệu đối với tội phạm tra tấn

10. Ủy ban quan ngại rằng các tội phạm ít nghiêm trọng có thời hiệu là 5 năm trong khi các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thời hiệu là 20 năm, có thể bao gồm các hành vi tra tấn, dẫn đến trường hợp không bị trừng phạt và như vậy là vi phạm Công ước (Điều 1, 2 và 4).

11. Quốc gia thành viên nên tu chỉnh Bộ luật Hình sự để đảm bảo rằng không có thời hiệu cho tội tra tấn và mọi hành vi tra tấn có thể bị truy tố và trừng phạt không lệ thuộc vào thời gian đã qua kể từ khi vi phạm tội này. Luật cũng cần được sửa đổi để tội phạm tra tấn không thể được ân xá.

Lệnh cấp trên và sự đồng lõa trong các hành vi tra tấn

12. Ủy ban quan ngại:

(a) Luật về Lực lượng Công an Nhân dân; luật về Sĩ Quan Quân Đội Nhân Dân Việt Nam và Luật về Cán bộ, Công chức, quy định các viên chức, quan chức có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, chỉ thị và mệnh lệnh của cấp trên, đồng thời không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thực thi, mà họ phải báo cáo kịp thời cho cấp trực tiếp trên mình hoặc cấp có thẩm quyền cao hơn của quan chức ra lệnh, nếu họ có lý do để tin rằng các lệnh đó là bất hợp pháp;

(b) Bộ luật Hình sự quy định rằng, tòng phạm sẽ không phải chịu trách hiệm về việc kẻ vi phạm dùng vũ lực quá đáng khi mà các tòng phạm bao gồm người tổ chức, người vi phạm, người xúi giục hoặc người khuyến khích và rằng, một người có hành vi đồng loã với hoặc tham gia các tội phạm mang tính cách tra tấn và các tội phạm liên quan chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm trên căn bản của tính chất và mức độ tham gia, điều có thể dẫn đến tình trạng là người ra lệnh tra tấn không bị truy tố.

13. Quốc gia thành viên nên:

(a) Đảm bảo rằng nguyên tắc tuyệt đối cấm tra tấn được đưa vào luật pháp và được áp dụng nghiêm túc trong thực tế, theo Điều 2 (2) của Công ước;

(b) Đảm bảo rằng luật pháp quy định rõ ràng rằng đồng lõa trong các hành vi tra tấn – người tổ chức, người xúi giục hoặc người khuyến khích – phải chịu trách nhiệm hình sự, dựa trên tính chất và mức độ tham gia vào các hành vi tra tấn; kể cả những người không phải là viên chức, quan chức mà hành động theo sự xúi giục của viên chức, quan chức hoặc với sự đồng ý của họ;

(c) Đảm bảo rằng luật pháp công nhận nguyên tắc người chỉ huy hoặc có trách nhiệm cao nhất phải chịu trách nhiệm đối với hành vi tra tấn của cấp dưới;

(d) Đảm bảo, bằng cách thiết lập một cơ chế bảo vệ cụ thể, rằng cấp dưới không bị cấp trên trả thù hoặc trừng phạt nếu không tuân theo mệnh lệnh vi phạm Công ước;

(e) Đảm bảo rằng tất cả những người bị kết tội tra tấn đều bị truy tố hình sự, và không chỉ với các biện pháp kỷ luật, hình phạt phải tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội phạm;

(f) Đảm bảo, phù hợp với Điều 2 (3) của Công ước, lệnh của cấp trên không được dùng để
biện minh cho việc tra tấn, và đảm bảo cấp dưới (người thực thi pháp luật, quân nhân, công chức) được thực thi quyền từ chối thi hành mọi mệnh lệnh dẫn đến việc vi phạm Công ước;

Cáo buộc tra tấn và ngược đãi

14. Ủy Ban rất quan tâm đến:

(a) Các cáo buộc về việc sử dụng các hình thức tra tấn và ngược đãi tại nhiều nơi, đặc biệt là trong các đồn công an, và đồng thời ở những nơi giam giữ khác;

(b) Các báo cáo rằng phần lớn các trường hợp tra tấn được tiến hành tại các đồn công an, để buộc thú tội hoặc lấy thông tin để sử dụng trong tố tụng hình sự, và đôi khi tra tấn dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ sau khi bị bắt;

(c) Nhiều báo cáo cho thấy một số bác sĩ đã tham gia vào việc trừng phạt thể chất đối với người bị giam giữ để buộc họ phải nhận tội, hoặc từ chối chăm sóc y tế cho người bị giam;

(d) Rất ít vụ tra tấn và ngược đãi bị điều tra hoặc truy tố; chỉ có 10 trường hợp tra tấn đã được đưa ra trước tòa án từ năm 2010 đến 2015;

(e) Nhiều báo cáo cho thấy nạn nhân hoặc người thân của người bị tra tấn bị trả thù khi họ
khiếu nại về các hành vi tra tấn (Điều 2, 12, 13 và 16).

15. Quốc gia thành viên nên:

(a) Công nhận và lên án công khai một cách dứt khoát ở cấp bậc cao nhất mọi hành vi tra tấn và ngược đãi đối với những người bị giam giữ;

(b) Đảm bảo rằng các cuộc điều tra về tội phạm tra tấn được thực hiện một cách có hệ thống, thủ phạm bị truy tố và kết án theo mức độ nghiêm trọng của hành vi của họ theo Điều 4 của Công ước, và các nạn nhân được đền bù xứng đáng;

(c) Thiết lập một cơ chế độc lập để thực hiện việc giám sát lực lượng công an và các cơ quan chức năng khác để không có mối liên hệ về thể chế hoặc cấp bậc giữa điều tra viên và người bị điều tra, và đảm bảo rằng tất cả những người bị điều tra vì có hành vi tra tấn hoặc ngược đãi bị đình chỉ khỏi nhiệm vụ ngay lập tức và trong suốt quá trình điều tra, trong khi đảm bảo rằng nguyên tắc suy đoán vô tội được tuân thủ;

(d) Truy tố và trừng phạt các y sĩ có vai trò trong các trường hợp trừng phạt thể chất những người bị giam giữ hoặc từ chối không chăm sóc y tế cho họ;

(e) Đảm bảo rằng các y sĩ phải được huấn luyện về Nguyên tắc Đạo đức Y khoa liên quan đến Vai trò của Nhân viên Y tế, đặc biệt là Y sĩ, trong việc Bảo vệ Tù nhân và Người bị Giam giữ để họ không bị tra tấn, hoặc không bị trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá;

(f) Thiết lập một cơ sở dữ liệu về tổng số các cuộc điều tra, truy tố, kết án, xử phạt và bồi
thường cho các nạn nhân bị tra tấn và thành viên của gia đình họ, và kê khai các số liệu này cho Ủy ban trong báo cáo đệ nạp vào chu kỳ tiếp theo.

Bảo vệ pháp lý cơ bản

16. Uỷ ban ghi nhận rằng việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự đã dẫn đến những cải tiến về quyền của người bị giam giữ, chẳng hạn như đưa ra nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền giữ im lặng; tiếp cận với luật sư, và trình bày bằng chứng độc lập với Chính phủ, Ủy Ban quan tâm đến các báo cáo cho biết là những người bị giam giữ không được hưởng tất cả các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản trong thực tế. Điều này bao gồm quyền được thông báo về lý do bắt giữ hoặc giam giữ; được liên lạc với các thành viên gia đình hoặc những người khác mà họ lựa chọn để đạị diện họ về việc giam giữ của họ; quyền yêu cầu và được khám sức khoẻ bởi một y sĩ độc lập; quyền tiếp cận nhanh chóng với luật sư hoặc được trợ giúp pháp lý; và việc bắt giữ họ phải được ghi lại và lưu giữ bởi cơ quan tiến hành giam giữ.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban đặc biệt quan ngại rằng những người bị buộc tội liên quan đến an ninh quốc gia không được hưởng các biện pháp bảo vệ pháp lý, chẳng hạn như quyền có luật sư và liên lạc với gia đình của họ, điều này dẫn đến việc cấm người bị giam giữ tiếp cận với người bên ngoài (Điều 2).

17. Quốc gia thành viên nên:

a) Đảm bảo rằng tất cả những người bị giam giữ được hưởng, ấn định trong luật pháp và trên thực tế, tất cả các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản ngay từ khi bị bắt giữ, bao gồm quyền được thông báo ngay lập tức về các cáo buộc; quyền tiếp cận nhanh chóng với luật sư hoặc trợ giúp pháp lý miễn phí trong tất cả các thủ tục tố tụng; được phép thông báo cho người thân hoặc người khác do họ lựa chọn, về việc giam giữ hoặc bắt bớ họ; quyền yêu cầu và được khám sức khoẻ bởi một y sĩ độc lập, bao gồm cả y sĩ mà họ yêu cầu; và quyền được đăng ký trong sổ sách chính thức khi họ bị bắt giam và trong suốt các giai đoạn điều tra

(b) Thiết lập một sổ đăng ký tại trung ương về các trường hợp giam giữ, trong mọi giai đoạn điều tra và thụ lý, bao gồm việc thuyên chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác, thông báo cho Ủy ban biết về loại thông tin được ghi nhận lại và các biện pháp cụ thể được thực hiện để đảm bảo việc lưu giữ hồ sơ chính xác nhằm phòng ngừa việc giam giữ một cách bí mật và làm ra vẻ nạn nhân mất tích;

(c) Giám sát sự tuân thủ các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản của các viên chức, quan chức; điều tra, truy tố và xử phạt những viên chức, quan chức không tuân thủ việc thi hành những biện pháp này;

(d) Cung cấp thông tin về số khiếu nại nhận được liên quan đến việc không tôn trọng các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản và về kết quả của các khiếu nại liên quan đến sự thi hành các biện pháp trên kể từ khi Bộ luật Tố Tụng Hình Sự tu chính có hiệu lực.

Áp dụng trực tiếp Công ước bởi các tòa án trong nước

18. Uỷ Ban ghi nhận rằng trong trường hợp có sự khác biệt giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước (ngoại trừ Hiến pháp) và một điều ước quốc tế mà Việt Nam là một thành viên, thì điều ước quốc tế sẽ được áp dụng, Tuy nhiên, Ủy ban quan ngại rằng các tòa án trong nước không thể áp dụng Công ước vì luật hiện hữu không buộc phải thực thi (Điều 2, 4 và 12).

19. Quốc gia thành viên nên:

(a) Tu chỉnh luật pháp của mình để đảm bảo việc áp dụng đầy đủ và trực tiếp các quy định có liên quan của Công ước trong luật pháp để điều này có thể được viện dẫn tại các tòa án trong nước;

(b) Phổ biến rộng rãi Công ước trong quốc gia thành viên cho tất cả các viên chức, quan chức liên quan, bằng tất cả các ngôn ngữ chính thức, cũng như các ngôn ngữ cần thiết.

Sử dụng vũ lực một cách quá đáng và tử vong trong khi bị giam giữ

20. Ủy ban quan ngại về các điều sau:

(a) Báo cáo cho biết các trường hợp tử vong khi bị giam giữ trong cơ sở do công an điều hành đã xảy ra tại nhiều nơi trong quốc gia thành viên. Đặc biệt quan tâm là 14 trường hợp tử vong được ghi nhận trong giai đoạn 2010-2014 do bạo lực của công an; 4 trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân trong thời gian bị công an giam giữ; 9 trường hợp tử vong khi bị giam giữ được cho là do tự tử hoặc bệnh tật ngay cả khi có dấu hiệu rõ ràng hoặc bằng chứng của sự tra tấn và ngược đãi, cũng như quan tâm đến các báo cáo cho rằng số trường hợp nói trên thực tế có thể cao hơn nhiều. Chẳng hạn, Đỗ Đăng Dư, một thiếu niên 17 tuổi, đã chết ngày 5 tháng 2 năm 2015 do bị nhiều vết thương nặng ở đầu và cơ thể trong khi bị công an giam giữ ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội vì 1 tội không nghiêm trọng. Ba thiếu niên cùng bị câu lưu với Đỗ Đăng Dư đã được lệnh đánh đập người này;

(b) Báo cáo công an sử dụng vũ lực quá đáng, đối xử tệ mạt và sỉ nhục, khi giải tán các cuộc biểu tình vào tháng 6 năm 2018 (2, 10, 11, 12, 13, 14 và 16).

21. Quốc gia thành viên nên:

(a) Đảm bảo rằng tất cả các trường hợp bị cáo buộc về việc gây ra tử vong trong khi bị giam giữ và các khiếu nại về việc sử dụng vũ lực quá đáng, ở trong các cơ sở quốc gia thành viên và trên đường phố, được điều tra kịp thời, hữu hiệu và công minh bởi một cơ chế độc lập không có mối liên hệ với các cơ sở bị cáo buộc;

(b) Đảm bảo rằng các viên chức, quan chức bị cáo buộc tra tấn, ngược đãi và gây tử vong đối với người bị giam giữ sẽ bị đình chỉ thi hành nhiệm vụ ngay lập tức và trong suốt thời gian điều tra, đặc biệt là khi có nguy cơ mà các nghi can này có thể ở lại vị trí đó và lập lại hành vi bị cáo buộc; và, nếu bị kết tội, đảm bảo rằng thủ phạm bị trừng phạt một cách tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi của họ;

(c) Làm sáng tỏ về cái chết của Đỗ Đăng Dư trong thời gian bị câu lưu và thông báo kết quả cho Ủy ban;

(d) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, như thành lập các cơ chế giám sát để đảm bảo công an chỉ sử dụng vũ lực và vũ khí khi cần thiết, tương xứng với tình huống; và có chương trình đào tạo bắt buộc phải tham gia về Nguyên tắc Cơ bản của Liên Hiệp quốc về Sử dụng Vũ lực và Súng của các Viên chức Thực thi Pháp luật; về Các Nguyên tắc Bảo vệ Tất cả Mọi Người Bị Giam giữ Dưới Bất kỳ Hình thức nào và về Các Tiêu chuẩn Tối thiểu của Liên Hiệp quốc về Đối xử Với Tù nhân (Tiêu chuẩn Nelson Mandela);

(e) Thành lập một ủy ban khiếu nại độc lập nhận đơn khiếu nại công an do dân nộp;

(f) Đảm bảo rằng tất cả các nạn nhân bị tra tấn và ngược đãi được giúp đỡ để trải qua khó
khăn và phục hồi chức năng, kể cả hỗ trợ y tế và tâm lý, và gia đình của người bị tử vong
trong cơ sở giam giữ được giúp đỡ, đền bù;

(g) Thu thập và cung cấp cho Ủy ban các thống kê cấp quốc gia về số người chết trong khi bị giam giữ, phân chia theo nơi bị giam, giới tính, tuổi tác, dân tộc hoặc quốc tịch của người
chết, nguyên nhân tử vong và kết quả điều tra, và những biện pháp giúp đỡ cho thân nhân
họ. Sự giam giữ không cân xứng đối với các thành viên của cộng đồng tôn giáo và sắc tộc.

22. Ủy ban quan tâm đến:

(a) Theo báo cáo, những người bị giam giữ và chết do bị tra tấn và ngược đãi tại các đồn công an và những chỗ giam giữ khác, có tỷ lệ cao thuộc thành phần dân tộc thiểu số và cộng đồng tôn giáo thiểu sô, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu vùng xa của đất nước;

(b) Việc đối xử với những thành viên của cộng đồng tôn giáo hoặc cộng đồng dân tộc thiểu số, và những cái chết đáng ngờ của họ trong khi bị giam giữ, như những trường hợp sau đây: Phật tử Nguyễn Hữu Tấn chết trong khi bị giam giữ và công an cho rằng tự tử, dù không có điều tra độc lập về cái chết của ông và gia đình của ông đã bị công an địa phương trả thù sau khi khiếu nại với chính quyền; người H’mong theo Ky Tô Giáo Ma Seo Sung, người bị giam giữ và cũng được công an cho là tự tử bằng cách treo cổ, và gia đình của họ cũng bị đe dọa trả thù; Mục sư Ksor Xiem của nhà thờ Tin Lành người Thượng, người đã chết sau khi bị gây thương tích tại cơ sở công an giam giữ; và người Thượng theo Ki tô Giáo Y Ku Knul đã chết trong thời gian bị câu lưu và cơ thể có dấu hiệu bị điện giật;

(c) Về tình hình của các vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như Thích
Quảng Độ, người được cho là đang bị quản thúc tại một tu viện (Điều 1, 2, 11, 12, 13, 14 và 16).

23. Quốc gia thành viên nên:

(a) Đảm bảo rằng việc đối xử trái với Công ước đối với các thành viên của cộng đồng tôn giáo và sắc tộc bởi các viên chức, quan chức (hoặc những cá nhân khác được chính quyền ban cho thẩm quyền thi hành phận sự do chính quyền giao phó) không được dựa trên bất kỳ sự phân biệt đối xử nào;

(b) Đảm bảo tất cả các trường hợp bị cáo buộc về tra tấn và ngược đãi của các viên chức,
quan chức thực thi pháp luật; tử vong khi bị giam giữ và khiếu nại về việc sử dụng vũ lực quá mức được điều tra kịp thời, hiệu quả và công minh; các viên chức, quan chức bị cáo buộc sẽ bị đình chỉ nhiệm vụ ngay lập tức và suốt trong thời gian điều tra, đặc biệt khi có nguy cơ là họ có thể ở lại vị trí để lập lại hành vi bị cáo buộc; và, nếu bị kết tội, các thủ phạm bị trừng phạt bằng những bản án tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi của họ;

(c) Làm sáng tỏ những cái chết trong trong khi bị giam giữ của: Phật tử Nguyễn Hữu Tấn,
người H’mong theo Ki Tô Giáo Ma Seo Sung, Mục sư Ksor Xiem thuộc nhà thờ Tin Lành Người Thượng, và người Thượng theo Ki Tô Giáo Y Ku Knul, và thông báo kết quả điều tra cho Ủy ban;

(d) Cung cấp thông tin cập nhật về tình hình của ông Thích Quảng Độ, một vị lãnh đạo của
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Tạm giam trước khi đưa ra toà xét xử

24. Ủy ban quan tâm:

(a) Việc sử dụng thường xuyên biện pháp tạm giam và kéo dài thời gian tạm giam trước khi xét xử;

(b) Dù thời hạn tạm giam nghi can để điều tra không được quá 2 tháng (tội nhẹ), 3 tháng (tội nghiêm trọng) và 4 tháng (tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng), các giai đoạn giam giữ trước khi xét xử này có thể được gia hạn và các nghi can, đặc biệt là những người bị buộc tội xâm phạm an ninh quốc gia, trên thực tế có thể bị cấm không cho liên lạc với người bên ngoài và bị tạm giam lâu hơn nhiều;

c) Bộ luật Tố tụng Hình sự không quy định về việc kháng cáo các quyết định tạm giam cũng như không cho phép tòa án duyệt xét tính hợp pháp của chúng (Điều 2, 11 và 16).

25. Quốc gia thành viên nên:

(a) Thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng việc tạm giam trước khi xét xử được giám sát chặt chẽ để nó không trở thành một thực tiễn có hệ thống và phổ biến, không được kéo dài một cách tùy tiện, và trong các trường hợp được cho là an ninh quốc gia không dẫn đến việc giam giữ mà không được giao tiếp với bên ngoài;

(b) Sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự để bị can có thể kháng cáo các quyết định tạm giam trước khi xét xử và các quyết định tạm giam trước khi xét xử được tòa án duyệt xét;

(c) Giám sát việc tạm giam trước khi xét xử; đảm bảo rằng những người bị giam giữ trước khi xét xử không bị giữ với những người đã bị kết án, và thiếu niên không bị giữ với người lớn; và đảm bảo rằng tạm giam chỉ được sử dụng như một biện pháp cuối cùng;

(d) Thúc đẩy các biện pháp không giam giữ trước khi xét xử, theo Quy tắc Tối thiểu Tiêu
chuẩn của Liên hiệp quốc về các Biện pháp Không Giam giữ (Quy tắc Tokyo).

Giam giữ theo thủ tục hành chính

26. Ủy ban quan ngại rằng những người bị coi là mối đe dọa đối với an ninh, trật tự xã hội hoặc an toàn công cộng nhưng không bị buộc tội hình sự có thể bị giam giữ không cần xét xử theo thủ tục hành chính trong các cơ sở giam giữ hành chính, bao gồm các cơ sở cưỡng chế giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm bảo vệ xã hội và trung tâm cưỡng chế cai nghiện. Ủy ban đặc biệt quan tâm đến các báo cáo là các an toàn pháp lý cơ bản như tiếp cận với luật sư và thông báo việc bị câu lưu cho gia đình không áp dụng cho những người bị giam giữ này và họ không được đối xử trong trại giam giống như những người bị giam khác, kể cả một số cơ sở ép người bị giam làm việc nhiều giờ. Ủy ban cũng quan ngại rằng những người trong các cơ sở này có thể bị giữ mà không được toà xét xử trong một số năm, điều này có thể dẫn đến việc giam giữ không được tiếp cận với bên ngoài (Điều 2, 11 và 16).

27. Ủy ban khuyến nghị Quốc gia thành viên:

(a) Cung cấp thông tin về số lượng và loại cơ sở và tổ chức nơi người bị giam giữ hành chính không được xét xử, cũng như về số lượng và sơ lược lý lịch của những người bị giam giữ;

(b) Đảm bảo rằng những người bị giam giữ hành chính được hưởng các bảo vệ pháp lý cơ
bản như tiếp cận với luật sư hoặc trợ giúp pháp lý, quyền thông báo cho gia đình họ về việc bị giam giữ; và họ được đối xử và có điều kiện không thua kém những người bị giam khác;

(c) Triển khai một quy trình pháp lý, không chỉ hành chính, đưa người vào các cơ sở đó và
đảm bảo rằng việc giam giữ hành chính không được sử dụng để thay thế cho việc giam giữ tội phạm thông thường;

(d) Đảm bảo quyền kháng cáo lệnh tạm giam cho những người bị giam giữ hành chính.

Tính không thể chấp nhận của các lời khai do bị tra tấn

28. Uỷ ban ghi nhận những thay đổi gần đây về luật pháp quốc gia thành viên nhưng Ủy ban vô cùng quan tâm đến các báo cáo về hành vi tra tấn và ngược đãi những người bị giam giữ với mục đích ép cung và lấy thông tin khác từ họ. Uỷ ban cũng quan ngại đến thông tin rằng từ năm 2010 đến 2015, Tòa án Nhân dân đã không xử lý bất kỳ trường hợp nào liên quan đến việc lấy lời khai bằng cách cưỡng chế và mua chuộc hoặc buộc người khác khai man hoặc cung cấp tài liệu giả mạo. Ủy ban cũng quan ngại vì có báo cáo rằng một số người bị giam giữ bị buộc phải ký các biên bản được soạn trước bởi viên chức của chính quyển của quốc gia thành viên cũng như đọc lời thú tội trước công chúng, và một số công tố viên và thẩm phán không điều tra các khiếu nại liên quan đến tra tấn và ngược đãi. Cuối cùng, Ủy ban quan ngại rằng những lời thú tội của nghi can bị tra tấn đã được dùng để tuyên án, bao gồm án tử hình (Điều 2 và 15).

29. Quốc gia thành viên nên:

(a) Sửa đổi luật pháp, bao gồm Bộ luật Tố tụng Hình sự, để đảm bảo, trong văn bản luật và
trên thực tế, rằng bất kỳ lời khai nào do bị tra tấn hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc
làm mất phẩm giá sẽ không được đưa ra làm bằng chứng trước tòa, ngoại trừ với mục đích
tố cáo những người có các hành vi đó;

(b) Đảm bảo rằng trên thực tế tòa án bác bỏ tất cả các bằng chứng thu được nhờ tra tấn; và các công tố viên và thẩm phán điều tra và truy tố tất cả các trường hợp tra tấn và ngược đãi;

(c) Truy tố và trừng phạt tất cả các viên chức, quan chức đã cho phép thu thập bằng chứng
bằng cách tra tấn, bao gồm cả những người khai man và cung cấp tài liệu giả mạo;

(d) Đảm bảo rằng tất cả các viên chức thực thi pháp luật, điều tra, tư pháp và y tế đều nhận thức đầy đủ các quy định của Công ước liên quan đến việc tòa án không thể chấp nhận lời thú tội do ép cung;

(e) Thông báo cho Ủy ban về tất cả các trường hợp truy tố đã bị bác bỏ tại tòa án vì bằng
chứng thu được là do tra tấn trong thời gian được xem xét.

Tình trạng giam giữ

30. Ủy ban quan tâm đến các báo cáo về:

(a) Sự gia tăng nhanh chóng trong những thập kỷ qua của tỷ lệ giam giữ và số tù nhân ở Việt Nam;

b) Điều kiện vật chất trong các trại giam không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu, như không có thiết bị vệ sinh đầy đủ, không đủ ánh sáng và thoáng khí, không đủ chất lượng và số lượng thực phẩm, thiếu tập thể dục ngoài trời, chăm sóc sức khỏe không đủ và bị chật chội một cách nghiêm trọng; khi tất cả các yếu tố này được xét tổng hợp thì tác động chung có thể được xem là ngược đãi hoặc thậm chí là tra tấn (một số trong đó được báo cáo là các trại giam dùng những khiếm khuyết này là hình phạt bổ sung);

(c) Việc sử dụng các phòng an ninh và phòng kỷ luật, nơi 1 tù nhân hoặc 1 nhóm tù nhân có thể bị cô lập trong khu biệt giam trong ba tháng tối đa; các viên chức trại giam hoặc các tù nhân khác theo chỉ đạo của viên chứ, sử dụng hình phạt thể chất, xiềng xích và các biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với tù nhân;

(d) Hạn chế giao tiếp với gia đình; trừng phạt bằng cách chuyển một số tủ nhân nhiều lần từ trại này đến trại nọ để họ phải xa gia đình của họ, và không thông báo cho gia đình họ về việc chuyển trại; nhân viên trại giam lấy thực phẩm, thuốc men và các vật dụng cá nhân của các tù nhân được gia đình họ gửi đến;

(e) Nhân viên y tế trong các nhà tù chăm sóc y tế kém; sơ suất; và cố tình từ chối điều trị tù nhân; không tách các tù nhân khỏe mạnh khỏi những người mắc bệnh truyền nhiễm; và y sĩ làm việc trong trại giam thiếu sự độc lập;

(f) Tù nhân bất đồng chính kiến bị tra tấn tâm lý và buộc phải uống/chích thuốc, trong đó có một số thuốc không được xác định và có tác dụng phụ;

(g) Bắt tù nhân lao động sản xuất công nghệ phẩm hoặc nông phẩm cũng như làm các công nghiệp nguy hiểm như chế biến hạt điều (Điều 2, 11 và 16).

31. Quốc gia thành viên nên:

a) Mau chóng thi hành các biện pháp cần thiết để cải thiện điều kiện vật chất trong tất cả các cơ sở giam giữ, bao gồm tình trạng quá chật chội trong khi số tù nhân quá đông, để tuân thủ Quy tắc Đối xử với Tù nhân Tối thiểu Tiêu chuẩn (Quy tắc Mandela); và suy tính dùng biện pháp thay thế cho giam giữ để tuân thủ Tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, Quy tắc Tối thiểu về các Biện pháp Không Giam giữ (Quy tắc Tokyo) để giảm số tù nhân;

(b) Ngưng sử dụng các điều kiện giam giữ tồi tệ làm hình phạt bổ sung; và đảm bảo rằng các tử tù phải được đối xử giống như các tù nhân khác;

(c) Thiết lập các quy tắc nghiêm ngặt đối với việc sử dụng các phòng an ninh và phòng kỷ luật, ngăn ngừa việc dùng các hình phạt nghiêm khắc, và thông báo cho nhân viên trại giam rằng họ và các tù nhân hành động theo chỉ đạo của họ sẽ bị xử lý nếu có hành vi ngược đãi và tra tấn;

(d) Tránh dùng biện pháp chuyển tù đi xa để tách tù nhân khỏi gia đình họ;

(e) Đảm bảo đủ số lượng và năng lực của nhân viên để quản lý các trại giam; đảm bảo, bằng cách quản lý đồ vật tồn kho một cách nghiêm ngặt, không ai có thể lấy trộm thực phẩm và vật dụng cá nhân mà gia đình gửi cho tù nhân; và đảm bảo rằng các tù nhân được chăm sóc y tế và thuốc men đầy đủ, không để nhân viên trại giam cố tình giữ lại thuốc do gia đình họ gửi;

(f) Thuê thêm y sĩ và y tá có khả năng và tận tụỵ trong công việc của họ; và đảm bảo rằng tù nhân được giới thiệu mau chóng và có xe cứu thương kịp thời mang họ đến cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe bên ngoài trại giam;

(g) Đảm bảo rằng nhân viên y tế không cố tình từ chối điều trị và tắc trách đối với bệnh nhân trong trại giam và đảm bảo sự độc lập của các y sĩ của trại giam;

(h) Đảm bảo rằng các tù nhân không mắc bệnh truyền nhiễm trong thời gian bị giam cầm
bằng mọi cách, trong đó có biện pháp tách các tù nhân khỏe mạnh ra khỏi những người mắc các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng;

(i) Triển khai việc khám sức khỏe của tù nhân khi nhận họ vào nơi giam giữ, bao gồm đảm
bảo xác định sớm các trường hợp bị ngược đãi và tra tấn; điều trị đầy đủ cho những người bị nhiễm HIV / AIDS, viêm gan và lao, và những người khuyết tật tâm lý;

(j) Đảm bảo rằng không có tù nhân nào, kể cả tù nhân bất đồng chính kiến, phải chịu sự tra tấn và bị buộc phải uống/chích thuốc, kể cả thuốc không được xác định và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ.

Tử tù

32. Ủy ban quan tâm đến các báo cáo về sự đau khổ về thể chất và tâm lý của những người bị kết án tử hình do tình trạng giam giữ vô cùng khắc nghiệt của họ, khắc nghiệt có thể tương đương với tra tấn hoặc ngược đãi, bao gồm biệt giam trong xà lim không được thông hơi; thiếu ăn, thiếu nước uống; bị xiềng xích suốt ngày đêm; bị đánh đập, do đó dẫn đến tự tử và rối loạn tâm thần (Điều 2, 11 và 16).

33. Quốc gia thành viên cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp để cải thiện chế độ giam giữ
những người bị kết án tử hình theo Quy tắc Tối thiểu Tiêu chuẩn Đối xử với Tù nhân (Quy tắc Mandela), bao gồm cho họ ăn uống đầy đủ, giao tiếp xã hội thoả đáng, không bị cùm kẹp, và không bị đánh đập.

Giám sát nơi giam giữ

34. Ủy ban quan ngại rằng Quốc gia thành viên đã không thiết lập một hệ thống toàn quốc để giám sát và kiểm tra tất cả các nơi giam giữ và nhận khiếu nại. Hơn nữa, Ủy ban quan ngại về việc không có các chuyến thăm của các tổ chức quốc tế, kể cả việc Ủy ban Quốc tế của Hồng thập tự không được thăm các trại giam (Điều 2, 11, 12, 13 và 16).

35. Quốc gia thành viên nên:

(a) Suy tính về việc tham gia Nghị định thư không bắt buộc liên quan đến Công ước Chống tra tấn;

(b) Trong khi đó: Thiết lập một cơ chế quốc gia độc lập, hiệu quả và thường xuyên theo dõi và kiểm tra tất cả các nơi giam giữ mà không cần thông báo trước; có thể gặp riêng những người bị giam giữ và nhận đơn khiếu nại; độc lập về thể chế; báo cáo công khai về những phát hiện, và có đủ chức năng để nêu lên với chính quyền những vấn đề liên quan đến tình trạng giam giữ hoặc cách hành xử của nhân sự có thể được xem là tra tấn hoặc ngược đãi;

(c) Cho các tổ chức độc lập, đặc biệt là Ủy ban Quốc tế của Hội Hồng Thập tự, quyền thăm
viếng tất cả các cơ sở giam giữ trong nước.

Trừng phạt trẻ em

36. Ủy ban quan ngại rằng hình phạt thể chất đối với trẻ em không bị cấm trong nhà, trong các dịch vụ trông trẻ em ngoài gia đình và trông trẻ trong giờ làm việc ban ngày (Điều 2 và 16).

37. Ủy ban đề nghị Quốc gia thành viên tu chỉnh luật pháp để nghiêm cấm việc trừng phạt trẻ em trong mọi bối cảnh, kể cả trong gia đình và đặc biệt là trong các tổ chức công cộng, qua các hành vi hoặc sơ sót của công nhân viên của quốc gia thành viên và những người khác được giao phó việc thi hành trách nhiệm của quốc gia thành viên theo Công ước. Trong bối cảnh đó, uỷ ban đề nghị Quốc gia thành viên cho thêm một điều khoản cấm trừng phạt thể chất trong mọi trường hợp vào dự thảo tu chỉnh Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em.

Trục xuất, tị nạn và đảm bảo ngoại giao

38. Ủy ban quan ngại rằng Quốc gia thành viên không có quy định cụ thể trong luật liên quan đến việc không thi hành việc trục xuất những người vi phạm hình sự hoặc hành chính khi có lý do để tin rằng những người đó có thể bị tra tấn ở nước mà họ phải trở về, dẫn đến vi phạm Công ước và Nguyên tắc không ép ai phải quay về nơi mà họ có thể bị đàn áp. Hơn nữa, uỷ ban cũng quan ngại rằng Quốc gia thành viên không có luật giải quyết những trường hợp người nước ngoài xin tị nạn hoặc hệ thống bảo vệ cho người tị nạn. Cuối cùng, Ủy ban quan ngại rằng Quốc gia thành viên đã chấp nhận các đảm bảo ngoại giao trong các trường hợp này (Điều 3).

39. Quốc gia thành viên nên:

(a) Ban hành luật tị nạn và thiết lập một hệ thống cứu xét tị nạn cấp quốc gia có các thủ tục thẩm định hồ sơ xin tị nạn một cách công bằng và hiệu quả, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế;

(b) Chỉ định hoặc thành lập một cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm tiếp nhận và xử lý đơn
từ những người xin tị nạn và những người cần sự bảo vệ của quốc tế;

(c) Yêu cầu sự hỗ trợ của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp quốc về Người Tị nạn (UNHCR) trong
việc đào tạo liên quan đến luật tị nạn và các thủ tục thẩm định hồ sơ xin tị nạn;

(d) Tuân thủ các nghĩa vụ không buộc người xin tị nạn phải quay về nơi mà họ bị đàn áp theo Điều 3 của Công ước bằng cách đảm bảo đánh giá đúng đắn những trường hợp đáng lẽ phải bị trục xuất vì vi phạm hình sự hoặc hành chính trước khi cưỡng chế họ phải sang nước khác hoặc về nguyên quán để tránh tình trạng họ bị tra tấn sau khi bị trục xuất;

(e) Kiểm tra kỹ lưỡng từng hồ sơ trong danh sách trục xuất, bao gồm cả tình hình chung liên quan đến tra tấn ở nguyên quán.

Đào tạo và hướng dẫn

40. Uỷ ban ghi nhận rằng có sự khác biệt về năng lực pháp lý và chuyên môn giữa các công
chức; và các cơ quan có thẩm quyền có thể gặp khó khăn trong việc quản lý và đào tạo cán bộ. Tuy nhiên, Ủy ban quan ngại về sự thiếu vắng nghiêm trọng các kỹ năng điều tra và năng lực của các công chức vì đã có báo cáo về tỷ lệ cao của các trường hợp ép cung và những cái chết đầy nghi vấn của những người bị câu lưu. Điều quan ngại khác là các điều khoản của Công ước, đặc biệt là khoản cấm ngặt tra tấn, không có trong chương trình đào tạo các viên chức, quan chức quốc gia thành viên như công an và các thành phần nhân viên an ninh khác, điều tra viên, nhân viên tư pháp, quân đội và cán bộ trại giam. Ngoài ra, Ủy ban quan ngại rằng Cẩm nang Hướng dẫn Điều tra và Lập Hồ sơ về Tra tấn và các Hành vi Tàn ác Khác, Đối xử hoặc Trừng phạt Vô nhân đạo hoặc Làm mất Phẩm giá (Nghị định thư Istanbul) không có trong chương trình huấn luyện bắt buộc cho nhân viên y tế và những người thẩm vấn hoặc săn sóc người bị giam giữ (Điều 10).

41. Quốc gia thành viên nên:

(a) Đảm bảo rằng công an và các thành phần nhân viên an ninh khác, điều tra viên, nhân viên tư pháp, sĩ quan quân đội và nhân viên trại giam được đào tạo và hướng dẫn về các quy định của Công ước, và đặc biệt về việc tuyệt đối cấm tra tấn;

(b) Mở chương trình đào tạo cụ thể cho các điều tra viên về việc sử dụng các phương pháp
điều tra và thẩm vấn không ép buộc, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, để họ tránh thực hiện các hành vi có thể xem là tra tấn;

(c) Truyền đạt rằng các vi phạm của Công ước sẽ không được dung thứ và các vi phạm đó sẽ bị điều tra và thủ phạm bị truy tố; Đảm bảo rằng nhân viên y tế và những nhân viên làm việc trong nhà tù, thẩm vấn hoặc săn sóc tù nhân được huấn luyện về Cẩm nang Hướng dẫn điều tra và ghi chép tài liệu tra tấn và hành vi tàn ác, vô nhân đạo hoặc hình phạt hạ nhân phẩm (Nghị định thư Istanbul);

(d) Đảm bảo rằng nhân viên y tế và những nhân viên khác lảm việc trong lãnh vực giam giữ, thẩm vấn hoặc đối xử với những người bị bắt giữ, giam giữ hoặc cầm tù sẽ được tham gia chương trình huấn luyện bắt buộc về Cẩm nang Hướng dẫn Điều tra và Lập Hồ sơ về Tra tấn và các Hành vi Tàn ác Khác, Đối xử hoặc Trừng phạt Vô nhân đạo hoặc Làm mất Phẩm giá (Nghị định thư Istanbul);

(e) Triển khai và áp dụng một phương pháp để đánh giá kết quả và tác động của các khóa đào tạo này.

Thu thập dữ liệu

42. Ủy ban kêu gọi Quốc gia thành viên thành lập một hệ thống hữu hiệu để thu thập dữ liệu thống kê ở cấp quốc gia, bao gồm thông tin về khiếu nại, điều tra, truy tố, xét xử và kết án trong các trường hợp tra tấn hoặc ngược đãi; về các biện pháp khắc phục, đặc biệt là bồi thường và phục hồi, cung cấp cho nạn nhân hoặc người thân của họ; về việc sử dụng hình phạt tử hình và số tử tù; về tổng số tù nhân, kể cả các tù nhân chưa được toà xử; và về buôn người, phân chia theo giới tính, tuổi tác, dân tộc hoặc quốc tịch, địa điểm, tình trạng kinh tế xã hội và tình trạng liên quan khác.

Thủ tục cập nhật

43. Ủy ban yêu cầu Quốc gia thành viên cung cấp, vào ngày 7 tháng 12 năm 2019, thông tin về việc đáp ứng các khuyến nghị của Ủy ban về việc điều tra tất cả các trường hợp sử dụng vũ lực quá mức, bao gồm các trường hợp bị tra tấn và ngược đãi bởi các viên chức an ninh và tử vong khi bị giam giữ; về việc thiết lập một sổ đăng ký trung ương cho mọi trường hợp giam giữ; về việc truy tố và trừng phạt tất cả các viên chức, quan chức đã cho phép ép cung, bao gồm cả những trường hợp dùng lời khai man và tài liệu giả mạo để buộc tội; (xem đoạn 21(a), 17(b) và 29(c)). Trong cùng bối cảnh, Ủy ban yêu cầu được báo cáo về kế hoạch thực hiện trong kỳ báo cáo sắp tới những khuyến nghị còn lại trong các nhận xét kết luận của Ủy ban.

Các vấn đề khác

44. Ủy ban đề nghị Quốc gia thành viên suy tính về việc đưa ra các tuyên bố được dự kiến
theo các điều 21 và 22 của Công ước và rút lại bất kỳ tuyên bố nào giới hạn phạm vi áp dụng Công ước.

45. Ủy ban đề nghị Quốc gia thành viên phê chuẩn Nghị định thư không bắt buộc đối với Công ước và mọi hiệp ước nhân quyền cốt lõi nào của Liên hiệp quốc mà Quốc gia thành viên chưa tham gia.

46. Ủy ban đề nghị Quốc gia thành viên mời Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tra tấn và các Hình phạt hay Đối xử Tàn nhẫn, Vô nhân đạo hoặc Làm Mất Phẩm giá; Tổ công tác về Giam giữ Tùy tiện; và Báo cáo viên Đặc biệt về Tình hình của Những Người Bảo vệ Nhân quyền đến thăm Việt Nam.

47. Uỷ ban đề nghị Quốc gia thành viên nộp tài liệu cốt lõi chung, theo quy định của hướng
dẫn hài hòa về báo cáo theo các điều ước quốc tế về quyền con người (HRI/GEN.2 /Rev.6).

48. Ủy ban mời Quốc gia thành viên sử dụng hỗ trợ kỹ thuật và những khóa đào tạo năng lực bởi Văn phòng Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp quốc (OHCHR) hoặc Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp quốc về Người Tị nạn (UNHCR).

49. Quốc gia thành viên được yêu cầu phổ biến rộng rãi báo cáo trình Ủy ban và các nhận xét kết luận hiện tại, bằng các ngôn ngữ thích hợp, qua các trang web chính thức, các phương tiện truyền thông và các tổ chức phi chính phủ và thông báo cho Ủy ban về các hoạt động phổ biến này.

50. Uỷ ban đề nghị Quốc gia thành viên nộp báo cáo định kỳ tiếp theo, sẽ là báo cáo định kỳ thứ hai, vào ngày 7 tháng 12 năm 2022. Để làm được vậy, đề nghị Quốc gia thành viên đồng ý, vào ngày 7 tháng 12 năm 2019, dùng thủ tục báo cáo đơn giản trong việc soạn báo cáo đó. Theo thủ tục đó, Ủy ban sẽ gửi cho Quốc gia thành viên một danh sách các vấn đề trước khi báo cáo. Những câu trả lời của Quốc gia thành viên về các vấn đề đó sẽ là báo cáo định kỳ thứ hai theo Điều 19 của Công ước.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây