“Nhờ” Trump, các lãnh đạo độc tài thắng lớn!

Mai V. Phạm

22-12-2018

Từ trái sang: Donald Trump, Tập Cận Bình và Vladimir Putin. Ảnh trên mạng

Bất chấp sự phản đối và can ngăn của các cố vấn và Bộ trưởng Quốc phòng của mình, ngày 19/12/2018 Trump bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria trên Twitter vì “đã giành được thắng lợi trước ISIS”.

Nhưng sau hơn 24 tiếng, Trump đổi giọng tweet: “Tại sao chúng ta phải đánh ISIS cho kẻ thù của chúng ta là Syria bằng cách đóng quân và tiêu diệt ISIS cho Syria, Nga, Iran và những nước lân cận khác? Đã đến lúc tập trung vào nước Mỹ và mang quân về nhà…

Vậy cuối cùng ISIS có bị xóa sổ như Trump tuyên bố? Ngắn gọn là không. Theo báo cáo tháng 8/2018 của Bộ Quốc phòng, ISIS vẫn còn khoảng 14.500 tên. Còn theo một báo cáo khác của các tổ chức nghiên cứu độc lập, ít nhất khoảng 30.000 tên của ISIS vẫn còn hiện diện tại Syria và Iraq. Theo báo cáo của liên minh chống ISIS, chỉ riêng từ 9/12 đến 15/12/2018, liên quân đã ném 208 trái bom vào những khu vực trú ẩn của ISIS.

Không chấp nhận với lệnh rút quân khỏi Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, gửi thư từ chức để phản đối Trump. Lá thư từ chức của tướng Mattis là một bản cáo trạng đối với Trump:

Một trong những niềm tin cốt lõi của tôi là sức mạnh quốc gia gắn chặt với sức mạnh của hệ thống riêng biệt và toàn diện của Hoa Kỳ về đồng minh và đối tác. Trong khi Hoa Kỳ tiếp tục là một quốc gia không thể vắng mặt trong thế giới tự do, chúng ta không thể bảo vệ lợi ích của mình hay thực hiện vai trò đó một cách hiệu quả mà không duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ và thể hiện sự tôn trọng với họ… Chúng ta phải cung cấp tất cả sức mạnh của Mỹ cho việc phòng thủ chung, bao gồm chỉ đạo hiệu quả đối với các đồng minh. 29 quốc gia dân chủ của NATO đã thể hiện sức mạnh đó trong cam kết khi đồng hành cùng chúng ta trong cuộc chiến sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ. Liên minh chống ISIS gồm 74 nước là một minh chứng khác.

Tôi tin rằng chúng ta phải kiên quyết và rõ ràng trong cách tiếp cận với các quốc gia mà lợi ích chiến lược của họ đang ngày càng xung đột với lợi ích của Hoa Kỳ. Rất rõ ràng là cả Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới phù hợp với kiểu mẫu độc đoán của họ giành quyền phủ quyết trước các quyết định về kinh tế, ngoại giao và an ninh của các nước khác để thúc đẩy lợi ích kinh tế của họ nhưng lại gây thiệt hại cho các nước láng giềng, Hoa Kỳ và đồng minh..”.

Cũng cần biết là Trump đã dối trá và không trung thực khi tweet rằng Mattis “về hưu” (retiring), chứ không dám nói thật là Mattis từ chức để phản đối Trump. Nói lên sự thật đối với Trump khó đến như vậy sao?

Lá thư từ chức của tướng Mattis cho chúng ta thấy được sự khác biệt rất rõ giữa Trump và ông, không chỉ về vấn đề rút quân khỏi Syria, mà còn là cách đối phó với hai thế lực chuyên chế Nga và Trung Quốc. Trong khi Mattis tin rằng cần có sự hiện diện của Mỹ để chiếm ưu thế trước các nhóm khủng bố quốc tế ở Syria và tạo cho Hoa Kỳ cũng như các đồng minh thân cận đòn bẩy cần thiết để đàm phán hòa bình lâu dài, ngược lại, Trump xem những lợi ích của nước Mỹ là “rách việc” không cần thiết và phản đối việc liên minh để chống sự bành trướng của Trung Quốc và Nga.

Thượng Nghị sĩ Ben Sasse (Đảng CH-Nebraska) nói quyết định từ chức của tướng Mattis “là một ngày buồn cho nước Mỹ và cảnh báo rằng chính sách cô lập nước Mỹ của Trump là một chiến lược yếu kém, sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nước Mỹ và đồng minh”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly phát biểu: “Chúng tôi không đồng tình với kết luận phiến quân Nhà nước Hồi giáo (ISIS) đã bị đánh bại hoàn toàn. Nhiệm vụ này vẫn cần được hoàn thành”.

Karin von Hippel, giám đốc Viện nghiên cứu quốc phòng của Royal United ở London cho biết: “Hoa Kỳ rút lui khỏi mọi chiến lược, giảm hỗ trợ tài chính cho các tổ chức quốc tế, nhường lại sự lãnh đạo của Hoa Kỳ cho tiến trình hòa bình ở Syria, Yemen, Libya, nhưng vẫn đòi giữ vị trí số 1 trên bàn đàm phán. Tôi e là điều đó không thể xảy ra. Chúng ta đã thấy những quốc gia có cùng chí hướng tiếp tục mà không có Hoa Kỳ và các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Iran lấp đầy khoảng trống đã được tạo ra. Sự rút lui của Mỹ chỉ có thể dẫn đến mối an nguy toàn cầu và điều này sẽ tác động tiêu cực đến Hoa Kỳ cũng như châu Âu”.

Đồng minh của Mỹ là Anh và Pháp vẫn quyết định giữ quân ở Syria vì mối nguy ISIS vẫn còn đó.

Chưa dừng lại ở kế hoạch rút quân khỏi Syria, hôm nay 20/12, Trump yêu cầu Bộ Quốc phòng lên kế hoạch rút một nửa trong tổng số 14.000 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan về nước. Quyết định này cũng vấp phải sự phản đối của các quan chức an ninh.

Trump gây tổn hại lợi ích và an ninh Hoa Kỳ

Trump rút quân Mỹ khỏi Syria và Afghanistan nhân danh lợi ích nước Mỹ. Nhưng ông hoặc không biết, hoặc không quan tâm đến một trong những chiến lược quan trọng của Bộ Ngoại giao dưới sự lãnh đạo trực tiếp của mình là – loại bỏ mối nguy ISIS – bằng cách liên kết với đồng minh: “Nhà nước Hồi giáo (ISIS) đã phá hoại sự ổn định ở Iraq, Syria và Trung Đông và gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. ISIS tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền và vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm giết người bừa bãi và cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường, hành quyết hàng loạt và giết người phi pháp, bắt bớ các cá nhân và tập thể, bắt cóc thường dân, buộc cộng đồng Shia phải di dời và các nhóm thiểu số, giết hại và bắt cóc trẻ em, hãm hiếp và các hình thức bạo lực tình dục khác, cùng với nhiều hành động tàn bạo khác…”

Duy trì tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Trung Đông và xóa bỏ mối nguy ISIS chính là mang lại lợi ích cho người dân Mỹ. Sự tồn tại của ISIS không chỉ là mối nguy cho nước Mỹ mà còn cho nhiều người dân ở các quốc gia khác. Và chắc chắn việc rút quân ra khỏi Syria của Mỹ sẽ khiến Nga thỏa mãn bởi Nga đã luôn bảo trợ quân sự và tài chính cho chế độ độc tài Assad – kẻ dùng vũ khí hóa học sát hại dân thường và lực lượng dân chủ Syria.

Trump cô lập nước Mỹ sẽ tạo ra những chỗ trống quyền lực cho Nga và Trung Quốc tranh thủ gia tăng ảnh hưởng và bành trướng.

Nga

Nga ngày càng thể hiện rõ âm mưu bành trướng của mình bằng cách tăng cường xây dựng các doanh trại quân sự ở nhiều nước. Venezuela vừa đồng ý cho Nga xây dựng căn cứ không quân và hải quân trên đảo La Orchila, cách Puerto Rico khoảng 800km và cách Florida 2400km. Doanh trại này của Nga là lời thách thức quyền lực với Hoa Kỳ và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Nga có thể thực hiện các chuyến bay quân sự gần Hoa Kỳ.

Cách đây hơn 1 tuần, 2 chiếc máy bay ném bom Tu-160 Blackjack, có khả năng hạt nhân đã bay hơn 10 giờ ở vùng biển Caribbean. Hành động này đã gây ra “nỗi lo lắng về nguy cơ Chiến Tranh Lạnh 2.0” tại khu vực Mỹ La Tinh. Rõ ràng đây là một màn trình diễn phô trương sức mạnh của Nga, trong sự yếu thế rõ ràng của Hoa Kỳ.

Trung Quốc

Trump chỉ chú trọng vào mặt kinh tế khi đối đầu với Trung Quốc, trong khi mặt an ninh và địa chính trị với Trung Quốc thì vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng vừa từ chức được đánh giá là tạm. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến lược bành trướng của mình bằng sức mạnh kinh tế để mua sự ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cách đây hơn 1 tuần, một quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc tuyên bố hải quân Trung Quốc nên tấn công các tàu chiến của quân đội Hoa Kỳ “dám” thách thức quyền kiểm soát Biển Đông và Trung Quốc “đã sẵn sàng chiếm lấy Đài Loan”.

Ngày 18/12, không quân Trung Quốc triển khai biên đội gồm các oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và trinh sát cơ Y-9JB, thực hiện cuộc diễn tập tuần tra và tác chiến tầm xa gần đảo Đài Loan. Gần đây, Trung Quốc liên tục tiến hành diễn tập không quân và hải quân ở khu vực quanh đảo Đài Loan, với các vũ khí hiện đại như tiêm kích đa năng Su-35S, máy bay tàng hình J-20, oanh tạc cơ chiến lược H-6K và tàu sân bay Liêu Ninh.

Tháng 5/2018, Mỹ cũng đã cáo buộc căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti đã sử dụng tia laser để tấn công máy bay C-130 của Mỹ, hoạt động tại căn cứ Camp Lemonnier gần căn cứ Trung Quốc vài cây số, khiến 2 phi công Mỹ bị thương tích trong lúc hạ cánh.

Tại Biển Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường quân sự hóa để kiểm soát Biển Đông. Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nói với Quốc hội Mỹ rằng, “chỉ có chiến tranh mới ngăn được Trung Quốc kiểm soát biển Đông”.

Rõ ràng, không có một hành động nào chứng minh Trung Quốc tỏ ra sợ hãi hoặc lo ngại Mỹ mà chấm dứt hoặc giảm dần các hoạt động bành trướng. Chiến lược “xoay trục sang Châu Á” của Tổng thống Obama nhằm đối phó với Trung Quốc đã suy yếu nghiêm trọng.

Ngẫm nghĩ

Trump đắc cử tổng thống là món quà quý của Putin dành cho Tập Cận Bình và các nhà độc tài chuyên chế. Trump đạp lên ảnh hưởng quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, bóp nát lợi ích của lực lượng dân chủ Syria và của đồng minh thân cận, bất chấp mối nguy ISIS vẫn còn đó. Trump chẳng màng tới an ninh và lợi ích của nước Mỹ, thì còn có điều gì khác, mà Trump thực sự quan tâm? Khủng bố khét tiếng độc ác ISIS tạo ra mối nguy an ninh với dân Mỹ, mà Trump còn bỏ mặc, thì logic nào cho rằng Trump quan tâm mối nguy Trung Quốc và Nga? Chỉ cần xét logic “America First” – Nước Mỹ trên hết – của Trump sẽ thấy cái logic “đánh Tàu” của những người Việt ủng hộ Trump là vô lý như thế nào, mà chưa cần phải đưa ra những bằng chứng khác.

Trump tiếp tục cô lập Hoa Kỳ, mặc kệ sự phản đối của lưỡng đảng, đang gây hại cho Hoa Kỳ và cuộc vận động dân chủ. Quyền lực tổng thống trong chế độ tổng thống tại Mỹ là quá nhiều, đang gây hại cho nền dân chủ. Hoa Kỳ từng được các nhà khoa học chính trị cho là một ngoại lệ của chế độ tổng thống vì hơn 95% chế độ tổng thống đều dẫn đến độc tài chuyên chế. Nếu Trump đứng đầu chính phủ trong thể chế đại nghị (như Anh, Úc, Canada, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Tây Ban Nha, Nhật…), Trump đã sớm bị Quốc hội truất phế sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm (vote of confidence).

Sức mạnh của liên minh và hợp tác dân chủ Âu – Mỹ – Canada – Nhật – Úc luôn khiến các nhà nước độc tài lo ngại. Nhờ thế mạnh của liên minh mà Hoa Kỳ mới duy trì được sức ảnh hưởng toàn cầu cũng như bảo đảm lợi ích và an ninh cho nước Mỹ trong suốt một khoảng thời gian dài. Thế giới sẽ trở nên bất ổn và nguy hiểm khi Nga, Trung Quốc, ISIS và Bắc Hàn tự tung tự tác bởi Trump chủ trương cô lập nước Mỹ và phớt lờ những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của bọn độc tài chuyên chế.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Không ai có thể dạy TT Trump phải làm thế nào để lãnh đạo nước Mỹ. Ông Trump đúng ,nước Mỹ không cõ trách nhiệm canh giữ hòa bình cho thế giới như VN và Cuba .họ có chính sách riêng của họ .còn bài viết này nghe sặc mùi cnn hay nbc,mùi clinton và nancy peloci của đãng dân chủ thổ tả .ông Jame Mattis khi từ chức không nói bất cứ bất đồng nào với TT trong đơn.mà chỉ mong muốn ông chọn người thích hợp hơn .TT Trump không thể một mình quyết định chính sách mà có cả một equip cố vấn an ninh quốc gia. Cứ nhìn chính sách của Trump giải quyết bàn cờ thế giới là rõ .chưa thât’ bại bất cứ một nước cờ nào ! Phap’ ,Đức không muốn gia tăng đóng góp cho nato ,và muốn tách ra thành lập quân đội riêng,trong khi Người Mỹ phải đóng góp 45% ngân sách và con em họ ? Thì syrya các ông hãy tự giải quyết đi ?VÀ TẠI SAO tàu chệt phản đối Hoa Kỳ thành lập bộ tư lịnh không gian.? Vì họ biết rằng rồi đấy bom nguyên tử.hỏa tiển liên lục địa.tàu ngầm. Máy bay siêu thanh trở thành vô tác dụng khi có những vũ khí điều khiển ngoài không gian như phi thuyền .họ và cả nga không có tiền để chạy đua chiến tranh trên các vì sao với Mỹ ,nếu cô’ gắng kinh tế họ sẽ CHẾT. Và với 3 ,4 hàng không mẫu hạm vừa ra đời họ có cần đóng quân ở syrya.hay như vừa qua tặng 2 lần 57 và lO5 trái tomahok vào syria.rút mấy chục ngàn quân ở syrya và Afganistan về ĐI ĐÂU cho giải ngũ chăng? Hay chuẩn bị cho một chiến trường khác? Ông Trump không quyết định linh Mỹ đi hay ở mà những cô’ vấn ở hội đồng an ninh quốc gia. Cũng như cuộc chiến kinh tế với tàu chệt. Chưa biết chừng sang năm tôi và ông cũng như đồng bào VN ( nếu ông sống ở VN )sẽ chạy vắt giò lên cổ vì biển đông nổi sóng.

  2. TT Trump biết dành dụm ngân sách quốc phòng vào việc chính. Chưa biết kẻ nào sẽ phải lo sợ về việc này đâu. Chờ đấy!

Leave a Reply to Namhung Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây