Bản tin ngày 19-12-2018

Tin Biển Đông

TS Trần Công Trục viết: Mỹ nên khôi phục sự hiện diện hải quân thường xuyên ở Biển Đông. Theo đó, “lập trường và những ứng xử của Mỹ trong thời điểm hiện nay cũng có thể được coi là đã có tác động tích cực nào đó trong việc ngăn chặn, chí ít là có thể hạn chế khả năng xung đột có thể xảy ra trong Biển Đông”.

Nhận định lập trường “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump trong thời đại Trung Quốc trỗi dậy, TS Trục bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng nước Mỹ cần phải quan tâm và phát huy vai trò của mình trước vận mệnh của nhân loại đang bị đe dọa bởi những tham vọng bá quyền; cộng đồng quốc tế đang bị đe dọa bởi những tính toán trục lợi bằng máu xương đồng loại của những tập đoàn lái buôn vũ khí giết người”.

BBC đưa tin: Trung Quốc, Nga thí nghiệm ‘chỉnh sửa khí quyển’. Theo đó, các nhà khoa học Trung Quốc vừa tham gia một thí nghiệm thành công gây nhiễu loạn khí quyển ở một căn cứ của Nga, nằm ở Đông Âu. “Trung Quốc hiện đang xây dựng một cơ sở thậm chí còn lớn hơn và tiên tiến hơn ở Tam Á, Hải Nam, với khả năng thao túng tầng điện ly trên toàn bộ Biển Đông”.

GS Guo Lixin, Trưởng Khoa Vật lý và Kỹ thuật Quang Điện tử tại Đại học Xidian ở Tây An, Trung Quốc, cho biết, “thí nghiệm chung giữa hai quốc gia là vô cùng bất thường”, Trung Quốc hiếm khi tham gia hợp tác thử nghiệm như vậy và “các công nghệ được sử dụng quá nhạy cảm”.

Mời đọc thêm: Tại sao dư luận có quan điểm hoài nghi lập trường của Mỹ ở Biển Đông? (GDVN). – Ông Tập Cận Bình nói TQ ‘sẽ không tìm cách thống trị thế giới’ (BBC). – Tập Cận Bình: ‘Không ai có thể ra lệnh cho Trung Quốc’Nhật tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó Nga, Trung (VNE).

Vụ Mobifone mua AVG

Báo Người Lao Động đưa tin: MobiFone và AVG chính thức chấm dứt “duyên nợ”, thu lại hơn 8.775 tỉ đồng. Ngày 18/12/2018, MobiFone và AVG “đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán 95% cổ phần của MobiFone tại AVG và MobiFone đã thu lại hơn 8.775 tỉ đồng”. MobiFone đã thu lại “toàn bộ số tiền liên quan đến dự án, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Nỗ lực dàn xếp thương vụ Mobifone mua AVG đã có từ cách đây gần một năm, nhưng diễn ra khá chậm chạp. Tuy nhiên, chỉ hơn hai tuần sau khi ông Trần Bắc Hà, thuộc hạ thân tín nhất của “đồng chí X” bị bắt, thương vụ khiến ngân sách thất thoát hơn 7000 tỉ đã được dàn xếp xong.

Hiện có tin đồn rằng ông Nguyễn Bắc Son, là người chủ trương thương vụ mua bán này, sắp bị bắt. Trước đó, ông Son đã bị kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên bộ trưởng và bị cách chức Ủy viên Trung ương đảng khóa 11.

Mời đọc thêm: MobiFone chính thức chấm dứt dự án mua cổ phần AVG (Zing). – MobiFone chấm dứt dự án AVG, thu hồi xong toàn bộ tiền (VNE). – Chính thức chấm dứt hoàn toàn thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG (DT). – Suýt gây thiệt hại 7.006 tỷ đồng Nhà nước, Mobifone-AVG chính thức chia tay (DV).

“Củi” dầu khí

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa bắt cựu tổng giám đốc Tổng công ty khai thác dầu khí Đỗ Văn Khạnh, theo VietNamNet. Bài báo cho biết, trong quá trình xét xử vụ án Oceanbank, “cơ quan tố tụng đã làm rõ Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch HĐQT OceanBank và các đồng phạm đã chi lãi ngoài hàng chục tỉ đồng” cho Tổng công ty thăm dò, khai thác dầu khí.

Ông Đỗ Văn Khạnh, cựu Tổng giám đốc PVEP. Ảnh trên mạng

Cần nhắc lại, ngành dầu khí là một trong ba ngành chủ lực (hai ngành kia là ngân hàng và đóng tàu) từng là đường dây kinh doanh tài chính sau lưng “đồng chí X”, còn Oceanbank từng được ví như công cụ rửa tiền của gia tộc cựu Thủ tướng Việt Nam giai đoạn 2006 – 2016.

Mời đọc thêm: Đại án OceanBank: Thêm một cựu quan chức dầu khí bị bắt (VOA). – Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí bị bắt (RFA). – PV Drilling: Về việc ông Đỗ Văn Khạnh bị khởi tố (Petro Times). – Cựu tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò dầu khí bị bắt (VNE). – Tiết lộ lý do cựu tổng giám đốc PVEP bị Bộ Công an bắt giam (PLTP).

“Đốt lò” ở miền Nam

Trong buổi tiếp xúc cử tri tối 17/12/2018, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong thông báo: Sắp có kết luận về khu 160ha tái định cư Thủ Thiêm. Khi một cử tri hỏi: “Việc kiểm điểm, quy trách nhiệm lãnh đạo UBND TP.HCM các thời kỳ đã xong chưa, kết luận ra sao?” Ông Phong không trả lời thẳng mà chỉ nói chung chung, “phải nỗ lực xây dựng Thủ Thiêm thành khu đô thị hiện đại như quy hoạch đã chỉ ra”.

Vụ ông Phong nói các đoàn thanh tra, kiểm tra từ Trung ương “có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức TP, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính”, có cử tri hỏi phải chăng đó là biểu hiện của sự bao che quan chức sai phạm. Ông Phong trả lời rằng, có hơn 90 dự án ở TP HCM đang bị thanh tra, “điều này cũng khiến tâm lý cán bộ phần nào ảnh hưởng”.

Vụ lãnh đạo TP HCM quyết định thu hồi khu đất 8-12 Lê Duẩn được cựu Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài cho Lavenue thuê trái quy định, nay lại hủy quyết định thu hồi gần 5.000m2 đất ‘vàng’ đường Lê Duẩn, theo báo Tiền Phong. Trước đó khoảng một tuần, UBND TP quyết định thu hồi đất dựa trên kết luận của Thanh tra Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nhằm đấu giá lại đúng quy định và thu hồi tiền cho ngân sách TP.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng, vụ án sai phạm trong quản lý đất đai liên quan đến ông Thành Tài “đang được điều tra, trong khi khu đất là vật chứng. Theo quy định, phải đến lúc có phán quyết của toà bằng bản án có hiệu lực mới xử lý được khu đất”. Nói cách khác, vụ này khó có thể được dàn xếp theo kiểu trả đất, trả tiền như Mobifone mua AVG nữa.

Vụ sai phạm đất dự án quận 9 liên quan đến Công ty 7/5 của đại tá Huỳnh Văn Tài và Công ty A Sung của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: “Khi tôi viết bài về việc tướng Tám Thổ tiếp tay Hàn Quốc chiếm đất dân, rất nhiều bạn vì yêu mến vị tướng đã chửi tôi tan nát. Bài tôi đăng FB cũng bị xóa. Nay tôi xin được chia buồn cùng quận 9, tướng Thổ, đại tá Bảy Tài, và những người yêu quý các vị ấy”.

Quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với Dự án Khu dân cư 7/5 tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP HCM. Nguồn: FB Trương Châu Hữu Danh

Mời đọc thêm: Thủ Thiêm cách quận 1 mấy trăm mét, vậy mà 20 năm không phát triển? (Zing). – Chủ tịch TP.HCM giải thích lý do Thủ Thiêm cách quận 1 mấy trăm mét nhưng 20 năm không phát triển (VTC). – Ra mắt giai đoạn 1 dự án The Metropole Thủ Thiêm (TN). – Chủ tịch TP.HCM khẳng định chủ trương xây dựng KĐT Thủ Thiêm là đúng đắn (Infonet). – Hơn 90 dự án ở TP HCM đang bị thanh tra (NLĐ). – TP HCM: Hơn 90 dự án bị thanh tra, nhiều cán bộ có mặt ở CQĐT cả tuần (KT).TPHCM hủy quyết định thu hồi khu đất “vàng” đường Lê Duẩn (SGGP). – Cơ quan điều tra đề nghị TP HCM hủy quyết định thu hồi khu đất “vàng” 8-12 Lê Duẩn (NLĐ).

Cán bộ “ăn” đất

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Nhiều cán bộ ở Gia Lai tiếp tay phân lô bán nền trái phép. Theo đó, cán bộ, từ lãnh đạo đến nhân viên sở TN&MT Gia Lai tổ chức, tiếp tay cho các đối tượng phân lô, bán đất nền trái phép. Mỗi ha đất nông nghiệp được mua với giá khoảng 1 tỷ đồng, sau đó cấu kết với sở TN&MT phân lô, làm đường, rồi bán lại với giá gấp từ 7 đến 19 lần. Trong đó phát hiện tại TP Pleiku, có 1.523 thửa đất tách không đúng quy định để phân lô, bán nền trên diện tích với 33ha. Nguồn lợi các đối tượng thu bất chính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Báo Lao Động đưa tin: Một cán bộ ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện bị bắt. Ông Lê Ngọc Thiên, cựu cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, vừa bị công an bắt vì liên quan đến vi phạm trong kiểm kê giải phóng mặt bằng của dự án nhà máy thủy điện Xuân Minh. Trước đây, ông Thiên làm ở phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thường Xuân.

Mời đọc thêm: Kiến nghị thu hồi dự án sai, nhiều sở bị đề nghị kiểm điểm (PLTP). – Kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cán bộ Gia Lai liên quan đến đất đai (VOV). – Một cán bộ huyện bị bắt vì liên quan đền bù giải phóng mặt bằng (DT). – TP Vinh bị kiện vì đòi lại tiền đền bù đất (PLVN). – Vụ bí thư xã bị tố bán ‘đất vịt trời’: Thành ủy chỉ đạo công an xác minh làm rõ (ANTT). – Xây dựng nhà ở tại rừng phòng hộ Sóc Sơn là vi phạm hành chính (RFA).

“Lỗi hệ thống”

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Nhân viên biển thủ 1,6 tỷ viện phí, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ nói gì? Nữ kế toán thanh toán (Võ Hồng Nhung) Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bị phát hiện biển thủ 1,6 tỷ đồng tiền viện phí bị kỷ luật, được giám đốc bệnh viện cho nghỉ việc “theo kế hoạch”. Người tố cáo, là bà Q cũng bị lãnh đạo bệnh viện này dàn xếp kỷ luật, nhằm dằn mặt.

Lãnh đạo bệnh viện giải thích “không bao che” cho bà Nhung: “Cho bà Nhung nghỉ việc, về bản chất bà Nhung bị loại khỏi cơ quan, mất việc làm, hoàn toàn không bao che cho người vi phạm”.

Tại Bắc Giang: Bóc mẽ quy trình “ăn” tiền ngân sách Nhà nước, theo báo Tuổi Trẻ Thủ Đô. Ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND Thị trấn Thanh Sơn, tỉnh Bắc Giang, cùng kế toán trưởng và một cán bộ thuộc cấp cấu kết, “vẽ” ra hàng loạt các hợp đồng mua sắm, sửa chữa trang thiết bị. Các đối tượng là cán bộ đã bỏ túi riêng gần 300 triệu đồng tiền ngân sách.

Báo Công Lý và Xã Hội có bài: Quảng Trị: Bổ nhiệm PGD BQL DA không đúng quy trình, vẫn tại vị. Theo đó, có hàng loạt sai sót trong bổ nhiệm cán bộ tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đáng chú ý, chỉ vừa hết thời gian tập sự (3 tháng), ông Lê Vũ Khánh liền được bổ nhiệm làm PGĐ BQL DA Đầu tư và Xây dựng huyện.

Chuyện bổ nhiệm thần tốc bị UBKT tỉnh này phát hiện, nhưng tới nay người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm vẫn ung dung thách thức. Việc bổ nhiệm người thân, người nhà làm quan chức không còn xa lạ tại Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Bắc.

Mời đọc thêm: Cán bộ mắc sai phạm trục lợi 7,3 tỷ đồng vẫn được điều chuyển vị trí tốt hơn (VTC). – Hà Nội: Nhà thầu địa phương liên tiếp trúng thầu tại huyện Hoài Đức? (GĐVN). – Chủ tịch UBND xã Việt Hùng có “bảo kê” cho sai phạm? (TT). – Phó chánh thanh tra Sở “làm ngơ” xe quá tải lãnh án 7 năm tù vì tội nhận hối lộ (DT).

Tin nhân quyền

RFA đưa tin: Cựu phát ngôn nhân hội Anh em dân chủ sẽ ra tòa phúc thẩm vào 26/12. Theo đó, tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Trực, cựu phát ngôn nhân, kiêm Chi hội trưởng miền Trung của hội Anh Em Dân Chủ “sẽ bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đem ra xét xử phúc thẩm vào ngày 26/12 tới đây vì có kháng cáo của ông này”.

Trước đó, ông Minar Pimple, Giám đốc cấp cao Hoạt động toàn cầu của Ân xá Quốc tế đã bình luận về bản án tù của ông Trực: “Ông Nguyễn Trung Trực bị cho là phạm tội vì cất tiếng nói vì nhân quyền và vì một nền dân chủ cho Việt Nam. Ông Trực đã trở thành mục tiêu bị cố tình nhắm tới chỉ đơn giản vì ông đã bày tỏ quan điểm và theo đuổi những lý tưởng mà các giới chức Việt Nam không chấp nhận”.

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực. Nguồn: FB Hội Anh Em Dân Chủ/RFA

RFA có bài phỏng vấn: Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên nói gì về tranh chấp đất đai giữa Giáo hội và chính quyền Hà Nội? Tổng Giám Mục Vũ Văn Thiên chia sẻ: “Những khu đô thị mới mà muốn xây nhà thờ thì chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn. Và một vấn đề lớn khó khăn hiện nay là đất đai của Giáo hội, của các dòng tu mà nhà nước đã công hữu hóa ở miền Bắc sau 1954 và ở miền Nam sau 1975”.

Mời đọc thêm: TNS Mỹ lo ngại Google tuân thủ quy định nội địa hóa dữ liệu của Luật An ninh mạng (RFA). – Trung Quốc bắt giữ mục sư trước Giáng sinh gây quan ngại (BBC).

Lãnh đạo và kế hoạch “vặt lông vịt”

VOA đưa tin: Xăng chịu thuế môi trường cao hơn từ 1/1/2019, dân đòi minh bạch. Một loạt động tác “vặt lông vịt” sắp diễn ra: “Xăng dầu ở Việt Nam sẽ chịu mức thuế môi trường cao hơn sau chưa đầy 2 tuần nữa, khi bước sang năm 2019. Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Tài chính đề nghị một số bộ khác, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải xây dự đề án thu phí môi trường đối với khí thải”.

Thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu chưa kịp áp dụng, thì chính quyền CSVN đã nghĩ ra thêm nhiều cách thu mới mới để “vặt lông” người dân. Báo Tuổi Trẻ có bài: Thu phí khí thải: phí chồng phí. Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính tính thu thêm phí khí thải là vô lý, thực chất là “phí chồng phí”. Nhiều chuyên gia cũng hoài nghi lý do “chống ô nhiễm” mà Bộ Tài chính đưa ra, thực chất chỉ là “lắt léo” ngôn từ để tận thu từ nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Chánh, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM,  cho biết: “Trước khi ban hành loại phí gì cũng cần phải minh bạch vấn đề thu làm gì, mục đích như thế nào”. TS Ngô Trí Long cho biết, từ ngày 01/01/2019, thuế bảo vệ môi trường đã tăng kịch khung, nay thêm phí khí thải, tức là vắt kiệt sức dân.

Cũng liên quan đến các kế hoạch cướp của dân, chính quyền cộng sản vẫn chăm chăm nhắm tới túi vàng và ngoại tệ trong dân. Trước áp lực của người dân, ngân hàng nhà nước sửa nghị định sau vụ đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu, theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn. Theo đó, mức phạt sẽ được xem xét “giảm nhẹ”: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”.

Việc giảm mức phạt không có quá nhiều ý nghĩa, chủ yếu để “vuốt ve dư luận”. Người dân cho biết, nhiều khả năng chính quyền từ lâu đã đứng đằng sau việc thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do. Các “chợ” ngoại tệ nổi tiếng ở Sài Gòn và Hà Nội luôn hoạt động nhộn nhịp bất kể thời điểm, mà không hề sợ thanh tra, kiểm tra.

Mời đọc thêm:  Sẽ thu phí khí thải (TT). – Thu phí bảo vệ môi trường với khí thải: Nhiều băn khoăn (NLĐ). – Sau tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là đề án thu phí với khí thải? (TTT/ CafeF). – Đổ xăng đi ô tô, xe máy: Dân sắp chịu thêm 1 loại thuế mới? (DT).

Môi trường ô nhiễm

Báo Thanh Niên đưa tin: Sự cố tràn dầu ở Thanh Hóa đã lan rộng ra khoảng 5 ha đất nông nghiệp. Dầu tràn trên diện tích khoảng 5 ha đất nông nghiệp. Mùi dầu bốc lên nồng nặc, cá tôm chết hàng loạt. Cây cối trên khu vực dầu tràn cũng chết dần. Dầu loang rộng trên ruộng, cống thoát nước, bám trên cây cối, gây nguy cơ cháy lớn cho khu vực và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dầu tràn được xác định của Chi nhánh xăng dầu quân đội khu vực Bắc Trung bộ.

Tại Đồng Nai: Cá trên sông La Ngà lại chết trắng bè, theo báo Dân Trí. Hai ngày 16 và 17/12, cá nuôi của nhiều hộ dân trên sông La Ngà, tỉnh Đồng Nai, đồng loạt chết nổi trắng sông, ước tính khối lượng hơn 3 tấn. Chưa có nguyên nhân chính thức, tuy nhiên, theo người dân nuôi cá “nước sông La Ngà khu vực nuôi cá bè có hiện tượng bốc mùi hôi”. Trước đó, tháng 5/2018, cá nuôi nơi đây cũng chết hàng loạt, được chính quyền xác định do “thiên tai”. Người dân nơi đây vừa nhận được tiền đền bù, hỗ trợ thì cá lại tiếp tục chết.

Mời đọc thêm: Đồng Nai: Vừa nhận hỗ trợ, người dân lại nhận tin dữ, cá lại chết trên sông La Ngà (MT&CS). – Hải Dương: Người dân ‘tố’ cơ sở chế biến bột lông vũ gây ô nhiễm? (MT&ĐT). – Các trại heo đe dọa nguồn nước (NLĐ).

Giáo dục VN: Tội phạm làm giáo viên

LS Lê Văn Luân viết: Kẻ nào mới ác. Theo đó, trong vụ “hiệu trưởng” Đinh Bằng My biến một ngôi trường thành nơi phục vụ nhu cầu tình dục bệnh hoạn của ông ta, bà phó hiệu trưởng và các giáo viên đồng lõa có trách nhiệm không nhỏ. “Kẻ thực hiện hành vi phạm tội ác một, thì chúng ác đến mười. Kẻ thủ phạm phải chịu trách nhiệm một, thì những kẻ bất nhân này xứng đáng phải chịu trách nhiệm đến cả trăm lần mới thỏa”.

BBC có bài: Bắt hiệu trưởng Đinh Bằng My: Phú Thọ sốc vì xâm hại trẻ. Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên, cho biết: “Vì những vụ như thế này này xảy ra quá nhiều rồi. Có những bảo vệ trường nội trú xâm hại đến 30 cháu mới bị phát hiện, có thầy giáo thể dục xâm hại đến 20 cháu rồi mới bị phát hiện”.

Mời đọc thêm: Mới nhất vụ hiệu trưởng Đinh Bằng My dâm ô học sinh nam (TP). – Hình phạt nào cho hiệu trưởng dâm ô hàng chục học sinh nam? (GT/ 24h). – Đưa Hiệu trưởng Đinh Bằng My ra khỏi ngành ngay khi có đủ chứng cứ (VOV). – Tin pháp luật 24h: Hình phạt nào cho thầy hiệu trưởng Đinh Bằng My? (LĐ). – Hiệu trưởng nghi dâm ô nam sinh: Phòng Giáo dục lấy làm tiếc (VNN). – Hiệu phó nói về Hiệu trưởng dâm ô hàng loạt học sinh: “Ai làm người đó chịu” (Kênh 14).

***

Thêm một số tin: 5 vấn đề đáng chú ý nhất 2018 (VOA). – Nhìn lại Chủ nghĩa Cộng sản sau hơn 100 năm — Tại sao người CSVN cấp cao không thấy họ lố lăng? — Tài xế phản đối trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài (RFA). – Toàn bộ ĐBSCL đang sụt lún dần với tốc độ gần 2,5 cm mỗi năm (VNE). – Ngày 25.12 sẽ tuyên án phúc thẩm VNCB giai đoạn 2 (LĐ).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thời ông Trần Công Trục làm trưởng ban biên giới, có những cột mốc được chôn rất láo toét làm cho đường biên giới lùi sâu vào trong nội địa, không biết có phải vậy không ạ, mong ông giải đáp ạ!?

  2. Trích:
    ‘TS Trần Công Trục viết: Mỹ nên khôi phục sự hiện diện hải quân thường xuyên ở Biển Đông. Theo đó, “lập trường và những ứng xử của Mỹ trong thời điểm hiện nay cũng có thể được coi là đã có tác động tích cực nào đó trong việc ngăn chặn, chí ít là có thể hạn chế khả năng xung đột có thể xảy ra trong Biển Đông”.

    Tiếc quá, từ 1960 Mỹ đã hùng hục đưa quân vào VN và hăng hái “hiện diện thường xuyên ở Biển Đông” để mong ngăn chặn “làn sóng đỏ” Trung cộng; Thế nhưng với quyết tâm đánh Mỹ đến người VN cuối cùng của bác Hồ và đảng CSVN bách chiến bách thắng mà Mỹ đã phải ôm quần tháo chạy….Nay thì tình thế đảo ngược, Mỹ đã không còn ở vị thế chủ động khi tiến vào vùng biển mà Trung cộng coi là ao nhà nữa, vậy thì lời kêu gọi của Ts. Trần Công Trực có quá phũ phàng, bẽ bàng và (hơi bị) muộn màng không ?
    Đã có bài vè:
    “Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào
    Để bác Hồ rước Tàu vào Biển Đông
    Bây giờ biển đảo mất không,
    Người ơi “sáng mắt, sáng lòng” hay chưa??

Leave a Reply to Trúc Bạch Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây