Môi trường – Phần 5: Vùng vẫy giữa vòng vây dân túy và thờ ơ

FB Nguyễn Thọ

7-12-2018

Tiếp theo Phần 1  —  Phần 2  — Phần 3  — Phần 4

Hội nghị của 196 nước diễn ra tại Katowice (Ba-Lan) mấy hôm nay được coi là cố gắng cuối cùng để cứu nhân loại khỏi thảm họa môi trường đang lững lững lao tới. Nhưng chỉ việc hai tập đoàn than lớn nhất Ba-Lan là người bảo trợ tài chính cho hội nghị đã cho thấy mâu thuẫn ngút trời trong vấn đề này.

Con người – Homo Sapiens, từ khi xuất hiện cách đây gần 100.000 năm, đã trở thành kẻ chống lại thiên nhiên. Trong khi các sinh vật khác, dù hung dữ như hổ beo, dù độc hại như rắn rết, dù nở nhanh cỏ dại, không vật nào có thể phá hoại được thiên nhiên. Tất cả chúng đều chịu sự điều tiết của quy luật cân bằng sinh thái. Nhưng con người, với trí tuệ của mình, đã tự hào chinh phục được thiên nhiên. Học giả Thomas Malthus đã nhầm, khi nghĩ rằng loài người sẽ bị tiêu diệt bởi chiến tranh, thiên tai và bệnh dịch. Điều ngược lại đã xảy ra, sau mỗi tai họa toàn cầu, ví dụ như hai cuộc đại chiến, hay các đại dich hạch, loài người lại phát triển cả vê số lượng lẫn trình độ.

Chinh phục thiên nhiên và phát triển không phải là tội ác. Đó là quyền con người, là nhân tính và là ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng tất cả các điều đó chỉ được đảm bảo khi thiên nhiên còn có thể trung hòa được tác động của con người. Cho đến sáu bảy chục năm trước đây, rừng và khí quyển vẫn hấp thụ hết mọi khí thải của 5 tỷ người gây ra. Các mạch nước ngầm hồi đó không bao giờ bị đe dọa, vì lượng nước hút lên ít hơn nước thẩm thấu từ bề mặt đất quay trở lại… Năm 1970 được tổ chức Global Foodprint đánh dấu là năm mà tài nguyên loài người tiêu thụ đến hết ngày 31.12 cũng vừa xoẳn khả năng phục hồi của trái đất. Năm 2000, cái mốc đó đến từ cuối tháng chín. Năm 2018 này, từ ngày 1.8, để cầm hơi đến hết năm, loài người phải tự rút ruột trái đất mà ăn [1].

Trước đây, con người chỉ ăn dần vào vốn tài nguyên của mình. Từ 1970 đến nay chúng ta đang ăn cắp của con cháu, càng ngày càng nhiều. Không phải ai cũng ý thức được sự thật này. Cũng vì vậy mà có nhiều cách đối xử với thiên nhiên.

Đông nhất là những người không biết, không quan tâm đến môi trường. Đa số họ không có lỗi, vì cả cuộc đời, họ chỉ lo vật lộn để sống qua ngày. Tuy số người này rất đông, nhưng vì họ ít tiêu thụ nên sức tàn phá của họ rất thấp. Tôi đã vài lần ngắm châu Phi từ máy bay xuống và phải khâm phục vẻ đẹp thiên nhiên ở đó. Bất chấp chiến tranh, bóc lột thuộc địa, độc tài, bệnh tật, châu Phi vẫn là lục địa xanh nhất hành tinh. Cái giá để giữ được lục địa xanh đó lại là cuộc sống lạc hậu và tăm tối của hàng chục triệu người trong các khu đô thị hôi hám. Không gì mâu thuẫn hơn.

Một số người khác nhận thức được mối đe dọa thì vùng vẫy để tìm các giải pháp hòng thoát khỏi gọng kìm của thần chết. Khi điện hạt nhân ra đời, người ta đã mừng rỡ vì thoát khỏi nạn khói bụi và than xỉ của các nhà máy điện than. Nhưng ngày nay, những cái tên Chernobyl hay Fukushima bỗng trở thành cơn ác mộng. Rất nhiều nước giờ đây đang sống dở chết dở với việc xử lý chất thải hạt nhân. Ai đó đã từng nói: „Đằng sau các viễn cảnh tươi đẹp của khoa học, thường là các sự thật xấu xí“.

Ô-tô điện đang được nhân loại coi là cứu tinh, giúp họ thoát ra khỏi nạn smog đang tấn công các đô thị. Tuyệt, giá như đang vội về quê không bị dừng lại sau 300km để mất 20 phút nạp điện. Không lo, Elon Musk đang tìm cách tăng công năng của pin lên đến 700, 800km! Cứ cho là như vậy. Nhưng để bảo đảm môi trường trong sạch thì chớ nên xạc bằng điện than nhé.

Chính phủ Đức đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải có 1 triệu xe ô-tô điện chạy trên đường. Với biện pháp khuyến mãi 6.000 EUR cho 1 xe, hy vọng mục tiêu này sẽ đạt được. Nếu mạng lưới các trạm nap công suất 350KW được thiết lập toàn quốc (mỗi xe có công suất pin 100KWh, muốn nạp trong vòng 15-20 phút phải dùng công suất 350KW), thì kịch bản gì xảy ra?

Vào một chiều cuối tuần, chỉ cần 1/10 số ô tô điện đó vào trạm để nạp, lập tức tải điện tăng lên 35.000 MW, tương đương công suất của 8 nhà máy thủy điện Hòa Bình, hay của 35.000 cột điện gió 1MW. Gặp lúc gió lặng thì vô phương. Muốn dùng pin mặt trời cho vụ này, mời các bác đi nạp từ buổi trưa, và một diện tích 350km² tấm solar mới mong đủ. (Thành phố Nha Trang rộng 251km²). Nếu dùng điện than để xạc thì thà chạy xe xăng còn hơn. Đó là chưa kể lòng kiên nhẫn để chờ từ 20 phút đến vài giờ.

Tương tự, bạn nào đó có thể viết ra kịch bản cho Việt Nam, nếu 1/2 của 1,5 triệu xe hơi và của 45 triệu xe máy hiện có chuyển sang chạy điện.

Để bỏ qua 30 kg xăng, ô-tô điện phải khuân theo 900kg pin Lithium-ion. Quá trình sản xuất Litihium-ion và khai thác đất hiếm rất hại môi trường (Pin acid-chì của Vinfast-Klara còn độc hơn nữa). Nhưng hậu quả nặng nề nhất là khâu thu hồi xử lý các núi pin cũ (xe Klara sau 1000 lần xạc)

Cứ cho là một chiếc ô-tô điện suốt đời chỉ xài điện xanh, thì nó cũng phải mất từ 50.000-70.000km để bù cho ô nhiểm môi trường mà nó gây ra trong nhà hộ sinh và cho quan tài sau khi nó chết. Có nghĩa là khi xe Tesla chạy hết 100.000 km không khói thì chỉ có 30.000 km sau cùng là „xanh“, còn 70.000 km đầu vẫn „đen“ [2]. Dù sao thì vẫn hơn thằng xe xăng, „đen“ngòm cả đời.

Ví dụ ô tô điện nói lên kết quả khiêm tốn của một sự vùng vẫy mệt mỏi. Vẫn còn hơn không vùng vẫy.

Có một nhóm người thì không thấy cần vùng vẫy, dù trong họ cũng có kẻ biết về cái chết đang đến. Tất cả họ đi theo cái gọi là Chủ nghĩa Dân túy Sinh thái “Eco-Populism“. Dân túy sinh thái khác với các chủ nghĩa mỵ dân khác ở chỗ:

1- Nó không phải của một chính đảng tung ra để lòe bịp đám đông, mà nó do chính lòng tham của từng cá nhân tự lừa dối mình. Nó chính là đám đông.

2- Nó không phân biệt tả hay hữu, chỉ phân cách theo giàu và nghèo.

3- Dù giàu hay nghèo, cả bọn cùng thống nhất với nhau ở lòng ích kỷ và cùng ra tay ngăn chặn nỗ lực của phe vùng vẫy.

Bọn dân túy giàu thì chửi các nước nghèo đang công nghiệp hóa toàn sử dụng công nghệ lạc hậu nên gây ô nhiễm nhiều hơn! Hoặc: Tao cũng phải được phá như thằng kia!

Bọn dân túy nghèo thì luôn chỉ vào mức sống tiêu thụ ở các nước giàu để coi việc tàn phá thiên nhiên là lỗi của bọn giàu. Đáp lại những lời khuyên từ những người đi trước, luôn là cái nhìn hằn học: Đừng ngồi trên đó chỉ bảo tao! Ho coi việc sông ngòi nước họ nhiểm độc, khói bụi ngút trời là do bóc lột, do chủ nghĩa thực dân gây ra.

Dù chửi nhau, hội này giống nhau ở chỗ, luôn lấy phát triển để biện minh cho phá hoại môi sinh. Trong bài trước, đã có người (chắc là cán bộ ngành điện Việt Nam) phản biện rằng: Vấn nạn xỉ than của nhiệt điện là phải chấp nhận để phát triển, vì nó rẻ!

Gã manager của Formosa, một nhà tư bản, chẳng đã từng tuyên bố: Chọn thép hay cá!

Liên minh ma quỷ kiểu này cũng chính là mảnh đất cho các tư tưởng của Trump hay của Bolsonaro tổng thống cưc hữu mới được bầu của Brazil, chứ không phải ngược lại. Liên mình này rất hùng hậu, đang bao vây những kẻ giãy dụa, vùng vẫy.

Đám đông thờ ơ chợt nhìn xuống chân thấy nước lũ đang lên. Tai họ vẫn nghe loa mỵ dân, nhưng mắt hướng một cách bất lực về những kẻ vùng vẫy.

Đó là bức tranh ở Katowice mà tôi nhìn thấy. Bạn thấy sao?

_____

[1] https://www.welt.de/newsticker/dpa_nt/infoline_nt/brennpunkte_nt/article180269270/Weltbevoelkerung-hat-Ressourcen-fuer-2018-schon-aufgebraucht.html

[2] https://www.adac.de/der-adac/motorwelt/reportagen-berichte/auto-innovation/studie-oekobilanz-pkw-antriebe-2018/

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây