Việt Nam trong thương chiến Mỹ – Trung

FB Trương Nhân Tuấn

5-12-2018

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sau Hội nghị G20 ở Á Căng Đình bế mạc hôm kia. Hai bên đối thủ có thỏa thuận “hưu chiến trong vòng 3 tháng”. Ta có thể xem như hết “hiệp một”. Cuộc chiến có thể còn kéo dài.

Nếu nghe theo tin tức từ phía thân cận ông Trump, thời gian 90 ngày là thời gian mà Mỹ “cho phép” TQ chấn chỉnh nội bộ để “bó giáo qui hàng”. Tức TQ tuân thủ các yêu sách của Mỹ. Tuy vậy, chỉ số sàn chứng khoáng của Mỹ hôm qua sụt giảm (3%) cho thấy giới đầu tư “hoài nghi” về kết quả của ông Trump đạt được qua Hội nghị G20.

Giới tài phiệt luôn có cái đầu “lạnh ngắt”. Họ không tin vào những lời hứa (lèo). Cái gương trước mắt, 20 năm “luồn lách” trong WTO cho ta thấy cái “khả năng” của TQ trong việc diễn giải và áp dụng những qui tắc của WTO theo lợi ích của họ.

Theo tôi TQ không dễ “bó giáo qui hàng” như vậy. Chiến tranh thương mại là chiến tranh “tự hủy”, theo kiểu hai bên cùng đánh “thất thương quyền”. Tức là chiêu pháp xuất ra, trước khi địch thủ bị thương tích thì bản thân đã bị “hộc máu” trước rồi. (Thất thương quyền là chiêu ruột của Kim mao sư vương Tạ Tốn trong tập Cô Gái Đồ Long của Kim Dung. Muốn xuất chiêu phải vận “12 thành công lực”, hai tay tự đấm ngực đến hộc máu, rồi mới xuất chưởng ra). Hôm 27-9 tôi có viết bài chủ đề “ai thắng ai trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”. Câu trả lời của tôi là phe nào chịu đựng được lâu dài thì bên đó thắng.

Kết quả đạt được tức thời sau Hội nghị là TQ tháo gỡ thuế quan lên xe cộ của Mỹ đồng thời TQ nối lại việc mua nông phẩm. Hai chuyện (nhỏ) này có lẽ để giúp ông Trump lấy “uy tín” trong giới nhà nông và thợ thuyền của Mỹ, vốn là nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến thương mại. Nhưng các việc này không (nhằm nhò gì) đối với những “hứa hẹn” mà TQ sẽ thực hiện sau 90 ngày.

Nhưng đó là chuyện của Mỹ và TQ. Điều mà chúng ta nên quan tâm là “hồ sơ biển Đông” không được nhắc tới trong cuộc gặp gỡ Trump-Tập (bên lề hội nghị G20). Trong khi hồ sơ Bắc Hàn và Đài loan thì được hai bên nhắc đến.

Đáng lo hay đáng mừng ?

Theo tôi, khi chuyện “của chúng ta” (quyền lợi của VN) được hai bên (TQ và Mỹ) sử dụng như là một “con cờ” trên bàn cờ “chiến lược khu vực” thì đó phải là chuyện “rất đáng lo”. Lại càng lo lắng hơn khi chuyện “của chúng ta” trở thành một “món hàng trao đổi” trong một cuộc chiến thương mại.

Biển Đông đối với TQ là “cực kỳ quan trọng”, nhưng đối với VN thì nó còn quan trọng hơn (nhiều lần). Biển Đông “không gian sinh tồn” của dân tộc VN. Nhưng khi TQ ngày một “phú cường”, nhu cầu của dân tộc Hán càng lớn, Biển Đông cũng trở thành “không gian sinh tồn” của TQ.

Nhưng đối với Mỹ, Biển Đông “không nhằm nhò” gì cả. Nếu muốn “bóp cổ” TQ, Mỹ chỉ cần “thắt cổ chai” ở các eo biển Singapour là Lumbok (Indonesia) là đủ. Tức là, giả sử TQ chiếm trọn Biển Đông, các đảo HS và TS, TQ cho xây dựng thành những cứ điểm quân sự. (Trong thời điểm hiện tại, với các giàn vũ khí các loại, TQ chưa thể giữ chân Hoa Kỳ ở phía ngoài Biển Đông, nhưng thời gian sẽ giúp cho TQ khả năng này). Chuyện này cũng không “nhằm nhò” gì tới Mỹ cả. Nếu có “đánh lớn”, thì Biển Đông trở thành cái “ao nhà” chôn trọn lực lượng hải quân của TQ ở đó.

Tức là, nếu TQ cam kết giành quyền “tự do hàng hải” cho Mỹ, Nhật và thuyền bè các nước, Mỹ có thể đánh đổi Biển Đông để lấy những lợi ích lớn lao về kinh tế.

Viễn ảnh này (nếu xảy ra) thì VN sẽ “te tua”. VN sẽ trở thành cái “sân sau” của TQ.

Điều ta hy vọng là ông Trump đã nhìn thấy cái sơ hở của mình, đến từ việc thiếu chuẩn bị trong chiến tranh thương mại với TQ. Khi mà hàng hóa đến từ TQ chưa có nơi nào thế vào, thì càng đánh Mỹ càng “chấn thương nội tạng” do xài “thất thương quyền”. Mỹ sẽ thua cuộc vì không chịu đựng nỗi.

Trump có đủ thời gian để xây dựng “chiến lược đồng minh”, giúp Mỹ lấp vào khoản trống hàng hóa đến từ TQ hay không? Vụ Foxconn, tập đoàn (Đài Loan) cung cấp vật liệu hàng đầu cho Iphone (Apple) có thương lượng với Hà Nội tuần trước để lập nhà máy ở VN. Điều này khiến ta lạc quan hơn.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây