Cộng sản không phải là lãnh đạo của dân, cũng không phải là người tốt!

Trung Nguyễn

4-12-2018

Cộng sản không phải là “thủ lĩnh” của dân, không phải là “người tốt”

Tôi đã phải cười phá lên khi đọc những lời rất thật của ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, khi ông cho rằng những người được dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là thủ lĩnh của nhân dân và là người tốt.

Thật vậy, từ câu nói của ông Khanh, người dân có thể dễ dàng suy ra những thứ gọi là “Mặt trận Tổ quốc”, “Hội đồng nhân dân”, “Quốc hội”… chưa bao giờ được dân tín nhiệm để bầu cả. Nếu thật sự có bầu cử tự do và công bằng trên đất nước này, những ông trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không cộng sản đó, chắc chắn không chỉ được bầu vào những chức bé cỏn con ở cấp thôn, cấp tổ dân phố, mà họ còn có thể được bầu vào những chức vụ cao hơn.

Thêm nữa, qua câu nói của ông Khanh, người dân cũng có thể thấy được sự vô lý khi giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam tự cho họ quyền cai trị người dân Việt Nam mà không cần thông qua bầu cử, thể hiện qua điều 4 Hiến pháp. Chắc chắn những công dân không cộng sản có khả năng lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc chung của quốc gia và vẫn là người tốt. Thế thì tại sao những công dân không cộng sản lại không có quyền lập đảng chính trị và tự ra ứng cử vào các chức vụ dân cử?

Rõ ràng, xã hội Việt Nam do giới lãnh đạo cộng sản cai trị là một xã hội bất công. Từ bất công chính trị dẫn đến các bất công khác về kinh tế, xã hội,… Giới lãnh đạo cộng sản cũng là những kẻ hèn nhát khi không dám tranh cử trung thực và sòng phẳng với các ứng cử viên không cộng sản, dù vẫn phải công nhận những người không cộng sản là “thủ lĩnh”, “người tốt”.

Tuy nhiên, việc những “người tốt” “thủ lĩnh” đó không thèm gia nhập đảng cộng sản lại bộc lộ sự tàn tạ buổi hoàng hôn của đảng. Liệu giới cai trị cộng sản có dám công khai các lý do những công dân ưu tú, có uy tín với dân đó không muốn vào đảng?

Cộng sản “bộ não quá bé” nhưng “tham vọng quá lớn”

Thật sự chỉ qua câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng cộng sản tại Hội nghị ngành công an vừa qua 28/11/2018, người dân cũng có thể thấy tại sao rất nhiều người giỏi không muốn vào đảng cộng sản nữa:

“Tự trọng là mình phải rất liêm chính. Như tôi cũng đã từng nói tại Hội nghị công an toàn quốc, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Thế nào là danh dự? Cao hơn tất cả, vật chất không là gì. Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân, nó quý thì quý thật nhưng ông cha ta đã tổng kết: danh thơm thì còn mãi. Đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài lôi kéo đủ thứ, nhất là chúng ta có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, xu nịnh.”

Thứ nhất, ông Trọng là người cộng sản đã bị “suy thoái chính trị” nặng nề. Một người “duy vật” như ông Trọng mà dám tuyên bố “vật chất không là gì”, còn những khái niệm trừu tượng chỉ tồn tại trong tâm trí con người như “danh dự” lại “còn mãi với thời gian”. Ông Trọng đã quên những lời kinh điển của chủ nghĩa Mác là “vật chất quyết định ý thức” mất rồi. Ông Trọng nói vậy là “tâm” (đạo đức) của người cộng sản quyết định chứ không phải “vật chất” (tiền bạc) mà họ có quyền vơ vét cho bản thân quyết định. Thứ lý thuyết duy vật cộng sản đầy rẫy mâu thuẫn như vậy, tôi cũng không muốn đào sâu ở đây. Tuy nhiên, ông Trọng rất xứng đáng bị kỷ luật vì “tự diễn biến, tự chuyển hóa” nghiêm trọng.

Thứ hai, từ những chỗ mâu thuẫn trong lý thuyết chính trị đã khiến giới lãnh đạo cộng sản mà đại diện là ông Trọng bất lực trước các vấn đề thực tiễn. Đảng cộng sản đã làm đủ các cuộc vận động đạo đức từ rất lâu rồi nhưng tham ô, lãng phí, oan sai ngày càng chồng chất. Hiển nhiên là các cuộc vận động đạo đức không phải là lời giải cho nan đề Việt Nam hiện tại. Giới lãnh đạo cộng sản càng kêu gọi đạo đức thì tình hình sẽ như bao nhiêu năm nay là tham nhũng ngày càng nặng nề. Vậy mà sau những sự kiện tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa bị kết án, ông Trọng cũng chỉ tiếp tục kêu gọi các tướng công an hãy có đạo đức, trọng “danh dự”. Chắc chắn rồi sẽ còn nhiều tướng công an khác phải hầu tòa như hai ông tướng trên vì giải pháp không thay đổi thì kết quả cũng sẽ không thay đổi.

Thứ ba, cũng từ mâu thuẫn ngay trong lý thuyết cộng sản nên giới lãnh đạo cộng sản phải vi phạm hiến pháp do chính họ ban hành. Ông Trọng tuyên bố, “chúng ta có quyền lực trong tay”, cũng như ông Hồ tuyên bố “đảng ta là đảng cầm quyền”. Những câu này đều vi phạm điều 2 Hiến pháp là “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, chứ không thuộc về đảng phái nào.

Thứ tư, những sai lầm ngay từ gốc lý thuyết, pháp luật đó đã khiến giới lãnh đạo cộng sản phải trở thành những kẻ mặt dày, đạo đức giả, thậm chí độc ác. Thật vậy, khi ông Trọng tuyên bố “nhất là chúng ta có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, xu nịnh”, ý ông là không được nghe những lời xu nịnh mà phải nghe lời nói ngay thẳng, trung thực.

Nhưng lời nói thẳng lại thường khó nghe. Giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc và nhiều trí thức khác là những ví dụ hoàn hảo cho việc “thích” nghe lời nói thẳng của giới lãnh đạo cộng sản. Ngoài việc kỷ luật giáo sư Chu Hảo, giới lãnh đạo cộng sản còn thu hồi và tiêu hủy những cuốn sách tinh hoa của nhân loại do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, một hành động sánh ngang với việc bạo chúa Tần Thủy Hoàng “đốt sách, chôn học trò”.

Những mâu thuẫn, ngụy biện, đạo đức giả của người cộng sản đã được ông tướng công an Nguyễn Thanh Hóa phát triển thêm là Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho tôi tham vọng quá lớn. Não của ông Trọng hay của giới cai trị cộng sản có lẽ cũng bé như của ông Hóa, nhưng tham vọng cầm quyền “muôn năm” lại quá lớn.

Kết luận

Tôi chỉ điểm qua một vài mâu thuẫn trong câu nói của ông Trọng để giới lãnh đạo cộng sản biết tại sao những công dân tốt, giỏi, lương thiện không hề tôn trọng các ông bà, chứ đừng nói gì tới chuyện gia nhập vào làm đảng viên cấp dưới của các ông bà.

Rồi cuộc sống tất yếu sẽ vận động để giải quyết những mâu thuẫn trên để Việt Nam thật sự trở thành một quốc gia có thể chế dân chủ, cộng hòa, nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân.

Nếu giới lãnh đạo cộng sản tiếp tục ngoan cố chống lại nhân dân, chống lại quy luật cuộc sống, nghĩa là họ đã chọn con đường chết, tự đào thải khỏi tiến trình phát triển của lịch sử, mang “tiếng nhơ muôn thuở” chứ không phải “danh thơm còn mãi” như ông Trọng muốn.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

    • – Vô liêm sỉ, biết thế nào là danh dự.
      Cả thế giới là suy thoái chính trị, suy thoái tư tưởnh, đạo đức!
      Chỉ có nó với quan thày Trung Cộng của nó là không.

Leave a Reply to Nacdanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây