Sao chưa lôi ra ánh sáng những kẻ giúp cho Vũ Nhôm “tay không bắt giặc” ở Ngân hàng Đông Á?

FB Hoàng Hải Vân

27-11-2018

Hôm nay Vũ nhôm cùng 25 bị cáo được đưa ra tòa xét xử trong vụ án Ngân hàng Đông Á (DAB). Vũ bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt 200 tỷ đồng của DAB.

Theo kết quả điều tra thì khi có chủ trương tăng vốn điều lệ, Tổng giám đốc DAB là ông Trần Phương Bình và Vũ nhôm có thỏa thuận cho Vũ mua 60 triệu cổ phần của ngân hàng này với giá 600 tỷ đồng. Vũ mang giấy tờ của 220 lô đất ở Đà Nẵng ra thế chấp để vay 400 tỷ của chính DAB, còn 200 tỷ ông Bình chỉ đạo nhân viên làm phiếu thu khống, nghĩa là Vũ không nộp tiền nhưng vẫn có tiền đủ 600 tỷ để mua cổ phần. Sau khi chủ trương tăng vốn không thành, DAB đã trả lại 600 tỷ đồng cho Vũ, bao gồm 200 tỷ đồng nộp khống nhưng lấy lại là tiền thật. Vũ dùng 500 tỷ để mua lại cổ phần của 4 cổ đông khác, còn 100 tỷ Vũ “bỏ túi”.

Ông Trần Phương Bình và Vũ nhôm bị áp giải ra tòa sáng 27/11. Ảnh: Quang Định/ Báo Tuổi Trẻ

Tóm lại, số tiền mà Vũ nhôm chiếm đoạt của DAB vẫn là 200 tỷ, cộng với 13,4 triệu USD, tương đương với 284 tỷ đồng tại thời điểm đó “nhờ ông Bình mua giúp”, gọi là vay, nhưng không trả tiền. Tổng số tiền mà Vũ nhôm chiếm đoạt như vậy là lên tới gần 500 tỷ đồng (484 tỷ). Vụ chiếm đoạt diễn ra trong thời gian 2012-2015.

Ngang nhiên chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng của một Ngân hàng và lấy hàng triệu, chục triệu USD của nó như lấy tiền trong túi mình, một cá nhân dù có quyền lực to tới đâu chắc cũng không dám, nhưng Vũ nhôm thì dám. Anh ta nhất định phải dựa vào một nơi mà anh ta nghĩ là bất khả xâm phạm thì mới dám làm việc tày đình kia. Nghe nói có một cơ quan rất có quyền lực hậu thuẫn cho Vũ nhôm làm việc đó, cơ quan này lại núp dưới một cái bóng to đùng trong thực tế không ai dám đụng tới. Cũng có tài liệu về sự hậu thuẫn cho Vũ nhôm lan truyền trên mạng xã hội, đóng dấu tuyệt mật, thật giả không biết nhưng không ai dám nhắc tới, tôi nghe nói chứ không nhìn không thấy, bạn nào có thì tự mình chiêm ngưỡng, đừng share lung tung gây phiền phức nhé. ?

Vào tháng 8-2015, Ngân hàng nhà nước công bố kết luận thanh tra DAB và quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Và vụ án DAB được khởi tố vào năm 2016 với nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không có sai phạm hình sự liên quan đến Vũ nhôm. Mãi đến sau khi Vũ nhôm bị bắt trong một vụ án khác, ngày 16-4-2018 Viện KSNDTC mới trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung, đưa Vũ nhôm vào vòng tố tụng.

Vấn đề đặt ra là, Ngân hàng nhà nước khi thanh tra và đưa DAB vào diện kiểm soát đặc biệt có biết sai phạm của Vũ nhôm hay không ? Chắc chắn là không thể không biết. Cơ quan điều tra ban đầu có biết không ? Chắc chắn là không thể không biết. Tại sao họ không tố giác hoặc khởi tố Vũ nhôm ? Như đã nói ở trên, họ bị thế lực mà họ nghĩ là bất khả xâm phạm che chắn.

Những người thanh tra và điều tra ban đầu và những người chỉ đạo (nếu có) đưa Vũ nhôm ra ngoài vòng tố tụng có phạm tội che giấu tội phạm hay không hạ hồi sẽ phân giải, nhưng trước mắt phải lôi những kẻ hậu thuẫn cho Vũ nhôm chiếm đoạt tài sản của DAB ra ánh sáng, những người này phải bị khởi tố, truy tố và bị xét xử trước tòa án, chứ không phải chỉ bị thi hành kỷ luật cách chức hạ hàm là xong.

Vụ án này, cũng như những vụ án khác liên quan đến Vũ nhôm tới đây là sự thách thức các cơ quan bảo vệ pháp luật trước những tuyên bố lặp đi lặp lại “Không có vùng cấm nào mà luật pháp không được phép động tới”. Đây là những vụ án kiểm nghiệm lời tuyên bố đó.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Chẳng lẽ nhà báo này ở trong chăn… mà không biết chăn có rận
    hay sao ? Thông tư số 15 cấm tuyệt nhà báo hay tòa án đụng đến
    quan chức chóp bu,theo tiết lộ của thượng tá CA.Phan Anh Minh !
    Trong vụ này Vũ Nhôm bị thành con “dê tế thần” vì từng là thuộc
    hạ của Trần Đại Quang,chứ không có động cơ gì khác !

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây