Mỗi gia đình cần tìm lối đi riêng cho vấn đề giáo dục con em mình

FB Trương Quang Thi

27-11-2018

Hồi xưa đi học mình là một đứa trẻ hư. Chẳng hiểu sao lúc đó mình toàn gây chuyện với bạn bè và suốt ngày bị thầy cô giáo đánh. Cấp 1 có bà cô tên là cô Nguyên, nổi danh đánh học trò bằng cây thước kẻ bảng. Mình bị bả đánh không biết bao nhiêu lần, đôi khi chỉ vì những lỗi rất là vớ vẩn.

Lên cấp 2 thì gặp cô Bình, bà này là vợ của ông thầy hiệu trưởng. Bả đánh mình nhiều tới mức mình coi việc bả đánh là chuyện bình thường. Có lần mình nói: Cô muốn đánh bao nhiêu thì đánh, khỏi mất công hỏi làm gì. Còn những thầy cô khác đánh lai rai thì xem như không cần tính.

Ngày đó chuyện bị thầy cô đánh nó như chuyện đương nhiên. Thích thì đánh, nhìn ghét thì đánh thôi, chẳng cần biết lý do có đáng hay không nữa.

Là nạn nhân của giáo dục bạo hành nên mình tự rút ra một điều là những hành vi ấy không đem lại thay đổi tích cực. Nó chỉ khiến một đứa trẻ trở nên trơ lì và càng hư thêm. Vì vậy mà sau này khi có con mình chưa một lần dùng tới cây roi. Thế nhưng con mình vẫn ngoan, và có thể tự tin để nói là con mình đủ giỏi, đủ khả năng trở thành một công dân toàn cầu.

Nhiều lúc tức con lắm, giảng giải nhưng đôi khi tụi nó cố chấp. Những khi ấy mình chỉ cần dắt xe bỏ ra quán cafe ngồi mấy tiếng, sau đó bình tâm lại thì quay về nhà. Và rất hay là mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Nếu là lỗi của con thì con sẽ sửa sai và xin lỗi, còn nếu lỗi của mình thì mình cũng không ngại nói lời xin lỗi với con. Đó là cách dạy con của mình.

Nói về cái nền giáo dục Cộng Sản hiện nay thì nói mãi rồi, nhiều lúc chán chẳng muốn viết gì thêm.

Mình là thế hệ đầu tiên của cải cách giáo dục, và từ đó tới nay Cộng Sản vẫn liên tục cải cách, nhưng để đặt ra câu hỏi: Giáo dục Việt Nam đã làm được những gì? Thì ở đây mọi người đều biết rõ.

Lúc con mình đi học cũng là lúc bạn bè mình đã trở thành những ông thầy, bà cô. Mình chỉ lưu ý với tụi nó rằng đừng bao giờ động tay động chân đến con tao, có chuyện gì cứ gọi cho tao và tao là người chịu trách nhiệm. Có lẽ nhờ vậy mà con mình hình như chưa bị đánh lần nào.

Tuy nhiên mình biết trường hợp giống con mình không phải là phổ quát. Mỗi một công dân trưởng thành ở cái thời xã hội chủ nghĩa này, có lẽ phân nửa trong số đó từng ít nhất một lần bị đánh. Không bởi thầy cô cũng vì cha mẹ, ông bà.

Khi ngôn từ bất lực là lúc người ta dùng đến cơ bắp để nói chuyện với nhau. Mà ở cái thời này ngôn từ vốn dĩ ít được sử dụng hơn cơ bắp.

Khi mục tiêu của nền giáo dục là tạo ra những sản phẩm chỉ cần tuân phục để trở thành công cụ thì người ta đâu cần quan tâm đến biện pháp là gì. Miễn sao cuối cùng mọi công dân đều trở thành những con lừa cho chế độ này cạo lông là đủ.

Mình từng nói đến việc lấy giáo dục gia đình làm trụ cột để gánh cho hai trụ cột còn lại, bởi giáo dục học đường và giáo dục xã hội ở Việt Nam đã hỏng từ lâu. Tuy nhiên mình hiểu rằng không phải ai cũng làm được điều này, bởi nó phụ thuộc vào trình độ, điều kiện sống, và hàm lượng tri thức của những người là cha mẹ.

Những vấn nạn của nền giáo dục Việt Nam cứ nổi lên rồi chìm xuống như cái bịch rác nằm trong hồ nước. Bởi chưa bao giờ cái bịch rác ấy được vớt lên xử lý, cho nên nó vẫn sẽ nằm mãi ở đó để rồi thỉnh thoảng lại trồi lên, bốc mùi.

Việc học trò bị bạo hành không mới, nền giáo dục Cộng Sản vẫn luôn sử dụng bạo hành như là một công cụ để tạo nên những công dân tuyệt đối trung thành.

Mình e là bạo lực thân thể hậu quả chưa nghiêm trọng bằng bạo lực tinh thần, thế nhưng mấy người làm cha mẹ nhận thức được và biết cách để con em mình tránh được cái nguy cơ ấy.

Không thể có giải pháp hiệu quả, mang tính phổ quát đối với vấn đề này, khi Cộng Sản vẫn còn cai trị và mục đích của họ không thay đổi.

Vì thế mỗi gia đình cần phải tìm kiếm lối đi riêng cho vấn đề giáo dục con em mình, nếu không muốn thế hệ sau của chúng ta lại dẫm lên vết xe đổ của ông bà, cha mẹ nó.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

Leave a Reply to Nelson Mandela Nói Về GD Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây