Romania – Những ngày thu muộn (Phần 1)

FB Nguyễn Thị Oanh

24-11-2018

Tôi đến Romania vì một cơ hội tình cờ cho việc riêng của gia đình. Trước đây, chưa bao giờ nghĩ mình có dịp đặt chân đến đây, bởi ngay cả nếu đi du lịch thì đất nước này cũng không phải là một điểm đến được ưu tiên để chọn.

Trong ký ức tôi, những hiểu biết về Romania chỉ đại loại đó là một quốc gia nghèo nhất trong các nước Đông Âu thuộc khối XHCN thời kỳ chiến tranh lạnh, và cựu lãnh tụ độc tài của chế độ cộng sản là Ceausescu đã bị lật đổ vào năm 1989. Ngày nay, dù đã gia nhập EU nhưng Romania vẫn được biết đến như là một trong số ít các quốc gia trì trệ và kém phát triển nhất của cộng đồng châu Âu.

Ngay khi vừa bước vào ga đến của sân bay Henri Coandă (thường được gọi theo tên địa danh tại chỗ là Bucharest Otopeni International Airport), cảm giác về một thời kỳ bao cấp khốn khó xưa kia ở VN bỗng ùa về… Sân bay quốc tế mà nhỏ xíu! Tất cả các loại hành khách, kể cả những người bay chuyển tiếp (transfer), đều chen nhau xếp hàng dài trước mấy cửa nhập cảnh. Không có lối ưu tiên cho người tàn tật hay phụ nữ có con nhỏ như ở các sân bay khác. Đặc biệt, nhà vệ sinh rất… thiếu vệ sinh! Các bàn cầu đều không có nắp ngồi. Một bà tạp vụ to béo vừa lôi sềnh sệch túi rác ra vừa quạu quọ làu bàu câu gì đó bằng tiếng Romania khi đụng phải tôi ở lối vào toilet. Mọi thứ ở đây đều toát ra một vẻ cũ kỹ, xộc xệch, thiếu sự quan tâm chăm sóc. Tôi bắt đầu cảm thấy ngao ngán, thất vọng vì nghĩ Romania quả đúng như những gì mình đã nghe và đã hình dung…

Nhưng rồi một tuần lễ trôi qua, cho đến ngày về, tôi đã kịp khám phá ra một Romania khác hoàn toàn với những ấn tượng ban đầu ấy…

BỀ DÀY LỊCH SỬ

Romania (tiếng Việt thường gọi là Rumani, theo cách phát âm tiếng Pháp Roumanie) nằm ở Đông Nam châu Âu, trải dài trên phần lớn diện tích của đồng bằng sông Danube. Romania có diện tích tương đương diện tích VN nhưng dân số hiện nay chỉ khoảng hơn 19 triệu người. Bucharest là thành phố lớn nhất và cũng là thủ đô của Romania.

Các nghiên cứu lịch sử cho thấy những người Dacia thuộc bộ tộc Getae – một nhánh của người Thracia, đã xuất hiện tại Romania ít nhất vào khoảng năm 513 trước CN. Dưới sự lãnh đạo của vua Burebista, Dacia đã trở thành một quốc gia hùng mạnh và thậm chí còn đe dọa một số vùng của đế quốc La Mã. Tuy nhiên, vương quốc Dacia sau đó đã trải qua nhiều biến động với các giai đoạn bị phân chia rồi lại hợp nhất, trong suốt một thời kỳ dài gắn với các cuộc thôn tính của La Mã. Có lẽ do vậy mà Romania là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của La Mã cổ đại về lịch sử cũng như về văn hoá.

Lãnh thổ Romania ngày nay được hình thành do sự hợp nhất của nhiều công quốc Romania thời trung cổ, trong đó quan trọng nhất là Moldavia, Wallachia và Transilvania. Vương quốc Romania được thành lập và đã giành được độc lập từ tay Đế chế Ottoman, sau đó được cộng đồng quốc tế công nhận vào năm 1878. Tuy là một quốc gia không có tầm ảnh hưởng lớn ở châu Âu nhưng nền chính trị của Romania cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm của nhiều thể chế trong suốt chiều dài lịch sử: Từ Quân chủ lập hiến, Quân chủ tuyệt đối cho đến Độc tài phát xít, Độc tài chuyên chế cộng sản và hiện nay là Cộng hoà đại nghị. Hoàng gia Romania thời kỳ cận – hiện đại chỉ gồm 5 đời vua: Carol I (1881–1914); Ferdinand (1914–1927); Michael I, triều đại thứ nhất (1927–1930); Carol II (1930–1940) và Michael I, triều đại thứ hai (1940–1947).

THỜI KỲ CEAUSESCU

Sau Thế chiến thứ hai, chế độ quân chủ ở Romania bị bãi bỏ vào ngày 3/12/1947 với sự thoái vị của ông vua cuối cùng là Michael I. Romania tuyên bố trở thành nước cộng hoà và Gheorghe Gheorghiu -Dej trở thành lãnh tụ cộng sản đầu tiên của Romania. Ngày 22/3/1965, tức chỉ ba ngày sau cái chết của Gheorghiu-Dej, người học trò thân cận của ông là Nicolae Ceausescu đã trở thành Thư ký thứ nhất của Đảng Công nhân Romania.

Hành động đầu tiên của Ceausescu sau khi nắm quyền là đổi tên đảng này thành Đảng Cộng sản Romania, đồng thời tuyên bố tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Romania, thay cho tên hiệu Cộng hoà nhân dân trước đó. Năm 1967, Ceausescu củng cố mạnh mẽ quyền lực để chính thức nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, bên cạnh vai trò là Tổng Bí thư Đảng CS Romania.

Cho đến nay, người ta vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về những mâu thuẫn ở con người Ceausescu – một lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn và cũng nhiều tai tiếng nhất trong lịch sử Romania hiện đại. Ông chủ trương đưa Romania vào con đường xây dựng CNXH, nhưng lại thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, ngày càng xa rời và thách thức quyền lực của Liên bang Xô viết. Trong thập niên 1960, ông chấm dứt sự tham gia tích cực của Romania trong Khối Hiệp ước Warszawa (dù Romania vẫn chính thức là một thành viên).

Ông cũng từ chối đưa Romania tham gia cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 của các lực lượng Khối Hiệp ước Warszawa và công khai lên án mạnh mẽ hành động này. Năm 1984, Romania là một trong ba nước cộng sản tham gia vào Olympics mùa hè năm 1984 tổ chức tại Hoa Kỳ (hai nước kia là Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Nam Tư).

Tương tự, Romania cũng là quốc gia đầu tiên trong khối Đông Âu thiết lập quan hệ chính thức với Cộng đồng châu Âu. Thế nhưng Ceausescu lại từ chối không chấp nhận áp dụng bất kỳ cải cách tự do nào theo xu hướng dân chủ, tiến bộ cho Romania. Đã có lúc người ta tưởng Ceausescu thực hiện chính sách thân phương Tây để thoát khỏi hoàn toàn cái bóng của Liên Xô, tuy nhiên sau đó ông lại thi hành một chế độ cai trị độc tài, sùng bái cá nhân, không khoan dung với các tiếng nói đối lập.

Ceausescu cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc đường lối lãnh đạo của các nước cộng sản như Trung Quốc, Triều Tiên, đặc biệt là triết lý cai trị của Kim Nhật Thành. Ông cũng là người có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với các lãnh tụ độc tài khét tiếng thế giới như Tổng thống Mobutu của Zaire (tức Cộng hoà Congo ngày nay)…

Vào năm 1972, Ceausescu đưa ra chương trình “hệ thống hoá”, được xem như con đường xây dựng một “xã hội XHCN phát triển đa bên”. Từ đây, Ceausescu bắt đầu dấn sâu vào những sai lầm. Để xây dựng, tái lập hình ảnh thủ đô quốc gia theo kiểu của ông, trong thập niên 80, Ceausescu đã cho phá hủy hơn một phần năm khu vực trung tâm của Bucharest, bao gồm các nhà thờ và nhiều công trình, di tích lịch sử.

Vào tháng 6/1984, Ceausescu cũng bắt đầu cho khởi công công trình tòa nhà Quốc hội Romania với thiết kế cầu kỳ cho hơn 1000 phòng và các khu vực phụ trợ. Đây là toà nhà hành chính lớn thứ hai thế giới sau Lầu Năm Góc của Mỹ, nhưng đứng đầu về các kỷ lục: Toà nhà dân sự với chức năng hành chính lớn nhất thế giới; tòa nhà hành chính nặng nhất (khoảng 4,098,500,000 kilograms), đắt đỏ nhất (tổng chi phí khoảng 3 tỷ euro), nhiều kiến trúc sư nhất (700 KTS tham gia thiết kế dưới sự chỉ đạo của KTS trưởng Anca Petrescu)…

Tiếc thay, dù là người khởi xướng nhưng Ceausescu đã không bao giờ có cơ hội đến làm việc trong toà nhà này vì nó được xây dựng trong vòng 13 năm mới hoàn tất (1984-1997). Sau cuộc cách mạng lật đổ Ceausescu vào tháng 12/1989, toà nhà được mang một cái tên mới là “Nhà của nhân dân” (the People’s House). Báo chí thế giới từng gọi công trình này là “final dream” (giấc mơ cuối cùng) của Ceausescu.

Bị thôi thúc bởi những thông tin về cuộc sống xa hoa của vợ chồng Ceausescu, chúng tôi quyết đến thăm bằng được ngôi nhà của họ ở Bucharest. Căn biệt thự này thường được gọi là “Casa Ceausescu” (Nhà của Ceausescu), hoặc “Spring Palace”. Nghe đồn trong đó có hàng trăm phòng với những bồn cầu bằng vàng khối. Đây là nơi gia đình Ceausescu sống trong suốt thời kỳ lãnh đạo của ông ở Romania (từ 1965 đến 1989).

Điều đáng ngạc nhiên là khi hỏi thăm về nhà của Ceausescu, nhiều người dân đều biết về nơi này, nhưng có vẻ họ chưa từng đến đó. Vợ chồng anh chị bạn là người Việt sống ở Bucharest nói với chúng tôi rằng người Romania xem đấy là nỗi ô nhục của đất nước nên không phải ai cũng thích đến đó!

Tuy nhiên, khi đến thăm một cặp vợ chồng lớn tuổi người Romania đã từng sống dưới thời Ceausescu, chúng tôi lại nghe họ bảo Ceausescu chẳng lấy gì của đất nước! Căn nhà đó là tài sản cá nhân của gia đình ông mà họ xứng đáng có được và chính quyền bây giờ mới chính là người đi cướp đoạt!!! Trong bữa trưa thân tình tại nhà với những món ăn truyền thống rất ngon của Romania, hai ông bà già trên 70 tuổi kể lại với chúng tôi những sự kiện mà họ đã chứng kiến và trải qua trong cuộc cách mạng 1989. Họ nói về thời kỳ Ceausescu với nỗi tiếc nuối và so sánh nhiều thứ được – mất với chế độ ngày nay.

Gần 30 năm đã trôi qua, nhưng người Romania vẫn còn nhiều chia rẽ khi đánh giá về công – tội của Ceausescu. Đa số những người lớn tuổi đều cho rằng dưới thời Ceausescu có nhiều thứ tốt hơn, chính phủ ít tham nhũng, hầu như không có người thất nghiệp và khoảng cách giàu nghèo không lớn như bây giờ… Trong khi đó, những người trẻ hơn lại cho rằng Ceausescu xứng đáng bị lật đổ vì đã bóc lột nhân dân như một tên bạo chúa. Và rằng bây giờ hàng hóa tràn ngập khắp nơi, người dân được sống tự do, thoải mái hơn, muốn đi đến đâu cũng được…

Về những điều này, ngay cả “phe bảo vệ” cũng thừa nhận rằng dưới thời Ceausescu, không phải cứ có tiền là muốn mua gì cũng được! Thực phẩm cũng như các mặt hàng tiêu dùng luôn khan hiếm và người dân thì sống trong một xã hội khép kín hoàn toàn với thế giới, thậm chí chẳng mấy ai được đi ra nước ngoài!

Casa Ceausescu mở cửa vào năm 2016 để đón du khách rộng rãi tới tham quan. Mặc dù giá chính thức chỉ có 40 lei/người nhưng vợ chồng tôi quyết định mua một tour riêng (private tour) với giá 400 lei cho hai người để có thể thăm được tất cả mọi nơi trong tòa biệt thự và có hướng dẫn viên nói tiếng Anh đi theo trong khoảng gần 2 tiếng.

Căn biệt thự có 80 phòng, nằm trên diện tích khuôn viên rộng khoảng 3,5 mẫu Anh. Nghe nói trước đây, khi gia đình Ceausescu ở trong căn nhà này, không có ai được phép đến xây nhà ở trong phạm vi toàn bộ khu vực xung quanh. Căn nhà có thiết kế không quá lộng lẫy như chúng tôi tưởng, nhưng vẫn sang trọng với nhiều đồ đạc quý hiếm và nội thất quá đầy đủ, tiện nghi so với thời kỳ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Không có những bàn cầu bằng vàng khối như lời đồn, nhưng các nhà vệ sinh vẫn óng ánh gạch quý như dát vàng. 5 phòng ngủ dành cho 5 thành viên trong gia đình Ceausescu, mỗi phòng được thiết kế theo một phong cách riêng.

Người hướng dẫn viên giới thiệu với vẻ mỉa mai: “Dù có phòng riêng đẹp đẽ, nhưng trên thực tế, bà Elena chưa hề ngủ một ngày nào trong căn phòng đó mà luôn luôn qua ngủ cùng Nicolae. Đúng như những gì người ta hay nói, người đàn bà này luôn muốn giám sát và kiểm soát ông chồng ngay cả trong giấc ngủ”.

Cần nói thêm một chút về gia đình Ceausescu. Nicolae Ceausescu và Elena kết hôn vào ngày 23/12/1947. Họ có 3 con là Valentin (trai) sinh năm 1948, Zoia (gái) sinh năm 1949 và Nicu (trai) sinh năm 1951. Trong 3 con thì chỉ có người con út Nicu là có thiên hướng chính trị và có ý định theo con đường của cha mẹ. Nhưng Nicu lại mất vào năm 45 tuổi tại Áo và cho đến nay vẫn có nhiều người cho rằng Nicu đã chết một cách bí ẩn chứ không phải vì căn bệnh xơ gan. Hai người con còn lại là Valentin và Zoia đều trở thành những nhà khoa học về Vật lý và Toán học, sống cuộc đời bình thường tại Romania sau cách mạng 1989. Bà Zoia đã qua đời cách nay đúng 12 năm, lúc 57 tuổi.

Người có ảnh hưởng mạnh mẽ và quyết định sự thành, bại trong sự nghiệp chính trị của Ceausescu chính là bà vợ Elena. Bà Elena được xem như một kiểu Giang Thanh của Romania. Chưa hài lòng với danh vị “Đệ nhất phu nhân” của quốc gia, người đàn bà này còn muốn có vị trí cao hơn trong bộ máy cầm quyền và gây ảnh hưởng quan trọng đối với chồng trong việc lãnh đạo đất nước.

Bắt đầu từ tháng 7/1972, Elena được bổ nhiệm vào một số vị trí cao cấp trong Đảng CS Romania. Tháng 6/1973, bà trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, được xem như người có quyền lực thứ hai trong Đảng, sau chồng. Tháng 3/1980, Elena được bổ nhiệm là Phó Thủ tướng thứ nhất và nắm giữ chức vụ này cho đến khi bị hành quyết vào năm 1989.

Ngày nay, người ta vẫn cho rằng Elena chính là người đã “đổ dầu” châm ngòi cho cuộc cách mạng 1989 bùng nổ, từ sự kiêu ngạo, nóng nảy và chuyên quyền của bà. Trong khi đó thì Ceausescu bị đánh lừa bởi bộ máy mục ruỗng của đảng CS và chính phủ. Họ che giấu thực trạng đen tối của đất nước và khi ông đi đến đâu thì lấy hàng hoá, thực phẩm bày ra đến đó để ông lầm tưởng rằng mọi thứ vẫn đang tốt đẹp, nhân dân vẫn sống đầy đủ, no ấm…

Chế độ Ceausescu sụp đổ sau khi xảy ra một loạt sự kiện bạo lực tại Timisoara và Bucharest vào tháng 12 năm 1989. Ngày 17/12/1989, cảnh sát bắt đầu nổ súng vào các đoàn biểu tình tuần hành chống chính phủ. Ngày 18/12, Ceausescu lên đường đi thăm Iran, giao lại trách nhiệm giải quyết cuộc nổi loạn ở Timisoara cho vợ và thuộc cấp. Ngày 20/12, khi ông quay trở về, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn. Ngày 21 tháng 12, cuộc tụ họp lớn được tổ chức tại nơi giờ là Quảng trường Cách mạng, đã biến thành một sự kiện hỗn loạn.

Hình ảnh Ceausescu vô cảm trước cơn giận dữ của dân chúng là một trong những khoảnh khắc gây ấn tượng nhất về sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Âu. Vợ chồng nhà độc tài không thể kiểm soát nổi đám đông nên cuối cùng phải ẩn trốn trong toà nhà Chính phủ. Tới sáng ngày 22 tháng 12 năm 1989, những người nổi dậy đã tràn tới mọi thành phố lớn. Vợ chồng Ceausescu lên trực thăng trốn chạy nhưng đã bị cảnh sát bắt giữ và bàn giao cho quân đội.

Ngày 25 tháng 12, hai người bị một toà án quân sự tuyên bố xử tử vì tội làm giàu trái phép và diệt chủng. Đội hành quyết không cần đợi việc trói và bịt mắt hai vợ chồng như truyền thống dành cho người bị hành quyết mà dùng súng trường bắn ngay khi họ xuất hiện. Sau khi vụ xử bắn kết thúc, thi thể hai người vội vã bị phủ lên một lớp vải bạt. Cuộc xử án chóng vánh với những hình ảnh về cái chết của hai vợ chồng Ceausescu đã được ghi lại và phát sóng ngay sau đó ở nhiều quốc gia phương Tây cũng như tại Romania.

Cho đến nay, vẫn có những lập luận cho rằng cả Mỹ và Liên Xô (với Tổng Bí thư khi đó là Gorbachev) đứng đằng sau vụ lật đổ Ceausescu, bởi cả hai phe đều không ưa ông này. Khi dẫn chúng tôi đi tham quan đường hầm trú ẩn kiên cố và tiện nghi nằm sâu dưới căn biệt thự của vợ chồng Ceausescu, người hướng dẫn viên bảo: “Thật không may cho cặp đôi độc tài, bởi họ vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội sử dụng đường hầm này!”. Để ý thấy trong suốt quá trình thuyết minh cho chúng tôi, anh chàng hướng dẫn viên ấy cũng luôn dùng từ “dictator” (nhà độc tài) khi nói về Ceausescu.

Chúng tôi đến thăm mộ của vợ chồng Ceausescu ở nghĩa trang Ghencea tại Bucharest. Nghĩa trang gồm hai khu vực cho quân đội và cho dân sự. Mộ của vợ chồng Ceausescu nằm trong khu dân sự. Trước đây, hai vợ chồng bị chôn hai phía đối diện của một con đường. Nhờ sự đấu tranh của người con gái Zoia lúc còn sống, họ đã được quy tập về chung một ngôi mộ tại vị trí hiện nay.

Ngôi mộ trông bình thường như bao mộ dân xung quanh. Cuối thu ở Bucharest, bầu trời xám xịt buồn bã. Những cơn gió đã bắt đầu lạnh, lùa lá khô kêu xào xạc trong không gian tĩnh mịch buổi sớm của nghĩa trang. Lần đầu tiên trong đời, tôi đi thăm mộ mà không hề mang theo hoa và cảm xúc thì thật khó tả!

Cứ bần thần nghĩ: Hai linh hồn dưới ngôi mộ kia, khi còn thân xác đã từng một thời nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong suốt gần một phần tư thế kỷ cai trị ở đất nước này. Không biết những khi buộc người khác phải tôn sùng mình, những khi tự cho mình quyền được ăn trên ngồi trốc, hưởng thụ vật chất xa hoa trên đói khổ của nhân dân, những khi thản nhiên xuống tay đàn áp đồng bào mình… có bao giờ họ nghĩ đến ngày phải đền tội bằng những phát súng chóng vánh trong một ngày đông lạnh lẽo?

Có bao giờ họ hình dung rằng họ phải nằm đây, trong một ngôi mộ đơn sơ ở khu nghĩa trang thường dân, không lăng tẩm, đền đài vinh danh mà chỉ có nỗi ô nhục và sự lạnh lẽo? Để ngay cả chúng tôi – những người khách phương xa – cũng chỉ đến thăm với mục đích nhìn ngắm chứng tích về ngày tàn của một thể chế độc tài, hoang tưởng, đã kìm hãm đất nước phát triển bằng sự chà đạp thô bạo lên các giá trị dân chủ và nhân văn…

***

Tâm trạng nặng nề của chúng tôi khi dời khỏi ngôi mộ của vợ chồng Ceausescu đã may mắn tan nhanh khi gặp một bà cụ tốt bụng ở ngay cổng nghĩa trang. Nghe chúng tôi hỏi thăm người gác cổng nhờ kêu taxi, thấy bác này không hiểu tiếng Anh, bà mau mắn tiến lại và đề nghị chúng tôi theo bà đi ra ngoài đường để giúp kêu taxi cho nhanh.

Sau khi rút điện thoại gọi xe và hỏi chúng tôi muốn về đâu, bà lại kiên nhẫn đứng chờ xe cùng vợ chồng tôi. Thấy chúng tôi tỏ ra ngại ngần vì để bà phải đứng đợi cùng, bà xua tay bảo là do sợ chúng tôi gặp phải lái xe không biết tiếng Anh nên muốn chờ giúp cho tới nơi tới chốn.

Lúc taxi vừa trờ đến, bà nhanh nhẹn khoát tay ra hiệu cho lái xe bấm kính xuống rồi thò đầu vào đọc địa chỉ khách sạn của chúng tôi. Khi biết lái xe có thể nói tiếng Anh, bà mới thở phào nhẹ nhõm và còn quay qua phân trần với chúng tôi rằng tiếng Anh của bà rất kém nên xin thông cảm ?.

Mặc dù đã cúi rạp người để cám ơn, nhưng lên taxi rồi, chúng tôi vẫn cứ muốn ngoái theo mãi bóng dáng bà cụ bé nhỏ ôm bó cúc tím đang chậm rãi đi trở vào nghĩa trang…

Đó là ấn tượng đầu tiên thật ngỡ ngàng và thật đẹp về người Romania!

___

Một số hình ảnh của tác giả ghi lại:

Mặt tiền toà nhà Quốc hội Romania

Bộ màn cửa này không hổ danh là nằm trong toà nhà nặng nhất thế giới: Nếu rơi xuống, nó có thể đè chết nhiều người vì cũng nặng tới 500 kg!
Cổng chính lối vào nhà Ceausescu.
Một phần khu terrace bao quanh vườn mùa Hè trong khuôn viên căn nhà.
Khu vực hồ bơi với các loại gạch trang trí cao cấp từ Ý. Ngày nay, hồ bơi đã bị hút cạn nước để không phải lãng phí tiền chăm sóc.
Một góc vườn nhìn từ trong nhà ra.
Phòng trị liệu bằng oxygen và tia hồng ngoại trong khu spa – một nơi được chăm chút rất kỹ để vợ chồng Ceausescu được an toàn tận hưởng.
Phòng thử quần áo của hai vợ chồng.
Một góc vườn mùa Đông (trong nhà)
Những ô cầu thang tuyệt đẹp được trang trí với gạch Ý cao cấp và gỗ quý.
Phòng ngủ của vợ chồng Ceausescu.
Và đây là phòng tắm của họ!
Phòng ngủ riêng của con gái Zoia.
Phòng ngủ riêng của Nicu, con trai út.
Phòng ngủ riêng của Valentin, con trai cả.
Một góc phòng của “Đệ nhất phu nhân” Elena Ceausescu.
Phòng làm việc của Ceausescu
Một góc trưng bày quà tặng và các “thành quả” săn bắn của Ceausescu.
Trong căn nhà còn trưng bày rất nhiều tranh vẽ, ảnh chụp vợ chồng Ceausescu. Với bệnh ham mê sùng bái cá nhân, cả Nicolae và Elena Ceausescu đều luôn thích nhận được các bức hoạ tôn vinh hình ảnh mình

Phòng ăn
Các ghế ngồi trong phòng xem phim
Lối xuống hầm trú ẩn
Đường hầm trú ẩn kiên cố mà gia đình Ceausescu đã không bao giờ có cơ hội sử dụng!
Phòng họp ở hầm trú ẩn
Phòng họp ở hầm trú ẩn
Phần mộ đơn giản của hai vợ chồng nhà độc tài – một chứng tích cho sự sụp đổ của chế độ Cộng sản tại Romania.

Cổng vào nghĩa trang Ghencea
Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ngôi mộ này, so với ngôi mộ của hai anh em ông Ngô Đình Diệm thì quá “hoành tráng” rồi còn gì?
    Ở VN, bia mộ của anh em ông Diệm chỉ dám (hay chỉ được) ghi hai chữ “Huynh” “Đệ”.
    Tại sao, hỏi là đã trả lời!

Leave a Reply to Vo Danh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây