Bảo mật vì ai và để làm gì?

Blog VOA

Trân Văn

22-11-2018

Theo Luật Bí Mật Nhà Nước thì thân thế, sự nghiệp và sức khỏe của nhân vật này là một bí mật quốc gia. Ảnh: AP

Cứ năm ông tướng của lục quân Mỹ thì có một không thể ra trận vì không đạt yêu cầu về sức khỏe và điều đó ảnh hưởng đến yếu tố “sẵn sàng chiến đấu” của quân đội Mỹ – một vấn nạn mà ông Jim Mattis – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng cam kết sẽ giải quyết tận gốc.

Thông tin vừa kể được USA Today loan báo rộng rãi hôm 20 tháng 11 dựa trên các dữ liệu thống kê năm 2016 về khả năng “sẵn sàng chiến đấu” của quân đội Mỹ. Cũng theo thống kê vừa kể thì chỉ có 83,5% quân nhân của lục quân Mỹ đủ sức khỏe để có thể tham chiến trên toàn thế giới – thấp nhất trong số các quân chủng của quân đội Mỹ.

Có nhiều lý do dẫn đến chuyện 1/5 sĩ quan cấp tướng của lục quân Mỹ không thể ra trận vì không đạt yêu cầu về sức khỏe và USA Today đã tường thuật khá cặn kẽ về cách mà quân đội Mỹ giải quyết vấn nạn này song đó không phải là trọng tâm của bài viết này. Bài viết này chỉ nhằm so sánh việc bảo mật giữa “ta” và Mỹ.

Trong bài viết vừa kể (1), USA Today cho biết, họ đã sử dụng Luật Tự do thông tin (The Freedom of Information Act – FOIA) để đòi quân đội Mỹ cung cấp dữ liệu. Ngoài tình trạng sức khỏe – khả năng ra trận của các ông tướng lục quân có nhiều điểm bất ổn, USA Today còn đòi và Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp về việc xử lý kỷ luật các ông tướng.

Năm 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xử lý kỷ luật 500 vụ vi phạm nghiêm trọng về luật pháp, đạo đức liên quan tới những cá nhân vốn là tướng của các quân chủng (Hải quân, Lục quân, Không quân, Tuần duyên), các nhân viên dân sự cao cấp làm việc cho các cơ quan đủ mọi cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tương quan giữa sức khỏe – khả năng “sẵn sàng chiến đấu” của các sĩ quan cấp tướng nói riêng và quân đội nói chung có quan trọng không? Tất nhiên là có vì nó sẽ ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến năng lực quốc phòng? Thế thì tại sao không bảo mật mà lại công khai? Vấn đề nằm ở quan niệm: Bảo mật vì ai và để làm gì?

***

Mỹ không có khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng từ 1966 đã có FOIA (2). FOIA đã được sửa đổi hai lần, một vào 1974 và một vào 1986. FOIA buộc các cơ quan thuộc chính phủ liên bang phải công khai tất cả những thông tin liên quan đến hoạt động của mình và khi bất kỳ tổ chức hay công dân nào đòi được biết thêm thông tin thì phải đáp ứng trong vòng 20 ngày, nếu yêu cầu cung cấp thông tin không rơi vào các trường hợp: Cần bảo mật vì liên quan đến an ninh quốc gia. Liên quan đến hoạt động nội bộ. Bị một luật khác cấm tiết lộ. Liên quan đến bí mật thương mại hoặc đặc quyền thương mại. Trao đổi có tính cách bí mật giữa các cơ quan liên bang. Liên quan đến quyền riêng tư của những công dân khác. Liên quan đến việc thực thi pháp luật có thể ảnh hưởng đến sự công bằng, tính vô tư khi xét xử, gây nguy hiểm cho những cá nhân khác… Liên quan đến sự giám sát của các tổ chức tài chính. Liên quan đến dữ liệu địa chất, lập bản đồ.

Chính quyền Hoa Kỳ còn lập một website riêng để bất kỳ công dân, tổ chức nào cũng có thể truy cập, gửi yêu cầu cung cấp thông tin theo các qui định của FOIA, kèm những hướng dẫn rất cụ thể để có thể thực hiện quyền được thông tin (3). Theo FOIA, cá nhân, tổ chức có yêu cầu không cần phải phải giải thích lý do đòi cung cấp thông tin, cũng không cần phải tường trình – cam kết về việc sẽ sử dụng những thông tin được cung cấp vào việc gì để nơi được yêu cầu… cứu xét. Nếu quá 20 ngày từ khi nhận được yêu cầu, nơi tiếp nhận phải giải thích lý do tại sao chưa thể đáp ứng và FOIA chỉ xem sự chậm trễ là hợp pháp trong trường hợp các cơ quan liên bang phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn hoặc phải tham vấn với những nơi khác trước khi trả lời. Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin có liên quan đến những thông tin thuộc dạng không thể cung cấp, các cơ quan liên bang phải tự sàng lọc để chuyển cho phía yêu cầu thông tin những thông tin thuộc dạng không bị hạn chế nhằm chu toàn nghĩa vụ của mình.

***

Cho đến giờ, không có lãnh đạo nào của các tổ chức chính trị ở Mỹ hoặc nguyên thủ của Mỹ dám vỗ ngực khẳng định: Dân chủ ở Mỹ… đến thế là cùng! FOIA chỉ là một trong những công cụ liên tục được cải tiến và chắc chắn sẽ còn cải tiến nữa để dân chủ ở Mỹ tiếp tục thăng tiến.

Chỉ có thể thăng tiến dân chủ để xã hội càng ngày càng công bằng, văn minh khi thông tin liên quan đến hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền được minh bạch hóa cho toàn dân kiểm tra, bình phẩm. FOIA tạo ra sự tư tin nơi công chúng về việc chính họ mới là những chủ nhân thực sự của quốc gia và kềm giữ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhũng lạm.

Công khai hóa tình trạng sức khỏe – khả năng ra trận – tỉ lệ sẵn sàng chiến đấu của các ông tướng lục quân Mỹ nói riêng và quân đội Mỹ nói chung là một sự sòng phẳng với công chúng, những người đóng thuế để nuôi lực lượng quốc phòng, bảo vệ quốc gia, dân tộc. Dưới sự giám sát của công chúng, các ông tướng và quân đội Mỹ phải tự điều chỉnh, tự kiện toàn để mồ hôi, công sức của dân chúng Mỹ không bị phí phạm.

Ở Việt Nam thì sao?

Cứ so FOIA với nội dung Luật Bí mật nhà nước mới được Quốc hội khóa 14 thông qua hôm 15 tháng 11, ắt sẽ thấy cả tâm thế lẫn tư thế của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền với dân. Chẳng phải chỉ có “thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo” (Điểm a, Khoản 11, Điều 7) mà “thông tin về thân thế, sự nghiệp lãnh đạo” (Điểm c, Khoản 1, Điều 7) cũng là… “bí mật nhà nước”. Nếu đọc kỹ Điều 7 – xác định phạm vi bí mật nhà nước (4) – ai cũng có thể thấy, dân chúng Việt Nam không có quyền biết bất kỳ điều gì liên quan đến hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vì tất cả đều thuộc phạm trù… “bí mật nhà nước”.

Theo hướng đó, đụng đến thực trạng quân đội, công an có thể bị phạt tới 15 năm tù vì “làm lộ bí mật nhà nước”. Điểm b, Khoản 2, Điều 7 của Luật Bí mật nhà nước xác định, “tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân” là một trong những chủ đề cấm “đăng tải, phát tán trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông”! Qui định như thế có làm lực lượng vũ trang vững mạnh hơn không? Cứ nhìn vào thực tế sẽ có câu trả lời.

Thế thì tại sao lại đem tấm áo “bí mật nhà nước” trùm lên tất cả? Cũng đã có vô số câu trả lời từ thực tế. Chẳng hạn nhờ toàn bộ hồ sơ liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG được Bộ Công an đóng dấu “Mật”, nên không “thằng nào, con nào” dám bàn luận về chuyện Mobifone mua hớ 7.006 tỉ đồng vì hình phạt của tội “làm lộ bí mật nhà nước” (có thể tới 15 năm tù) lơ lửng trên đầu, cho đến khi “tương quan giữa thế và lực” trên chính trường Việt Nam thay đổi (5).

***

Câu hỏi: Bảo mật vì ai, để làm gì? – có nhiều câu trả lời. Những câu trả lời này sẽ rất khác nhau vì phụ thuộc vào chuyện hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thật sự là của ai (?), do ai (?), đặt định – thực thi các qui định pháp luật vì ai (?).

Chú thích

(1) https://eu.usatoday.com/story/news/politics/2018/11/19/one-five-army-generals-were-not-cleared-combat-2016/2029702002/

(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Freedom_of_Information_Act_(United_States)

(3) https://www.foia.gov/

(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-2017-337064.aspx

(5) https://tuoitre.vn/mobifone-da-mua-95-co-phan-avg-nhu-the-nao-20180530154341522.htm

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây