Vài nét chấm phá về vai trò của cố vấn Mỹ bên cạnh các giới chức VNCH trong cuộc chiến tại Việt Nam (Kỳ cuối)

FB Lê Nguyễn

11-11-2018

Tiếp theo Kỳ I

LƯỢC QUA VỀ TỔ CHỨC HÀNH CHÁNH VÀ QUÂN SỰ Ở CẤP TỈNH VÀ QUẬN TẠI MIỀN NAM TRƯỚC 1975

Qua bài viết đầu tiên về vai trò của cố vấn Mỹ bên cạnh các viên chức VNCH trước 1975, tôi vẫn tiếp tục nhận được một số câu hỏi chứng tỏ nhiều người vẫn chưa hiểu hết vấn đề, nhất là tại cấp địa phương. Nguyên do chính là vì trong điều kiện chiến tranh tại miền Nam, các viên chức đầu não ở hai cấp Tỉnh và Quận kiêm lãnh cả vai trò quân sự lẫn hành chánh. Vì thế tưởng sẽ không vô ích khi phác họa qua tổ chức hành chánh và quân sự ở hai cấp nòng cốt này ở địa phương.

A) Tại cấp Tỉnh, cơ quan hành chánh là Tòa Hành chánh tỉnh (năm 1974 đổi là Cơ quan Chính quyền tỉnh) và cơ quan quân sự là Bộ chỉ huy Tiểu khu.

1) Tại Tòa HC tỉnh, người đứng đầu là Tỉnh trưởng, thường là một sĩ quan cấp Đại tá, với sự phụ tá của một Phó Tỉnh trưởng duy nhất, là cựu sinh viên tốt nghiệp Học viện QGHC đã trải qua một thời gian từng làm Phó Quận trưởng, Trưởng ty.

a) Các cơ quan làm việc dưới quyền trực tiếp của Tỉnh trưởng và Phó Tỉnh trưởng gồm Văn phòng Tỉnh trưởng, Ty Hành chánh, Ty Tài chánh, Ty Nội an & Quân vụ, Ty Kinh tế, về sau có thêm Ty Vệ sinh. Các ty này gọi chung là “Ty nội thuộc”, toàn bộ nhân viên đặt dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Nội vụ và trách nhiệm chính là tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc điều hành công vụ, phối hợp với một khối đồ sộ hơn gọi là các “Ty ngoại thuộc”. Từ năm 1966, khi viện trợ Mỹ rót cho ngân sách quốc gia một ngân khoản khổng lồ về Xây dựng Nông thôn thì tại Tòa Hành chánh tỉnh có thêm Ban Thưởng vụ Hội đồng XDNT, thẩm quyền ngang cấp Ty sở, hoạt động có thời hạn.

b) Bên cạnh Tòa HC tỉnh, có một lực lượng khá hùng hậu các Ty ngoại thuộc hay còn gọi là “Ty chuyên môn” khác hơn các Ty nội thuộc ở điểm là trong khi Ty nội thuộc chỉ thống thuộc Bộ Nội vụ và là cơ quan tham mưu trực tiếp của lãnh đạo tỉnh, thì Ty ngoại thuộc có đến 2 mối quan hệ:

– Quan hệ theo hàng ngang, dưới quyền điều động của lãnh đạo tỉnh (Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng)

– Quan hệ theo hàng dọc, trực thuộc Bộ liên hệ tại trung ương về mặt quản lý nhân sự, bổ nhiệm về địa phương. Ví dụ: Ty Canh Nông thuộc Bộ Canh Nông, Ty Công Chánh thuộc Bộ Công chánh, Ty Y tế thuộc Bộ Y tế, Ty Giáo dục thuộc Bộ giáo dục…

2) Cơ quan quân sự ở cấp Tỉnh là Bộ Chỉ huy Tiểu khu, xếp ngang Bộ Chỉ huy Trung đoàn ở đơn vị tác chiến, chức danh Tiểu khu trưởng do Tỉnh trưởng kiêm nhiệm, có sự phụ tá của một Tiểu khu phó và một Tham mưu trưởng TK. Về thực quyền, Tham mưu trưởng TK quan trọng hơn Tiểu khu phó, trực tiếp điều hành 6 phòng: Phòng 1 (quản trị nhân viên); Phòng 2 (An ninh Tình báo), Phòng 3 (Hành quân), Phòng 4 (Tiếp liệu), Phòng 5 (Chiến tranh tâm lý), Phòng 6 (Phản gián, không hoạt động công khai).

Với những phác họa trên, điều cần xác định ở đây: các cố vấn Mỹ với danh nghĩa “Cố vấn trưởng Tiểu khu” không có một quan hệ nào với các Ty nội thuộc Tòa Hành chánh, kể cả quan hệ phối hợp, ngoại trừ duy nhất Ban Thường vụ HĐXDNT, vì ngân sách XDNT là ngân sách viện trợ Mỹ. Song đó cũng chỉ là sự phối hợp về mặt theo dõi tiến độ các dự án thực hiện tại cấp Quận, Xã, Ấp, vì ngân sách XDNT cấp tỉnh đã được rót xuống từ cấp trung ượng vào mỗi đầu tài khóa rồi. Như vậy, các cố vấn Mỹ tại tỉnh chỉ quan hệ chủ yếu với Tiểu khu trưởng, TK phó và các phòng của Tiểu khu.

B) Ở cấp Quận, cũng tương tự như cấp Tỉnh, với quy mô nhỏ hơn, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng (ngang cấp Tiểu đoàn), cơ quan hành chánh gọi là “Văn phòng Quận” với các Ban tương ứng với các Ty tại Tòa Hành chánh tỉnh. Bộ Chỉ Huy Chi khu cũng thế, với các Ban tương ứng với các phòng thuộc Tiểu khu. Mối quan hệ với các cố vấn trưởng chi khu (Mỹ) cũng thế, phía dân sự chỉ phối hợp hai lãnh vực XDNT và NDTV trong việc thu thập số liệu để báo cáo, mọi hoạt động khác về hành chánh như Y tế, Giáo dục, Hành chánh, Hộ tịch … các cố vấn Mỹ không được phép xía vào.

MẤY HỒI ỨC VỀ CÁC CỐ VẤN MỸ Ở QUẬN KIÊN TÂN – KIÊN GIANG

Tôi đảm nhận chức vụ nhân vật số 2 quận Kiên Tân, tỉnh Kiên Giang (nay là huyện Tân Hiệp) vào thời gian cuối năm 1968. Vào thời điểm này, dân số quận khá đông so với nhiều quận khác, khoảng 70 ngàn dân, trong đó gần 50% là đồng bào di cư thuộc Khu dinh điền Cái Sắn.

Trong thời gian hai năm làm việc ở đây, tôi đã là cộng sự của 3 ông Quận trưởng, tiếp xúc với 3 cố vấn Mỹ (xin nhắc lại là “cố vấn trưởng Chi khu”).

Sau cuộc chiến Mậu Thân 1968, Mỹ tăng cường việc trang bị vũ khí hiện đại cho quân đội VNCH, tiêu biểu là súng tự động AR15 hay M16. Súng rất nhẹ, đạn bắn ra được mô tả là loại đạn “bác sĩ chê”, vì viên đạn xuyên vào người với một lỗ thật nhò, nhưng ra khỏi cơ thể với một lỗ rất to. Lúc đó, quân đội chính quy và địa phương quân (trước là lính Bảo an) VNCH đã được trang bị khá đầy đủ súng M16, năm 1969, hai phía Việt-Mỹ thỏa thuận trang bị dần cho nghĩa quân (trước có tên là Dân vệ), một thành phần “bán quân sự” tại địa phương. Vì súng còn ít, tiêu chuẩn trang bị được hai bên thỏa thuận rất hợp lý: trang bị ưu tiên cho nghĩa quân ở những xã ấp bất an ninh nhất, đi dần đến những chỗ an ninh hơn.
Khi chuyện xảy ra, lỗi hoàn toàn thuộc về ông Quận trưởng của tôi, Thiếu tá P. B.C.. Ông có quan hệ rất thân tình với Cha Nguyễn B. L., là người lãnh đạo tôn giáo ở một trong những ấp an ninh nhất. Vậy mà, có lẽ do áp lực tinh thần của vị linh mục, hoặc vì cả nễ, ông Quận trưởng đã cấp súng M16 đợt đầu tiên cho nghĩa quân ở ấp của cha L.! Và chuyện phải đến đã đến. Một ngày nọ, viên sĩ quan Mỹ Cố vấn trưởng Chi khu là Thiếu tá Graham đến văn phòng ông Quận trưởng, đặt thẳng vấn đề tại sao ông QT không thực hiện đúng theo qui định chung, lại ưu tiên trang súng M16 cho ấp an ninh nhất. Ông QT, có lẽ do bị bắt bẽ một cách bất ngờ, phần nào để khỏa lấp khuyết điểm của mình, đã sửng cồ, đập bàn to tiếng với viên cố vấn Mỹ và sau đó mời anh ta ra khỏi phòng.

Hậu quả của sự va chạm trên là mỗi bên báo cáo sự việc theo hệ thống của mình: ông Quận trưởng/Chi khu trưởng báo cáo cho Tỉnh trưởng/Tiểu khu trưởng; Thiếu tá Graham báo cáo cho viên Trung tá Mỹ Cố vấn trưởng Tiểu khu, một người Mỹ nói tiếng Việt rất sõi. Khoảng hơn một tháng sau, qua những gì nghe thấy, tôi được biết là viên Trung tá Mỹ báo cáo sự việc lên những cấp cao hơn và chỉ thị mà ông ta nhận được là đổi viên Thiếu tá Graham đi quận khác để giữ hòa khí giữa hai bên.

Ngày nọ, trong một chuyến đi chung với cấp tỉnh, tôi ngồi không xa hai viên chức cao nhất là ông Tỉnh trưởng/Tiểu khu trưởng Kiên Giang (Trung tá Nguyễn V.T.) và viên Trung tá Mỹ (không nhớ tên), và câu nói (bằng tiếng Việt) của viên sĩ quan Mỹ với ông Tỉnh trưởng mà tôi nghe được khá ngộ nghĩnh: “Tôi đề nghị Trung tá không đòi đổi anh Thiếu tá của tôi đi chỗ khác, tôi cũng không đề nghị đổi Thiếu tá của ông đi”. Câu nói “thật thà” tôi nghe qua một lần mà nhớ hoài.

Có lẽ do kết quả của sự dàn xếp này mà viên Thiếu tá Graham vẫn còn ở thêm tại quận Kiên Tân một thời gian nữa. Song, cái duyên giữa anh ta và tôi lại suôn sẻ hơn. Dạo ấy, tại Quận, các Phó QT kiêm cả chức danh “Chỉ huy trưởng Nhân dân Tự vệ Quận”, có lẽ vì đây là lực lượng có tính “nhân dân” nên người ta không muốn giao chức vụ chỉ huy cho phía quân sự. Gọi là “chỉ huy trưởng”, song công việc của anh Phó QT là điều hành về mặt hành chánh, cập nhật các dữ liệu về nhân số, trang bị … và báo cáo lên cấp tỉnh. Lúc ấy, viên Cố vấn trưởng Chi khu, Thiếu tá Graham (kể trên), có nhiệm vụ báo cáo theo hệ thống riêng của anh ta về tổ chức NDTV mà mỗi khi tiếp xúc, xin số liệu của tôi, anh ta gọi tắt bằng tiếng Anh là PSDF (People Self-Defense Forces), và đó là lãnh vực duy nhất mà anh ta và tôi có quan hệ với nhau. Mỗi lần anh ta đi đâu, thường có sự tháp tùng của một anh Trung sĩ Việt Nam có chức danh là “thông dịch viên đồng hóa” chuyên làm nhiệm vụ thông ngôn. Tất nhiên, do rành rẽ tiếng Anh, thành phần Trung sĩ thông dịch viên này có thớ hơn các hạ sĩ quan khác.

Riêng với tôi, mỗi khi Thiếu tá Graham bước vào phòng để xin tôi các số liệu về PSDF, anh trung sĩ thông dịch viên biết ý, lãng qua chỗ khác, vì với tiếng Anh lỏm bỏm của tôi, hai bên có thể trực tiếp hiểu nhau được. Một bữa nọ vào năm 1969, Graham ghé lại văn phòng của tôi, lần này không phải vì số liệu PSDF, mà là để tặng tôi tờ tạp chí LIFE có đăng rất nhiều hình ành ghê rợn về sự kiện Mỹ Lai tại Quảng Ngãi. Chuyện tặng báo Mỹ cho tôi là một việc làm thường xuyên của Graham, nên có lẽ việc anh ta tặng tôi tờ báo có hình ảnh Mỹ Lai chỉ là một chuyện tình cờ. Xem qua những hình ảnh đó, tôi đặt cho Graham câu hỏi: “Anh nghĩ sao về những tấm ảnh này?”. Anh ta bối rối vài giây rồi trả lời gọn lỏn: “Đó là một … tai nạn”.

Không lâu sau, Graham chuyển đi quận khác, trong khi ông QT P. B.C. của tôi vẫn còn tại chức. Trong buổi chiễu đãi dã chiến tổ chức tại trụ sở của toán cố vấn Mỹ, Thiếu tá Graham nói lời từ biệt, chỉ cảm ơn tôi mà không nhắc gì đến ông QT, lúc ấy, tôi chỉ muốn …độn thổ.

***
Câu chuyện thứ hai lần này lại liên quan đến bản thân tôi. Đến thay Thiếu tá Graham là Thiếu tá Carr, sau viên chức này không phải là một sĩ quan Mỹ, mà là một viên cố vấn dân sự nói tiếng Việt gần như người Việt. Nghe đâu những viên cố vấn loại này là nhân viên CIA, họ được học tiếng Việt tại Mỹ trong 9 tháng trước khi được cử sang Việt Nam. Không lâu sau khi anh này (không nhớ tên) đến Quận Kiên Tân, cuộc “đụng độ” đã diễn ra giữa Phó QT và anh ta. Bữa nọ, một đám tang đang diễn ra bên vệ đường thuộc xã Mông Thọ, nằm giữa quận lỵ Kiên Tân và tỉnh lỵ Kiên Giang, thì một chiếc xe do người Mỹ lái với tốc độ cao đã mất lái, đâm sầm vào ngôi nhà có đám tang. Hậu quả của tai nạn này là 5 người chết tại chỗ.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, toán cố vấn Mỹ tại vùng 4 chiến thuật (Cần Thơ) đã cử người xuống tại xã Mông Thọ, phối hợp cùng các cố vấn Mỹ và chính quyền ở tỉnh, quận để thực hiện chuyện ủy lạo, lập hồ sơ bồi thường. Kết luận chung trong buổi làm việc đó là các cố vấn Mỹ tại quận và chính quyền địa phương phối hợp với nhau hoàn tất thủ tục, gửi về cho cơ quan thẩm quyền về phía Mỹ. Và câu chuyện cải vả đã xảy ra do một hiểu lầm không đáng có: viên cố vấn dân sự Mỹ tưởng là chính quyền quận và xã chủ động lập hồ sơ, phía anh ta chỉ phối hợp, còn bên chính quyền quận là tôi thì lại tưởng rằng chuyện bồi thường chủ yếu thuộc về phía Mỹ, phía VN chỉ phối hợp. Hai bên cứ chờ nhau như thế, cho đến một buổi sáng nọ, viên cố vấn Mỹ vào phòng tôi, vừa ngồi xuống, đã đưa “con mắt hình viên đạn” nhìn tôi và gằn giọng cật vấn chuyện tại sao đến lúc đó mà bên tôi vẫn chưa lập hồ sơ bồi thường sinh mạng cho người dân xã Mông Thọ.

Lẽ ra, chuyện này chỉ cần ôn tồn nói chuyện với nhau là ra lẽ, viên cố vấn Mỹ lại suy nghĩ chủ quan theo cách hiểu của anh ta. Bây giờ già rồi, máu nóng vẫn còn nhiều, huống chi thời đó mới 25-26 tuổi. Tôi trừng mắt nhìn thẳng vào mắt viên cố vấn Mỹ, hét to vào mặt anh ta, báo hại các nhân viên văn phòng quận không hiểu có chuyện gì, kéo nhau vào phòng tôi đông nghịt. Viên cố vấn Mỹ không ngờ gặp phải một viên chức VN “điên” thế, mặt anh ta tái lại, vội vã bước ra khỏi phòng tôi, đi nhanh sang phòng ông Quận trưởng (Đại úy HĐS, sau lên Thiếu tá) ở cách đó hơn 5 mét, có lẽ để phân trần với ông QT và mét thót về thái độ “nóng nảy” của tôi. Cuối cùng, ông QT đã giải quyết bằng một phương cách dung hòa: giao cho Ủy Ban Hành chánh xã Mông Thọ (danh xưng cơ quan chính quyền xã những năm 1968-1970 là UBHC xã) trực tiếp lập hồ sơ dưới sự hướng dẫn của Quận và toán cố vấn Mỹ. Trên thực tế, nếu quận trực tiếp làm thì cũng chỉ thị xuống xã mà thôi.

Sau cuộc cải vả đó, viên cố vấn Mỹ tránh gặp tôi, có chuyện cần xin số liệu PSDF thì cử một người trong toán đến gặp tôi. Phần tôi, tôi vẫn trao đổi công việc, hỗ trợ cho họ như chẳng có gì xảy ra. Khoảng 10 ngày sau, một buổi sáng, viên cố vấn Mỹ đẩy cửa, vào phòng tôi, đặt nhẹ tấm bản đồ quân sự quận Kiên Tân lên bàn làm việc của tôi, rồi không nói không rằng, lặng lẽ bước ra. Lúc đó, tôi mới sực nhớ là mấy ngày trước khi cuộc cải vả tay đôi xảy ra, anh ta có hứa tìm cho tôi tấm bản đồ quân sự, thường gọi là bản đồ địa hình, khu vực quận Kiên Tân và khu dinh điền Cái Sắn. Hôm đó, anh ta đến để thực hiện lời hứa cũ của mình. Dù sao, đó cũng là cách xử sự hợp lẽ của những “người lớn” với nhau.

***

Như trên đã viết, chỉ trong hơn 2 năm, tại quận Kiên Tân, Kiên Giang, tôi làm phó cho 3 ông Quận trưởng. Ông thứ ba là người hiện có tên trong danh sách tag ở bài này. Khi anh đến nhậm chức thì câu chuyện thứ nhất đã là quá khứ vì ông QT thứ nhất đã ra đi, song câu chuyện thứ hai liên quan đến cuộc cải vả giữa tôi và viên cố vấn dân sự người Mỹ thì chính anh là người giải quyết theo kiểu dung hòa cho được việc mà không mất lòng ai. Chỉ làm việc với nhau hơn một năm (1969-1970) mà anh với tôi thân và thương nhau như hai người bạn lâu đời, sau ngày chia tay, vẫn thường xuyên kết nối liên lạc với nhau từ gần 50 năm qua.

Anh hiện sống ở thành phố Atlanta thuộc bang Georgia (Mỹ). Trong những lần thăm Mỹ gần đây, tôi đều qua Atlanta thăm anh, đêm nhường phòng cho người khác, hai đứa nằm trên ghế sofa phòng khách kể cho nhau nghe lại kỷ niệm những ngày sống với nhau ở khu dinh điền Cái Sắn, quận Kiên Tân (Kiên Giang), trong lòng mỗi đứa cứ tưởng như vừa cùng nhau trải qua một giấc mộng dài.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây