Chuyện làng văn nghệ: Thân Phận Đạo Diễn Huy Vân

FB Xuân Đài

8-11-2018

Đạo diễn Huy Vân – International Film Festival tại Karlovy Vary (1962). Ảnh: FB Minh Châu

Nghe tiếng gõ cửa, tôi nhỏm dậy bỗng nghe: Đài có nhà không? Những người ở chung phòng với tôi bật dậy, tôi bảo, bạn tôi các ông ngủ tiếp đi. Mở cửa ra, tôi thấy Huy Vân, hỏi bây giờ mấy giờ rồi? Huy Vân bảo chắc gần mười một giờ, tôi hỏi ông ăn gì chưa? Chiều nay tớ có ăn hai bắp ngô luộc.

Tôi dắt Huy Vân qua đường, sang bên hè cơ quan cục điện ảnh, đến quán ăn của một bà trước làm ở xưởng phim bây giờ về hưu mở quán bán hàng về đêm, kiếm chút tiền cải thiện đời sống. Ngồi xuống ghế, tôi hỏi bà còn gì không chị, bà bảo còn thịt bò xào ăn với bún, nói rồi bà châm lửa vào bếp dầu, vừa châm vừa hỏi anh ăn bao nhiêu. Tôi từ tốn chị xào cho một đĩa thật ngon rồi tính bao nhiêu cũng được, giá như có bánh mì thay bún thì thích hơn! Bây giờ sang bên Thụy Khuê – bà bảo – may ra còn bán, nói xong bà hướng dẫn tôi xuống hết dốc bên kia đường là phố Thụy Khuê, gặp máy nước công cộng rẽ trái khoảng mười mét may ra quán Năm Công người miền nam còn bánh mì, nếu ông ấy dẹp hàng thì mang về nhà, nhà ông đối diện với quán nhưng ở trong ngõ, hơi khó tìm, thôi anh cứ ngồi để tôi chạy sang mua cho, chứ anh lớ ngớ khó tìm lắm. Nói rồi bà đứng lên đi ngay, trước khi baf đi tôi chỉ vào Huy Vân: bà biết ai đây không. Dưới ánh sáng lờ mờ tôi nhận ra nụ cười không lấy gì làm vui của bà, anh Huy Vân phải không, anh ấy không nhớ tôi đâu vì tôi làm ở phòng hành chính. Huy Vân bảo tôi vẫn nhớ chị chứ, chị cứ nghĩ chúng tôi chỉ nhớ các đạo diễn và diễn viên thôi à.(*)

Bà chủ quán ra đi, vèo một cái đã cầm về bốn cái bánh mì cười xởi lợi, hai ông ăn hết cái này, mai khỏi ăn sáng.

Bà thắp lại bếp dầu xào thịt bò với hành tây. Đêm khuya thịt bò thơm ngào ngạt. Lúc sau bà múc ra bát cho chúng tôi, tôi giục Huy Vân uống rượu nhắm thịt bò xào với bánh mì.

Hôm ở nhà vợ chồng Tự Huy và Đoàn Lê, tôi đã biết Huy Vân đi tù không án gần sáu năm được thả về Ninh Bình làm ở một hợp tác xã nhì nhằng gì đó, cũng đủ ăn, tôi hỏi Huy Vân, ông bì tụ về tội xét lại chống Đảng nhưng tôi thấy có viết gì đâu. Vân bảo đúng là tớ không viết gì cả, tớ chỉ gặp gỡ Hoàng Minh Chính, Trần Châu,… trao đổi về chính kiến của nhau về nghị quyết 9 và hiện tình đất nước. Cứ theo tinh thần nghị quyết 9 thì sắp tới đánh nhau to với đồng bào miền nam, nghị quyết 9 thực chất là một nghị quyết bạo lực, hồi học nghị quyết thấy cấp trên bảo cho bảo lưu ý kiến, nên tớ phát biểu thẳng thừng, ý kiến của tớ là nghị quyết trung ương đại hội 3 đã ghi rõ: xây dựng miền bắc vững mạnh, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước, nghị quyết chưa ráo mực thì nghị quyết 9 đã chống lại! Lúc ấy tớ ngây thơ không biết là những lần tớ gặp gỡ các bạn cùng quan điểm như Hoàng Minh Chính, Lưu Động, Trần Đỉnh… đều bị công an theo dõi nhưng bọn họ ngồi từ xa không nghe được gì, trừ phi có máy ghi âm cài ở ghế đá vì tớ thường gặp các ông bạn ở công viên thống nhất…

Ít lâu sau, theo lệnh của Lê Đức Thọ họ đến bắt tớ tống vào Hỏa Lò, sau đó cũng như các bạn “xét lại” họ đày tớ đi các trại trên núi rừng Việt Bắc. Kể đến đấy tự nhiên Huy Vân hỏi tôi, Xuân Đài có đảng viên không? Tự Huy đỡ lời, ông này mà đảng viên thì ông Thọ ổng đã sờ gáy từ lâu! Huy Vân ngớ ra hỏi lại Tự Huy: sao vậy? Tự Huy cười, ông khờ bỏ mẹ, đảng viên thì phải học nghị quyết 9 mà đã học thì cũng mắc lừa như ông, ai chứ Xuân Đài còn mạnh mồm hơn ông, nhờ bạch vệ như tớ nên cũng học nghị quyết 9 tổ chức cho những người ngoài đảng, chúng tớ khôn lắm chả đứa nào thèm phát biểu gì nên được thoát nạn. Chắc ngứa mồm, Huy Vân bảo Vũ Thư Hiên, Vũ Huy Cương có phải đảng viên đâu mà ông Thọ ông không tha. Vẫn Tự Huy, hai ông họ Vũ này tuy không đảng viên nhưng được học nghị quyết 9 với các đảng viên nên hawng hái phát biểu và cũng ngây thơ như cậu tin vào lời hứa bảo lưu ý kiến vì không biết đó chỉ là một cái bẫy, cái bậy ấy giăng khá lâu hình như mãi đến năm 1967 hay 1968 gì đó hai ông con giời họ Vũ này mới đi nhập kho nghe nói Vũ Thư Hiên tù hơn chín năm mới được tha về (1976) còn Vũ Huy Cương nghe đâu tù ngắn hạn hơn, đấy là tôi nói vậy, chứ việc này ông Xuân Đài rành rẽ hơn tôi vì ông ấy là bạn của hai ông này.

Chúng tôi vừa ăn cơm vừa uống rượu, trong câu chuyện chúng tôi thăm hỏi hoàn cảnh Huy Vân hiện tại, câu chuyện trao đổi rong dài tôi tóm tắt lại như sau, Huy Vân ra tù ít lâu thì về Hà Nội với vợ con nhưng vợ đuổi ra khỏi nhà, đêm đêm ra ngủ ở vườn hoa Hàng Đậu, nhớ con thì tìm đến nhà nhìn qua khe cửa, ngắm con ngủ một lúc thì bỏ đi. Tôi chỉ biết vợ Huy Vân là diễn viên điện ảnh đóng nhiều phim, nghe nói cũng thuộc loại diễn viên giỏi. Tôi đã từng coi cô ấy đóng vai chính trong phim “Một ngày đầu thu” do chính Huy Vân đạo diễn.

Đạo diễn Huy Vân (bìa phải) cùng Roman Karmen làm phim Việt Nam trên đường thắng lợi 1953. Ảnh: FB Minh Châu

Các đạo diễn ở xưởng phim, may mắn tôi quen gần hết, có lần trong câu chuyện không đầu không đuôi, Nông Ích Đạt cao hứng khen Huy Vân rất nhiều, khen nhất là Huy Vân rất chịu khó tìm tòi trong công tác đạo diễn và rất yêu nghề, Huy Thành chêm vào câu chuyện sau đây để minh họa với tôi lòng yêu nghề của Huy Vân: Huy Vân là đạo diễn, vợ đóng vai chính đến cận cảnh vợ với bạn diễn nam là người tình của nhau trong phim ,ôm nhau thắm thiết, Huy Vân hét rất lớn: ôm chặt vào…

Đêm đó Huy Vân ngủ lại với tôi, sáng mai bạn ấy nhờ tôi đèo xuống Hàng Bột để xem một chiếc piano mà Vân có ý định mua cho con gái. Vào nhà, Vân ngồi vào đàn gõ mấy hợp âm vang khắp phòng rồi hai người trò chuyện với nhau, ông chủ nói giá, Vân lắc đầu kêu giá cao, nếu ông bớt cho tôi mấy giá tôi mua được. Tôi thầm nghĩ, Huy Vân thạo việc buôn bán quá, tôi không hiểu một giá là bao nhiêu tiền mà đòi bớt. Ông chủ đàn piano bảo là giá ông đưa ra không thể bớt nếu ông mua được không thì thôi. Thế là Huy Vân chào ra về, tôi hỏi bây giờ cậu về đâu, Vân bảo cứ chở tớ xuống Phố Huế rồi cậu về cơ quan. Tôi chở Huy Vân đến rạp tháng 8, rồi quay xe đạp ngược lên bờ hồ,… Tôi rẽ vào nhà Tự Huy, may mắn hai vợ chồng Huy và Lê đều có nhà.

Tôi trò chuyện với hai vợ chồng về việc vừa chở Huy Vân đi mua đàn dương cầm cho con gái. Tôi tưởng Tự Huy và Đoàn Lê sẽ vui mừng vì biết Huy Vân giàu có đủ tiền mua đàn cho con gái, như vậy bị vợ bỏ nhưng Huy Vân vẫn rất thương con. Có thể nhờ lòng thương con mà vợ Huy Vân suy nghĩ lại để đoàn tụ với chồng, một anh chồng tù không án sau gần sáu năm về Hà Nội không nhà ở, không việc làm!

Tự Huy liền cười nhẹ nhàng nói với tôi, Huy vân nó “diễn”, thực ra trong túi không có một xu nào, mấy hôm nay lang thang khắp Hà Nội và nhờ sự bao bọc của bạn bè. Tôi vặn lại Tự Huy sao ông biết cậu ấy không có đồng nào? Đoàn Lê đỡ lời, nhờ chuyện xảy ra ở nhà tôi, bọn này mới biết là Huy Vân rất nghèo không một đồng dính túi. Tôi bảo kể cho mình nghe đi, đầu đuôi câu chuyện ra sao? Tự Huy gạt đi, kể ra ông chỉ đau lòng, buồn và thương Huy Vân hơn, cáu lên ông lại chửi cái bọn ra nghị quyết 9 đẩy một đạo diễn vào chỗ túng quẩn. Tôi kiên trì hỏi đi hỏi lại nhưng hai vợ chồng nhà ấy nhất định không kể là không kể.

Điều tôi suy nghĩ là bây giờ anh em bạn bè xúm lại lo cho Huy Vân một công việc, một chổ ở ổn định, muốn trở lại nghề viết, nghề đạo diễn tính sau. Mấy hôm sau Huy vân ghé lại tôi, tôi nói là cậu nên tìm Vũ Thư Hiên, cũng vừa mới đi tù không án hơn chín năm nhưng bây giờ có việc làm tạm ổn định, xem thử Hiên có giúp gì được cho cậu không, chả là hôm nọ tớ đến Trần Dần, ông Dần bảo Vũ Thư Hiên chiều chiều hay ghé nhà Dần chơi nên Dần biết Hiên làm bột nở bánh mì, làm nan hoa xe đạp thu hoạch khá còn giúp đỡ được nhiều người, giúp cả nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mang về Hải Phòng bán! Vũ Thư Hiên trước đây có thời kì làm biên tập kịch bản ở xưởng phim, tôi chắc hai người có quen nhau, hóa ra có quen nhưng không thân, tôi liền chỉ số nhà của Hiên cho Vân trực tiếp đến, hy vọng cùng bạn tù không án với nhau Hiên sẽ thương Vân và giúp đỡ cho Vân làm một cái chân bỏ mối hàng quanh quẩn Hà Nội hoặc về Nam Định, Ninh Bình gì đó nơi mà Vân là thổ công.

Không hiểu vì sao, mặc cảm cái gì mà Vân không đến gặp Hiên vì chỉ mấy hôm sau Vân đến gặp tôi cho biết ngày mai sẽ quay về Ninh Bình, tôi bảo, cậu để ba ngày nữa rồi hẵng về vì ngày mốt tớ lĩnh lương, muốn giúp ong một chút tiền gọi là! Vân gạt phắt, tớ có tiền mà cậu đừng nghĩ ngợi gì cho mệt! Tôi bảo Vân, vậy tối nay cậu với tớ đến nhà Tự Huy nhậu một bữa chia tay, rượu có đồ nhắm tớ sẽ lo đầy đủ. Huy Vân nhận lời và hỏi tôi mấy giờ. Tôi bảo năm giờ rưỡi chiều, cậu đến đúng giờ nhé.

Chiều hôm đó tôi đến nhà Huy-Lê, sau khi bày vịt quay, thịt bò tươi và các thứ gia vị khác… Tôi nói với Đoàn Lê, bạn vui lòng vào bếp xào thịt bò với hành tây để tí nữa chúng ta nhậu, chiều nay Huy Vân sẽ đến vì ngày mai Huy Vân về lại Ninh Bình, chúng ta liên hoan chia tay bạn ấy. Mọi thứ đồ ăn bày sẵn ra bàn, chúng tôi vừa chờ Huy Vân vừa đuổi ruồi. Chờ đến sáu giờ tối không thấy Huy Vân đến, Đoàn Lê đưa ra một nhận định: anh Huy Vân chắc còn ngượng chuyện hôm nọ nên không đến đâu! Tôi vặn hỏi, chuyện hôm nọ là chuyện gì mà hai bạn cứ giữ bí mật như chuyện quốc gia đại sự! Đến li rượu thứ ba tôi kích Tự Huy có gì ông kể với tôi, noi gương hai ông bà, tôi sẽ không hé răng kể lại với ai. Tự Huy nhìn theo Đoàn Lê bảo, thôi Lê kể đi vì Lê mới là người trong cuộc biết rõ ngọn nguồn về việc Huy Vân rất nghèo, không một xu dính túi, chuyện mua piano cho con gái là ông ấy “diễn”, đâu chỉ một mình ông Xuân Đài mà rất nhiều người, trong đó có Trần Thịnh, Trần Trung Tín, Cao Nhị… đều mất thì giờ đưa ổng đến mua đàn, cuối cùng các ông ấy đều kể lại như ông Đài đã kể cho chúng ta nghe… mất thì giờ vô ích để biết một vở diễn nhạt với mục đích để bạn bè tin là mình rất thương con.

Do tôi nài nỉ quá nhiều lần và nhờ Tự Huy hưởng ứng nên Đoàn Lê vốn là người viết văn xuôi kể rất chi tiết và nữ sĩ vừa kể vừa chảy nước mắt. Qua câu chuyện xảy xa ở nhà Tự Huy Đoàn Lê tôi hiểu rõ Huy Vân về Hà Nội không có đồng nào, thương quá đau quá, tôi chỉ biết nguyền rủa cái nghị quyết 9 bạo lực và hai ông cầm đầu là Ba Duẩn và Sáu Thọ.

Tôi đã hứa với vợ chồng Huy Lê là không kể lại với ai, cho nên hôm nay, tôi cũng im lặng trước các bạn facebook tò mò.

Lúc này đồng hồ trên tường đã chỉ bảy giờ kém mười lăm, Đoàn Lê liền giục, hai ông ăn nhiều vào chứ ông Huy Vân không đến đâu, đồ ăn thừa nhiều, trời nóng, lại phải đổ đi vào thùng nước gạo! Tháng sau, chúng tôi quyết tâm rồi anh Đài ạ, nhất định mua cho được cái tủ lạnh! Tôi đế vào thế thì hay quá, tháng sau tôi sẽ đưa gạo và nộp tiền cho các bạn theo gợi ý của Đoàn Lê hôm nọ. Tự Huy cười cười, chúng tôi đã bảo ông, tự nấu lấy ăn một thân một mình, lích kích lắm, ăn bếp tập thể, ngoài món đậu rán, vài miếng thịt mỏng như là lúa, canh thì là thứ canh toàn quốc. Nếu Huy Vân không bỏ Hà Nội mà đi thì vợ chồng tôi và ông sẽ nuôi ông ấy cơm ngày hai bữa, các “vị” thấy thế nào? Đoàn Lê nhỏ nhẽ, được quá đi chứ, nhà mình có ba suất gạo, cộng thêm suất gạo của ông Đài, thừa sức cho Huy Vân ăn, còn tiền mua thức ăn, ông Đài phụ giúp bao nhiêu là tùy lòng, có thêm anh Huy Vân coi như thêm đũa thêm bát thôi.

Nếu Huy Vân ở lại Hà Nội, nói thực mọi việc thì anh em sẽ xúm vào giúp đỡ tìm việc làm, tìm chỗ ở như anh em đã từng giúp tác giả “Con ngựa già chúa Trịnh” Phùng Cung (tù không án mười một năm chin tháng) hoặc tác giả bài thơ “Khóc thầy” là thi sĩ Tuân Nguyễn (tù không án 9 năm 7 tháng). Các anh ấy đã tạm ổn cuộc sống nhờ vận động tự thân và sự giúp đỡ của bạn bè một thời lận đận.

Đột nhiên Tự Huy hỏi tôi, ông Đài có biết chuyện Huy Vân ăn cắp xe đạp, cố tình cho người mất xe bắt tại trận để được đưa ra tòa, có dịp kêu oan cho bà con thiên hạ biết về việc mình bị đi tù không án là trái pháp luật, để được đưa công khai ra xử toàn thể anh em dính vào vụ án xét lại.

Tôi cười, chuyện này tình cờ tôi biết rõ ngọn nguồn, tôi liền kể cho hai vợ chồng Tự Huy nghe: cách đây mấy hôm, vào một buổi trưa tôi cùng bạn bè ngồi uống bia hơi ở phố Cổ Tân. Đang uống thì có một bạn trẻ ăn mặc quần áo công an chạy sang bắt tay nhạc sĩ Tân Huyền và ôm chầm lấy Trần Khánh, tỏ ra rất thân mật với hai người này. Để tiếp tục câu chuyện, Tân Huyền hỏi tôi, thế rồi người công an tha cho Huy Vân về phải không? Cậu công an liền xen vào, các anh đang nói chuyện về việc đạo diễn Huy Vân cố tình ăn cắp xe đạp để được ra tòa phải không, em là người chấp pháp việc này để em kể đầu đuôi cho các anh nghe, vụ này xảy ra gần đồn em cho nên người ta đưa ông Huy Vân vào đồn cùng với tang vật. Anh Huy Vân trình bày, tôi cố tình lấy xe đạp và cố tình cho người ta bắt tại trận để được ra tòa về một việc khác. Nói thật với công an, tôi vừa ở tù ra, tù không án trong vụ ông Lê Đức Thọ gọi là bọn xét lại chống Đảng, đâu chỉ có mình tôi vụ này có vài chục người, đầu vụ là ông Hoàng Minh Chính, viện trưởng viện triết học…

Tất cả không ai được đưa ra tòa xử theo phép luật, tôi và một số anh em được tha, còn phần lớn còn ở trong tù… Cậu công an từ tốn, anh Huy Vân nói vậy nhưng công an phải lập biên bản rõ ràng. Khi chúng em yêu cầu anh Huy Vân móc hết đồ đạc trong túi ra đặt lên bàn, anh ấy chỉ có một cái chứng minh thư và bốn hào, một lá thư của anh Trần Thịnh với nội dung là đang cố gắng đi tìm việc cho anh ấy.

Em hỏi rất kĩ để ghi biên bản, nguyên tắc là như vậy, anh Huy Vân khai về Hà Nội anh không ở một chỗ nào nhất định, nay ngủ nhà này mai ngủ nhà khác, có khi ngủ ngoài ga Hàng Cỏ hoặc ghế đá vườn hoa, em yêu cầu anh ấy khai rõ anh thường ngủ ở nhà ai, số nhà cụ thể, chúng em phải làm như vậy để cho các tiểu khu công an quản lí hộ khẩu chặt chẽ những người tạm trú, anh Huy Vân khai gần chục nhà của bạn bè ở suốt từ Bạch Mai lên cho đến Bưởi, còn tiện đâu ăn đấy, lúc nhà bạn lúc cơm đầu ghế…

Em thấy anh ấy chỉ có bốn hào, không có tem gạo làm sao ăn cơm mậu dịch được, nếu ăn đầu ghế ở chợ hàng Bè ít nhất cũng phải mất sáu hào, em thương anh ấy lắm vì em đã từng xem phim “Một ngày đầu thu” do anh ấy đạo diễn, em thích và biết anh ấy là người có tài. Nhưng làm cán bộ chấp pháp thì phải hỏi rõ ràng, anh bảo anh đi tù không án vậy lệnh bắt anh và lệnh tha ra tù anh còn giữ không, trong túi anh không có chắc để ở nhà ai đó, vậy thì mai anh về lấy đưa lên đây! Anh Huy Vân nói như khóc, bắt tôi không có lệnh, thả khỏi tù thì có lệnh tạm tha nhưng lệnh này khi nhập hộ khẩu ở Ninh Bình, công an giữ lại làm hồ sơ, thành ra với các bạn trẻ bây giờ nghe chuyện tôi họ không tin, biết làm sao được vì đó là sự thật.

Năm 1982 tôi gặp lại Huy Vân ở Sài Gòn, anh ấy đi cùng một bạn gái ra căn tin hội văn nghệ. Tôi kéo Huy Vân vào bàn, bàn bia chúng tôi bao giờ cũng đông, tất cả đều làm văn nghệ, cả C S và Q gia! Qua câu chuyện trao đổi, tôi biết Huy Vân muốn ở lại Sài Gòn tìm việc làm, liền gợi ý thử đến xưởng phim TP.Hồ Chí Minh xin làm đạo diễn, hợp đồng từng film một, hoặc viết kịch bản phim truyện, phim tài liệu, Huy Thành làm ở xưởng đó, thế nào cũng giúp đỡ, lên đó còn bà Nga vợ Hồng Lực làm biên tập, thử mạnh dạn liên hệ xem sao. Vũ Thư Hiên còn viết kịch bản cho xưởng đó và hình như kịch bản của Vũ Thư Hiên đã được thông qua, nghe đâu sắp quay.

Nghe đến đó Thu Bồn liền bảo, bên xưởng phim những anh em đạo diễn cũ được đào tạo ở các nước tư bản nhà nước vẫn dùng, nghĩa là người ta thực sự muốn hòa hợp và muốn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ tại chỗ có dịp thể hiện tài năng. Còn anh người cách mạng, được đào tạo ở Trung Quốc, hình như cả Liên Xô nữa, nếu tôi nhớ không lầm, anh đã cùng Thép Mới dịch cuốn tiểu thuyết Nga “Thép đã tôi thế đấy”, nên nghe Xuân Đài, ngay ngày mai anh liên hệ với xưởng phim, tôi tin là họ nhận, không nhận vào hẳn biên chế thì cũng kí hợp đồng. Anh là người cách mạng chứ có phải Việt Nam Cộng hòa đâu.

Những năm tháng ở Sài Gòn, tôi gặp Huy Vân chỉ duy nhất có một lần. Sau đó ít lâu tôi nghe tin Huy Vân đã cùng một người con gái (chắc là người tôi đã gặp hôm ở hội văn nghệ) lên Sơn La vượt biên sang Trung Quốc và bị bắn chết.

Thực hư câu chuyện Huy Vân vượt biên sang Tàu và bị bắn chết ra sao tôi không rõ. Tôi chỉ thương Huy Vân, một người tham gia kháng chiến chống Pháp được nhà nước đào tạo bài bản, học trong nước rồi gửi đi nước ngoài, thế mà số phận anh lận đận quá, vất vả quá.

Tôi viết lại truyện này các bạn đọc chắc thương anh nhưng lại nghĩ những người thân và những người trong gia đình Huy Vân có thể đau lòng.

Tôi muốn Đảng cộng sản Việt Nam, dù ban lãnh đão đã thay nhiều lần từ cái thời Huy Vân bị bắt nên làm rõ về vụ án xét lại chống Đảng để nhân dân biết và để những người “can tội” được trả lại danh dự.

Muốn hướng đến tương lai tốt đẹp, chúng ta phải sòng phẳng với quá khứ, không nên để lịch sử không rõ ràng và con cháu chúng ta không biết gì về thân phận cha ông.

____

(*) Lâu lắm tôi quên mất tên bà, sau này bà đóng rất nhiều phim truyền hình và rất nổi tiếng. Tôi nhớ bà đóng vai mẹ chồng tôi rất đạt. Ai nhớ tên bà xin nhắc dùm.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây