Tâm thế nô lệ (Phần 2)

Mai V. Phạm

4-11-2018

Tiếp theo phần 1

Nghĩ Trump quan tâm đến dân chủ cho Việt Nam, thì chẳng khác nào nghĩ Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Hitler, Kim Jong-un… tôn trọng quyền con người. Từ lúc làm tổng thống cho đến nay, trong hơn 5.000 lần tweet, đã bao nhiêu lần Trump đề cao nhân quyền, dân chủ và pháp trị? Thưa: hiếm vô cùng.

Đã bao nhiêu lần Trump thể hiện lòng tôn trọng dành cho Tập Cận Bình, Kim Jong-un, Putin…? Thưa: hơn 3 lần.

Đã bao nhiêu lần Trump tấn công sự liêm chính, độc lập tư pháp? Thưa: vô số lần.

Đã bao nhiêu lần Trump tấn công tấn công báo chí, gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân”? Thưa: Nhiều lần.

Đã bao nhiêu lần Trump chửi rủa và sỉ nhục công dân Mỹ, đặc biệt chửi rủa phụ nữ rất thậm tệ? Thưa: vô số lần.

Những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, cần hiểu rõ những khái niệm này. Khi thấy tổng thống Mỹ tấn công báo chí, gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân”, từ ngữ của những lãnh tụ độc tài thường dùng để bịt miệng báo chí, cơ quan quyền lực thứ tư; hay một tổng thống có những phát ngôn phân biệt chủng tộc, kỳ thị… chúng ta cần nhận ra rằng, những giá trị dân chủ mà chúng ta tranh đấu, đang bị chà đạp.

Một đất nước hơn 90 triệu người như Việt Nam mà phải trông cậy vào một tổng thống – vô đạo đức, đạp nát lên các giá trị dân chủ như Trump – cứu rỗi, thì lòng tự tôn dân tộc ở chỗ nào?

Một dân tộc hơn 90 triệu người trong nước và hơn 3 triệu người ở hải ngoại mà không thể hình thành được ít nhất một tổ chức đối lập lớn mạnh, tạo sức ép lên chế độ độc tài cộng sản Việt Nam, mà phải cầu mong Trump cứu rỗi, thì lòng tự hào dân tộc ở đâu?

Dân tộc vỗ ngực tự hào mấy ngàn năm văn hiến, tinh thần bất khuất mà dựa dẫm vào nước ngoài thì thật đáng buồn và đáng xấu hổ! Một dân tộc mà chỉ biết ỷ lại vào lãnh tụ các nước khác để tồn tại và lớn mạnh, thì dân tộc đó có tinh thần độc lập & tự cường ở chỗ nào?

Cụ Phan Bội Châu phê bình tính “ỷ lại” của người Việt Nam từ năm 1928 nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bồ nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao?

Thì chỉ vì ỷ lại.

Câu tục ngữ ấy thật vẽ đúng tâm tình người nước ta. Nếu ai cũng lo gánh vác một phần trách nhiệm của mình thì có gánh gì không cất nổi. Nhưng tội tình thay, anh nào chị nào trong óc cũng chất đầy một khối ỷ lại. Anh Cột trông mong vào chú Kèo, cô Hường trông mong vào thím Lục, mà chú Kèo thím Lục lại ỷ có anh Cột cô Hường rồi. Rày lần mai lữa, kết cục không một người làm mà cũng không một người phụ trách nhiệm”. (Cao Đẳng Quốc Dân)

“Quốc gia hưng vọng, thất phu hữu trách”. Xóa bỏ độc tài và xây dựng con đường dân chủ cho Việt Nam phải là trách nhiệm trên hết của con dân nước Việt, không phải của tổng thống hoặc thủ tướng, lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp, Úc…

Cứ thử tưởng tượng một khu xóm mà nhiều thành viên chỉ biết ngồi há mỏ, cậy nhờ xóm khác giúp đỡ để duy trì sự sống còn của khu xóm, thì có đáng trách hay không? Những thành viên với tính ỷ lại, tâm thế nô lệ đó kìm hãm tinh thần tự tôn của toàn khu xóm và đầu độc ý thức tự cường của thế hệ trẻ.

Thần thánh hoá lãnh tụ, mong chờ họ cứu rỗi đất nước mình. Rồi đến lúc lãnh tụ đó hết quyền lực hoặc không có khả năng như mong đợi, thì lại nhờ lãnh tụ nước khác giúp tiếp. Thế hệ tương lai sẽ nghĩ như thế nào về những người đi trước chỉ biết trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm vào sự cứu rỗi của nước ngoài?

Phải dựa vào chính mình

Cụ Phan Châu Trinh cách đây gần 100 năm đã nói: “Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại, vì vọng ngoại ắt là chết”.

Vấn đề không phải là chúng ta không được nhờ Mỹ hoặc các nước văn minh khác hỗ trợ Việt Nam, nhưng chuyện nhờ giúp và tâm thế ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, là hai chuyện hoàn toàn khác. Hơn nữa, quan trọng là tổ chức nào, uy tín đến đâu sẽ đại diện để nhờ, và nhờ cái gì, vào lúc nào? Nên nhớ, Việt Nam là một thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc, sẽ không một quốc gia nào hậu thuẫn bất kỳ một tổ chức nào, có ý định “lật đổ” chế độ cộng sản Việt Nam, bằng bạo lực hoặc các bằng các hình thức phá hoại, không có tính chính danh khác.

Quan trọng là người dân Việt Nam cần xây dựng các đoàn thể lớn mạnh, có hiểu biết và đủ khả năng, để trở thành những tổ chức đối trọng với đảng CSVN, cũng như để đảm nhận vai hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng. Khi đã có được sự hậu thuẫn mạnh của quốc dân, các tổ chức này sẽ đại điện Việt Nam vận động dân chủ, có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế. Cụ Phan và nhiều trí thức trong phong trào Duy Tân đã nhấn mạnh, dân tộc Việt phải nỗ lực và tự cường trước, rồi mới vận động trợ giúp nước ngoài được.

Dân chủ sẽ không lập tức có ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ. Dân chủ chỉ mới chớm nở khi có các cuộc bầu cử tự do và minh bạch với sự tham gia bắt buộc của các chính đảng lương thiện, có đường lối, có mục tiêu rõ ràng, minh bạch và có lực lượng đủ mạnh. Các chính đảng này sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và củng cố nền dân chủ non trẻ. Sự thành công của cuộc cách mạng dân chủ sẽ là chắc chắn, khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các tổ chức chính trị về mặt tư tưởng và lực lượng.

Yếu tố “cơ hội” và “chuẩn bị tốt” quyết định sự thành công. Ngược lại, dù cho cơ hội tốt (như khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở Venezuela) có xuất hiện, nhưng không có ít nhất một chính đảng với sự chuẩn bị chu đáo, thì việc giành thắng lợi sẽ rất khó thành hiện thực. Và nếu như có được dân chủ, thì nền dân chủ đó cũng sẽ ngắn ngủi và đầy bất ổn.

Tóm lại, xóa bỏ chế độ độc tài hung bạo và phi nhân là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi một người Việt Nam. Khi nào đông đảo người Việt mới biết dựa vào chính mình và học cách dựa vào nhau? Khi nào đa số người Việt mới quyết tâm xoá bỏ tâm thế nô lệ, để nỗ lực dựa vào chính mình bằng con đường tri thức và hợp tác, để nhận lãnh trách nhiệm xóa bỏ độc tài và xây dựng dân chủ cho thế hệ trẻ Việt Nam?

Để kết thúc, xin được mượn lời nhà thơ Lưu Trọng Lư, đã từng nói như sau: “… cái bệnh ỷ lại đã ăn sâu vào trong xương tuỷ người nước ta, cơ hồ không gột rửa được nữa. … Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa. Hồi xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa có một lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả”.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Không phải tâm thế nô lệ nữa mà cả dân tộc đã sẵn sàng làm nô lệ!!! Tôi khẳng định như vậy vì những lý do sau:
    – đảng cộng sản dứt khoát giữ đảng dù có phải bán nước
    – sau 80 năm cai trị, đcs đã tạo ra một dàn thế hệ hèn kém về đạo đức, ngu dốt, lười biếng, thích khoe khoang, phô trương i sì đảng. Một dân tôc hèn với cái ác, bạo lực, nhưng lại rất dã man, bạo lực với đồng loại của mình.
    – tầng lớp tri thức xhcn thì nhu nhược, vụ lợi, được vài người uyên bác thì cũng bị lụi tàn vì sự trù dập, cô lập của đám đông đảng viên cs
    -Vì thế trong sự tuyệt vọng, người ta thường mơ đến phép màu. Thông cảm đi tác giả.

  2. Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, âm ĩ những ý kiền trái chiều của một số nhân sĩ người Việt ở Mỹ về cá nhân tổng thống Trump và các chính sách cai trị của ông ta,đặc biệt có liên quan đến Việt Nam. Hai luồng ý kiến ủng hộ hoặc phản đối ấy tương ứng phe đảng Dân Chủ hoặc Cộng Hòa. Theo quan sát của tôi, cá tính cũng như cách ăn nói hành xử của TT Trump biểu hiện là một người không được đàng hoàng và có thiên hướng ưa chuộng độc tài ,ước muốn thâu tóm quyền hành vào tay mình … Chúng ta,những người dân bình thường ,cũng không biết được chính xác những chính sách đối nội ,đối ngoại của TT đi ngược hoặc phủ nhân hoàn toàn các đời tổng thống tiền nhiệm ,có vì lợi ích đất nước, người dân nói chung hay chỉ vì lợi ích và tham vọng của bản thân ông ta ? Ví dụ giảm thuế cho giới chủ giàu có đồng thời xóa bỏ hoặc hạn chế các chương trình trợ cấp cho lao động thu nhập thấp trong nước…Hệ quả của những chính sách này còn nằm ở phía trước .
    Trở lại chuyện người Việt ủng hộ ,ca tụng TT Trump bởi ông ta phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc .Theo nhận định của giới hiểu biết ở Mỹ thì không dám chắc cuộc chiến này sẽ đi tới đâu và người ta cũng ngờ rằng chỉ cần Tập Cận Bình xuống nước , chịu nhượng bộ phần nào yêu sách của Trump thì coi như ông ta đạt được mục tiêu mong muốn. Bởi vậy việc mong chờ sức ép từ chính sách của chính phủ Mỹ sẽ làm Trung Quốc suy yếu,tạo điều kiện cho tiến trình suy sụp chế độ độc tài ở Việt Nam là hoàn toàn ảo tưởng nếu không nói là ấu trĩ chính trị .Bởi Trung Quốc bây giờ không phải như Liên sô và các nước Đông Âu những năm trước sụp đổ . Vã lại,chính sách đối với dân nhập cư, tỵ nạn nói chung của Trump gây cản trở hoặc không ủng hộ thành phần dân cư này bởi vì ông ta ủng hộ phân biệt chủng tộc ,thượng đẳng da trắng so với cộng đồng da màu ở Mỹ. Nếu cho rằng đa số người Việt nói chung trông chờ can thiệp,giúp đở của một ông TT nước ngoài để lấy lại quyền tự do dân chủ,xóa bỏ chế độ độc tài CS và cho đó là thái độ nô lệ,thì tác giả bài viết đã đi quá xa ,đánh giá thấp hiểu biết của đa số người Việt trong nước .Có thể ví von rằng thì là chúng ta đang đi trong hầm tối mịt nhưng thấy le lói ánh sáng ở cuối đường thì cứ hy vọng cái đã chứ người ta không mong chờ vầng sáng le lói đó sẽ thắp sáng đêm đen.
    Tình hình hiện nay ở Việt Nam chỉ còn trông chờ vào những người trong hệ thống nhà nước CS đã, đang ly khai, mạnh dạn đứng ra thành lập một tổ chức chính trị ,tập hợp mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ đổi mởi,dân chủ hóa đất nước . Tổ chức chính trị này có mục đích hoạt động rõ ràng ,dưới sự lảnh đạo của những người ưu tú ,lâu nay đã có tiếng nói phản biện ôn hòa với nhà cầm quyền đảng CS. Từ đó phát động đấu tranh không ngừng đòi nhà cầm quyền tiến hành cải cách ,bỏ độc quyền cai trị , thiết lập cơ chế dân chủ trong việc bầu ra các thiết chế nhà nước qua lá phiếu của người dân,trong đó bao gồm quốc hội .Viết lại hiến pháp và hệ thống pháp luật theo hướng bảo vệ quyền sống quyền tự do,bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc của công dân. Đó cả là một quá trình làm quen và phấn đấu lâu dài của dân tộc…nhằm thoát ra khỏi đêm trường nô lệ kiểu trung cổ của thể chế độc tài .

  3. Qua 2 bài liên tiếp thì tác giả hinh như “suy bụng ta ra bụng người”
    hơi nhiều rồi dễ dãi buông lời mạt sát qúa đáng !
    Ai ngu mới tin vào miệng lưỡi của người nước ngoài,đến như Trump
    lại càng không nhưng chúng ta thích những kẻ đối đầu vời kẻ thù
    truyển kiếp là giặc Tàu cộng.Thế thôi,đừng suy diễn qúa đáng rồi lên
    giọng dạy đời một cách “việt vị” hay “trật đường rầy” như thế !
    Cám ơn.

    • “…nhưng chúng ta thích những kẻ đối đầu vời kẻ thù
      truyển kiếp là giặc Tàu cộng.Thế thôi..” (trích Khách Quan)

      Thiệt hông đó? Thực tế cho thấy, khi vợ chống Clinton đến VN, được tiếp đón trọng thị hơn hẳn các nguyên thủ quốc gia khác. Clinton có (ra mặt) đối đấu với “kẻ thù truyền kiếp” của VN không? Dĩ nhiên là không.
      Nực cười hơn nữa, hãy xem lại cảnh dân chúng từ bắc chí nam ào ra đường tiếp đón Obama, riêng tôi thấy thất vọng và ngao ngán làm sao!!! Obama có “đối đầu” không? Hỏi là đã tự trả lời.
      Đến tống thống Trump thì bớt nồng nhiệt hơn hai ông kia, nhưng cũng cho là “có còn hơn không”.
      Vậy phải chăng những người cuồng (tổng thống) Mỹ kia đã hồ hởi phấn khởi xuống đường với chỉ một trong hai mục đích:
      1/ Ước mơ được đến Mỹ, sống cuộc sống Mỹ?
      2/ Mong VN trở thành đối tác làm ăn của Mỹ?
      Hay một cái gì đó xa xôi mơ hồ hơn mà ông Mai V Phạm đang cố nhồi nhét ở trong bài này?

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây