Con nợ của luật pháp

Hoàng Tự Minh

4-11-2018

Chiều 30-10-2018 Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam không công nhận đứa con mình đẻ ra, luật Ngân Hàng 2010, Quốc Hội khóa 12 thông qua ngày 16-6-2010, chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã ký. Căn cứ luật này TT Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành nghị định 96- 17/10/2014 nhằm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, gửi đi khắp các cơ quan đoàn thể, có cả ban bí thư Trung ương đảng, đương nhiên có Văn phòng Quốc Hội. 

Câu chuyện cũ liên quan đến anh Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ vi phạm luật, bị phạt 90 triệu đồng, (tương đương buôn lậu 500 bao thuốc lá) tội đổi 100 Mỹ kim ở tiệm vàng lấy VNĐ, tiệm vàng cũng vi phạm vì mua không phép.

Hai bên đều bị phạt gần kịch khung, không ai chống đối người thi hành công vụ, đồng ý mức phạt, sau đó nhà cầm luật cho tái hiện màn Cải Cách Ruộng Đất giữa ban ngày, khám xét tịch thu tài sản của chủ tiệm ở nơi không phải hiện trường vi phạm.

Chiều ấy, tại nghị trường, bà Ngân phán sự thi hành cái luật ấy (đã áp dụng cho anh Nguyễn Cà Rê và chủ tiệm) là sai, sai thì phải sửa cho dân nhờ. Coi như anh Cà Rê và chủ tiệm bị phạt oan và cũng coi như tài sản tịch bị thu là tài sản bị cướp.

Cả nghị trường không ai biết, để sinh ra các đạo luật này đã tốn biết bao tiền tài vật lực đóng góp của dân cho mỗi cái luật mẹ được tròn con thì vuông, các ông bà nghị vất vả lặn lội đi họp, nghiên cứu bàn thảo, lý luận mãi mới bấm đươc cái nút thông qua rất là hiện đại 4.0, để đến bây giờ các ông bà không biết nó bị lỗi ở chỗ nào.

Ông Tô Lâm bào chữa trong nghị sự chất vấn (không hiệu lực trước chủ tọa), với lý sự dân sai, ta đúng vì ta bắt quả tang, áp mức phạt, đương sự thi hành không phản đối, (liên tưởng đến cảnh tài xế automatic xuống xe đóng tiền hụi chết cho CSGT Bộ CA), ông phản biện, không cần nhìn nghị trường, chỉ nhìn tài liệu. Đấy mới đúng là tác phong của kẻ chỉ quen đi trấn áp.

Luật lệ nước CHXHCN Việt Nam được ban hành đúng quy trình: thiết kế, chế tạo, chạy thử và xuất xưởng. Những chiếc xe xuất xưởng từ nơi đây mười năm vẫn chạy tốt cho đến khi phát hiện lỗi, vẫn cứ chạy tiếp. Nhưng có những dòng xe không cần chạy thử, cứ xuất xưởng chạy hoài, có những dòng xe thông dụng mà không bao giờ cho xuất xưởng.

Có bao nhiêu người như tôi, không chịu khó nghiền ngẫm luật CHXHCN Việt Nam, tự an ủi nếu sành thì đã là luật sư. Gặp CSGT làm khó trên đường thì móc ví nhanh nhanh, không biên bản để thoát thân, quy đổi ra thời giờ vàng ngọc vẫn còn rẻ, vì người ta thi hành công vụ với mục đích kiếm tiền. Vào cổng quyền, cổng học, cổng bệnh, mưu sinh, kiếm việc cũng đều phải móc tiền mà không cần luật. Cây gậy thi hành công vụ của pháp luật là đưa luật cơ bắp ra để lòe, là một thứ người máy được lập trình có kịch bản. Cũng là luật ấy nhưng có thể không áp dụng cho quan chức.

Một người tâm thần có hành vi lấy cắp hàng hóa tại siêu thị, chẳng hạn, được cho qua, vậy người không biết chữ vi phạm pháp luật xử sao đây?

Đứng về phía nhà cầm quyền có cách gì cho dân tiếp cận với luật hay để dân càng ngu càng có lợi (Tôi nói đây chỉ áp dụng cho các nhà nước độc tài). Sau này, dân Việt Nam khiếp vía vì đạo luật A NỜ MỜ 2019, sợ tù tội không dám vọc internet, tiền đâu mà mua từng ấy rừng sách luật cả tỷ trang về đọc?

Nghĩ về bản thân tôi có hàng chục lần đi đổi Mỹ kim ra tiền VNĐ để xài (đổi tự do ở ngoải chứ không dám vào ngân hàng máy lạnh, thủ tục vô cùng cẩn mật và mất quá nhiều thời gian, ký biên lai nọ kia…). Tôi may mắn hơn anh Cà Rê vì chưa bị tóm, nếu bị tóm thì không oan ức gì, dù sao tôi cũng quá trình độ lớp 3 để biết đọc và hiểu luật, trong khi đó, anh Cà Rê mù chữ, lỗi hoàn cảnh hay xã hội, cái này dành cho các nguyên thủ khả kính.

Anh Rê có thể không hiểu 100 đô la sau khi đổi, đi chợ, chính là một phần đóng góp GDP cho xã hội (ông Thủ tướng Phúc hay đọc rất chuẩn là Ri Đi Bi chứ không phải là Gờ Dờ Phờ, còn khi ông đọc CLMV là Cờ Lờ Mờ Vờ hoặc “made in VN” là “ma dê in VN”), thì có khả năng ông mù tiếng Anh giống như trường hợp anh Cà Rê mù tiếng Việt.

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được bên lâp pháp là Quốc hội xác định bị lỗi nơi đã sinh ra nó. Bên hành pháp, người đứng đầu là Bộ Công an khẳng định không sai.

Chiếc xe đó đã xuất xưởng, mọi người trở nên mơ hồ về lai lịch của nó. Đó là thực trạng của luật pháp CHXHCN Việt Nam.

Có quá nhiều điều luật đã xuất xưởng và sắp xuất xưởng, trừu tượng và mơ hồ hơn kiểu luật đã đơm anh Rê và chủ tiệm vàng, đủ đưa một con người lương thiện thành người tù lương tâm. Còn bao điều bất công trong khu rừng pháp luật, không phải, hơn cả vạn lần bất công và phi lý.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây