Rớt lớp tốt nghiệp THPT thì có sao?

Lò Văn Củi

Ông Hai Xích Lô hỏi:

– Ông Thầy nè, tui có đứa cháu siêng học lắm, nhưng khổ, sức học chỉ trung bình, lo nó rớt lớp 12 quá, giờ cần phải làm gì hả ông Thầy?

Ông Thầy giáo trả lời:

– Vậy thì không lo đâu, bởi nó chịu khó, nên kèm thêm, với lại sức học trung bình thì dư sức đậu, chỉ sợ đã yếu mà còn làm biếng thôi.

Ông Hai yên tâm. Anh Bảy Cà khịa e hèm:

– Rớt lớp 12 thì có sao đâu mà sợ ông Hai. Rớt 12 sẽ làm… thẩm phán mà thôi. Nói có sách mách có chứng đây nghen.

Bà Nguyễn Thị Nga thi rớt cái đụi kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 tại Hội đồng thi trường PTTH Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ, nay là tỉnh Thái Nguyên. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã xác định rõ như vầy: “Kỳ thi tốt nghiệp PTTH diễn ra ngày 3/6/1994, thí sinh Nguyễn Thị Nga (học sinh Trường PTTH Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ) đạt 6 điểm môn Văn, 2 điểm môn Hoá học, 4 điểm môn Toán học và 5,5 điểm môn Nga văn. Tổng điểm thi của thí sinh Nguyễn Thị Nga là 17,5 điểm. Với kết quả thi như vậy, thí sinh Nga không thể được cấp Bằng tốt nghiệp PTTH”.

Tuy vậy, bà vẫn dự thi tuyển sinh và trúng tuyển vào khóa 19 hệ Đại học chính quy của Trường ĐH Luật Hà Nội. Ngày 2/4/1999 bà ta được Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cấp bằng Cử nhân Luật chính quy, ngành Tư pháp, hạng tốt nghiệp Trung bình, số hiệu bằng B36704, số vào sổ 203K19. Rồi sau đó bà ta leo lên được thẩm phán.

Bằng tốt nghiệp cử nhân luật của bà Nguyễn Thị Nga. Ảnh: DT

Bà con cô bác người híc hà, người chặc lưỡi, người lắc đầu. Anh Sáu Nhặt hỏi:

– Nhưng nghe đâu bà ta đã bị thu lại bằng rồi phải hông?

Anh Năm Ba gác gật đầu:

– Ừ, bị phát giác sử dụng bằng cấp 3 giả, có lẽ là đấu đá chơi nhau mà thôi. Rồi Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội đã ký quyết định thu hồi và Chủ tịch nước cách chức thẩm phán với Quyết định số 2296/QĐ-CTN ngày 9/11/2017. Nhưng lại có chuyện oái oăm xảy ra nữa.

Bà Nga đã tham dự kỳ thi Trung học Phổ thông… năm 2018 tại tỉnh Thái Nguyên và được cấp bằng tốt nghiệp ngày 10/9/2018. Bà ta liền có đơn gửi tòa án đề nghị công nhận bằng tốt nghiệp Trường ĐH Luật Hà Nội. Vậy mà Tòa án cũng có văn bản chuyển đơn tới Trường ĐH Luật Hà Nội yêu cầu có trả lời chính xác nhất.

Chú Tám thinh lắc đầu:

– Không thể trơ trẽn hơn nữa. Lý ra vụ này phải đề nghị điều tra, có thể truy tố, xử lý hình sự. Bởi có luật đàng hoàng đây, Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm…

Ông Thầy giáo cũng lắc đầu:

– Không trơ trẽn đâu có làm cán bộ nhà nước, càng trơ trẽn càng leo cao. Rồi cũng chẳng có điều tra điều triết gì đâu. Điều ra lòi ra một nùi hết sao. Từ cán bộ nhỏ cho tới cán bộ cấp cao, cán bộ được gọi là “tứ trụ triều đình” luôn đó chứ chẳng phải chơi. À, mà bây giờ hết “tứ trụ” rồi chỉ còn giống dân giang hồ “dân chơi cầu ba cẳng”, “gà” đã hợp nhứt rồi.

Bà con cô bác cười haha. Anh Bảy gật gật đầu:

– Ngay chóc luôn á. Như chuyện người ta truyền miệng, một trong “tứ trụ” một thuở là ông Đỗ Mười vửa ngủm cũ tỏi, nói với tay bảo vệ rằng: “Tao có đi học đâu mà có bạn học”. Không tốt nghiệp nổi lớp 12 nhưng vẫn làm thẩm phán, khỏi đi học làm Thủ tướng, làm Tổng bí thơ.

Bà con tiếp tục cười rần rần. Nhưng ông Thầy chốt lại câu này thì cám cảnh:

– Bởi vậy đất nước mới điêu linh điêu tàn, dân chúng ngày càng mạt rệp!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Điều tôi thấy “bất công” là bài viêt nào của ông Lò Văn Củi cũng vừa dí dỏm vừa thâm thúy nhưng sao ít comment,nên tôi xin cầu chúc ông kiên nhẫn viết với giọng văn trào phúng như vậy để giúp người đọc có
    thể giảm được căng thẳng vì thế nước lòng dân đang ở thời điểm có nguy cơ tan rã !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây