“Cách mạng 4.0“ (Phần 2): Chủ nghĩa tư bản số – Digital Capitalism

FB Nguyễn Thọ

14-10-2018

Tiếp theo Phần 1

Trong bài trước tôi hệ thống hóa các cuộc “Cách mạng kỹ thuật” CMKT dựa trên tiêu chí: Chỉ coi những phát minh kỹ thuật nào là “cách mạng“, nếu như nó gắn với các biến cố xã hội. Nhiều người khác hệ thống hóa các cuộc CMKT theo tiêu chí khác. Do vậy có nhiều cách nhìn khác nhau. Ví dụ có người coi việc tìm ra đồng từ thời tiền cổ là CMKT lần thứ nhất, máy hơi nước là lần thứ hai và máy tính là 3, Internet là CMKT lần thứ 4. Có bạn lại coi công nghệ Nano, trí tuệ nhân tạo AI, hay logistic là CMKT 4, hoặc dẫn giải ý kiến Gartner để khẳng định Cách mạng 4.0. Cả Gartner, các bạn và cả tôi đều có thể sai, vì đó là cách nhìn.

Điểm tranh cãi nhất, dễ nhầm lẫn nhất là khái niệm “CMKT lần thứ 4” và “Cách mạng 4.0” hay “Công nghiệp 4.0”.

Khi tôi đến Đức 1991, đi dự hội thảo đã nghe nói về cuộc CMKT lần thứ 4. Cuộc cách mạng thông tin này xảy ra đúng lúc chiến tranh lạnh chấm dứt đã tạo ra toàn cầu hóa. Tức là Kỹ thuật và Xã hội cùng chuyển, cái này tác động tương hỗ cái kia. Hôm nay thế giới đã toàn cầu hóa như chúng ta chứng kiến.

Còn cái gọi là “Công nghiệp 4.0” hay “Cách mạng 4.0” mới chỉ được nói đến trong 2-3 năm gần đây, là một hệ quả của “Toàn cầu hóa”, chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến “Toàn cầu hóa”. Vì thế nên tôi cho là không hợp với từ “Cách mạng”, mà chỉ nên dùng từ “Công nghiêp 4.0”.

Rõ ràng, cuộc CMKT lần thứ 4 dẫn đến “Toàn cầu hóa” và sau đó hơn 20 năm, “Toàn cầu hóa” đã cho phép ra đời “Công nghiệp 4.0”.

Toàn cầu hóa không chỉ giúp công nghiệp hóa các nước đang phát triển, mà đã dịch chuyển các nước công nghiệp phát triển sang hậu công nghiệp. Tức là CMKT 4 đã tạo ra Chủ nghĩa Tư bản số – Digital Capitalism, tôi viết tắt là TBS. Mục tiêu của TBS không còn là sản xuất và kinh doanh hàng hóa, mà là tổ chức và nắm giữ kiến thức, thông tin. Trong chế độ TBS, thuật toán (Algorithm) là máy công cụ quan trọng nhất, dữ liệu (Data) là nguyên liệu sống còn và thông tin (Information) trở thành hàng hóa cao cấp.

Chủ nghĩa Tư bản số không khai thác trực tiếp sức lao động của người thợ để tạo ra của cải. Thay vào đó người sử dụng (User) lại nuôi sống Tư bản số mỗi khi vào mạng. Càng nhiều user, nhà mạng càng giàu. Giàu vì sở hữu mọi số liệu của người dùng, từ thói quen, sở thích, sức mua,….đến cỡ giày thể thao. Thậm chí có bao nhiêu bồ nhí, cô nào thích L’Oreal, cô nào thích Channel? Ngay cả mấy đứa cháu ngoại vẫn hay khoe trên mạng, đứa nào thích đồ chơi gì, nhà mạng cũng biết. Những bí mật vô giá này được sử dụng cho quảng cáo của chính hãng, hoặc bán cho các nhà sản xuất khác dưới dạng thống kê. Chỉ qua vài cái likes, bạn đã tiết lộ là người thiên tả, người mê Trump, hoặc cuồng Putin. Đối với các ban vận động bầu cử, những dữ liệu này trị giá bạc tỷ. Đó chính là sự vận hành tự động của cái gọi là User Generated Capitalism (Người sử dụng nuôi tư bản).

Tiền vào như nước, lại không tốn kém cho những đầu tư khổng lồ về nhà máy, kho tàng, không bị giai cấp công nhân đình công…, Tư bản số phát triển rất nhanh. Những gì Facebook, Google, Amazon tích lũy trong vòng 20 năm đã vượt xa gia tài mà Ford, General Motors, GE… hao tâm tốn lực hơn môt trăm năm.

Chàng thanh niên 27 tuổi Brian Chesky, khi thành lập công ty Airbnb vào năm 2007 (1), chỉ cần một website kết nối những người có phòng trống với những „Tây Ba-lô” ít tiền, nhưng thích đi du lịch. Ngày nay Airbnb đã là một công ty dich vụ khách sạn lớn nhất thế giới và tài sản riêng của Chesky là 3,8 tỷ USD. Chesky và đồng nghiệp không tốn một xu nào cho địa ốc, chỉ dùng thuật toán để tạo ra cổng thông tin, sử dụng số liệu của hàng chục triệu người có nhà cũng như người cần chiếu manh rồi bán cho nhau, ở giữa thu lợi. Uber hay Grab cũng chỉ là các công ty Tư bản số với phương thức kinh doanh số liệu và thông tin. Tiền vào như nước mà tiền ra thì “khóa vòi“.

Cũng chính vì vậy mà TBS có thể làm một lúc chức năng của hai loại tư bản truyền thống: Tư bản công nghiệp và Tư bản tài chính. Các tập đoàn công nghiệp Ford, General Motors hay GE dù mạnh đến mấy, cũng luôn khát vốn, làm gì cũng phải vay của các tập đoàn tài chính như JP Morgan hay Bank of America. Ngày nay các tập đoàn công nghệ IT cũng chính là nhà tài phiệt khổng lồ. Chỉ riêng Apple đã có khoảng 180 tỷ USD cho vay năm 2017 (2). Ít ai tin được điều đó. Nhưng thực tế là Apple đã xây dưng một trung tâm tài chính ở Nevada.

Cái vòng xoáy tích tụ đó quay một cách chóng mặt. Chỉ trong vòng 10 tháng đầu của năm 2017, giá trị cổ phiếu của 5 tập đoàn TBS: Apple, Microsoft, Google, Amazon và Facebook đã tăng thêm 950 tỷ US-Dollar. Có nghĩa là chỉ trong mười tháng 5 tập đoàn này đã giàu lên hơn gần 1000 tỷ, vượt qua GDP cả năm 2017 của ba nước Na-Uy, Phần Lan và Đan Mạch cộng lại.

Tôi nêu các ví dụ trên để chúng ta nhìn ra vấn đề: TBS đang dần ngự trị thế giới. Đã là tư bản thì mục tiêu tối thượng là làm giàu. Kể cả ý tưởng phủ sóng internet toàn cầu của Google và Elon Musk cũng không phải vì tự do thông tin, hay giải phóng nhân loại mà vì lợi nhuận. Đã vì lợi nhuận thì họ chỉ hành động theo tính toán. Tùy theo tình hình của thị trường mà họ sẽ tính xem nên chiều ai, nên bỏ qua ai. Họ biết: Thông tin đang là mặt hàng đắt nhất, ai cũng phải xài.

Tái bút: Tôi không phải là học giả, chỉ viết những điều tôi hay nghĩ vẩn vơ để mọi người tranh luận cho vui. Tôi có thể sai và tôi luôn cảm ơn những ai đóng góp ý kiến.Tôi đã học được của rất nhiều còm viên. Nhưng tôi không ưa các kiểu chụp mũ và thóa mạ nhau là ngu, dốt hay “bại não“, cần “thông não“ v.v. Mong các bạn tử tế với nhau.

(Còn tiếp)

_____

(1)https://en.wikipedia.org/wiki/Brian_Chesky

(2) https://www.blaetter.de/archiv/jahrgaenge/2018/januar/silicon-valley-oder-die-zukunft-des-digitalen-kapitalismus

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “TTBS đang dần ngự trị thế giới. Đã là tư bản thì mục tiêu tối thượng là làm giàu. Kể cả ý tưởng phủ sóng internet toàn cầu của Google và Elon Musk cũng không phải vì tự do thông tin, hay giải phóng nhân loại mà vì lợi nhuận. Đã vì lợi nhuận thì họ chỉ hành động theo tính toán. Tùy theo tình hình của thị trường mà họ sẽ tính xem nên chiều ai, nên bỏ qua ai. Họ biết: Thông tin đang là mặt hàng đắt nhất, ai cũng phải xài”.

    Tác gỉả bài này vẫn còn định nghĩa “tư bản” theo đúng định kiến của K. Marx!
    Tôi tin, Bill Gates, Elon Musk là những người không chỉ vì lợi nhuận, mà họ còn có mơ ước vì một thế giới tốt đẹp hơn, họ có lý tưởng thật sư, hơn hẳn “lý tưởng XHCN” đầu lưỡi của lũ “tư bản đỏ” mọi rợ ở TQ,VN. Mặt khác, tài sản của các tập đoàn ấy là “cổ phiếu”, nó nằm trong tay khong chỉ “tư bản”, mà nằm trong tay cả dân lao động. Khác lũ “tư bản” ở VN, TQ là “tư bản thân hữu”, dựa vào lũ “cầm quyền” mà kiếm lợi nhuận, tư do bóc lột người lao động cho nên quyết không cho họ có công đoàn độc lập.
    – Các tập đoàn “tư bản số” mà tác giả đưa ra làm ví dụ, là hoàn toàn của Mỹ, còn các nước khác không có “tư bản số”, cho nên có lẽ … phải phụ thuộc vào Mỹ, mới có “CN CM 4.0”???

    (Ở CHLB Đức, dù không có tập đoàn “tư bản số” nào, nhưng họ có chiến lược “kỹ thuất số hóa” toàn bộ nền sản xuất – và người ta gọi đó là “Công nghiệp 4.0”, dựa trên Chương trình nghiên cứu liên ngành Kinh tế-Công nghiệp của Chính phủ Liên bang.
    Mục tiêu của “CN 4.0” là nền Sản xuất công nghiệp được gắn kết với kỹ thuật truyền thông, dựa trên hệ thống nối mạng kỹ thuật số – để được hoàn toàn tự động hóa, tối ưu hóa tất cả các khâu, từ tổ chức, kết nối con người, máy móc, thiết bị, hậu cần, sản xuất.
    Hệ thống nối mạng liên kết tất cả các khâu sinh ra một sản phẩm: Từ ý đồ tạo ra sản phẩm, nghiên cứu, sản xuất, sử dụng, bảo dưỡng, cho đến tái chế sản phẩm).

Leave a Reply to Trần Nga Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây