Tính đạo đức của sản phẩm và ông thứ trưởng

13-10-2018

Nguyễn Phương Hoa

Ngày 10.10.2018, tại một phiên điều trần của Nghị viện Liên minh Châu Âu (EU) liên quan đến việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh đã nói, nhiệm vụ của ông là thương thảo về thương mại, nên nhân quyền là một vấn đề nằm ngoài chuyên môn của ông.  Điều này có đúng hay không?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. Ảnh: Internet

Còn nhớ, khoảng năm 2005 – 2006, khi còn làm chủ một doanh nghiệp ở Huế, tôi đã được tham gia một khóa tập huấn về tiếp cận thị trường châu Âu do một tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc EU sang dạy. Tại khóa học này, lần đầu tiên tôi được nghe đến cụm từ “tính đạo đức của sản phẩm và việc làm tử tế”. Những giảng viên người châu Âu trong khóa học đó đã nhắc đi nhắc lại cụm từ này và họ giải thích rất rõ ràng về ý nghĩa của nó.

Một sản phẩm mang tính đạo đức là một sản phẩm dựa trên sự nâng đỡ đối với các nhóm yếu thế, các nhóm bị lề hóa, các nhóm dễ bị tổn thương, nhằm nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần cho họ. Giúp họ đủ tự tin để gia nhập đời sống xã hội một cách bình đẳng như những nhóm khác. Việc làm tử tế là một công việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động, bao gồm cả môi trường làm việc, đối xử và thu nhập.

Những cụm từ này có lẽ xa lạ với nhiều người Việt Nam, vì vậy cần giải thích thêm đôi chút. Các nhóm yếu thế là những nhóm bị tụt hậu, bị mất bình đẳng so với các nhóm khác trong cùng một môi trường xã hội. Chẳng hạn, những lao động xuất khẩu đi sang một đất nước khác, họ không thông thạo ngôn ngữ, tập quán, văn hóa … họ khó có thể có được sự bình đẳng với người dân địa phương.

Các nhóm bị lề hóa là các nhóm do một điều kiện, một tác động nào đó mà họ bị đẩy ra khỏi lề xã hội, chịu đựng những bất công và thiệt thòi. Ví dụ điển hình là dân oan, họ vốn có cuộc sống bình thường như bao người khác, nhưng những cuộc cướp đất, phá nhà đã đẩy họ vào cảnh màn trời chiếu đất, con cái họ bị thất học, công ăn việc làm bị cướp mất, cay đắng nhọc nhằn vô cùng. Nghèo đói cũng là một nguyên nhân làm cho các nhóm bị yếu thế và lề hóa.

Nền tảng của dân chủ là dựa trên sự công bằng, bình đẳng về quyền giữa tất cả các nhóm, tất cả mọi người. Điều này được bảo đảm khi quyền con người được bảo đảm. Vì vậy mà Phương Tây luôn đề cao vấn đề nhân quyền, và tất nhiên nhân quyền không thể tách rời khỏi thương mại.

Những người yếu thế, những người bị lề hóa luôn là những người dễ bị xâm hại về quyền. Các doanh nghiệp và các chính phủ vô đạo đức luôn chà đạp lên quyền của người dân để kiếm lợi, để tạo ra những sản phẩm giá rẻ nhằm giành ưu thế cạnh tranh. Họ chỉ biết đến lợi nhuận mà không đếm xỉa đến tính mạng và số phận con người.

Trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định EVFTA, châu Âu yêu cầu Việt Nam phải ký ba Công ước về người lao động trước khi ký Hiệp định thương mại. Ba Công ước này là: Công ước về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, năm 1949 (Công ước số 98); Công ước về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức, năm 1957 (Công ước số 105) và Công ước về Quyền tự do hiệp hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức, năm 1948 (Công ước số 87).

Những Công ước này sau khi được phê chuẩn và có sự giám sát thực thi sẽ giúp bảo vệ người lao động, không để họ bị đẩy vào tình thế khốn cùng và chịu đựng đủ thứ bất công. Họ được quyền thành lập các Nghiệp đoàn độc lập, những tổ chức không chịu sự chi phối của Chính phủ và giới chủ, thực sự hành động vì quyền của người lao động chứ không phải theo mệnh lệnh của một ai đó. Khi được tập hợp lại cùng nhau, sức mạnh của họ sẽ được nâng lên đủ để làm đối trọng với giới chủ. Các Hiệp hội tự do sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật để tự bảo vệ mình trước những bất công.

Ông Trần Quốc Khánh là một Thứ trưởng phụ trách về thương mại. Chắc chắn ông đã được học về kinh tế học, về chức năng của nhà nước và phải hiểu rõ những khái niệm này. Vậy tại sao ông có thể “ngây thơ” mà nói rằng thương mại và nhân quyền không liên quan đến nhau. Nếu quả thực ông ngây thơ đến như vậy thì ông đang làm gì tại Bộ Công Thương và làm sao ông có thể đại diện cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình đàm phán thương thảo.

Ai đã đặt ông vào nhầm chỗ, hay ông chỉ đang cố lấp liếm cho quan thầy của ông về những sai phạm lồ lộ mà ai cũng biết.

Tài liệu tham khảo

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/concerns-over-evfta-signing-08022018100655.html

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/public-hearing-evfta-in-european-parliament-10122018121459.html

https://www.luatkhoa.org/2018/10/dai-su-vn-tai-eu-tinh-hinh-nhan-quyen-vn-khong-hoan-hao-nhung-cung-khong-tram-trong/

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ngược lại, cần phải cảm ơn ông Khánh, vì ông đã thể hiện đúng bản chất của cộng sản. Hy vọng Cộng đồng châu Âu không ký hiệp định này.

  2. – Dù “Nhân quyền” chỉ là cái bánh vẽ trong Hiến Pháp của VN, nhưng tại Brussels, Trần Quốc Khách đã cố tình làm ngơ, không dựa vào đó để tuyên truyền cho ĐCSVN.
    Trần Quốc Khánh đã cố ý lợi dụng chức quyền để làm mất uy tín của Nhà nước CH XHCN VN, để lộ cho các thế lực thù địch Phương Tây biết, các lãnh đạo của Nhà nước VN là những kẻ vô đạo đức, coi khinh nhân quyền, và ngu dốt như thế nào.
    Nhân dân VN rất bức xúc vì câu trả lời của thứ trưởng Khánh.
    Kính đề nghị Tổng-Chủ (nhất thể) Nguyễn Phú Trọng có hình thức kỷ luật nghiêm khắc tên Khánh!

Leave a Reply to Nặc danh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây