Tổng thống Trump đang giúp Bắc Kinh thắng ở Biển Đông như thế nào?

Washington Post

Tác giả: Robert Kaplan

Dịch giả: Song Phan

9-10-2018

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc (Trung Quốc) đã chống phá Hoa Kỳ ở biển Đông – ngoại trừ cho tới khi tiến trình này diễn ra thật rõ thì Washington mới nhận thấy. Cách Trung Quốc đánh phá – dựa theo binh pháp của Tôn Tử, triết gia thời xưa – là bất chiến tự nhiên thành (không đánh mà thắng). Do đó Trung Quốc đã tiến hành với các bước đi thật nhỏ: bồi đắp đảo ở chỗ này, xây đường băng ở chỗ kia, lắp đặt pháo tên lửa ở chỗ khác, triển khai giàn khoan thăm dò dầu tạm thời ở vùng biển tranh chấp, lập khu cai quản v.v… Mỗi bước được trù tính để chỉ tạo ra một sự kiện nhỏ mà không châm mồi cho một phản ứng quân sự từ phía bên kia, vì Trung Quốc biết rằng họ có thể còn cách cả một thế hệ mới đọ được với Hải quân và Không quân Hoa Kỳ về khả năng chiến đấu.

Chương mới nhất trong tiến trình này xảy ra hồi đầu tháng này, khi một tàu chiến Trung Quốc chạy tới chỉ cách tàu khu trục USS Decatur, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, trong vòng 45 yard ở vùng biển lân cận đá Gaven.

Trung Quốc không phải là một nước xoàng và khi so với các mục tiêu chính trị địa chính trị của họ thì các chính sách của họ đều hoàn toàn có ý đồ. Cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với biển Đông khá giống với cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với vùng biển Caribbean trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi tìm cách thiết lập sự thống trị chiến lược trên vùng biển liền kề mình. Sự thống trị vùng Caribbean đã giúp Hoa Kỳ kiểm soát hiệu quả bán cầu Tây, cho phép nó tạo ảnh hưởng trọng yếu đến sự cân bằng quyền lực ở bán cầu Đông trong suốt thế kỷ 20. Đối với Trung Quốc, việc họ thống trị biển Đông trong thế kỷ 21 sẽ có tác dụng không kém hơn thế.

Việc kiểm soát hiệu quả biển Đông sẽ cho Trung Quốc khả năng tiếp cận tự do với Thái Bình Dương rộng lớn hơn, cho phép Trung Quốc tiếp tục làm Đài Loan – ranh giới phía bắc của biển Đông – suy yếu và, quan trọng nhất, biến Trung Quốc thành một cường quốc hải quân hai đại dương. Quả vậy, biển Đông là cửa ngõ vào Ấn Độ Dương – khu vực biển quan trọng nhất của thế kỷ 21, nó vận hành như là hải lộ năng lượng toàn cầu xuyên quốc gia nối các mỏ dầu khí ở Trung Đông với các khu đô thị trung lưu ở Đông Á. Các hành động quân sự của Trung Quốc ở biển Đông không tách rời với hành động xây dựng đế chế thương mại của họ trên khắp Ấn Độ Dương cho đến kênh đào Suez và vùng Đông Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Trung Quốc, Hoa Kỳ là nước bá quyền hung hăng. Xét cho cùng, Hải quân Hoa Kỳ đưa các tàu chiến từ Bắc Mỹ đến biển Đông xa xôi, mà theo điểm quy chiếu địa lý của Trung Quốc, vốn là vùng biển nhà của họ – giống y như biển Caribbean đối với người Mỹ. Thực tế là Tuần duyên Hoa Kỳ cho tàu bâu vào nhau bên trong và xung quanh vùng Caribbean cho thấy, theo một cảm giác tâm lý rất thật là Hoa Kỳ có quyền sở hữu vùng biển này như thế nào. Tin tưởng giống như vậy, Trung Quốc cũng có tàu cảnh sát biển, cũng như đội tàu đánh cá ở khu vực biển Đông.

Hoa Kỳ phải đối mặt với một thực tế quan trọng: Tây Thái Bình Dương không còn là một cái hồ của riêng hải quân Mỹ như trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến II. Việc Trung Quốc trở lại vị thế một cường quốc lớn chắc chắn tạo ra một tình huống đa cực phức tạp hơn. Hoa Kỳ phải ít nhất dành ra một khoảng trống nào đó cho không quân và hải quân Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Khoảng trống bao lớn là câu hỏi cốt lõi.

Hãy nhớ rằng các đồng minh chính của Hoa Kỳ giáp biển Đông – Việt Nam và Philippines – không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải cầu thân với một Trung Quốc lớn hơn, chi phối về kinh tế và ở gần hơn nhiều. Họ muốn Hoa Kỳ như một đối trọng với Trung Quốc, chứ không phải là một kẻ thù địch thẳng đuột của Trung Quốc. Họ biết rằng Hoa Kỳ có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở châu Á chủ yếu là do chọn làm như thế – làm cho chính sách của họ không chắc chắn – trong khi Trung Quốc là nguyên tắc tổ chức trung tâm của khu vực.

Tổng thống Trump đã truyền đạt sự không chắc chắn vào óc của các đồng minh châu Á của chúng ta nhiều hơn bất kỳ lãnh đạo Mỹ hiện đại nào trước đây. Điều này có thể buộc họ phải ký kết những thoả thuận không chính thức riêng với Trung Quốc. Một quá trình như vậy sẽ núp lén, hiếm khi được chấp nhận và hầu như không bao giờ xuất hiện trên các trang đầu của báo chí. Tuy nhiên, một ngày nào đó khi thức dậy chúng ta sẽ nhận ra rằng châu Á đã thay đổi không thể đảo ngược lại được.

Thật vậy, chiến lược an ninh của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis ở biển Đông đang bị chính sách thương mại của Trump phá hoại. Đừng bao giờ tin rằng Hoa Kỳ có thể sử dụng thương mại như một đòn bẫy chống lại Trung Quốc ở biển Đông, nơi mà Bắc Kinh có một chiến lược lớn dài hạn, rất có nền móng, trái ngược với ý tưởng bất chợt, ngoằn ngoèo của Trump.

Trừ khi Hoa Kỳ muốn xảy ra một cuộc chiến tranh bắn nhau ở biển Đông, biện pháp phòng thủ duy nhất chống lại chính sách xâm lấn dần của Trung Quốc là một hệ thống thương mại tự do và việc xây dựng liên minh dân chủ của Mỹ khiến vị thế quân sự của Mỹ được củng cố và chống lại hệ thống đế quốc của Trung Quốc. Sức mạnh không chỉ là về quân sự và kinh tế, mà còn là về đạo đức nữa. Và với “đạo đức”, trong trường hợp này, tôi không có ý nói là nhân đạo hoặc đức hạnh. Tôi muốn nói một cái gì đó khó hơn: Lời nói nhất quán để các đồng minh có thể trông mong vào bạn. Chỉ với những nước ven biển như Việt Nam và Philippines – chưa nói tới Đài Loan và Hàn Quốc – nhìn nó theo sự quan tâm riêng của họ để giữ khoảng cách an toàn với Trung Quốc.

Tóm lại, có một mâu thuẫn trực tiếp giữa chủ nghĩa dân tộc kinh tế quyết đoán của Trump, với cam kết của chính quyền của ông trong việc bảo vệ biển Đông. Biển Đông không phải là vùng biển nhà của Hoa Kỳ; nó là vùng biển nhà của Trung Quốc. Địa lý vẫn còn dính dáng. Và vì Hoa Kỳ nằm rất xa, hy vọng duy nhất của nó là đưa ra một tầm nhìn khu vực nâng cao, làm nền tảng cho tầm nhìn quân sự của mình.

***

Kaplan là tác giả của “The Return of Marco Polo’s World: War, Strategy, and American Interests in the Twenty-first Century” (Thế giới của Marco Polo quay trở lại: Chiến tranh, Chiến lược và lợi ích của người Mỹ trong Thế kỷ 21). Ông là một thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ mới và là cố vấn cấp cao của nhóm Eurasia.

Bình Luận từ Facebook

12 BÌNH LUẬN

  1. Tks bác Batos Klassen đã không buông tha cho em. Hihi
    E không có tính ngồi há miệng chờ sung bác ạ. Trong hoàn cảnh cụ thể, riêng của em, em cũng cố làm vài cái việc mọn kiểu” ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mệt và nản nhưng vẫn cố.
    Phế cộng, Thoát trung là ước mong cháy bỏng của cả dân tộc. Cái nào xảy ra trước đều tốt cả.
    Nếu Trump vẫn quyết đoán, theo đến cùng thì Hán tặc biến động lớn, không chết thì cũng què. Cơ hội thoát trung lớn
    Nếu EVFTA chỉ được ký kết khi csvn buộc phải chấp nhận về nhân quyền, quyền ng lao động, môi trường và xhds trực tiếp giám sát như TS nguyễn Quang A yêu cầu thì đó là thắng lợi lớn của thế giới văn minh và xã hội dân sự trong nước.
    Cũng chỉ là “Nếu…” nhưng cho ta hy vọng. CÒN NẾU KHÔNG THÌ CÙNG TẮC BIẾN, BIẾN TẮC THÔNG. RẤT DỄ XẢY RA. Chúc bác vui khỏe.

  2. Bác Nghiemnv nói không sai. Đương nhiên cha đổ thì con cũng đổ theo…
    Có điều, sự cấp bách lắm khi không thể ngồi CHỜ được, mà phải hành động ngay! Tự do không ai cho không cả…Freedom is not free. Độc đảng nắm số phận VN thì người Việt phải chung tay lôi nó xuống, sao có thể chờ người ngoài xen vào chuyện nhà mình?

  3. Hehe, tks bác Batos Klassen,
    Cuộc chơi của dân Việt ta với cái đảng thổ tả này là cũ mèm rồi, mà dân ta chưa thoát để lập sân chơi mới cho dân tộc. Vậy làm thế nào để chấm hết cái cũ mêm khốn kiếp này để có sân chơi mới???! Tự chúng ta có làm nổi không??? Tôi tin chắc là không, vì từ khi có đảng csvn lãnh đạo toàn diện tới nay là hơn 70 năm có lẻ, dân ta vẫn cứ Ù lì như bày cừu vậy. Nhờ internet, nay một bộ phận nhỏ dân ta mới ngộ ra ( trong đó có tôi). Thế thì trông mong đến bao giờ vào sự phat triển của dân trí tới lúc đủ khôn để xóa bỏ đc điều 4. Cho nên tôi nghĩ yếu tố cần và đủ là khách quan thế giới văn minh phát triển và các đoàn hội dân sự trong nước đủ mạnh, đủ tầm. Tôi tin chắc Trung quốc sụp thì cái đảng tự nhận mình là đỉnh cao này tự nó cũng phải đổ, vì nó hoàn toàn lệ thuộc vào cai gọi là đảng anh em.

  4. Cám ơn dịch giả đã đăng bài gây chú ý đến nhiều bạn đọc cho bình luận!
    Tôi đọc cái tiêu đề ” Tổng thống Trump đang giúp Bắc Kinh thắng ở Biển Đông như thế nào?” và cái tóm lại “có một mâu thuẫn trực tiếp giữa chủ nghĩa dân tộc kinh tế quyết đoán của Trump, với cam kết của chính quyền của ông trong việc bảo vệ biển Đông”…là tôi ngứa cái cần cổ dễ sợ! Sao thế?

    Thứ nhất Kaplan đưa hình ảnh một vị tổng thống sặc mùi “đơn phương” quyết đoán với một quốc gia mà ai cũng biết đang lăm le thách thức trật tự thế giới- đó là Trung Cộng. Tức là nhắm vào một cá nhân chứ không fair định nghĩa đấy là một chính sách của lưỡng viện Quốc Hội.

    Thứ hai cái mà Kaplan gọi là “Chủ nghĩa dân tộc kinh tế quyết đoán” thật sự là cái gì? Nghe hãi quá. Mịa, nước nào cũng phải bảo hộ những quyền lợi của mình trong sân chơi chung của năm châu- khi tiến khi lùi để tránh bị thiệt thòi trong ngoại giao và kinh tế. Có nước nào không âm thầm bảo hộ, xin chỉ tôi xem?

    Thứ ba, trích câu “Hãy nhớ rằng các đồng minh chính của Hoa Kỳ giáp biển Đông – Việt Nam và Philippines – không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải cầu thân với một Trung Quốc lớn hơn, chi phối về kinh tế và ở gần hơn nhiều. Họ muốn Hoa Kỳ như một đối trọng với Trung Quốc, chứ không phải là một kẻ thù địch thẳng đuột của Trung Quốc.” SAI. Sai chỗ Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ vì VN theo đuổi cộng sản chủ nghĩa. Philipin có lựa chọn của Philipin. VN có lựa chọn của VN. Đi đêm hưởng lợi kinh tế”ké” rồi khi bị cắn lại đổ thừa tại Mỹ không bảo kê đến chốn? Này, quý vị có lựạ chọn không đấy?

    Đồng ý với nhận xét của bạn QX, thế giới đa cực đã đổi chiều…tập quán ăn ké thủ lợi đã không còn work out nữa. Bàn cờ cũ đã và đang được xóa đi -bày lại- và chạy đến phía trước. “Trump giúp Bắc Kinh thắng ở Biển Đông” sao?

    …Có thể lắm! Game gài qua ba đời tổng thống Hoa Kỳ để Tàu Cộng bước vào sân chợi WTO 2002. Ai phá luật chơi chúng ta đều rõ. “Làm ngơ” để cái bành trướng khó chịu nó lan tỏa đến các nước bé- bây giờ phải luống cuống cầu cứu, chẵng phải là cao thủ đó sao? Chính danh quá đi chứ…..

    Trông vào thằng anh nó sụp để thằng em nó đổ…cũng còn lâu. Chuyện VN khỏi bàn! Dân có đoàn kết một lòng lôi đảng chó ra khỏi Hiến Pháp điều 4 không, theo tôi đó mới là bày ra cuộc chơi mới!

  5. Biển Đông bị Tầu lũng đoạn từ lâu rồi, nếu đổ lỗi thì phải đổ cho các đời tổng thống trước Trump, sao lại đổ lỗi cho Trump trong khi ông ấy đang nỗ lực chống Tầu ở mọi phương diện, trong đó có biển Đông nữa?.Tay tác giả này cũng chỉ là thứ GS đểu mà thôi!

  6. Ngứa mồm với cái bọn hàng hai hàng ba khốn kiếp, nói tiếp
    Vinh quang chưa được tày gang, nay thằng Tập hoàng đế đang đau đầu, lúng túng chưa nghĩ ra binh pháp nào để đối phó, dù là trước mắt. Trump nó vừa đánh đau, nó vừa cấm ngọ nguậy, thế mới Nhục hoàng đế Tập chứ. Phen này không khéo thì bị các đối thủ nó hạ bệ. Nhìn xung quanh đâu đâu cũng thấy các thế lực thù địch đang rất gần: Đài loan bỏ cả mấy tỷ us mua sắm vũ khí, thằng Triều tiên thì đang gấp rút thống nhất với Nam hàn, Anh Nhật Úc thì đang lững thững vòng quanh biển đông với toàn thứ vũ khí khủng. Trump thì vừa mới quyết bỏ ra hơn 700 tỷ để nâng cấp, sắm mới thứ đồ chơi hạng nặng…có Đặng, Mao sống dạy cũng lắc đầu ngao ngán. Tứ bề thọ địch. Phải mau mau đưa thằng đệ ruột lên nhất thể hóa, để còn có 3 đặc khu làm phòng tuyến, để còn hợp tác khai thác biển đông có tí vốn đua với Trump, có cớ đưa tàu chiến hiện hũu bảo vệ giàn khoan. Biết trc đc điều này, Trump đang khóa thằng em thích đánh đu bằng cách đu dây với nó trong ngắn hạn. Vì khi thằng anh nó Sụm thì thằng em cũng ngoẻo theo

  7. Cũng chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả. Phân tích thế sự theo lối mòn, không mở to mắt ra xem cái gì đang diễn ra và tiếp đến. Nói cho đúng ra, Tàu khựa hung hăng và trở nên ngạo mạn là thời Obama làm tổng thống, chính sách vừa vuốt ve, vừa ẫm ờ với Tàu khựa và cả với cái đảng thổ tả csvn. Thời Trump cùng với nhóm ê kip của mình rất cứng rắn, quyết đoán, mạnh mẽ đã chỉ ra nhũng cái lỗi thời phải xóa bỏ đi, tiến tới sự rõ ràng, sòng phẳng và trách nhiệm. Các nước muốn hợp tác, buôn bán phải rõ ràng, sòng phẳng, các đồng minh phải nâng cao trách nhiệm cùng với Mỹ ( đừng bắt Mỹ phải gánh hết, các ng cũng phải gánh đi). Trump là nhà kinh doanh nên Trump chẳng thèm để ý Tôn tử, mạnh tử, khổng tử là cái mịa gì cả. Trump chỉ biết thế giới văn minh, kinh tế thị trường nó phải vận hành thế nào. Trump đang dùng Vô chiêu thắng cái hưu chiêu của Tập hán và đang cho thằng Hán Tập phơi bụng trc bàn dân thiên hại. Còn thăng Ranh con Thích nhất thể hóa, 74 tuổi đang ôm chân Tập coi chừng gãy cổ

  8. Cũng trên trang tờ Washington Post với tựa đề hôm nay ” Trump could be the most honest president in modern history” của tác giả Marc Thiessen xin được tạm dịch “Trump có thể là một tổng thống trung thực nhất trong lịch sử hiện đại “sau khi nhận xét những câu nói trước và sau khi nhậm chức mà theo công luận ông nói dối nhiều lần .Nhưng đến hôm nay ông TT D.J.Trump đả thực hiện hầu như tất cả những lời hứa trước cử tri Hoa kỳ những người ủng hộ bầu cho ông .như tách Hoa kỳ ra khỏi TPP .hủy bỏ hiệp ước bất lợi cho ngân sách Usa với Iran.rút ra khỏi hiệp ước biến đổi khí hậu toàn cầu. Đàm phán song phương Mexico và Canada thành công .cắt giảm thuế cho doanh nghiệp từ 45% xuống 2l %,áp thuế vào hàng hóa china.và lập lại tuyến đường tự do hàng hải biển đông .ông đả làm tất cả .ngoại trừ bức tường ngăn Mexico vì đảng dân chủ không thông gia ngân sách. Nói tóm lại .china không thể trổi dậy ở biển đông vì đó là con đường lưu thông huyết mạch hàng hải của Hoa Kỳ và đồng minh .hãy nhìn bắc hàn đó là con đường TT Trump sẻ đi với con bài red china .khi ông lên nhậm chức tại sao ông nhận cuộc gọi đầu tiên là Bà TT Thái vân Anh của Đài loan.ông Trump đả có chính sách rõ ràng ngay từ đầu với tàu khựa.tôi tin nếu tàu chệt còn lỳ lợm khiêu khích ,không chỉ đánh đòn gio’ kinh tế mà chính là đập tàu chệt ở biển đông chớp nhoáng. Hãy chờ xem

  9. Robert Kaplan cũng như hằng ngàn học giả khác trên thế giới, kể cả mấy vị học giả người Việt Nam trong ngoài nước, đã sống từ 20 cho tới 50 năm trong một thế giới mà các thiết chế, các chiến lược, các quy cách đã được dựng nên và ổn cố từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Họ quen nếp nghĩ hàn lâm, bài bản, có “chính cương”, có “cương lĩnh”, có “quy trình”, có “thủ pháp”, có thông lệ, có khuôn khổ, vv… đại loại.

    Chính những thông lệ, khuôn khổ, tập quán quốc tế này mà thế giới cộng sản, thần quyền và độc tài và đặc biệt hậu cộng như Tầu, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba, Iran, Iraq, Lybia, Venezuela, etc … sống khỏe và muốn làm gì thì làm, tác oai tác quái vì họ nghiên cứu các thông lệ, tập quán, khuôn khổ và “cái cách” của Mỹ và Phương Tây tiếp cận và hành xử những vấn đề quốc tế, kể cả việc Human Rights.

    Họ nắm thóp và cười ruồi và khinh nhờn và nhởn nhơ và … cho là thế giới tự do rất ngu ngốc.

    Nay lão Trump không theo thông lệ, tập quán và khuôn khổ nào. Họ rối loạn và phản ứng lung tung. Cách lão Trump không phải là thượng sách cũng không là không thượng sách vì thời gian lão tại vị chỉ vừa quá một niên.

    Nhưng ít ra, các nước ngoài thế giới văn minh loài người kia cũng không còn cách nào mà đoán đường đi nước bước của Mỹ và Phương Tây để mà nhởn nhơ nữa, đặc biệt là thứ nhà nước cộng sản tại xứ Việt Nam.

    qx

  10. Dựa vào lý luận của ông này thì phải chăng Tàu cộng đã “mua” ông
    ta để Mỹ phải rời bỏ Biển Đông cho Tàu cộng chiếm lĩnh ?
    Ở Úc,Tàu cộng đã mua đứt cái ông tiến sĩ White rồi đấy và danh sách
    những cái loa Tàu cộng đang ngày càng dài ra ! Trí thức hết thời ?

  11. Xin mạn phép dịch lại câu đi sau trong hai câu liên tiếp này cho rõ nghĩa của tác giả hơn:

    “Tôi muốn nói một cái gì đó khó hơn: Lời nói nhất quán để các đồng minh có thể trông mong vào bạn. Chỉ với điều đó, những nước ven biển như Việt Nam và Philippines – chưa nói tới Đài Loan và Hàn Quốc – mới vì quyền lợi của chính mình mà giữ khoảng cách an toàn với Trung Quốc.”

  12. Cuốn sách đáng đọc của Robert Kaplan về tình hình Biển Đông là “Asia’s Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific”, hay “Nồi hầm Châu Á: Biển Đông và cáo chung của Thái Bình Dương ổn định”. Sách này có những chương về Việt Nam và Biển Đông, kết nối phân tích địa chính trị cổ điển với quan sát về nền ngoại giao đa phương, đa chiều hiện đại.

    Bài trên cũng dựa trên một định đề địa chính trị cố hữu của tác giả: Biển Đông đối với Trung Quốc cũng y như Caribbean đối với Hoa Kỳ. Điều này người Việt và người dân các nước Đông Nam Á không sẵn sàng chấp nhận. Sự thật là Caribbean chả có ký lô nào xét về mặt dân số và tiềm lực kinh tế so với cả mấy trăm triệu dân ASEAN. Hoa Kỳ có nhiều cơ may trụ lại được ở Đông Nam Á hơn là Vương Quốc Anh, vốn không có chỗ bám khả dĩ nào ở Caribbean trong thế kỷ 19 ngoài chính lục địa Bắc Mỹ.

Leave a Reply to QX Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây