Nhất thể hóa

FB Lê Nguyễn Duy Hậu

4-10-2018

Để hiểu được câu chuyện nhất thể hoá, cần phải hiểu truyền thống chính trị Việt Nam từ sau Đổi Mới.

“Truyền thống chính trị” hay “văn hoá chính trị” là những khái niệm rất quan trọng khi nghiên cứu về hệ thống một quốc gia. Một quốc gia cho dù là pháp quyền thì cũng không thể coi nhẹ yếu tố truyền thống hay văn hoá. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, những người soạn thảo Hiến Pháp nghĩ ra phương án bầu cử Tổng thống thông qua cơ chế đại cử tri với mục đích xem những đại cử tri là những người có hiểu biết, sẽ bỏ phiếu đúng với lương tâm và ý chí của mình mà không chịu sự chi phối của đám đông. Cử tri nói chung kém hiểu biết hơn thì chỉ nên bầu ra những người hiểu biết trong số họ để bỏ phiếu. Tuy nhiên, dần dần thì truyền thống chính trị Hoa Kỳ được hình thành theo đó các đại cử tri mất dần chức năng nguyên thuỷ của họ và luôn bỏ phiếu theo đúng ý nguyện của cử tri (trừ một số trường hợp hy hữu).

Hiến Pháp Mỹ chưa bao giờ được sửa đổi để phản ánh truyền thống này (và có đến 21 tiểu bang vẫn để ngỏ vấn đề kể trên). Nhưng truyền thống vẫn tồn tại và là một phần không tách rơi của hệ thống chính trị Mỹ.

Tương tự, truyền thống chính trị ở Anh có lẽ là mạnh nhất và là điều khiến cho quốc gia không có Hiến pháp thành văn này vẫn tồn tại. Chẳng hạn, Viện Nguyên Lão của Anh hiện vẫn giữ lại 24 ghế cho các Linh Mục Nhà Thờ nước Anh mà không cần qua bầu cử. Hay Hoàng Gia Anh không bao giờ được phép vào bên trong Hạ Viện và Hạ Viện thường sẽ đánh sập cửa lại khi thấy đại diện hoàng gia đến cũng là một truyền thống dựa trên lịch sử.

Những truyền thống như vậy giữ cho tính ổn định và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nhóm chính trị. Phá vỡ các truyền thống như vậy rất dễ khiến cho khủng hoảng xảy ra. Có ai còn nhớ cách mà Donald Trump đã làm xáo trộn mọi thứ ở Mỹ không?

Ở Việt Nam chúng ta có truyền thống chính trị nào? Có thể kể ra ví dụ như việc lãnh đạo không làm quá hai nhiệm kỳ (cho cùng một chức danh), hay phó chủ tịch nước thường là phụ nữ. Trước đây, suốt ba thế hệ lãnh đạo, từng có sự phân chia rằng Chủ tịch nước là người miền Trung (Võ Chí Công người Quảng Nam, Lê Đức Anh người Huế, Trần Đức Lương người Quảng Ngãi), thủ tướng là người miền Nam (Phạm Hùng người Vĩnh Long, Võ Văn Kiệt người Vĩnh Long, Phan Văn Khải người Sài Gòn), còn tổng bí thư chắc chắn phải là người miền Bắc (Nguyễn Văn Linh người Hưng Yên, Đỗ Mười người Hà Nội, Lê Khả Phiêu người Thanh Hoá, Nông Đức Mạnh người Bắc Kạn). Đó cũng mà một dạng truyền thống chính trị và có thể là cơ sở cho Tổng Bí thư Trọng phát biểu rằng Tổng Bí thư phải là người miền Bắc, có lý luận.

“Tự trụ” thật ra cũng là một dạng truyền thống chính trị như vậy. Hiến Pháp Việt Nam chưa bao giờ yêu cầu quốc gia phải có đủ tứ trụ cả. Chủ tịch nước về pháp lý có thể kiêm nhiệm chức Thủ tướng, cũng như không điều luật nào cấm Chủ tịch Quốc hội kiêm nhiệm Chủ tịch nước hay Thủ tướng. Tổng bí thư thì không phải là chức danh trong Hiến Pháp và do đó hoàn toàn có thể kiêm nhiệm các chức danh khác.

Văn bản duy nhất trong hệ thống pháp luật có ghi nhận tứ trụ có lẽ là nghị định liên quan đến… tổ chức quốc tang.

Nhưng hệ thống “tứ trụ” sở dĩ tồn tại là có lý do của nó. Rất khó để truy tầm đầy đủ chứng cứ cho những kiến giải này nhưng thiết nghĩ lý do ban đầu của nó mang màu sắc hành chính nhiều hơn. Như cái cách mà Đảng Cộng sản vẫn sử dụng, là “công tác nhân sự”, tứ trụ thưở ban đầu có lẽ là một cách để phân công trách nhiệm, công việc cho những cán bộ Đảng làm công tác Nhà nước. Do đó mới có chuyện một người đang giữ chức vụ bên nhánh này bỗng nhảy sang nhánh khác khi có khuyết danh chứ không thực sự thông qua cuộc vận động, bầu cử.

Ông Trần Đức Lương đang là phó thủ tướng bỗng chốc trở thành chủ tịch nước khiến nhiều người ngỡ ngàng đến mức đặt thơ. Hay ông Nông Đức Mạnh được đưa lên làm chủ tịch Quốc hội như bước chuẩn bị để làm Tổng bí thư. Ông Nguyễn Sinh Hùng nhiệm kỳ trước còn là người bị Quốc hội chất vấn, bỗng chốc nhiệm kỳ sau thành người điều hành các phiên chất vấn. Tất cả thể hiện công tác nhân sự của Đảng Cộng sản. Và vì là phân công nhiệm vụ nên khó có thể giao hai chức vụ cho cùng một người được.

Tuy nhiên, một lý do thứ hai mà có lẽ nó xuất phát từ bối cảnh Việt Nam sau Đổi Mới với nhu cầu phân chia quyền lực giữa các cá nhân mà không phải ghi nhận trong Hiến Pháp (vì quyền lực Nhà nước là phải thống nhất). Thực tế thì tứ trụ dưới thời Thủ tướng Dũng quả thực khắc hoạ cho sự phân chia quyền lực này. Bốn vị trí như một công ty với Thủ tướng là Tổng Giám Đốc, điều hành công việc kinh doanh. Chủ tịch nước là Chủ tịch Công ty, đại diện cho vốn sở hữu. Chủ tịch Quốc hội đại diện công đoàn công ty, có trách nhiệm ổn định tinh thần công nhân. Và Tổng Bí Thư là bí thư đảng uỷ, có trách nhiệm cai quản về mặt chính trị. Điều này cũng được thể hiện trong cái cách mà sự lãnh đạo đối với quân đội được chia làm hai, với Chủ tịch nước là tổng tư lệnh quận đội nhưng Tổng Bí Thư lại giữ quyền lãnh đạo chính trị với toàn quân. Mô hình này thật ra chỉ xuất hiện trong các quốc gia có Đảng cộng sản lãnh đạo.

Chủ tịch nước trên thực tế không “nghi lễ” như nhiều người lầm tưởng, nếu xét về mặt Hiến Pháp. Nhưng vì thiết kế đất nước theo truyền thống chính trị đã khiến quyền lực của Chủ tịch nước có vẻ không rõ ràng và bị hạn chế là vậy. Thế nhưng, nếu hợp nhất hai vị trí Tổng Bí Thư và Chủ tịch nước lại thì quyền lực của nhân vật này sẽ tăng lên đáng kể. Đây sẽ là người lãnh đạo toàn diện quân đội và là người đứng đầu Nhà nước lẫn hệ thống chính trị. Kể từ Hồ Chí Minh, chưa ai có được vị trí như vậy.

Sẽ là sai nếu so sánh mô hình nhất thể hoá này với việc ở Nhật hay ở Anh, thủ lĩnh đảng cầm quyền trở thành thủ tướng. Có hai lý do, thủ tướng ở Anh và Nhật không phải là người đứng đầu Nhà nước (họ có vua và nữ hoàng). Và lý do thứ hai là vì Quốc hội của họ đa đảng. Quốc hội đa đảng cho nên vấn đề kiểm soát quyền lực sẽ do ba nhánh (hành pháp, lập pháp, tư pháp) giải quyết chứ không phải do bốn chiếc ghế tứ trụ. Vì thế cần phải nói đúng rằng về bản chất, nhất thể hoá là sự học hỏi mô hình của Trung Quốc kể từ sau Đặng Tiểu Bình.

Có những truyền thống là do lịch sử để lại, nhưng cũng có những “truyền thống” bị nguỵ tạo (ví dụ, một chức danh nào đó phải là người vùng miền, giỏi lý luận). Có những truyền thống có lý, nhưng có những truyền thống được tạo ra (hoặc phá bỏ) để phục vụ lợi ích quyền lực. Nhưng có một nguyên tắc mà những người nghiên cứu Nhà nước không thể bỏ qua đó là quyền lực thì phải bị nhốt vào lồng và quyền lực thì tha hoá, cho nên quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hoá tuyệt đối.

Trước khi chấp nhận một thay đổi nào của truyền thống chính trị, cần phải đặt câu hỏi xem rằng động lực của sự thay đổi đó có lớn hơn động lực mà truyền thống đó tồn tại không? Ví dụ, nhất thể hoá để tinh giản biên chế hay để hợp nhất chức danh hay để tạo vị thế cho các chuyến công du liệu có lợi hơn nhu cầu kiểm soát quyền lực hay không. Đó mới là cách chúng ta tư duy về Nhà nước và các thay đổi.

Nhưng xét cho cùng thì mình nghĩ rằng nhất thể hoá trong bối cảnh Việt Nam hiện nay quả thực là câu chuyện không liên quan lắm đến người dân. Cái liên quan đến người dân hơn đó chính là một tiến trình khác, tiến trình dân chủ hoá. Và hẹn mọi người khi khác sẽ viết về chủ đề này.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây