Vụ Trịnh Xuân Thanh: Slovakia quyết định khởi tố vụ án

Hiếu Bá Linh, tổng hợp

2-10-2018

Công tố viện Slovakia quyết định khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen

Ông Miroslav Lajčak, ngoại trưởng Slovakia đã chất vấn Phó Thủ tướng, kiêm BTNG Phạm Bình Minh bên lề hội nghị Đại Hội đồng LHQ ở New York hôm 25/09/2018. Ảnh trên mạng

Sau 2 tháng điều tra, Công tố viện Slovakia đã ra quyết định tiến hành truy tố hình sự vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Hai cảnh sát (hộ tống phái đoàn công an cấp cao do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu) đã khai với cơ quan điều tra Slovakia rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông Việt Nam, có lẽ là Trịnh Xuân Thanh, bị kéo lết lên chuyên cơ của chính phủ Slovakia.

Các nhân viên cảnh sát Slovakia đã cung khai với tư cách là những nhân chứng. Cho tới nay bà Bộ trưởng Nội vụ Saková đã cho 44 nhân viên được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin, để phục vụ cuộc điều tra vụ việc này, nghĩa là họ được phép cung khai tất cả cho cơ quan điều tra. 44 nhân viên này thuộc các bộ, ngành và cảnh sát hộ tống cùng những người phục vụ cho chuyến đến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák hồi 26/07/2017.

Lời khai trên của các nhân viên cảnh sát là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc điều tra của Slovakia. Ông Michal Šúrek, người phát ngôn của Công tố viện tại thủ đô Bratislava, xác nhận với tờ báo Denník N của Slovakia, rằng thủ tục truy tố hình sự được bắt đầu tiến hành.

Các nhà điều tra Slovakia đã nghe hầu như tất cả lời khai của những nhân viên bảo vệ có mặt trong ở khách sạn Borik và tại sân bay trong thời điểm đó (26/07/2017).

Báo Dennik N của Slovakia ra ngày 1/10/2018 đưa tin về quyết định khởi tố vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ảnh chụp màn hình

Hai cảnh sát này xác nhận đúng những chi tiết trong bài tường thuật của nhật báo Dennik N, Slovakia và nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) phát hành vào đầu tháng 8 vừa qua, dựa trên lời khai của các cảnh sát, những người muốn giấu tên trên tờ báo. Họ kể trong bài báo: “Bộ trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn (có lẽ bị cho uống thuốc có chất ma túy) và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi”.

Một số nhân viên cảnh sát nói cho báo Dennik N biết rằng, toàn bộ hành động đã được thực hiện với sự đồng ý của ông Robert Kaliňák, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia trong thời điểm đó. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được cơ quan điều tra xác nhận.

Ban đầu nhà chức trách Slovakia đã không tiến hành một biện pháp nào về vụ việc này, và cuộc điều tra chỉ bắt đầu vào đầu tháng Tám vừa qua, sau khi 2 tờ báo Dennik N của Slovakia và nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) công bố lời khai của một số cảnh sát hộ tống đoàn xe chở phái đoàn công an cấp cao do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu. Ông Kaliňák, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia trong thời điểm đó, nói rằng, ông không biết gì về âm mưu dùng chuyên cơ của chính phủ Slovakia chở Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Ông Kaliňák tuyên bố rằng, có lẽ người Việt Nam đã lạm dụng “lòng hiếu khách của chúng tôi“.

Gần đây các nhà điều tra cũng lấy lời khai của một nhân viên kiểm soát hộ chiếu tại sân bay mà chính nhân viên này đã đích thân kiểm soát các hộ chiếu Việt Nam. Ông nói rằng tất cả 12 hộ chiếu là từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và không ai trong số họ đã được cấp bởi Cộng hòa Slovakia. Không phải ai cũng có hộ chiếu ngoại giao.

Một tháng sau khi vụ việc xảy ra, khi phía Đức lần đầu tiên nhờ phía Slovakia hỗ trợ pháp lý trong cuộc điều tra của Đức, thì Slovakia chính thức biết rằng, chuyên cơ của chính phủ Slovakia có thể được sử dụng trong vụ bắt cóc. Ông Kaliňák nói, chúng tôi đã cộng tác hỗ trợ phía Đức.

Hồi cuối tháng 7 năm nay, nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) đưa tin, theo một “báo cáo kết quả đầu tiên” của những nhà điều tra Đức, mà tờ FAZ có trong tay, “hầu như không còn hoài nghi gì nữa, ông Trịnh Xuân Thanh đã ngồi trong chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, ông Trịnh đã bị vận chuyển trên tuyến đường Berlin – Brno (ở CH Séc) – Bratislava (thủ đô Slovakia) – Moscow (Nga) và sau đó tiếp tục đưa về Việt Nam“.

Slovakia yêu cầu Việt Nam giải trình: Nếu Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú, thì hành trình từ Đức về Việt Nam đã thực sự diễn ra như thế nào?

Thông báo ngày 26/09/2018 đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Slovakia, yêu cầu Việt Nam giải thích Trịnh Xuân Thanh đã được đưa từ Đức về Việt Nam như thế nào?

Trong tuần qua Bộ Ngoại giao Slovakia thông báo, vào ngày 25.09.2018 Ngoại trưởng Miroslav Lajčak của Slovakia đã có một cuộc họp với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc tại New York.  Chủ đề chính của cuộc họp là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà nhà nước Việt Nam bị cáo buộc là đã lợi dụng lãnh thổ Slovakia và chuyên cơ của chính phủ Slovakia để đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.

Ngoại Trưởng Lajčak đã cảnh cáo Việt Nam về những hậu quả có thể xảy ra do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông yêu cầu Việt nam phải giải trình rõ ràng, hành trình Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam đã thực sự diễn ra như thế nào?

Ngoại trưởng Slovakia đã mạnh mẽ lên án hành động bắt cóc là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và lạm dụng trơ trẽn hệ thống Schengen, mà theo quan điểm của ông đã ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa 2 nước Slovakia – Việt Nam.

Người đứng đầu Ngoại giao Slovakia nói rằng những giải thích của phía Việt Nam cho tới nay về những cáo buộc nghiêm trọng bắt cóc công dân Việt Nam và đi qua lãnh thổ Slovakia là không thỏa đáng. Vì thế, thông qua đối tác đồng cấp Phạm Bình Minh, ông Lajčak yêu cầu Việt Nam cần phải khẩn trương làm rõ tất cả những nghi vấn để khôi phục lòng tin trong quan hệ song phương.

Nếu như ngài tiếp tục khẳng định rằng Việt Nam không lợi dụng lòng hiếu khách của chúng tôi và công dân Việt nam bị bắt cóc không có mặt trên chuyên cơ của chính phủ Slovakia cho mượn, thì tôi yêu cầu ngài hãy đưa ra một giải thích hợp lý, không thể bị bác bỏ về việc Trịnh Xuân Thanh đã được đưa từ Đức đi về Việt Nam như thế nào. Bất kỳ sự che dấu nào từ phía Việt Nam sẽ mang tới hậu quả cho mối quan hệ song phương của 2 nước chúng ta và chúng tôi sẵn sàng tiến hành những biện pháp thắt chặt trên bình diện Liên minh châu Âu (EU) “, ông Lajčák chất vấn Ngoại trưởng Phạm Bình Minh một cách thẳng thừng.

Đồng thời Ngoại trưởng Miroslav Lajčák nhấn mạnh rằng việc đưa ra một giải thích đáng tin cậy của phía Việt Nam bao gồm cả việc cung cấp các bằng chứng mà Slovakia đòi hỏi, là không thể trì hoản được.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hứa sẽ chuyển tải những yêu cầu này của Slovakia đến các nhà lãnh đạo nước mình.

Đại sứ Dương Trọng Minh (thứ hai, từ bên phải) bị Bộ Ngoại giao Slovakia triệu lên làm việc hôm 3/5/2018

Lần trước vào ngày 3/5/2018 Bộ Ngoại giao Cộng hòa Slovakia đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Slovakia Dương Trọng Minh để chất vấn, và 2 tuần sau đó Việt Nam trả lời rằng “Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia”.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Slovakia, ông Boris Gandel cho biết: «Bộ Ngoại Giao ngay lập tức đã hỏi đại sứ Việt Nam làm thế nào ông Thanh có thể bay từ Berlin đến Hà Nội. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời». Ông Gandel nói thêm, bộ Ngoại Giao rất quan tâm đến vụ này, và định triệu mời đại sứ Dương Trọng Minh lần nữa. «Nếu xác định được rằng Cộng hòa Slovakia đã bị Việt Nam lợi dụng, thì không thể nào không để lại hậu quả».

Ông Gandel không muốn nói trước về khả năng Slovakia rút cơ quan đại diện khỏi Việt Nam, hay trục xuất đại sứ Việt Nam khỏi Slovakia. Tuy nhiên ông nhắc lại là đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam đang do ông Ivana Belcáková lãnh đạo với tư cách đại biện, tức là thấp hơn cấp đại sứ.

Hôm 14/08/2018 Phó Chủ tịch Quốc Hội Slovakia và cũng là Chủ tịch Đảng Most-Hid trong liên minh cầm quyền, ông Bela Bugar, yêu cầu Slovakia nên trục xuất đại sứ Việt Nam tại Bratislava về nước nếu vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh được xác nhận và Slovakia bị lợi dụng trong vụ việc này.

Không biết lần này Ngoại trưởng Phạm Bình Minh sẽ trả lời Ngoại trưởng Miroslav Lajčak như thế nào, nhất là trong tình huống Công tố viện Slovakia sau 2 tháng điều tra đã quyết định khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Ô, quá dễ, VN sẽ bác bỏ tất cả kết quả điều tra của Đức và Slovakia, y như Putin bác bỏ kết quả điều tra của vụ MH17, vụ ám sát Skripal, vụ bán dầu trên biển cho Bắc Hàn, vụ xài bom phosphore ở Syria…

    • – Qúa dễ!
      Nhưng sau đó thì phải ôm chặt lấy chân của quan thày Trung Cộng, dâng tiếp luôn biển đảo VN cho chúng.

  2. Sau khi nhân sự chủ tịch nc xong, Trịnh xuân Thanh sẽ đc đoàn tụ tại Đức với vợ con, cùng với con virut hiếm, độc lạ

    • – Đấy chính là chủ trương của Bộ Chính trị!
      “Chủ tịch nước” (tương lai) Nguyễn Phú Trọng đã chỉ thị:
      – BT công an Tô (Lục) Lâm có nhiệm vụ tìm cách cho Trịnh Xuân Thanh bí mật vào được Đức, xuất hiện ở Berlin, ngơ ngác đứng giữa quảng trường Alexanderplatz.
      – Con virus “hiếm” nằm trong máu TXT có nhiệm vụ làm TXT chỉ bị mất hết TOÀN BỘ TRÍ NHỚ, nhưng không làm chết.
      – BT Phạm Bình Minh có nhiệm vụ im lặng, không được mở mồm.

Leave a Reply to Cu Li Xe Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây