Hành trình vượt lãnh Đại Dữu, liên quan đến lịch sử Việt Nam (Phần 2)

Hồ Bạch Thảo

26-9-2018

Tiếp theo phần 1

3. Phái đoàn vua Quang Trung giả vượt lãnh Đại Dữu triều kiến vua Càn Long

Ngày 15 tháng 4 năm Càn Long thứ 55 [28/5/1790], phái đoàn vua Quang Trung giả gồm 60 người, vượt ải Nam Quan vào đất Trung Quốc. Về sự kiện này, danh sĩ Phan Huy Ích tháp tùng có bài thơ Xuất Quan trong tập thơ Tinh Tra Kỷ Hành [星槎紀行] (1).

Hai chữ “tinh tra” có nghĩa là thuyền bè; lịch sử Việt Nam có duyên với từ ngữ này bởi 2 tập thơ: Tinh Tra Thắng Lãm [星槎勝覽] của Phí Tín, sáng tác trong dịp tháp tùng phái đoàn Trịnh Hòa thời Minh, vượt biển thăm các nước Đông Nam Á, trong đó có các nước cũ thuộc miền Trung Việt Nam như Chiêm Thành, Tân Đồng Long. Riêng Tinh Tra Kỷ Hành kể cuộc hành trình bằng thuyền của phái đoàn Việt Nam thăm Trung Quốc.

Đúng như nhan đề tập thơ với 2 chữ tinh tra, cuộc hành trình phần lớn bằng thuyền. Từ ải nam quan dùng đường bộ hơn 20 cây số [km] đến sông Minh Giang, thuộc châu Ninh Minh. Tại đây phái đoàn bắt đầu xuống thuyền, Thanh Thực Lục xác nhận sự kiện này, cùng nêu lên sự kiện vua Càn Long thắc mắc có hiện tượng tham nhưng trong việc tiếp đãi phái đoàn, với số lượng một ngày tốn đến 4.000 lượng bạc:

Ngày 10 tháng 6 năm Càn Long thứ 55 [21/7/1790]

Theo lời tâu thì phái đoàn Nguyễn Quang Bình từ châu Ninh Minh tỉnh Quảng Tây đáp thuyền đi; cấp cho gạo thịt, các vật dụng v.v… lệnh cho họ tự nấu lấy; nếu đi theo đường bộ, mỗi ngày cung ứng thịt rau v.v… thì làm sao cần đến 4000 lượng?

Thuyền xuôi dòng sông Minh Giang, rồi nhập vào sông Tả giang; đến gần Nam Ninh tỉnh Quảng Tây, sông Tả Giang hợp với sông Hữu Giang thành sông lớn Uất Giang. Tại hạ nguồn sông Uất Giang, có sự thay đổi; đáng lý ra theo thông lệ sứ đoàn Việt Nam phải đi ngược lên Quế Lâm, rồi theo sông đến Động Đình Hồ, qua Hồ Nam, Hồ Bắc. Nhưng lúc đó dân tộc Mèo tại các tỉnh Quí Châu và phía nam Hồ Nam nỗi dậy, đường sá không an ninh; nên buộc phải chọn con đường đi qua tỉnh Giang Tây xa hơn. Sự việc được Thanh Thực Lục xác nhận qua đạo dụ vua Càn Long căn dặn viên Đại thân Tất Nguyên phụ trách về tiếp đãi như sau:

Ngày 10 tháng 6 năm Càn Long thứ 55 [21/7/1790]

Bọn Tất Nguyên cần cáo tri cho Thang Hùng Nghiệp, Thành Lâm biết rằng:

“Con đường qua tỉnh Giang Tây không phải là đường chính cho các ngoại phiên đến chiêm cận đi qua, nên việc cung ứng không theo một chương trình nhất định. Còn ba tỉnh Hồ Quảng, Hà Nam, Trực Lệ là đường thông cù cho các nước phương nam triều cống dùng, mọi việc đều có qui chế, không thể theo ngoại lệ ưu đãi”.

Theo hành trình mới, đoàn thuyền của phái đoàn tiếp tục xuôi dòng đến Ngô Châu để nhập vào con sông lớn hơn, tức Tây Giang.Tại Ngô Châu, nơi đô hội thuyền bè san sát, danh sĩ Phan Huy Ích tức cảnh một bài thơ nhan đề Thương Ngô Giang Thứ [Trú bên sông Thương Ngô]. Lại tiếp tục xuôi dòng Tây Giang, đến khu Tam Thủy tỉnh Quảng Đông, đáng lý phải ngược sông Bắc Giang; phái đoàn lại ghé vào thành Quảng Châu, thăm kinh đô cũ nước Nam Việt của Triệu Đà; tại nơi đây tác giả Tinh Tra Kỷ Hành cảm hoài với bài thơ Quảng Thành Công Quán. Rồi đoàn thuyền chở phái đoàn quay mũi, trở lại khu Tam Thủy, để ngược dòng sông Bắc Giang. Đến huyện lỵ Thanh Viễn [Thanh Viễn thị, Quảng Đông] sát bờ sông, vua Quang Trung giả nhận được chiếu chỉ của vua Càn Long phong cho Nguyễn Quang Thùy làm Thế tử, nhưng từ chối vì Quang Thùy là con thứ, sự việc ghi trong văn bản sau đây:

Ngày 2 tháng 6 năm Càn Long thứ 55 [13/7/1790]

Dụ Quân Cơ Đại thần. Phúc Khang An tâu rằng:

“Trên đường qua huyện Thanh Viễn đã hướng dẫn Nguyễn Quang Bình quì nhận chỉ dụ về việc tấn phong Nguyễn Quang Thùy làm Thế tử, cùng được ban ơn cho các vật dụng như bao sen, hương khí v.v… Viên Phiên thần cung kính hân hạnh, hành lễ cúi đầu xuống tận đất, xưng rằng còn có con trưởng là Quang Toản hiện đang lo việc quốc sự trong nước; Quang Thùy chỉ là con thứ được ban ân tấn phong Thế tử nên không dám nhận, xin dâng biểu tạ từ”.

Trẫm sau khi xem biểu văn, khen ngợi vô cùng! Đặc cách dùng bút son phê ngay trên biểu để tỏ lòng sủng ái. Nay đem biểu văn giao cho Phúc Khang An, để chuyển cho Nguyễn Quang Bình xem, và nói cho y biết rằng Đại Hoàng đế xem biểu văn tạ ơn mới biết rằng Nguyễn Quang Thùy là con thứ; Quốc vương tâu rõ sự thực, không che dấu mảy may, hiểu rất sâu đại nghĩa. Đại Hoàng đế ra lệnh các quan trong nội các thay đổi sắc văn, phong cho con trưởng của Vương, Nguyễn Quang Toản làm Thế tử. Những đồ tặng thưởng trước đây vẫn cấp cho Nguyễn Quang Thùy; lại thưởng cho Thế tử của Vương, Nguyễn Quang Toản, 1 viên ngọc Như ý, một đôi túi bao sen lớn, hai đôi bao sen nhỏ, 4 tấm sa, 2 hộp trà, 1 hộp quạt, 7 hộp hương khí, 20 đỉnh thuốc để được cùng thấm nhuần đầy đủ ân sủng.

(Cao Tông Thực Lục quyển 1356, trang 3-4)”

Từ Thanh Viễn ngược dòng Bắc Giang lên Thiều Châu [Thiều Quan thị, Quảng Đông] trên 50 km; tại nơi này phái đoàn từ giả viên Án sát Quảng Đông để chuẩn bị đường bộ qua lãnh Đại Dữu; dịp này danh sĩ Phan Huy Ích có bài thơ Thiều Châu Giang Thứ Phụng Tiễn Quảng Đông Trương Niết Đài Hồi Trị [Tại chỗ đậu trên sông Thiều Châu, tiễn đưa quan Án sát Quảng Đông họ Trương trở về trị sở].

Qua lãnh Đại Dữu lại đi thuyền xuôi dòng sông Cám tại tỉnh Giang Tây; qua huyện Cát An, quê hương của Trạng nguyên Tễ tướng nhà Nam Tống Văn Thiên Tường, tác giả thiên tuyệt tác Chính Khí Ca viết trong nhà tù Nguyên Mông, danh sĩ Phan Huy Ích cảm hoài với bài thơ Kinh Cát Thủy Vãn Văn Thừa Tướng [Qua huyện Cát Thủy viếng Văn Thừa tướng].

Thuyền chở phái đoàn tiếp tục theo dòng sông Cám trên 100 km. đến Nam Xương thủ phủ của tỉnh Giang Tây; tại đây vào ngày 8 tháng 6 [19/7/1790], Tổng đốc Phúc Khang An tâu về triều:

Ngày 21 tháng 6 năm Càn Long thứ 55 [1/8/1790]

Lại dụ; hôm qua Phúc Khang An tấu: “Vào ngày mồng 8 tháng 6 đến Nam Xương, tiếp tục đi thẳng”.

Thuyền tiếp tục xuôi dòng sông Cám, vượt hồ Bà Dương đến Cửu Giang, chốn tụ hội với sông Trường Giang. Nơi đây thuyền phái đoàn qua sông Tầm Dương chiêm ngưỡng đình Tỳ Bà, nơi kỷ niệm Thi hào Bạch Cư Dị, tác giả Tinh Tra Kỷ Sự cảm khái với bài thơ Độ Tầm Dương Vọng Tỳ Bà Đình.

Nhận được chiếu chỉ phải đi gấp, để kịp đến ngày 9 tháng 7 [18/8/1790] chiêm cận tại hành cung Nhiệt Hà; Phúc Khang An tâu ngày 15 tháng 6 đến Hoàng Cương, phía nam tỉnh thành Vũ Hán, Hồ Bắc:

Ngày 24 tháng 6 năm Càn Long thứ 55 [4/8/1790]

Dụ: ngày hôm qua Phúc Khang An tâu:

Vào ngày 15 tháng 6 [26/7/1790] đến Hoàng Cương tỉnh Hồ Bắc, vào ngày 16 có thể đến Vũ Xương, hiện nay đang đi gấp v.v.”. Lại đem biểu văn của Nguyễn Quang Bình cung tạ việc sắc phong Nguyễn Quang Toản làm Thế tử tiến trình…”.

Từ tỉnh Hồ Bắc, qua Hà Nam, rồi đến Hà Bắc; trên con đường dài đến kinh sư, phái đoàn di chuyển bằng xe; tác giả Tinh Tra Kỷ Sự mô tả đường qua tỉnh Hà Nam với 2 thiên thất ngôn bát cú nhan đề Hà Nam Đạo Trung.

Chỉ sau ngày đã hẹn 2 ngày, vào ngày 11 tháng 7 phái đoàn vua Quang Trung giả đến Nhiệt Hà; cùng với các Vương, Công, Đại thần và Sứ thần các nước, chiêm bái vua Càn Long tại Quyển A Thắng Cảnh;

Ngày 11 tháng 7 năm Càn Long thứ 55 [20/8/1790]

Quốc vương nước An Nam Nguyễn Quang Bình, Bồi thần là bọn Ngô Văn Sở; Tuyên ủy ty Mộc Bình xứ Kim Xuyên; Tham Nạp Mộc Tạp đất Giáp Lặc gồm 30 người; em ruột hãn Cáp Tát Khắc Hàng Hòa Trác là Trác Lặc Tề cùng tùy tòng vào triều cận. Thiên tử ngự tại Quyển A Thắng Cảnh triệu lên gặp. Tháp tùng có các Vương, Bối lặc, Bối tử, Công, Đại thần; Vương Mông Cổ cùng bọn Bối lặc, Bối tử, Công, Ngạch phụ, Thai cát; Hồi Bộ Công, Bá khắc; Sứ thần các nước Miến Điện, Nam Chướng; và bọn Sinh phiên (2) tại Đài Loan. Thiên tử ban yến tiệc, cùng ban cho Quốc vương Nguyễn Quang Bình thơ, kỳ dư thưởng có sai biệt. Thơ Ngự Chế như sau:

Doanh phiên (3) nhập chúc trị thời tuần,

Sơ kiến hồn như cựu thức thân.

Y cổ vị văn lai Tượng quốc (4),

Thắng triều (5) vãng sự bỉ kim nhân.

Cửu kinh nhu viễn (6 )chi trùng dịch (7),

Gia hội ư kim miễn thể nhân.

Vũ yển văn tu thuận thiên đạo,

 Đại Thanh tộ vĩnh vạn thiên xuân.

Dịch nghĩa:

Phiên thần nơi góc biển đến triều cận, gặp dịp Thiên tử đi tuần thú hàng năm,

Tuy mới gặp nhau lần đầu, đại để như đã quen thân nhau từ trước.

Từ xưa chưa từng nghe Quốc vương nước Nam đích thân đến chiêm cận,

Nay ta khinh ghét lệ cống người vàng, chuyện cũ do triều thua bày đặt.

Các kinh xưa nói đến chính sách nhu viễn, khiến các nước xa xôi đến triều cống phải qua mấy lần thông dịch.

Ngày hội vui vẽ hôm nay cũng là do lòng nhân thể tuất.

Dẹp võ tu sửa văn trị, thực hợp với đạo trời,

Nước Đại Thanh phúc tộ mãi mãi hàng vạn năm.

Tạm dịch thơ:

Phiên vương chúc thọ buổi du tuần,

Sơ kiến tình như đã quen thân.

Xưa đến, chưa nghe danh nước Tượng,

Triều thua, chuyện cũ ghét kim nhân.

Xa xôi nhu viễn lai triều cống,

Hội đẹp ngày nay gắng đức nhân.

Xếp võ tu văn hợp thiên đạo,

Đại Thanh phúc tộ vạn thiên xuân”.

(Cao Tông Thực Lục quyển 1358, trang 13-14)

Sự kiện nêu trên khiến sách Thanh Thông Giám có lời bàn một cách mĩa mai như sau:

“…Thơ Ngự Chế của Càn Long có câu “Doanh phiên nhập cận trị thời tuần, Sơ kiến hồn như cựu thức thân” [Phiên thần nơi góc biển đến triều cận, gặp dịp Thiên tử đi tuần thú hàng năm. Tuy mới gặp nhau lần đầu, đại để như đã quen thân nhau từ trước.] Nhưng “Quốc vương An Nam” mà Càn Long “thấy lần đầu, coi như đã quen nhau từ trước” thực ra là một người dung mạo giống Nguyễn Quang Bình, tên là Phạm Công Trị, cháu ngoại viên Quốc vương này!” (Thanh Thông Giám, quyển 14, trang 4601)

***

Chuyến đi của phái đoàn vua Quang Trung giả khá vất vả, vì phải vượt qua lãnh Đại Dữu, đường lại xa hơn; nhưng lúc trở về thì khá thuận tiện, vì loạn dân Mèo tại phía nam tỉnh Hồ Nam đã dẹp xong. Từ Hồ Bắc thảnh thơi dương buồm vượt qua hồ Động Đình, đêm đậu thuyền bên ghềnh sông Tương, rồi đi thuyền trên sông Quế Lâm; cảnh đẹp rung động thi nhân, khiến tác giả Tinh Tra Ký Sự còn để lại những bài thơ bất hủ như: Phong Phàm Quá Động Đình Hồ, Tương Than Dạ Bạc, Quế Lâm Giang Trình.

Chú thích:

1. Nhan đề các bài thơ trong Tinh Tra Kỷ Hành, tham khảo từ Phan Huy Ích (1751- 1822)- Tinh Sà kỷ hành: Ký sự trên thuyền đi sứ (với vua Quang Trung giả) năm 1790 của tác giả Phạm Trọng Chánh đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử.

2. Sinh phiên: Thổ tù tại Đài Loan gọi là Sinh phiên.

3. Doanh phiên: Phiên thần vùng biển.

4. Tượng quốc: chỉ Việt Nam xưa gọi là Tượng Quận.

5. Câu “Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân”; căn cứ vào Từ điển Từ Hải điều “thắng triều” và “thắng quốc” ghi như sau: Thắng triều: thắng quốc dã; Thắng quốc: Dĩ vong chi quốc vi kim quốc sở thắng, cố vị chi thắng quốc. Nghĩa là thắng triều tức thắng quốc; nước đã mất, bị nước hiện nay chiến thắng nên gọi là thắng quốc; như vậy nhà Thanh gọi nhà Minh (nước bị thua) là thắng quốc. Do đó chúng tôi tạm dịch “Nay ta khinh ghét lệ cống người vàng, chuyện cũ do triều thua [Nhà Minh] bày đặt.

6. Nhu viễn: Nhu viễn năng nhĩ trong Kinh Thư, Thuấn điển, tức: Mềm dẻo nơi xa để được yên ổn nơi gần.

7. Trùng dịch: Sứ thần các nước xa xôi đến triều cống nước Tàu phải qua mấy lần thông dịch mới hiểu nỗi nên gọi là trùng dịch.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây