Đất Thủ Thiêm – Kỳ I: Giấc ngủ ba trăm năm

FB Võ Đắc Danh

12-9-2018

Bút ký Võ Đắc Danh

Tôi đã bỏ ra một thời gian khá lâu để sưu tầm tài liệu liên quan đến lịch sử vùng đất Thủ Thiêm, nhưng hầu như không tìm thấy tư liệu nào để có thể gọi là “bề dầy lịch sử” của vùng đất nầy ngoài một vài trận chiến thời kỳ nhà Nguyễn cùng với những cuộc di dân cũng từa tựa như những cuộc di dân trên vùng đất phương Nam.

Song, điều đáng ngạc nhiên mà chưa thấy nhà nghiên cứu nào lý giải rằng vì sao chỉ cách trung tâm Sài Gòn có vài ba trăm mét bởi một con sông mà Sài Gòn – ngay từ khi chiếm được Nam kỳ, người Pháp đã muốn biến Sài Gòn thành Hòn Ngọc Viễn Đông để cạnh tranh với các nước thuộc địa của Anh trong khu vực.

Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, dọc theo bờ sông Sài Gòn, cùng với thương cảng Bến Nghé, Bạch Đằng, hàng loạt công trình nguy nga đã được mọc lên trên đường Catinat (Đồng Khởi), Kênh Lớn (Nguyễn Huệ), Kênh Xáng (Hàm Nghi) … rồi đến nhà thờ Đức Bà, nhà hát Lớn, chợ Bến Thành … Sài Gòn đã trở thành thủ phủ của Đông Dương. Nhưng bên kia sông, cách Sài Gòm chỉ vài ba trăm mét, Thủ Thiêm như một vùng đất bị lãng quên.

Hai mươi năm với hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Sài Gòn đã trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông thì bên kia sông Sài Gòn, Thủ Thiêm vẫn như một vùng đất bị lãng quên.

Sau năm 75, gần một phần ba thế kỷ, Sài Gòn phát triển khá rầm rộ với những khu đô thị mới mọc lên ở ngoại thành, những tòa nhà cao tầng mọc lên ở ven sông Sài Gòn, nhưng phía bên kia sông, Thủ Thiêm vẫn như một vùng đất bị lãng quên.

Có thể nói, trong lịch sử ba trăm năm hình thành và phát triển Sài Gòn, Thủ Thiêm như bị chìm trong giấc ngủ ba trăm năm. Rồi bỗng một ngày, Thủ Thiêm thức dậy, vội vã khoác lên mình chiếc áo đô thị mới còn dở dang trong tiếng khóc than, rên rỉ xé lòng của người dân mất nhà, mất đất … Và, chiếc áo ấy sẽ còn dở dang, nham nhỡ cho đến bao giờ?

Tôi nhớ cách đây gần hai mươi năm, một cô bạn đồng nghiệp kể chuyện vừa đi chơi Thủ Thiêm mới về, tôi ngồi nghe mà cứ hình dung như cô đang kể về một vùng đất xa xôi nào đó ở miền tây nam bộ, rằng cô thuê một chiếc xuồng chèo đi len lỏi trong những con rạch hoang vu, mênh mông dừa nước, mắm, bần, cóc kèn, ô rô, cỏ lác, có cả những đám lúa ma, cô gặp nhưng người dân đi săn chuột đồng, cắm câu, giăng lưới, đặt lờ đặt lọp, làm ruộng, nấu rượu, nuôi heo… Rồi cô kết luận: Cách trung tâm Sài Gòn chỉ một dòng sông mà Thủ Thiêm giống như một miền cổ tích.

Nhà văn Sơn Nam được xem là Nhà Nam Bộ Học, nhưng trong cuốn sách Bến Nghé Xưa dầy 240 trang, ông chỉ dành cho Thủ Thiêm mấy dòng ngắn gọn: “Bên kia sông, chợ Thủ Thiêm ở làng An Lợi (thành lập chánh thức vào năm 1751), sau tách ra thêm làng An Lợi Đông, phía lưng giáp với Giồng Ông Tố chuyên ruộng nương và vườn tược, muốn qua Sài Gòn phải nhờ “con đò Thủ Thiêm”.

Có lẽ vì sự ngủ yên của Thủ Thiêm không có gì cần thiết để ông nghiên cứu chăng? Nhưng tôi chú ý cụm từ “con đò Thủ Thiêm” mà nhà văn Sơn Nam dùng co chữ nghiêng và đặt trong ngoặc kép.

Ầu ơ … Bao giờ Chợ Quán hết vôi
Thủ Thiêm hết giặc em thôi đưa đò
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

Nói là nói vậy, nhưng “con đò Thủ Thiêm” vẫn tồn tại đến hơn ba mươi năm kể từ ngày “Thủ Thiêm hết giặc”.

Cụm từ “con đò Thủ Thiêm” như là một thuật ngữ, một hình ảnh, một dấu ấn văn hóa mang tính đặc trưng của một vùng đất. Chưa có tài liệu nào cho biết “con đò Thủ Thiên” ra đời vào thời điểm nào, cũng có thể là vài trăm năm, trước khi có chợ Thủ Thiêm (1751), nghĩa là khi những cư dân đầu tiên trên vùng đất nầy có nhu cầu đi lại giữa hai bờ sông. Ngay cả cái bến đò Thủ Thiêm, người ta chỉ xác định được thời gian qua một dấu chấm trên tấm bảng đồ Environs de Saigon do chính quyền Nam kỳ vẽ vào năm 1911 để căn cứ vào đó như cái mốc lịch sử của bến đò.

Một tài liệu nghiên cứu tổng hợp về Thủ Thiêm cho biết, trước năm 1975, bến đò Cây Bàng có 127 chiếc đò, bến đò An Lợi Đông có hơn 60 chiếc, bao gồm đò dọc, đò ngang, đò chèo, đò máy. Chúng ta chưa có số liệu để so sánh rằng có bến sông nào trên đất nước nầy mà số lượng đò nhiều như Thủ Thiêm chăng?

Lịch sử thăng trầm của một bến đò qua bao thế kỷ, bao nhiêu thế hệ đưa đò, bao nhiêu thế hệ khách sang sông, bao nhiêu đời người mỗi ngày qua lại, bao nhiêu xác con đò đã qua đời, vùi lấp dưới đáy sông … !

***

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín với bút ký Đi Chơi Thủ Thiêm đăng trên báo Người Lao Động Cuối Tuần phát hành ngày 16 tháng 11 năm 2001, kể rằng, anh đến Thủ Thiêm lần nầy là lần thứ hai. Lần thứ nhất vào đầu thập niên 80, lúc bấy giờ “con đường Lương Định Của còn là con đường độc đạo chạy một mạch lên ngã ba Cát Lái, không còn đường nào cắt ngang, với đất đỏ và ngổn ngang ổ gà, xe đạp phải men theo lề đường. Hai bên đường trống trơn toàn đất bãi với bần, đế, cỏ lác ...”.

Đất Thủ Thiêm vào những năm nầy người ta sang nhượng cho nhau với đơn vị tính là công và mẫu, nhưng đến những năm cuối thế kỷ 20 bước qua đầu thế kỷ 21, khi dư luận râm ran về đại lộ Đông – Tây và đường hầm Thủ Thiêm thì đơn vị tính của đất chuyển từ công, từ mẫu sang mỗi mét vuông, và theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín thì lúc bấy giờ, tức thời điểm năm 2001, đất trên đường Lương Định Của đã lên đến ba triệu đồng một mét vuông.

Cách nay chưa lâu, khi câu chuyện về Đất Thủ Thiêm bùng nổ trên báo chí và mạng xã hội, đầy rẫy những hình ảnh với âm thanh gào khóc của những người dân mất đất, tôi đem câu chuyện về giấc ngủ ba trăm năm của Thủ Thiêm ra trao đổi với một người bạn, anh nầy vốn là cử nhân Phật học, một nhà phong thủy có uy tín, sau khi tốt nghiệp ở học viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, anh không đi tu mà ra làm kinh doanh ngành in và nghiên cứu về phong thủy, anh ngồi trầm ngâm nghe tôi kể về giấc ngủ của Thủ Thiêm bên cạnh ba trăm năm hình thành và phát triển của Sài Gòn, anh kết luận một câu ngắn gọn: Vậy là đất Thủ Thiêm chắc chắn có vấn đề về phong thủy.

Thật tình, tôi không rành và cũng không quan tâm tới vấn đề phong thủy, chỉ luôn đặt câu hỏi trong đầu vì sao cách Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông chỉ một con sông 300 mét mà Thủ Thiêm vẫn chìm trong giấc ngủ ba trăm năm? Câu hỏi ấy đã thúc bách tôi lao vào tra cứu, tìm kiếm những tài liệu liên quan đến Thủ Thiêm, nhưng cuối cùng, đến giờ nầy vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Trong những ngày lang thang qua Thủ Thiêm, tiếp cận với những người dân kêu cứu vì mất đất, đầu óc tôi càng căng thẳng, cứ lảm nhảm như một thằng điên, gặp ai, ngồi với ai cũng kể chuyện Thủ Thiêm như nỗi oan ức của chính mình.

Một hôm, thằng em tôi nói: Hồi xưa, ông Nguyễn Tấn Đời có một dự án về Thủ Thiêm nhưng không thành. Tôi hỏi tài liệu đó ở đâu? Nó nói tôi quên rồi. Gần suốt một đêm, theo đường dẫn của Google, tôi đọc gần hết những câu chuyện về Nguyễn Tấn Đời nhưng không hề tìm thấy cái dự án của ông về Thủ Thiêm, buộc lòng sáng hôm sau tôi phải nhờ “500 anh em trên facebook”. Và như một cơ duyên, chị Mai Lan, cựu phóng viên báo SGGP nhắn tin bảo tôi qua nhà chị lấy cuốn Hồi Ký Nguyễn Tấn Đời.

Có lẽ trong chúng ta, không ít người biết về cuộc đời và sự nghiệp của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ ở Long Xuyên, nhưng khi được giao cho cai quản điền địa, ông đã đứng về phía tá điền để chống lại cha mình và bỏ nhà đi theo Việt Minh. Rồi vì một chuyện bất đồng với người chỉ huy, ông bỏ ngũ.

Năm 1945, toàn bộ ruộng đất và tài sản của gia đình ông bị Cách mạng tịch thu, bản thân ông bị kết án tử hình vì tội đào ngũ. Ông bỏ trốn lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Từ cuộc mưu sinh bằng công việc làm môi giới vật liệu xây dựng, ông trở thành chủ hãng gạch bông Đời Tân, vua cao ốc và trùm Ngân hàng Tín nghĩa. Nhưng rồi không hiểu vì sao, ông bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tổ chức ám sát hụt chết hai lần rồi bị bắt giam, tịch thu gia sản cùng với cả hệ thống Tín nghĩa Ngân hàng.

Năm 1975, ông vượt biên sang Canada với hai bàn tay trắng. Ở đây, ông bắt đầu gầy dựng lại cơ nghiệp và lại thành công với chuỗi nhà hàng Kobe từ Canada sang Bắc Mỹ. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 1995 tại Orlando, bang Florida, Hoa Kỳ, thọ 73 tuổi. Cuốn hồi ký ông xuất bản cũng tại Florida vào năm 1988, dầy 310 trang, trong đó ông dành hơn 5 trang để kể tóm tắt về dự án Mỗi Người Dân Một Mái Nhà như sau:

Sau khi thành công trên đường sự nghiệp, một ngày đẹp trời nọ, tôi đứng trên cao ốc, tầng 12 của Président Hotel 727 đường Trần Hưng Đạo Saigon. Nhìn quanh tứ phía, tôi thấy nhà cửa dân nghèo ở Thủ đô được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông hay Saigon Hoa Lệ, người dân đang sống trong các chòi ọp ẹp, sình lầy, tối tăm, bẩn thỉu … Tôi chạnh lòng nhớ đến những tá điền quen thuộc xưa kia, họ mộc mạc, hiền lương, đầy tình người và thật thà, giản dị … Cũng tự nghĩ, dù tôi có làm giàu đến đâu đi nữa, chỉ được tiếng giàu có như “Thạch Sùng”, cũng chỉ ngày ba bữa ăn mà thôi, rồi khi chết, chỉ còn hai bàn tay trắng với một nấm mồ ở lòng đất lạnh.

Nay tôi đã giàu có rồi, dư ăn dư để, thử hỏi tại sao tôi phải tiếp tục làm giàu thêm để sống một nếp sống ích kỷ, không nghĩ đến kẻ bất hạnh nghèo khó, chân lấm tay bùn, họ chỉ vì an ninh mà bỏ nơi chôn nhau cắt rún, bỏ ruộng vườn, nhà cửa cũng vì chiến tranh, họ tìm nơi lánh nạn, nên đã chịu chui rúc như ổ chuột.

Vậy tôi phải làm gì, trước để giúp người dân, sau để lòng mình được an vui thanh thản, còn để lại tiếng tốt cho mai sau, hơn là cứ dấn thân vào tiền tiền, bạc bạc mãi. Đắn đo suy nghĩ mãi, rồi cũng tìm ra được một chương trình “Mỗi Người Dân Một Mái Nhà” mà không tốn tiền công quỹ quốc gia”.

Theo Nguyễn Tấn Đời, chương trình “Mỗi Người Dân Một Mái Nhà” của ông được phác thảo với nhiều dự án trải dài từ các quận ngoại thành đến vùng ven đô thị của các tỉnh miền Nam. Giải pháp ông đưa ra là mua đất của dân theo giá cả hiện hành, quy hoạch thành các trung tâm thương mại và khu đô thị sang trọng, bao gồm những khu nhà song lập, biệt lập và nhà liên kết để kinh doanh, tạo ra nguồn quỹ để xây những khu nhà bình dân cấp không cho người nghèo.

Nguyễn Tấn Đời chọn Thủ Thiêm để thiết lập dự án đầu tiên cho chương trình Mỗi Người Dân Một Mái Nhà. Theo dự án nầy, ông sẽ mua 500 mẫu đất từ bến đò Thủ Thiêm lên Cát Lái. Ngay chỗ bến đò Thủ Thiêm, ông sẽ cho xáng múc con kinh chiều ngang 30 mét, sâu 25 mét, dài 500 mét ăn sâu vô đất liền.

Ở đoạn cuối con kinh, ông cho làm cái hồ nhân tạo, ngang 500 mét, dài 1.000 mét, sâu 15 mét, dùng xáng thổi đất lên bốn phía bờ hồ để san lấp mặt bằng. Xung quanh bờ hồ và dọc theo hai bờ kinh, ông xây dựng thành khu thương mại, đồng thời, xây dựng những khu nhà biệt lập, song lập để kinh doanh, tạo nguồn quỹ để xây dựng những khu nhà bình dân lân cận, cấp không cho người nghèo. Trong khu nhà bình dân sẽ có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, đường xá, điện nước, cây xanh, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho đời sống.

Theo ông, Thủ Thiêm sẽ là một Saigon mới, một Hongkong thứ hai, có bến phà lớn, có xe bus qua lại liên tục cho người dân đi về với Saigon, Chợ Lớn để mưu sinh, có bến tàu thương mại để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh và ngược lại. Khu thương mại chung quanh bờ hồ và hai bên bờ kinh được ăn thông với sông Saigon để ghe thương hồ mang hàng hóa trực tiếp đến người tiêu thụ, giảm bớt trung gian.

Hồ nhân tạo ngoài vai trò cảnh quan và giao thương còn là nơi sinh hoạt lễ hội với các hoạt động văn hóa tượng trưng cho miền sông nước. Trên các đường phố, mỗi lề đường sẽ được trồng mợt loài cây riêng biệt và giao cho từng gia đình chăm sóc, hàng năm tổ chức cuộc thi cây đẹp trong từng khu phố và cây đẹp trong toàn vùng để trao giải thưởng để khuyến khích người dân tham gia làm nên vẻ đẹp của thành phố.

Soạn thảo chương trình xong, Nguyễn Tấn Đời trình với phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, được ông Thơ góp ý, chỉnh sửa rồi trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Diệm cho mời ông Đời vào dinh, tỏ ý hoan nghinh. Chỉ một tháng sau, chương trình Mỗi Người Dân Một Mái Nhà của Nguyễn Tấn Đời đã được ông Diệm phê duyệt trên nguyên tắc.

Theo đó, ông Diệm quyết định xuất 500 triệu từ quỹ xổ số kiến thiết cho Nguyễn Tất Đời vay không lãi trong mười năm với điều kiện ông Đời phải đem toàn bộ tài sản ra thế chấp cho Chính phủ, giao cho Nguyễn Tấn Đời được toàn quyền điều hành dự án dưới sự giám sát về kỹ thuật của Bộ Công Chánh và giám sát nguồn thu và nguồn chi của Bộ Tài Chánh. Nhưng tiếc thay, dự án Thủ Thiêm chưa kịp triển khai thì Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh.

Từ năm 1965 đến năm 1972, chính phủ Đệ nhị Cộng hòa cũng đã hai lần thuê các chuyên gia nước ngoài lập đồ án quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm nhưng không thành. Nhiều người cho rằng do hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng theo bạn tôi thì đất Thủ Thiêm có vấn đề về phong thủy.

Kỳ II: Nước mắt Thủ Thiêm

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  2. Ông Nguyễn Tấn Đời là người để lại trong ký ức tuổi thơ của tôi những ấn tượng đẹp về lòng biết ơn và sự khiêm tốn.
    Trước năm 1973, ông và cha tôi cùng đứng chung một liên danh ra ứng cử hội đồng Phòng Thương Mại Sài Gòn. Cha tôi mời mấy ông về nhà để mẹ tôi nấu món Bắc cho ăn, ai cũng cười nói vui vẻ nhưng tôi thấy chỉ mình ông ra lễ phép cầm tay mẹ tôi nói lời cám ơn với thái độ hết sức kính trọng như một người em trong gia đình hơn là đồng sự. Tôi hồi đó còn nhỏ nhưng thầm nghĩ ông này mới là người đáng mặt quân tử. Sau năm 1975 cha tôi kẹt lại, hỏi thăm lung tung nhưng không thấy tông tích ông, thật đáng buồn. Hôm nay mới được biết tin ông qua đời từ 1995 thì cha tôi cũng đã mất vài tuần nay rồi, tôi chẳng kịp khoe cha về tông tích của ông nữa. Xin thành tâm đốt nén nhang lòng trưởng niệm anh linh ông Nguyễn Tấn Đời, người có tấm lòng cao cả và đáng kính trọng!

Leave a Reply to Bút Bi Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây