Trao đổi với ông Tô Văn Trường

Nguyễn Đình Cống

8-9-2018

Tôi vừa đọc bài “Nhân sự cấp chiến lược – bài toán khó đang cần lời giảicủa ông Tô Văn Trường, đăng trên trang BauxiteVN ngày 29/8/2018. Tôi tán thành các ý kiến về tình trạng hiện tại, được viết trong mục 1 và có ý kiến phản biện một số vấn đề ở mục 2 và 3.

Mục 1: Trình bày các vấn đề: Băn khoăn lớn nhất; Thực trạng cán bộ và bất cập trong quản lý kinh tế – xã hội; Tham nhũng, bất công khủng khiếp; Sự giả dối lên ngôi; Quan hệ với Trung Quốc thiếu bình đẳng đến bạc nhược; Việt Nam bấn loạn về đại vấn đề nợ công, nợ xấu; Doanh nghiệp nhà nước phần lớn làm ăn thua lỗ; Môi trường sống suy thoái nghiêm trọng.

Về tình trạng hiện tại liên quan đến nhân sự cấp chiến lược có thể kể thêm vài vấn đề nữa như sự khủng hoảng của giáo dục, sự băng hoại của đạo đức, sự tha hóa của tư pháp v.v…, nhưng như thế cũng tạm đủ.

Mục 2: Nghiên cứu và hoàn thiện pháp lý về tổ chức, quản lý cán bộ trong nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường.

Trong mục này ông Trường cho rằng: Vấn đề chủ yếu hiện nay phải có được chủ thuyết phát triển đúng đắn, … có chiến lược phát triển con người phù hợp với chủ thuyết phát triển và cần có quyết tâm chính trị cao nhất để ưu tiên thực hiện được các chiến lược đó”. Sau khi nêu thêm một số ý kiến, ông Trường viết: “Đó là điều trước hết cần làm và Đảng CSVN hoàn toàn có thể làm được!”

Tôi nhất trí với ông đoạn đầu (đó là điều cần làm), nhưng rất khó chấp nhận đoạn sau (Đảng CSVN hoàn toàn có thể làm được). Theo tôi việc ĐCSVN làm được điều ông Trường đề nghị có xác suất chỉ dưới 1%. Muốn làm được ĐCSVN phải từ bỏ chủ thuyết Mác Lê nin đã quá lỗi thời, phải tự biến đổi từ một đảng cách mạng thành đảng chính trị. Đó là điều mà ĐCSVN hiện nay không muốn làm, không thể làm. Chính thức và công khai, toàn Đảng răm rắp theo đường lối do Tổng Bí vạch ra là kiên trì Mác Lê, khẳng định đó là chủ thuyết phát triển đúng đắn nhất, đảng viên nào dám nghi ngờ sẽ bị khai trừ.

Mục 3: Giải pháp thực hiện

Đây là phần chủ chốt, quan trọng. Ông Trường viết: “Để một xã hội phát triển lành mạnh về phía tiến bộ cần có (1) Một học thuyết phát triển đủ tốt và đủ tiên tiến; (2) Một hệ thống luật pháp & thể chế & bộ máy nhà nước & thị trường tổ chức tốt; (3) Những cá nhân, con người tốt, quả cảm, tài năng và đạo đức tức là đủ phẩm chất lắp vào các vị trí của hệ thống số (2), và (3) thường đồng thời là sản phẩm của (1) và (2)”.

Tôi nghĩ hơi khác, cho rằng quan trọng nhất là làm sao có được người thực sự tài giỏi và liêm chính để lãnh đạo quốc gia, làm sao có được đội ngũ trí thức tinh hoa tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Chính những người đó sẽ lựa chọn học thuyết tiến bộ, sẽ tạo ra hệ thống luật pháp, thể chế, bộ máy. Như vậy không chỉ (3) thường đồng thời là sản phẩm của (1) và (2) mà chủ yếu (3) là nguyên nhân, là động lực của (1) và (2).

Quan hệ giữa (3) với (1) và (2) không phải theo đường thẳng mà theo vòng xoắn, nó giống như quan hệ giữa thời thế và anh hùng hoặc giữa con gà và quả trứng. Vòng đó có thể theo hướng mở rộng hoặc thu hẹp dần. Khi vòng thu hẹp, dần về hướng xấu (như xã hội VN hiện nay) thì phải tìm cách dừng lại và đổi chiều. Dừng lại và bắt đầu đổi chiều từ chỗ nào do con người nhận thức và hành động.

Nói rằng số (1) là học thuyết tiên tiến. Hỏi: Ai sẽ tìm ra, ai chấp nhận học thuyết ấy, phải chăng là những đầu óc đã xơ cứng vì Chủ nghĩa Mác Lê. Nói rằng số (2) là một hệ thống luật pháp & thể chế tốt. Hỏi: Ai sẽ xây dựng nên luật pháp và thể chế đó khi Đảng vẫn ngồi xổm lên trên toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước. Hơn nữa việc ban hành luật không quan trọng bằng việc thi hành luật. Có được luật thật hay, mà không ai thi hành thì luật cũng chẳng có giá trị gì. Ngay cả những điều ghi rõ ràng trong Hiến pháp mà đảng thấy không có lợi cho sự toàn trị thì vẫn không cho thi hành.

Nhưng làm sao để có được người tài giỏi, có được đội ngũ trí thức tinh hoa để đưa vào Nhân sự cấp chiến lược. Đó là bài toán khó, rất khó đang cần lời giải.

Mặc dầu Đảng đã có nhiều chính sách, nhiều nghị quyết về vấn đề này, nhưng xét ra đều chọn sai phương hướng, đã dùng sai biện pháp, nghĩa là đã sai từ gốc. Đó là đặt tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ nguồn không phù hợp, là cấp ủy cũ chọn cán bộ mới, là việc bầu cử chỉ là dân chủ giả hiệu. Mà đã sai từ gốc thì khó có thể tìm được những người chân chính, mà phần lớn chọn phải kẻ cơ hội đầy mưu ma chước quỷ và ngụy trang rất khéo.

Ông Trường đã tương đối đúng khi viết: “cần có 1 lãnh tụ đúng nghĩa và bản lĩnh”. Tương đối đúng vì đảng cách mạng mới cần lãnh tụ, còn dân tộc và đảng chính trị cần người lãnh đạo. Lịch sử chứng tỏ rằng lãnh tụ dễ tạo ra sùng bái cá nhân. Vậy ở đâu ra, bằng cách nào có được con người như vậy. Đó là Mendela của Nam Phi, là Mahathir của Malaysia, Walesa của Ba Lan, là Havel của Tiêp khắc là Gocbatrov và Elsin của Nga. Hình như họ được Thượng Đế sinh ra cho Dân tộc, được khí thiêng sông núi hun đúc nên và quan trọng là gặp được thời cơ. Việt Nam cũng đã từng có những người như Trần Độ, Trần Xuân Bách, nhưng chưa gặp thời nên chỉ mới lóe sáng một thời gian ngắn.

Ông Trường cho rằng: “Hệ thống luật pháp và thể chế này (2) vừa sử dụng lại cũng vừa phát triển và giám sát các cá nhân (3) đó, khiến cho họ “không muốn, không dám, và không thể” tham nhũng, rộng hơn là phải đáp ứng được yêu cầu của vị trí công việc. Hệ thống cũng rất sớm phát hiện và đào thải những cá nhân không phù hợp” Xin thưa, bản thân hệ thống không làm được gì cụ thể cả (phát hiện, đào thải), mà chỉ là chỗ dựa cho những con người có năng lực và đạo đức. Hiến pháp của Việt Nam có một số điều khoản tiến bộ về nhân quyền, nhưng người ta không cho thi hành.

Về đổi mới tư duy. Xin đừng quá hy vọng vào sự tác động từ ngoài (phê bình, góp ý chẳng hạn) để đổi mới tư duy cho những đầu óc bã đậu hoặc xơ cứng. Nên hiểu đổi mới tư duy cho tổ chức, nghĩa là dùng người có tư duy mới, tiến bộ thay cho người có tư duy cũ, lạc hậu. Việc đổi mới tư duy của cá nhân phải được tự thực hiện từ bên trong, còn tác dụng từ ngoài chỉ là cú hích chứ không quyết định.

Ông Trường viết: “Việc quan trọng và cấp thiết hơn, nhất thiết phải làm trước, đó là cần thảo luận dân chủ, công khai rộng rãi trong đảng và trong cả nước, để đi tới đánh giá thống nhất về 2 vấn đề lớn” (thực trạng đất nước và nguyên nhân). Phải chăng ông đã quá ngây thơ, quá ảo tưởng khi đề xuất ý kiến này, làm cái việc “Nước đổ đầu vịt” hoặc “Đàn gẩy tai trâu”. Ông Võ Văn Thưởng đã từng nói đến đối thoại, nhưng rồi sự đàn áp tự do ngôn luận càng ngày càng tăng. Hiện nay trên các trang mạng xã hội vẫn thảo luận 2 vấn đề lớn như đề xuất của ông, nhưng đều bị gán cho là ý kiến của thế lực thù địch. Theo Đảng thì thế lực thù địch phải bị tiêu diệt tận gốc như kẻ thù giai cấp. Làm gì có chuyện thảo luận dân chủ, công khai trong cả nước.

Ông Trường nêu ra nhiều biện pháp, mới nghe qua thấy rất hay, rất đúng. Ông viết: “Điều đó, Đảng với đội ngũ trí thức hiện nay hoàn toàn có khả năng làm được và là sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân.”

Ở VN hiện nay có một lực lượng trí thức của Đảng, họ tập hợp trong Hội đồng lý luận, trong các trường chính trị, trong Viện Hàn lâm KHXH. Ngoài ra có nhiều trí thức khác đang hoạt động tự do. Không biết ông Trường trông cậy vào “đội ngũ trí thức” nào. Có lẽ ông đã bị nhầm khi đặt trông đợi vào trí thức của Đảng. Phần đông họ là loại hữu danh vô thực, hoặc có hiểu biết nhưng thiếu dũng cảm. Còn loại trí thức tự do thì Đảng đang xem họ như thế lực thù địch.

Còn bản thân Đảng. Cứ như những biểu hiện từ trước tới nay thì Đảng không thể làm theo các điều do ông Trường đề xuất khi vẫn kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê, vẫn cố giữ sự độc quyền toàn trị, khi vẫn đặt Đảng cao hơn tất thảy. Đảng chỉ có thể làm được khi từ bỏ Mác Lê và sự độc quyền toàn trị, trở thành một đảng chính trị theo đúng nghĩa. Nhưng đối với số đông lãnh đạo đảng các cấp thì đó là việc làm mang tính lột xác đau đớn mà họ không dám nghĩ tới chứ đừng nói là dám làm.

Theo tôi thì nguyên nhân gốc của nhiều tệ hại hiện nay, (trong đó bao gồm cả những sai lầm về cán bộ, về nhân sự cấp chiến lược, về hệ thống luật pháp và thể chế…) là sự kết hợp và cộng hưởng giữa những yếu kém trong truyền thống văn hóa dân tộc với những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê. Sự kết hợp này là tự động, không có ai chủ trương hoặc vạch kế hoạch.

Để khác phục những yếu kém trong truyền thống cần làm từ từ và tốt nhất là có tác động của một chính quyền liêm chính, vững mạnh, một nền giáo dục nhân văn và khai phóng. Điều kiện cần và cấp thiết là từ bỏ Mác Lê. Nếu không từ bỏ được Mác Lê thì mọi biện pháp đề xuất chỉ là vá víu, nói thì tỏ ra hay, nhưng không thể thực hiện triệt để.

Tôi đã đọc khá nhiều bài của Tô Văn Trường về các vấn đề kỹ thuật, tôi cảm phục sự hiểu biết sâu sắc, sự phân tích kỹ càng, đầy đủ của ông. Riêng về bài “Nhân sự cấp chiến lược…”, có đụng chạm đến sự lãnh đạo của Đảng. Hình như ông cũng thấy rõ những bất cập từ gốc, nhưng còn ngại chưa mạnh dạn viết ra. Tôi nghĩ rằng những điều tôi viết trên đây ông đều biết cả và có thể còn biết sâu hơn, nhưng ông chưa viết ra được vì còn sợ. Chẳng là tôi đã bớt sợ nên dám viết ra những suy nghĩ cá nhân để đóng góp vào sự thảo luận dân chủ và công khai như ông hằng mong muốn.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. montaukmosquito, “Khách Quan” đều là nặc danh, không thể láy tư cách gì để khen hay chê những người tranh đấu sử dụng tên thật (ông Cống, ông Trường). Ông Trưởng, ông Cống bị chê nhát?
    Ô hô! “tranh đấu” bằng nặc danh mới là dũng cảm!
    Từ nay, các bác nặc danh xúc phạm người tên thật xin đừng ai trả lời, tham gia bàn luận. Từ nay, tôi cũng vậy.
    Tôi đố các bác nặc danh khiến ông Trường trả lời đấy.

    • Bắt chước Bác Hồ kính iêu có chừng hơn 200 cái nicks ảo . Ui, vấn đề là tớ có cần Tô Văn Trường trả lời không . Ổng có trả lời tớ có muốn đáp lại không là 1 chuyện khác nữa . Vấn đề là phải có ngang tầm tư duy thì mới có thể đối thọi . Ổng yêu Đảng, tớ hổng yêu Đảng bằng ổng . Ông nội đó không phân biệt được sự khác nhau giữa khoa học & triết học . Fook him, đồ trí thức Việt Cộng í mà! Nói với cái đầu gối còn có lý hơn .

      Bài đăng ra có phần còm thì tớ còm . Tớ không ngu gì đấu tranh với Đảng, cứ để Đảng lãnh đạo đất nước & dân tộc vui hơn .

  2. Mỗi người tranh đấu ở vị trí và hoàn cảnh của mình. Miễn là phải tranh đấu.
    Hãy tôn trọng cách mà ông Trường tự chọn cho mình. Hiểu biết xã hội và tình thế của ông Trường (so ông Cống) thì toàn diện và sâu sắc hơn nhiều.
    Có người muốn tất thảy đảng viên lão thành đồng loạt ra khỏi đảng (như ông Cống). Nếu không dám làm như vậy sẽ bị coi là hèn, nhát (sợ) hoặc ngu, đểu…
    Muốn viết (ở chế độ này) trước hết phải được an toàn để viết tiếp. Muốn trẻ con uống thuốc đắng, cần pha loãng ra.

    • “Mỗi người tranh đấu ở vị trí và hoàn cảnh của mình”

      Đúng vậy . Ở vị trí độc lập (rất) tương đối thì đấu tranh ở vị trí độc lập (rất) tương đối mà đấu tranh . Có điều tớ đề nghị các bác ở đâu thì xướng lên thế đứng của mình . Ở vị trí yêu Đảng, nói rõ dùm ở vị trí yêu Đảng, yêu Bác Hồ thì cũng nói rõ ra . Giống như các “trí thức” đang viết bài cho báo Đảng vậy đó . Đàng này cứ úp úp mở mở, ấp a ấp úng kiểu “quân tử dùng dằng đi chẳng dứt” thì quả là đáng mặt quân tử lắm .

      “Muốn viết (ở chế độ này) trước hết phải được an toàn để viết tiếp”

      Triết lý Đại tá Trần Đăng Thanh muôn năm! Trần Đức Thảo còn sống chắc cũng tự hào cùng họ mặc dầu không quen . Đại tá Trần Đăng Thanh mới xứng đáng là triết gia của Việt Nam . Văn việt, thân hữu của con rể Lê Duẩn chống Tàu, đang lăng xê Hạ Đình Nguyên, chicken xít for the soul. Trần Đăng Thanh không cần lăng xê . Nếu mục đích là an toàn để viết tiếp thì viết cỡ Tô Văn Trường là đủ . Viết thêm đến độ bị Đảng khai trừ thì, theo tớ, đó mới là điều nhục nhã nhất . Bị Đảng của Bác Hồ khai trừ … Đau còn hơn hoạn đấy chứ tưởng!

      “Muốn trẻ con uống thuốc đắng, cần pha loãng ra”

      Oh, tớ không muốn trẻ con uống thuốc đắng . Tớ chỉ muốn Đảng uống thuốc độc . Ah, bác này nghĩ Đảng là trẻ con . Chắc bác này cũng là đảng viên của 1 lũ -more like trẻ trâu- trẻ con . Trí tuệ nhất các bác lun!

    • Một lời khuyên buồn cười là “tranh đấu mà vẫn được an toàn” thì nên quên
      nó đi (forget it) mà “trùm chăn” còn an toàn hơn nhiều duới chế độ CS. !

  3. “Việt Nam cũng đã từng có những người như Trần Độ, Trần Xuân Bách, nhưng chưa gặp thời nên chỉ mới lóe sáng một thời gian ngắn”

    Việt Nam ta cũng đã có Bác Hồ Chí Minh của bác Cống . Gặp thời nên tỏa nguồn sáng ấm áp cho tới bây giờ bác Cống & những người như bác vẫn có thể úp mặt vào . Tùy theo mỗi người tin vào cái gì, có thể “hồn thiêng sông núi” nước Tàu đã tạo cho ta Bác Hồ kính iêu . Nếu “hồn thiêng sông núi” của Việt Nam tạo ra Bác Hồ, ta không nên cầu cạnh gì nhiều .

    Trí thức Đảng tớ đọc qua không phải là bọn “hữu danh vô thực”, họ “thực thật”. Cả 2 loại trí thức trong biên chế & ngoài biên chế đều là loại “hữu thực vô tri”. Tại sao họ “hữu danh” thì chắc là nhờ “hồng phúc nước nhà”.

    Bác Cống đòi bỏ Mác Lê nhưng theo báo chí Đảng Cộng Sản, chính Bác Hồ kính iêu của chúng ta là người đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lê đến với đất nước & dân tộc . Bác Cống yêu Bác Hồ đến mê muội nhưng đòi bỏ Mác Lê thì ai (dám) tin ạ ?

  4. Hị…. hị…. bác Cống chê Tô Văn Trường sợ, “dưng mà” hình như bác cũng còn sợ hay sao mà không chỉ đích danh cái chính quyền “ăn của dân không thiếu một cái gì” thì đó là thứ chính quyền gì, bác nhỉ?

Leave a Reply to Do Van Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây