Hành trình dân chủ gập ghềnh của Thái Lan

LS Nguyễn Văn Thân

8-9-2018

Thái Lan theo thể chế quân chủ lập hiến sau cuộc cách mạng dân chủ vào năm 1932. Tuy nhiên, chính trị Thái mang đậm màu sắc chia rẽ giữa các thế lực đảng phái, quân đội, giới tri thức, công chức và gia đình hoàng tộc. Sau khi văn bản Hiến Pháp ra đời ban hành quyền bầu cử thành lập Quốc Hội thì đã có 19 cuộc đảo chánh. Lực lượng quân đội áp đảo chính trường của Thái Lan.

Cứ mỗi lần quân đội đảo chánh thì Hiến pháp cũng thay đổi. Một sự kiện lịch sử quan trọng là Tháng 5 đen. Vào tháng 2 năm 1991, Tướng Suchinda Kraypayoon lật đổ chính quyền dân cử nhưng đầy tham nhũng của Chatichai Choonhavan. Sau đó, chính quyền quân phiệt tổ chức bầu cử vào tháng 3 năm 1992. Suchinda không tham gia tranh cử vào Quốc Hội nhưng lại giành quyền làm Thủ tướng. Dân Thái phẫn nộ và xuống đường biểu tình có lúc lên tới hàng trăm ngàn người phản đối tham vọng quyền lực trân tráo của Suchinda. Bạo động nổ ra và cảnh sát phản ứng bằng cách nổ súng vào đoàn người biểu tình bắn chết hàng trăm người. Hàng ngàn người khác bị thương, bị bắt và tra tấn.

Vua Thái Bhumibol buộc phải can thiệp và triệu tập Suchinda cùng với thủ lãnh của nhóm biểu tình tới Hoàng cung khiển trách và yêu cầu hai bên hòa giải. Nhóm biều tình đồng ý giải tán. Đổi lại, Suchinda tuyên bố ân xá và trả tự do cho những người bị bắt và từ nhiệm chức vụ thủ tướng.

Bầu cử được tổ chức lại vào tháng 9 năm 1992 khi Đảng Dân chủ thắng cử. Lãnh tụ Đảng Dân chủ Chuan Leekpai trở thành thủ tướng. Tới năm 1995, Liên minh cầm đẩu bởi Đảng Dân chủ rạn nứt dẫn đến cuộc bầu cử mới với kết quả là Banharn Silpa-archa lên làm thủ tướng. Nhưng ông này cũng chỉ cầm quyền chưa đầy một năm. Tới cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 1996 thì Chavalit Youngchayudh lên làm thủ tướng. Nhưng rồi cũng chỉ một năm sau Chavalit lại trao quyền thủ tướng lại cho Chuan Leekpai để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á. Có nghĩa là trong 3 năm Thái Lan có 3 thủ tướng khác nhau thể hiện tình trạng bất ổn ở thượng tầng lãnh đạo.

Nhà tài phiệt Thaksin Shinawatra xuất hiện trong thiên niên kỷ mới làm chính khách và lãnh tụ của Đảng Thai Rak Thai (TRT). Trong cuộc bầu cử vào thánh Giêng năm 2001, TRT thắng vẻ vang với 296/500 ghế Hạ Viện và thành lập chính quyền. Thaksin theo đuổi chủ nghĩa dân túy và áp dụng chính sách mua chuộc phiếu của thành phẩn cử tri thôn quê vốn vẫn chiếm đa số tại Thái Lan. Ông hứa là sẽ xóa nợ cho giới nông gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á và cung cấp bảo hiểm y tế cho người nghèo với giá rẻ. Mặt khác, Thủ tướng Thaksin cũng tiến hành cải cách hệ thống công chức và guồng máy chính quyền để nâng cao năng suất và hiệu quả. Nhờ vậy mà TRT thắng lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 2 năm 2005 với 374 ghế.

Nhưng bản thân Thanksin phải đối diện với nhiều cáo buộc tham nhũng hoặc làm ăn không minh bạch. Trước đó, Thaksin đã bị Ủy Ban chống tham nhũng truy tố là giấu diếm tài sản cổ đông trị giá hàng trăm tỷ baht. Sau khi Tòa Hiến pháp ban hành phán quyết rằng Thaksin không phạm tội thì ông lại bị cáo buộc là bán cổ phiếu cho một công ty viễn thông của Singapore trị giá hơn 70 tỷ baht mà không đóng đồng thuế nào. Đảng Dân chủ và các phong trào chống tham nhũng phản ứng mạnh bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu Thaksin từ chức hoặc bị truất phế. Thaksin phản pháo bằng cách giải tán Quốc Hội và tuyên bố sẽ tiến hành bầu cử lại. Nhưng các đảng đối lập tẩy chay. Theo Hiến pháp Thái, bầu cử phải có đủ túc số. Không còn đường nào khác, Thaksin tuyên bố là sẽ từ chức một khi Quốc Hội bầu chọn thủ tướng mới.

Trong lúc Thaksin công du Hoa Kỳ và chuẩn bị đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc thì quân đội tiến hành đảo chánh vào ngày 19/09/2006. Một tháng sau đó, quân đội bổ nhiệm chính quyền lâm thời. Đảng TRT của Thaksin bị cấm hoạt động trong 5 năm.

Bầu cử Quốc Hội được tổ chức vào tháng 12 năm 2007. Đảng viên trung thành với Thaksin lập đảng khác lấy tên PPP ra tranh cử và thành lập chính quyền liên minh với 5 đảng nhỏ khác. Samak Sundaravej đại diện cho PPP được đề cử làm thủ tướng. Tới tháng 2 năm 2008, Thaksin quyết định về nước để đối mặt với cáo buộc tham nhũng. Nhưng tới tháng 8 thì Thaksin bỏ trốn sang Anh quốc sau khi vợ ông bị tòa phán tội trốn thuế.

Cũng trong tháng này, Đảng đối lập DAP quy động một cuộc biểu tình quy mô chống chính quyền với hàng chục ngàn người xâm chiếm trụ sở chính quyền ngay tại trung tâm thủ đô Bangkok buộc Samak phải từ chức. Biểu tình viên của DAP mặt áo vàng tượng trưng cho lòng trung thành với Hoàng gia.

PPP đưa Somchai Wongsaphat là em rể của Thaksin lên thay thế. Nhưng tới tháng 12 thì PPP bị Tòa Hiến pháp giải thể vì phạm tội gian lận trong cuộc bầu cử. Thành viên liên minh đổi phe và ủng hộ DAP đưa Abhisit Vejjajiva ra làm thủ tướng. Có nghĩa là chỉ trong 12 tháng mà Thái Lan một lần nữa có tới 3 thủ tướng khác nhau. Phe của Thaksin phản đòn bằng cách tổ chức biểu tình chống lại và mặc áo đỏ đại diện cho giới nông dân yêu cầu tổ chức bầu cử lại.

Cuộc tổng tuyển cử Quốc Hội thứ 24 được tổ chức vào ngày 3/7/2011. Đảng PTP do em của Thaksin lãnh đạo thắng 265 ghế. DAP thắng 159 ghế. Yingluck Sinawatra làm nên lịch sử và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Nhưng khủng hoảng chính trị lại diễn ra vào tháng 10 năm 2013 khi Yingluck có ý định ban hành luật ân xá cho anh trai là Thaksin trở về nước. Hàng chục ngàn người áo vàng lại xuống đường biểu tình phản đối. Yingluck quyết định giải tán Quốc Hội và tổ chức bầu cử sớm. Nhưng vào ngày 7/5/2014, Toà Hiến Pháp Thái Lan ban hành phán quyết truất phế Yingluck vì tội lạm quyền khi bà sa thải Trưởng phòng an ninh quốc gia Thawil Pliensri vào năm 2011. Vào ngày 20/5/2014, quân đội Thái cầm đầu bởi Tướng Prayut Chan-ocha tiến hành đảo chánh và giải tán Quốc Hội. Yingluck bị truy tố vào năm 2016 nhưng không có mặt khi Tòa ban hành phán quyết bà phạm tội lạm quyền vào tháng 8 năm 2017. Bà trốn ra nước ngoài trước khi bị kết án và phán 5 năm tù.

Prayut hứa là sẽ tổ chức bầu cửa dân chủ vào tháng 2 hoặc tháng 5 năm 2019 nhưng không biết là ông sẽ thực hiện đúng lời hứa đó hay không? Mọt câu hỏi khác là liệu ông có bỏ áo quân nhân trở thành chính khách tham gia vào cuộc bầu cử hay không? Trả lời báo chí trong chuyến viếng thăm châu Âu vào tháng 6 vừa qua, Prayut cho biết là ông sẽ có quyết định chính thức trong tháng 9 này.

Tóm lại, những người soạn thảo Hiến pháp Dân chủ cho Thái Lan vào năm 1932 đã phạm phải một thiếu sót nghiêm trọng là không quy định rõ ràng vai trò của quân đội và hoàng gia trong một thể chế dân chủ. Quan hệ khắng khít tương quan quyền lợi giữa hai nhóm này bóp nghẹt không cho dân chủ có cơ hội phát triển đúng mức. Trong 86 năm qua, Thái Lan chỉ được cai trị bởi một chính phủ do cử tri bầu trong 24 năm, tức chưa tới 1/3. Mặt khác, chính trị Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc giữa thành phần trí thức và tiểu nông, giữa thôn quê và thành thị cho cơ hội để những tay tài phiệt và chính khách con buôn như Thaksin Sinawatra khai thác.

Bhumibol là một nhà vua được đa số người dân Thái kính trọng đã trị vì hơn 60 năm từ 1946 đến khi ông băng hà vào ngày 13/12/2016. Thái Tử Vajiralongkorn sẽ chính thức làm lễ kế vị. Nhưng Vajiralongkorn có một cuộc sống có vẻ bất thường và cai trị hoàng tộc từ thành phố Munich của Đức nơi ông cư ngụ. Điều 112 của Bộ Luật Hình sự quy định là những lời bình phẩm có tính phỉ báng, sỉ nhục hoặc đe dọa tới nhà vua, hoàng hậu hoặc nhiếp chính có thể bị án tù từ 3 tới 15 năm. Tài sản của hoàng gia ước lượng hơn 30 tỷ Mỹ kim đẻ ra lợi tức khoảng 300 triệu hàng năm. Vào tháng 6 vừa qua, chính quyền quân phiệt sửa đổi luật chính thức ghi nhận quyền sở hữu tài sản của hoàng gia thuộc về vua Vajiralongkorn cũng như trách nhiệm đóng thuế lợi tức như mọi công dân khác.

Hệ thống chính trị Thái Lan đã tiến một bước dài từ 1932 nhưng cơ chế và văn hóa dân chủ còn đi từng bước chậm chạp. Vào ngày 14/6 vừa qua, đại diện của DAP, PPP và một vài đảng phái khác đã tham gia một cuộc hội thảo về những thách thức dân chủ cho Thái Lan trước cuộc bầu cử sắp tới vào dự trù sẽ được tổ chức vào năm 2019.

Đây là một dấu hiệu đáng mừng. Các đảng phái đối thủ chính trị cần đối thoại với nhau một cách có văn hóa và chấp nhận thi đua lành mạnh tại nghị trường cũng như cạnh tranh một cách minh bạch để giành lấy phiếu của cử tri. Khi nào ngọn gió dân chủ thổi tới Việt Nam thì các nhà soạn thảo Hiến pháp Dân chủ cần phải nắm vững các bài học từ kinh nghiệm của Thái Lan về vai trò của quân đội để tránh đi vào vết xe đổ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thái Lan có lẽ là điển hình cho xã hội châu Á trong đó đại đa số chưa có
    ý thức về dân chủ khi đất nước này theo chế độ đại nghị hay quận chủ
    lập hiến mà vua là đấng chí tôn,được tôn thờ như thần thánh,chứ không
    phải như các hoàng gia phương Tây (Anh,Đan Mạch,Spain v.v.).
    Còn Nhật là ngoại lệ vì dân chủ hoá rất sớm do Nhật Hoàng thức thời.
    Thành ra,con đường dân chủ ở đây gập ghềnh là điều tất yếu thôi vì nó
    cần có thời gian dài hơn để thu thập thêm kinh nghiệm dân chủ.

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây