Về bài viết của ông Trương Tấn Sang

FB Lão Tạ

7-9-2018

Nghe mọi người xì xào, tôi tìm đọc bài viết của ông Trương Tấn Sang có tựa đề, “Thời gian và cơ hội không chờ đợi ai”. Điều ghi nhận của tôi là lần đầu tiên một ông lãnh đạo cao cấp (dù đã về hưu) không định hướng chính trị lộ liễu và nhàm chán cho người đọc, không lên gân lập trường, không nhắc đến những khẩu hiệu sáo rỗng thuộc loại rẻ tiền và đạo đức giả nhất mọi thời đại, ngoài việc ông ca ngợi đảng của ông và của một nhóm thiểu số-nói thế cho sòng phẳng-đang có nhiều “nỗ lực” để bước đầu lấy lại niềm tin có thể nói là đã ở mức cạn kiệt của người dân (ông không nói hẳn ra như vậy, nhưng cách ông nói, cho mọi người hiểu như vậy). Chúc cho ông sống trăm tuổi để chứng kiến điều ông hy vọng.

Điểm sáng nhất là trong cả bài viết, ông đã biết đặt dân tộc, đất nước lên vị trí cao nhất. Không có “đỉnh cao trí tuệ”, không có “tuyệt đối sáng suốt”, không có “công lao trời biển”…như một thứ mặc định cho những gì nhả ra từ miệng một lãnh đạo cao cấp. Có lẽ ông biết rõ chẳng ai thời buổi này còn tin vào những lời “thiểu năng” như vậy nữa. Vậy cũng có thể xem ông là người biết thời biết thế, có tâm với đất nước. Việc các tờ báo lớn (lớn ở đây là lớn về quy mô ngốn tiền ngân sách) có vẻ không mặn mà với bài của Trương đại quan nhân, cũng phần nào cho thấy ông đứng tách khá xa quan điểm chính thống.

Ông dám hết lời ca ngợi Lý Quang Diệu và Park Chung Hee, hai ông chính khách khinh miệt chủ nghĩa cộng sản thuộc loại hàng đầu, cho thấy ông đã phần nào thoát khỏi sự kìm kẹp của “chủ nghĩa lập trường” khô cứng. Đấy là những chỗ đáng khen.

Nhưng bài viết vẫn lồ lộ ra những chỗ rất kém.

Giá như trong bài viết của mình, sau khi trích dẫn nhận xét của ông Lý Quang Diệu về Park Chung Hee, Ferdinand Marcos, Suharto, ông Trương Tấn Sang trích dẫn cả đoạn ông Lý nói về Việt Nam, về những nhà lãnh đạo Việt Nam kiêu ngạo, bảo thủ, tự trói mình trong cái gông ý thức hệ khiến không chỉ lạc hậu mà còn đáng thương, bị lệ thuộc, có tội lớn với dân tộc, khiến đất nước tuột mất biết bao là cơ hội vàng phát triển, để mọi người biết, dưới cái nhìn của một chính trị gia như Lý Quang Diệu, người mà ông Trương Tấn Sang ca ngợi, vì sao Việt Nam đến nông nỗi như ngày hôm nay?

Giá như khi nói về sự trỗi dậy thần kì của Hàn Quốc, ông Trương Tấn Sang dũng cảm hướng mọi người cùng với ông liếc mắt sang người anh em cùng ý thức hệ với Việt Nam là Bắc Triều Tiên, để mọi người cùng thấy sự khác nhau một trời một vực-như Thiên đường và Đại ngục- ấy giữa hai miền có nguyên nhân từ đâu? Có nguyên nhân từ đâu mà những nước giống Việt Nam như Cu Ba, Lào, cũng như mấy nước mới chỉ dại dột trót giống một thời gian như Angola, Ethiopia, Venezuela…cứ nghèo xơ nghèo xác, dân chúng điêu linh, lạch bạch tụt lại phía sau nhân loại một quãng xa?

Trương đại quan nhân chắc chắn phải biết rõ hơn bất cứ ai, vì sao cái thực trạng tồi tệ của bộ máy công quyền, dù thối nát từ nhiều chục năm trước, lại cứ kéo dài hết năm này sang năm khác? Vì sao “ Người tài Việt Nam bỏ ra nước ngoài hết rồi” như chính lời ông Lý Quang Diệu? Vì sao nạn tham nhũng không thể trừ bỏ được? Vì sao vô số cán bộ ngày ngày nói leo lẻo về đạo đức cách mạng, nhưng hành xử và vơ vét tiền bạc của dân như những tên kẻ cướp mạt hạng, khiến người dân khinh bỉ, căm ghét còn hơn cả căm ghét những tên quan lại thời thuộc Pháp?

Giá như những gì ông nghĩ, được nói ra từ lúc ông đang chót vót trên đỉnh cao quyền lực, ít ra cũng 20 năm, chắc chắn dài hơn thời gian ông Park Chung Hee đưa Hàn Quốc từ đổ nát lên nhóm quốc gia hàng đầu thế gới? Ngần ấy năm nằm trong số vài người đưa ra các quyết định không ai dám cãi, chả lẽ ông không chịu trách nhiệm về sự kém cỏi của đất nước, so với lân bang xóm giềng?

Giá như ông cựu quan đầu triều đủ tự trọng để nhận là ông cũng đã sai, đã lầm, đã mù quáng, đã a dua góp phần đưa đất nước đi vào con đường loanh quanh, đầy ổ gà, thành tâm xấu hổ hối lỗi trước quốc dân đồng bào vì điều đó và thành khẩn thừa nhận nếu không can đảm từ bỏ, không can đảm thay đổi tận gốc rễ, đất nước sẽ mãi đi vào ngõ cụt, mãi dẫm chân tại chỗ, mãi tụt hậu, mãi chỉ đáng làm thuê cho thiên hạ… Thì sự kính trọng của tôi với ông có thể sẽ lớn hơn đấy.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Gần đây tư Sang có mấy bài viết trời ơi đất hỡi với giọng văn cải lương mùi mẫn sến sáo, để cuối cùng kêu rằng dân ta hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo anh minh của đảng, rồi đảng sẽ đưa dân ra khỏi cái mê lộ mà đảng đã dùng súng lùa dân vào bằng được ấy.
    Liệu bàn dân thiên hạ có nên để ý đến những điều Sang nói ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây