Suy ngẫm về “Lời vĩnh biệt của Thượng Nghị sĩ John McCain”

Mạc Văn Trang

29-8-2018

Thượng nghị sỹ John McCain trong một cuộc vận động tranh cử hồi năm 2008. Ảnh: AP

Ông Rick Davis, cựu quản lý Ban vận động tranh cử tổng thống của cố Thượng nghị sỹ John McCain, đã đọc lời vĩnh biệt của ông gửi đến người dân Mỹ tại Điện Capitol của tiểu bang Arizona ở Phoenix hôm thứ Hai ngày 27/8.

Lời vĩnh biệt (chứ không phải Di chúc) gửi đến nhân dân Mỹ của ông gợi lên mấy điều đáng suy ngẫm.

1. Lời đầu tiên, ông BIẾT ƠN vì được phục vụ đồng bào suốt 60 năm. Thì ra được phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc là một đặc ân, chứ không phải mong người dân phải biết ơn ông về “sự cống hiến to lớn, lãnh đạo sáng suốt, tài tình”…

Ông viết: “Gửi đến những đồng bào Mỹ, những người mà tôi đã phục vụ với tất cả lòng biết ơn trong 60 năm, và nhất là những đồng hương Arizona của tôi: Cám ơn đã cho tôi đặc ân được phụng sự mọi người và cám ơn vì cuộc đời viên mãn của những năm tháng phục vụ trong quân ngũ và trong cơ quan chính quyền. Tôi đã cố gắng phục vụ đất nước với danh dự”…

2. Ông nhận những sai lầm: “Tôi có phạm sai lầm, nhưng tôi hy vọng rằng tình yêu của tôi đối với nước Mỹ sẽ giúp khỏa lấp những sai lầm đó”…

3. Không phải như người ta thường nói, người Mỹ thực dụng, “không cần lý tưởng”. LÝ TƯỞNG của ông đây: “Được gắn kết với những chính nghĩa của nước Mỹ – tự do, công lý bình đẳng, tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người – là điều đem đến hạnh phúc tuyệt diệu hơn cả những thú vui phù du trong cuộc đời. Bản sắc và giá trị của chúng ta không hề bị giới hạn mà là được nâng tầm khi chúng ta cống hiến đời mình cho những chính nghĩa vượt khỏi bản thân mỗi chúng ta”…

4. Lý tưởng của ông không chỉ vì nước Mỹ mà còn vì NHÂN LOẠI: “Chúng ta là những công dân của nền cộng hòa vĩ đại nhất thế giới, một quốc gia của lý tưởng chứ không phải huyết thống và lãnh thổ. Chúng ta có được ơn huệ đó và đem đến ơn huệ đó cho nhân loại khi chúng tôi giương cao và thúc đẩy những lý tưởng đó ở trong nước và trên thế giới. Chúng ta đã giúp giải phóng nhiều người ra khỏi những chế độ chuyên chế và đói nghèo hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử. Cũng nhờ đó chúng ta đã có được sự phồn vinh và quyền lực to lớn”…

5. Sức mạnh của nước Mỹ là mỗi người Dân đều có ý kiến riêng, tranh cãi nhau quyết liệt, để đi đến đồng thuận (Không ai được độc quyền chỉ cho ý kiến của mình mới đúng, khác đi là “phản động”): “Chúng ta là ba-trăm-hai-mươi-lăm-triệu con người có ý kiến riêng và lúc nào cũng quyết liệt. Chúng ta tranh cãi, ganh đua và đôi khi phỉ báng lẫn nhau trong những cuộc tranh luận công khai đến khản cả cổ. Nhưng chúng ta luôn có nhiều điểm chung hơn là bất đồng. Phải chi chúng ta nhớ rằng và để cho đối phương cũng nghĩ rằng tất cả chúng ta đều yêu quý đất nước của mình, chúng ta sẽ vượt qua những thời khắc đầy thách thức. Chúng ta sẽ vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn lúc trước. Chúng ta luôn như vậy”…

6. Ông coi việc thất bại, các cử tri không bầu ông, mà bầu Obama làm Tổng thống, cũng là một đặc ân: “Mười năm trước, tôi đã có đặc ân thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống. Tôi muốn kết thúc lời vĩnh biệt mọi người với niềm tin tận đáy lòng vào người Mỹ – một niềm tin mà tôi cảm thấy dâng trào vào buổi tối hôm đó khi tôi thừa nhận thất bại.
Giờ đây tôi vẫn còn cảm thấy niềm tin mạnh mẽ như vậy”.

7. Ông tin rằng nhân dân Mỹ không bao giờ đầu hàng, không bao giờ trốn tránh trước lịch sử, mà là phải làm nên lịch sử…“Đừng tuyệt vọng trước những khó khăn hiện tại của chúng ta nhưng hãy luôn tin vào những hứa hẹn và sự vĩ đại của nước Mỹ, bởi vì không có gì là tất yếu ở đây. Người Mỹ không bao giờ từ bỏ. Chúng ta không bao giờ đầu hàng. Chúng ta không bao giờ trốn tránh trước lịch sử. Chúng ta tạo nên lịch sử”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. * Ở nước nào mà chả vậy, bất kỳ một ông nào nhậm chức đều hứa hoặc đều thề, nào là, làm hết sức mình để phụng sự nhân dân, nào là, cố sức làm mọi cách để đem về lợi ích tối đa cho Tổ quốc!
    Riêng nước Mỹ, do ngộ nhận về vai trò thiên sứ của mình nên tự gánh thêm những sứ mệnh khác bên ngoài lãnh thổ nhằm giúp đỡ những cộng đồng nhỏ bé thoát khỏi những nô dịch nào đó có thể xảy ra, cho nên, các ông quan ở xứ này có lẽ tự hứa và thề bồi nhiều hơn so với các đối tác đồng cấp khác. Nhưng, vấn đề là ở chỗ nhiều khi các ông ấy lại nhân đạo dở hơi dẫn đến gây hại cho chính dân chúng ở cái cộng đồng cần giúp đỡ ấy, ví dụ, các ông mong bọn lãnh đạo ăn cắp bớt ăn cắp đi, mong bọn lãnh đạo bán nước bớt bán nước đi để mà tồn tại và giúp được nhiều hơn cho dân chúng dưới quyền mình (six!).
    * Nước Mỹ sẽ rất vĩ đại và tỏ ra được tính nhân đạo thực sự khi sử dụng nguồn lực của mình ngăn chặn và chặt đứt được âm mưu bành trướng, thống trị của bọn Hán Đỏ. Nhà lãnh đạo Mỹ nào quyết tâm thực hiện điều này thì nên phải coi ông ấy là một vị anh hùng đích thực và phải tìm mọi cách để ủng hộ ông ấy!

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây