Hạnh phúc nhọc nhằn nơi lớp Một (Phần 2)

Phạm Toàn

29-8-2018

Tiếp theo Phần 1

2.- Cách học thứ hai – theo ngữ âm

Người viết bài này thấy mình là người có trách nhiệm giới thiệu và diễn giải quy trình học tiếng Việt theo cách ngữ âm học mà tác giả là giáo sư Hồ Ngọc Đại.  

Năm 1968, tôi rời Hà Nội để lên tỉnh Hà Tuyên nghiên cứu việc học tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số. Năm 1978, rời Hà Tuyên, tôi và đồng tác giả Nguyễn Trường, hai anh em được hai giấy khen của chủ tịch UBND tỉnh. Về Hà Nội, còn được hai huy hiệu Lao động sáng tạo và Giải nhì của UNOESCO khu vực kèm hai nghìn đô la cho bộ sách của hai tác giả.

Cuối năm 1978, Hồ Ngọc Đại nhắn tôi về Hà Nội gặp anh. Anh bảo tôi về làm việc cùng anh ở trường thực nghiệm giáo dục phổ thông. Anh chê cách làm sách tiếng Việt cho dân tộc thiểu số bằng những lời thân tình, và nói về cách dạy theo ngữ âm học. Trong hơn ba mươi năm trời tôi đã gắn bó với công việc Công nghệ Giáo dục – gắn bó với riêng anh để học – làm – học, và làm đủ việc, nghiên cứu, biên soạn, huấn luyện, dạy mẫu, … cả làm phiên dịch nữa.

Tôi xin diễn giải con đường tổ chức cho học sinh học tiếng Việt lớp 1. Xin bạn lưu ý: tôi không viết dạy học sinh mà viết tổ chức cho học sinh học. Điều đó có ý nghĩa là phải nghiên cứu cách học của học sinh thì mới tổ chức được cách học đó. Từ dạy chuyển sang tổ chức học là sự thay đổi quan hệ giữa Thày và Trò, hai nhân vật trung tâm của một nhà trường.

Khi Thày giáo không giảng giải và bắt Học sinh học thuộc, con đường dạy học sẽ được thực hiện qua hệ thống việc làm. Nhà sư phạm phải tìm ra được những việc làm để học sinh thực hiện. Học sinh sẽ phải làm lại những thao tác mà nhà ngữ âm học đã làm để ghi tiếng Việt. Đó là ba thao tác phát âm – phân tích âm – ghi lại và đọc lại. Ba thao tác ngữ âm học đó được diễn ra theo từng bước làm việc như sau.

Bước 1 – Tách lời nói thành tiếng đơn lập

Học sinh không bắt đầu bằng việc học con chữ. Các em bắt đầu với việc phát âm một câu nói, hoặc hai câu ca dao, hoặc vài bốn câu thơ… Sau khi vừa phát âm từng tiếng vừa vỗ tay phân tích thì các em sẽ ghi lại được bằng những vật thay thế tiếng nói. Việc viết diễn ra từ trái qua phải trên hàng ngang – y hệt như đang “viết” chính tả (dù chưa dùng con chữ nhưng cũng “viết” được). Các tiếng Việt đơn lập được học sinh làm ra và ghi lại, sau khi phát âm và phân tích âm.

Việc làm mở đầu này rất quan trọng. Việc học tiến hành dễ dàng, giáo viên hướng dẫn dễ dàng, song điều quan trọng là trong tâm lý trẻ em, các em đã có các khái niệm ngữ âm học do chính các em làm ra: Lời nói, Câu nói, các Tiếng trong Lời nói … và có các khái niệm về phương pháp làm việc theo lối ngữ âm học: Phát âm, Phân tích, Ghi, Đọc … Với tư cách học sinh lớp 1, các em quen với việc viết, quen với việc đọc để kiểm tra việc ghi âm. Và ngay từ đầu, các em cũng quen dần việc tự đánh giá: em học được điều gì? Em làm đúng hay sai? Em làm sai thì tự chữa như thế nào? Bãi bỏ hẳn được việc Thày giáo cho điểm và đánh giá Học sinh, và bãi bỏ tự nhiên trong khi lớp học diễn ra như đang chơi vui.

Bước 2 – Tách một tiếng thành hai phần

Từ chuỗi tiếng vừa phát âm và vừa phân tích, Giáo viên lấy ra một tiếng thanh ngang làm mẫu để sau khi phát âm thì học sinh phân tích bằng cách tách tiếng đó thành hai phần, là phần đầu và phần vần. Học sinh cũng ghi lại điều mới học trong mô hình tượng trưng cho tất cả các tiếng đơn lập. Học sinh thoải mái tự tìm các tiếng cho cả lớp phân tích:

Phát âm 1 tiếng    Phân tích         Được 1 tiếng

gồm phần đầu và phần vần

[ba]              [b]  [a]                     [ba]

[linh]            [l]  [inh]                   [linh]

[cương]       [cờ]  [ương]             [cương]

[kem]          [cờ]  [em]                [kem]

[quân]          [cờ]  [uân]                [quân]

Ngay trong lúc này, xin bạn đừng chú ý tới con chữ, vì học sinh chưa học các con chữ, các em chỉ phát âm thôi. Cho nên phần phụ âm đầu của bất kỳ tiếng [ca] [kem] [qua] [quanh] [quăng] … thì cũng đều có phần đầu là [cờ]. Bạn hãy thử với trẻ em từ năm sáu tuổi, sẽ thấy các em đều biết phát âm tự nhiên như vậy.

Khi đã được một tiếng thanh ngang bất kỳ, các em sẽ học cách thêm thanh để được tiếng khác. Từ mẫu [ba] [huyền] ]bà]  … các em có thể đi đến ]bá] ]bả] ]bã] ]bạ] và tự ứng dụng mãi mãi vào tất cả các tiếng.

Thao tác ngữ âm học được củng cố như sau. Các âm được phát ra và phân tích âm rồi ghi lại theo nhiều cách chứ không chỉ bằng phương tiện là những con chữ. Có được nhận thức như vậy khiến tư duy trẻ em được cởi mở, không chịu lệ thuộc vào chỉ một hệ thống ghi âm.

Kết quả học tập cuối bước 2 sẽ dẫn các em dễ dàng chuyển sang bước 3.

Bước 3 – Học tiếng mẫu [ba]

b            a

Mô hình phần đầu, phần vần một âm chính

Bước này rất quan trọng và gồm nhiều nội dung, ở đây nói ba nội dung chủ chốt, đó là:

a. Học các con chữ để tự ghi được tất cả các tiếng gồm một phụ âm đầu và một nguyên âm là âm chính; đây cũng là lúc thực hiện luật chính tả thứ nhất nghe thế nào nói thế nào thì ghi như thế.

Tiết mẫu (để Học sinh nắm vững khái niệm tiếng mẫu [ba] gồm phần đầu là phụ âm [b] và phần vần chỉ có âm chính [a] rồi ghi vào mô hình để nhớ mẫu đó và lật bằng viết chính tả ba, sau đó là bà, bá, bả, bã, bạ.

Theo mẫu đó là các tiết luyện tập làm việc theo tiết mẫu để có ba   be   bê   bi   bo   bô   bơ   bu   bư     rồi tiếp tục có

ca                       co   cô   cơ   cu   cư

cha  che  chê  chi  cho  chô  chơ  chu  chư     cho đến

ga                       go   gô   gơ   gu   gư

nga                     ngo  ngô  ngơ  ngu  ngư

Bạn đã nhận thấy chỗ trống bên trên không? Đó là để chuyển sang học luật chính tả bắt buộc như ở mục (b) sau đây.

b. Học luật chính tả bắt buộc, dùng chữ k (chữ “ca”) ghi phụ âm đứng trước nguyên âm [e] [ê] và [i] – sau đó sẽ mở rộng sang ghi phụ âm đầu gh (“gờ kép”) và ngh (“ngờ kép”) khi đứng trước nguyên âm [e] [ê] và [i].

Tiết mẫu:

Ôn cái đã biết: cách ghi tiếng mẫu [ba].

Bài toán mới: cách ghi tiếng [ce]

Giải bài toán mới: học chữ k và viết chính tả,

Tiếng phải ghi: [ce]

Phân tích tiếng phải ghi [cờ]  [e]  [ce]

Trước khi ghi phải nói to để thuộc lòng luật: Theo luật chính tả, âm [cờ] đứng trước nguyên âm [e] em phải viết bằng con chữ k (“ca”)

Viêt: ke (sau này, tiếp tục với) kê, ki và ghe ghê ghi cungxnhw nghe nghê nghi.

c. Học luật chính tả theo nghĩa, các tiếng (từ) ghi phụ âm đầu khác nhau thì thay đổi nghĩa.

Tiết mẫu:

Ôn cái đã biết: cách ghi tiếng mẫu [ba] và cách ghi tiếng mẫu [ce]

Bài toán mới: cách ghi tiếng [za]

Cách ghi thứ nhất [za] có nghĩa da thịt, ghi bằng chữ d (“dờ”)

Cách ghi thứ hai [za] có nghĩa gia đình, ghi bằng chữ gi (“gi”)

Cách ghi thứ ba [za] có nghĩa ra vào, ghi bằng chữ r (“rờ”)

Theo tiết mẫu này, trong các tiết luyện tập, Học sinh áp dụng sang các trường hợp khác như [ch] [tr] (chẻ tre, cha, cá tra, chê, cá trê, cho, tro vv…)

Về sau, còn nhiều trường hợp nữa, như chiết cây, triết học, trâu cầy, châu báu, chân tay, trân trọng vv… nhiều vô kể. Người lớn tuổi cũng có khi phải tra từ điển. Nhưng ở lớp 1, Học sinh có cuốn từ điển sống để hoirlaf Giáo viên, Khi viết tiếng theo luật chính tả theo nghĩa, Học sinh được hỏi Giáo viên, coi như biết cách tra từ điển, không bị chê. Không biết hỏi mà viết sai mới bị chê! Đến già vẫn gặp chuyện đó!

Bước 4 – Học tiếng mẫu [loa]

l       o      a

Mô hình phần vần có âm đệm và âm chính

Bước này thực chất là áp dụng và mở rộng nội dung đã học ở mẫu [ba].

Mở rộng sau khi học mẫu tiếng [loa] Học sinh sẽ tự ghi được tất cả các tiếng như sau

boa  choa  doa  đoa  goa  hoa  khoa  loa  moa  noa  ngoa     …   voa

boe  choe  doe  đoe  …  …                                                      …   voe

buê  chuê  duê  đuê  …  …                                                      …   vuê

buy  chuy  duy  đuy  …  …                                                       …   vuy

Phát triển luật chính tả bắt buộc (ke, kê, ki, đã học) khi học cách ghi tiếng [kwa] Học sinh se xphair thuộc luật và nói to trước khi viết: “Theo luật chính tả, âm “cờ” đứng trước âm đêm, em phải viết bằng chữ q (“cu”) âm đệm viết bằng chữ u, và các em sẽ có như sau

qua    que    quê    quy …

l                 a    n

Bước 5 – Học tiếng mẫu [lan]

Phần vần có âm chính và âm cuối, không âm đệm

Bước này thực chất vẫn là áp dụng và mở rộng nội dung đã học ở mẫu [ba] và [loa].

Mở rộng sau khi học mẫu tiếng [lan] Học sinh sẽ tự ghi được tất cả các tiếng như sau

ban  chan  dan  đan  gan  han  khan  lan  man  nan  ngan     …   van

Điều quan trọng ở phần này là học bổ sung hai bán nguyên âm [ă] và [â] vì hai nguyên âm này không đứng được một mình, cần có phụ âm hoặc nguyên âm khép lại: [ăn]  [ân]  [ăy]  [ây]  vv…

Luật chính tả dùng chữ k cũng được mở rộng sang phần này: kem, kêm, kim.

l         o      a    n

Bước 6 – Học tiếng mẫu [loan]

Phần vần có đủ âm đệm, âm chính và âm cuối

Bước này thực chất vẫn là áp dụng và mở rộng nội dung đã học ở mẫu [ba], [loa] và [lan].

Mở rộng sau khi học mẫu tiếng [loan] Học sinh sẽ tự ghi được tất cả các tiếng như sau

boan choan doan đoan goan hoan khoan loan moan noan ngoan … voan

Luật chính tả dùng chữ q cũng được mở rộng sang phần này: quan, quăn, quân, quang, quăng, quâng  …

Bước 7 – Học nguyên âm đôi [ia] [ua] [ưa]

Thực ra, sau khi học xong bước 6, học xong phần vần có đủ âm đệm, âm chính và âm cuối, coilaf đã mô tả đầy đủ ngữ âm tiếng của tiếng Việt.

Học sang phần nguyên âm đôi thực chất là học luật chính tả ghi nguyên âm đôi khi ở một tiếng không có âm cuối (sẽ ghi bằng ia, ua, ưa), và khi nằm trong một tiếng có âm cuối (sẽ ghi bằng iê, uô, ươ). Như mô hình dưới đây:

b                ia
b                ươ    n
b                 ua
b                uô    n
b                 iê    n
b                 ưa

Với các nguyên âm đôi, xưa nay do quen đánh vần bằng con chữ như người Tây, nên nhiều người không chịu chấp nhận ngữ âm tự nhiên của tiếng Việt:

[ia] [n] [iên] theo luật chính tả đứng trước âm cuối em ghi bằng iê.

[ua] [n] [uôn] theo luật chính tả đứng trước âm cuối em ghi bằng uô

[ưa] [n] [ươn] theo luật chính tả đứng trước âm cuối em ghi bằng ươ.

Vài lời kết luận

Việc tổ chức cho học sinh học tiếng Việt lớp 1 rất khó khăn và cực kỳ quan trọng.

Có cách dạy (dù vẫn có kết quả) chẳng đem lại lợi ích gì về tư duy cho người học. Cách đánh vần theo lối Tây, en-dê-hát thay cho âm ngh, tạo ra thói quen lười biếng cho cả xã hội.

Và cũng mất cả bản sắc dân tộc gửi trong ngữ âm của tiếng nước nhà.

Theo kinh nghiệm từ vô số học sinh lớp Một, tác giả tin rằng bạn nào ứng dụng những điều diễn giải ở phần hai này có thể dễ dàng dạy con em ở gia đình biết đọc biết viết nhanh và chắc chắn tiếng mẹ đẻ.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Văn hóa và tự trọng trong tranh luận (và phê phán ý kiến người khác) là phải hiểu thấu đáo và đầy đủ người đối thoại.
    Hãy đọc kỹ để hiểu thấu đáo phương pháp đánh vần của tác giả.

  2. Gửi ông Phạm Toàn.

    Về 3 chữ c,k,q tôi xin có ngắn gọn vài dòng:
    – c và k trong một số từ khó phân biệt, tuy nhiên âm của C thường ngắn gọn mạnh, còn K mang âm hưởng nhẹ hơn.
    – riêng với q không có từ nào đứng 1 mình mà phải có u đi kèm, thường đọc là quờ. Ví du:
    * “Quờ quạng” không thể đọc là “Cờ Cạng” được.
    * “Quân vương” không đọc là “Cân vương” được

Leave a Reply to Người Saigon Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây