Ân Xá Quốc tế hối thúc điều tra về “cái chết của Hứa Hoàng Anh”

RFA

7-8-2018

Nạn nhân Hứa Hoàng Anh và giấy triệu tập tới đồn công an ngày 28/9/2017

Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế hôm 3-8-2018 ra tuyên bố hối thúc chính quyền Việt Nam mở cuộc điều tra độc lập về “cái chết của Hứa Hoàng Anh, người nông dân đã tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn gần đây tại Việt Nam”.

“Ân xá Quốc tế hối thúc chính quyền các cấp ở Việt Nam ngay lập tức mở một cuộc điều tra sâu rộng và công minh về nghi vấn các sĩ quan cảnh sát đã tra tấn và làm chết Hứa Hoàng Anh, một người nông dân ở tỉnh Kiên Giang, Việt Nam, người đã tham dự cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 tháng 6”, bà Clare Algar, Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của Ân xá Quốc tế nói trong tuyên bố của mình.

“Cái chết của Hứa Hoàng Anh”

Ngày 2/8/2018, một số tài khoản Facebook đăng tải các bài viết chưa được xác thực cho hay, anh Hứa Hoàng Anh sinh năm 1983 qua đời ở tỉnh Kiên Giang với các nghi vấn do “bị công an cắt cổ” hoặc “tự tử tại nhà riêng”.

Tài khoản Facebook của một người tên Hứa Hoàng Anh cũng được chuyển sang trang “tưởng niệm” dành cho những người đã qua đời, kèm theo đó là hình ảnh một tấm giấy mời làm việc của công an xã Minh Hòa, huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang mời làm việc từ ngày 28/9/2017.

Đài Á Châu Tự Do cố gắng liên lạc với các số điện thoại, tài khoản Facebook được cho là của người nhà nạn nhân nhưng không có người bắt máy.

Tổ chức Ân xá Quốc tế dẫn lại thông tin từ tổ chức Defend the Defenders cho biết “Tổ chức nhân quyền Defend the Defenders báo cáo rằng Hoàng Anh, 35 tuổi, được phát hiện là đã tử vong sau khi một vài cán bộ công an tỉnh Kiên Giang tới nhà anh vào ngày 02 tháng 08, phía công an sau đó cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết là do tự sát.

Tuy nhiên, các vết thương trên đầu, cổ và bụng được tìm thấy tạo ra nghi vấn rằng ông Hoàng Anh có thể đã bị tra tấn đến chết.

Theo ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức này cho hay, “thông tin chủ yếu đến từ một người bạn của anh Hoàng Anh là Huỳnh Tấn Tuyên đang sống ở Vũng Tàu. Anh này bị bắt cùng với Hứa Hoàng Anh trên xe buýt trong cuộc biểu tình ngày 10/6.

Nguồn tin thứ 2 là từ một người hoạt động chung với nạn nhân là Nguyễn Dũng từng tới nhà anh Hứa Hoàng Anh để chạy nạn khi bị truy đuổi”, ông Vũ Quốc Ngữ nói với RFA sáng 6/8.

Công an Kiên Giang không trả lời về nghi vấn

Chiều ngày 6/8, Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho Công an huyện Châu Thành, Kiên Giang và đặt câu hỏi về nghi vấn cái chết của một người tên Hứa Hoàng Anh, tuy nhiên người trực ban công an huyện từ chối trả lời về vụ việc.

Cái đó tôi không rõ đâu, có gì anh lên trực tiếp tại cơ quan công an hỏi”, công an trực ban cho hay.

Chúng tôi cũng gọi vào số điện thoại Công an tỉnh Kiên Giang thì người nhấc máy trả lời là “Tôi không biết!

Báo chí nhà nước cũng không có thông tin gì về “cái chết của Hứa Hoàng Anh”.

Trong thông cáo mới nhất của mình, tổ chức Ân xá Quốc tế dẫn lại điều 21 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị cho rằng, “chính quyền Việt Nam cần phải tôn trọng và bảo vệ quyền hợp pháp này bởi nó được quy định tại điều 25 trong hiến pháp Việt Nam”.

Chính quyền cũng cần phải bảo vệ mọi lúc các quyền tuyệt đối như quyền được sống và quyền không bị tra tấn và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác, điều này cũng có nghĩa cần phải triển khai ngay lập tức các cuộc điều tra hiệu quả, độc lập đối với các trường hợp nạn nhân bị chết khi đang giam giữ trong đồn công an”, thông cáo nêu rõ.

Trước đó vào năm ngoái, ngày 3/7/2017, 30 tổ chức nhân quyền trong và nhà nước công bố thư ngỏ kêu gọi Bộ trưởng Công an Tô Lâm Việt Nam cho tiến hành điều tra vụ việc công dân Nguyễn Hữu Tấn nghi bị cắt cổ chết tại Công an tỉnh Vĩnh Long vào ngày 3/5.

Hơn 30 tổ chức trong và ngoài nước vào ngày 3 /7/2017 công bố thư ngỏ kêu gọi Bộ trưởng Công an Tô Lâm Việt Nam cho tiến hành điều tra độc lập vụ việc công dân Nguyễn Hữu Tấn bị cắt cổ chết tại Công an Vĩnh Long vào ngày 3/5.

Ông Nguyễn Hữu Tấn bị lực lượng chức năng thuộc Cơ quan An Ninh Điều Tra đến tư gia tại thị xã Bình Minh khám nhà và bắt đi vào sáng ngày 2/5 với cáo buộc ‘phát tán tài liệu có nội dung tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Đến ngày 20/6/2017, thân phụ của ông Nguyễn Hữu Tấn nhận được thông báo dài 1 trang rưỡi tóm tắt kết luận của Cơ quan An ninh Điều Tra, Công an tỉnh Vĩnh Long. Theo đó thì ông Nguyễn Hữu Tấn tự cắt cổ chết trong đồn công an bằng dao rọc giấy lấy từ cặp của một điều tra viên.

_____

Việt Nam: Ân xá Quốc tế hối thúc mở cuộc điều tra độc lập tức thì về cái chết của một người biểu tình

FB Tuấn Khanh

7-8-2018

Phản ứng trước báo cáo về cái chết của Hứa Hoàng Anh, người nông dân đã tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn gần đây tại Việt Nam, bà Clare Algar, Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của Ân xá Quốc tế nói:

Ân xá Quốc tế hối thúc chính quyền các cấp ở Việt Nam ngay lập tức mở một cuộc điều tra sâu rộng và công minh về nghi vấn các sĩ quan cảnh sát đã tra tấn và làm chết Hứa Hoàng Anh, một người nông dân ở tỉnh Kiên Giang, Việt Nam, người đã tham dự cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 tháng 6”.

Tổ chức nhân quyền Defend the Defenders báo cáo rằng Hoàng Anh, 35 tuổi, được phát hiện là đã tử vong sau khi một vài cán bộ công an tỉnh Kiên Giang tới nhà anh vào ngày 02 tháng 08, phía công an sau đó cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết là do tự sát. Tuy nhiên, các vết thương trên đầu, cổ và bụng được tìm thấy tạo ra nghi vấn rằng ông Hoàng Anh có thể đã bị tra tấn đến chết.

Quyền tự do hội họp ôn hòa được quy định trọng điều 21 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị, chính quyền Việt Nam cần phải tôn trọng và bảo vệ quyền hợp pháp này bởi nó được quy định tại điều 25 trong hiến pháp Việt Nam. Chính quyền cũng cần phải bảo vệ mọi lúc các quyền tuyệt đối như quyền được sống và quyền không bị tra tấn và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác, điều này cũng có nghĩa cần phải triển khai ngay lập tức các cuộc điều tra hiệu quả, độc lập đối với các trường hợp nạn nhân bị chết khi đang giam giữ trong đồn công an.”

Quyền được sống và được bảo vệ bởi luật pháp đồng thời cũng được ghi tại điều số 6 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị và Công ước chống Tra tấn của Liên hiệp quốc mà Việt Nam là một thành viên từ năm 2013.

Thông tin thêm

Trong dịp cuối tuần ngày 9 và 10 tháng 6 năm 2018, hàng ngàn người đã biểu tình trên các con phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác tại Việt Nam để phản đối 2 điều luật: một về Đặc khu Kinh tế và một về An ninh Mạng. Hàng trăm người biểu tình đã bị đánh đập, bắt bớ và tra khảo bởi công an, khoảng 40 người đã bị buộc tội và kết án tù từ 8 tháng tới 3 năm rưỡi với tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 bộ luật hình sự.

Quyền tự do hội họp ôn hòa được quy định tại điều 22 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam chịu sự ràng buộc vì là một thành viên, và còn được đặt trong hiến pháp của Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền và công an vẫn tiếp tục kìm kẹp các cuộc biểu tình công cộng và những người biểu tình ôn hòa trên đường phố vẫn thường xuyên bị giam giữ, truy tố, tăng cường giám sát và tấn công.

Sử dụng các đoạn phim về cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 tại thành phố Hồ Chí Minh để nhận dạng người biểu tình, công an Việt Nam đã tiếp tục bắt bớ và điều tra những người tham gia vào sự kiện đó trong các tuần tiếp theo. Hàng trăm người đã bị bắt bớ với cáo buộc gây rối hoặc các cáo buộc giả mạo khác như “tuyên truyền chống phá nhà nước”.

Ân xá Quốc tế đã ra thông cáo bày tỏ sự quan ngại liên quan đến nhân quyền của bộ luật An Ninh Mạng mới được thông qua gần đây.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây