Đi tìm nguyên nhân đưa đến thảm họa tuyển sinh

FB Trần Đình Thu

6-8-2018

Dù xảy ra thảm họa tuyển sinh kinh hoàng nhưng hiện nay do ông bộ trưởng Nhạ vẫn khăng khăng phương án Bộ ông ấy làm là đúng, nên cộng đồng mạng cần có những bài phân tích để vạch ra cái sai lầm của bộ ông ấy để ông ấy bớt ngủ gục trong quốc hội đi.

Và đây là một bài như thế.

Nhắc lại một chút. Trước 2015, học trò Việt có 2 kỳ thi rất vất vả, nên đến năm 2015, nhu cầu thực tiễn đòi hỏi phải gộp 2 làm 1. Phải khẳng định ngay, gộp là đúng, nhưng gộp thế nào? Thật ra, nói là “gộp” nhưng bản chất là bỏ bớt 1 kỳ thi: Hoặc là bỏ kỳ thi tốt nghiệp hoặc là bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học.

Và Bộ ông Nhạ đã chọn phương án bỏ kỳ thi tuyển sinh vào đại học, giữ lại kỳ thi tốt nghiệp. Đây là một cách chọn theo tôi là “muốn an toàn nhưng ngây ngô”.

Cũng như phần lớn cách làm của các quan chức hành chính, do yếu kém về năng lực và sợ trách nhiệm mà họ thường chọn những phương án thoạt nghe thì có vẻ an toàn nhưng xem xét kỹ thì phản khoa học. Cách chọn của Bộ ông Nhạ là phản khoa học. Phản khoa học ở điểm nào và vì sao Bộ ông Nhạ lại chọn phương án phản khoa học?

Chúng ta hình dung có 2 cửa kiểm soát vào nơi giao lưu với 1 nhân vật quan trọng. Yêu cầu người tham dự là phải ăn mặc đẹp và nghe tiếng Anh tốt.

Nếu qua cửa 1 thì vào được sảnh chờ nhưng chưa được vào nơi giao lưu, và chỉ khi qua cửa 2 thì mới vào được nơi giao lưu.

Vấn đề đặt ra là phải bỏ bớt 1 trong 2 cửa. Các chuyên viên bèn chọn bỏ cửa 2 giữ lại cửa 1 vì họ sợ nếu bỏ cửa 1 thì e là sẽ có nhiều người vào được sảnh chờ hơn.

Nhưng cửa 1 thì nhân viên soát vé ít chuyên nghiệp và hay ăn hối lộ, còn cửa 2 thì nhân viên soát vé chuyên nghiệp hơn và lo toan hơn.

Kết quả là tuy chọn phương án an toàn nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ vì nhiều người ăn mặc lôi thôi và điếc đặc tiếng Anh dễ dàng lọt qua cửa 1 và họ vào nơi giao lưu, lại đủ tiêu chuẩn ngồi trên cùng khiến cho Ban tổ chức ê mặt với khách mời.

Cũng như vậy với phương án của Bộ ông Nhạ. Cũng với ý thức như ví dụ trên, Bộ ông này đã chọn giữ lại cửa 1 với đội ngũ kiểm soát là cán bộ coi thi chấm thi địa phương dễ bị mua chuộc so với đội ngũ kiểm soát cửa 2 là các giảng viên của các trường đại học, Bộ ông Nhạ đã chọn một phương án ngu ngốc làm phá sản hoàn toàn chương trình tuyển sinh vào đại học.

Chúng ta biết rằng, ở các trường đại học, người ta tuyển chọn thí sinh là tuyển chọn cho chính họ, vì thế họ phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc vì sự sống còn của ngôi trường của họ. Cho nên nhẽ ra là phải giữ kỳ thi này. Còn ở các sở giáo dục, họ tổ chức kỳ thi không vì quyền lợi chính họ nên họ dễ dàng thỏa hiệp móc ngoặc, ban phát điểm thi cho thí sinh hoặc tổ chức không nghiêm túc, không chu đáo… Cho nên khi bỏ kỳ thi vào đại học giữ kỳ thi tốt nghiệp để cho các địa phương tổ chức, Bộ ông Nhạ đã “giao trứng cho ác”, khiến nhiều học sinh kém nhưng được “hội đồng làng” chấm điểm cao ngất khiến cho các trường đại học không biết đâu là học sinh giỏi đâu là học sinh kém.

Từ đó phát sinh khủng hoảng tuyển sinh.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bổ sung.
    1. Giáo dục phổ thông đã xa rời nguyên lý gốc mà trở thành thợ dậy để học sinh có khả năng đi thi, mục tiêu học để thi trở thành nguyên lý lớn nhất trong các trường học để có thể ứng thí với đề thi càng ngày càng lưu manh hóa (bạn hãy so sánh mức kiến thức của đề thi vào ĐH năm 2001 là năm cuối cùng do các trường ĐH tự ra đề với mức kiến thức của các đề thi mấy năm gần đây mà xem!?). Hậu quả là học sinh phải học một chương trình quá cao, nào là, bị nhồi các kiến thức đại học xuống, nào là, phải học thêm cật lực để có thể đua tranh với các bạn được học ở trường chuyên. Và, những kiến thức được nhồi nhét rất cao sâu và tốn tiền đó rồi sẽ bị quẳng vào sọt rác khi học sinh bắt đầu cuộc đời sinh viên của mình.
    2. Giáo dục ĐH thì chỉ để cung cấp được cho học sinh một tấm bằng. Rất nhiều học sinh ra trường không đủ khả năng làm việc ở những đơn vị cần kỹ năng đã được đào tạo, hoặc giả, đã được một đơn vị nào đó tuyển dụng thì lại phải trải qua một quá trình đào tạo lại, nếu anh ta muốn thực sự làm việc một cách nghiêm túc.
    3. Như vậy, bức tranh vân cẩu khi mô tả về giáo dục phải tìm ở nguyên nhân tổng thể chứ không phải là chỉ ở chuyện thi cử thôi đâu. NGUYÊN NHÂN ĐÓ LÀ GÌ!?

  2. Xin nhắc lại một chút:
    * Trước năm 2002, các trường ĐH tự ra đề tuyển sinh, và như thế, các lò luyện thi của các thầy cô có quyền ra đề mọc lên như nấm, học sinh khăn gói quả mướp lặn lội về các trung tâm này luyện thi cấp tốc và ứng thí vài lần, sau khi thi tốt nghiệp phổ thông, để mong rằng thi nhiều trường sẽ có thể đỗ được một trường nào đó. Từ 2001 trở về trước, ê hề các thủ khoa trường này, thủ khoa trường trước xuất hiện trên mặt báo khi trường công bố kết quả. Chính vì sự tiêu cực như vậy mà Bộ GD&ĐT đã phải tập quyền, theo cách nói của Huy Đức, là ra đề thi tuyển sinh ĐH chung và ta thấy các thủ khoa tịt ngóm và kèm theo đó là dòng học sinh khổng lồ chạy vào các tỉnh phía Nam tìm trường để học với kết quả thi đã trượt của mình (so với tiêu chuẩn của các trường đã đăng ký thi).
    * Sau 2001, một loạt các trường ĐH được thành lập dựa trên sự nâng cấp các trường CD hoăc TC nghề. Trình độ không thể đào tạo sinh viên đến nơi đến chốn nhưng lại tự sướng nhận mình là UNIVERSTY, có quyền đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và phong hàm giáo sư cho nhau. Chính các trường này đòi quyền tự chủ, để có quyền tự tuyển sinh, chứ chẳng thể làm thêm được việc gì.
    * Trong bối cảnh tiêu cực hiện nay, nếu quay lại phương án cho các trường ĐH tự tuyển sinh thì có nên không!?

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây