Bỏ kỳ thi “2 trong 1” được rồi!

Mạc Văn Trang

21-7-2018

Việc tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT kết hợp lấy điểm vào trường Cao đẳng, Đại học như đã thực hiện năm 2018 và mấy năm trước đã chứng tỏ sai lầm, thất bại. Nhiều ý kiến đã nêu lý do cần bỏ phương thức thi này, nhất là bài viết của TS Nguyễn Ngọc Chu, rất xác đáng.

Năm 2014 khi Bộ GD&ĐT hỏi về các phương án thi, tôi đã có thư gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phản đối phương án thi này. Nay nói rõ thêm mấy điểm.

1. Sứ mệnh của GD phổ thông là “tổ chức sự trưởng thành của thế hệ trẻ của dân tộc” (Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm), chứ không phải để thi, có tấm bằng tốt nghiệp THPT và chen nhau vào Đại học.

Sự TRƯỞNG THÀNH của thế hệ trẻ (cũng là đối với từng cá nhân) được đánh giá bởi sự phát triển về THỂ CHẤT, NHÂN CÁCH (những phẩm chất, năng lực, cá tính) và TRIỂN VỌNG VÀO ĐỜI lập thân, lập nghiệp.

2. Ai là người đánh giá đúng đắn nhất về sự trưởng thành của mỗi HS? Đó là người giáo viên (GV) trực tiếp giảng dạy, là GV chủ nhiệm, là bạn bè, cha mẹ HS và quan trọng nhất là BẢN THÂN HS. Những lớp thực nghiệm dạy sách Cánh Buồm, ngay từ lớp 3 lớp 4, lớp 5, cuối năm HS đã làm bài Tổng kết từng môn học và “Hội thảo khoa học” của lớp, HS phản biện lẫn nhau rất sôi nổi, sinh động, trước sự chứng kến của GV và cha mẹ HS.

Dạy là hướng dẫn HS cách tự học, tự tìm tòi kiến thức, tự giải quyết vấn đề, tự trải nghiệm, khám phá, sáng tạo và biết tự đánh giá. Trên cơ sở đó kết thúc bậc học phổ thông (Có thể lớp 9, 10, 11 hay 12) năm, HS có một Học bạ và Giấy Chứng chỉ học hết Phổ thông, do Hiệu trưởng chứng nhận là đủ. Quan trọng là trong Học bạ, GV chủ nhiệm và các GV Bộ môn ghi rõ MỨC ĐỘ TRƯỞNG THÀNH của mỗi HS về Thể chất, Nhân cách và Hướng (Triển vọng) vào đời; ghi làm sao để bản thân HS tự đánh giá thấy đúng đắn. Tự việc làm như vậy, sẽ nâng cao lòng tự trọng, tự chủ, trách nhiệm của Hiệu trưởng, GV, HS, cha mẹ HS để có sự đánh giá/nhận xét sát hợp với mỗi HS.

3. Thực tế đã cho thấy thi “2 trong một” xóa bỏ GD hướng nghiệp của nhà trường phổ thông.

Mỗi HS là một cá thể độc đáo, có một không hai, không ai giống ai. Nhà trường phải giúp cho HS “Phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của mỗi em” (Hồ Chí Minh, 1945). Tâm lý học hiện đại cũng chứng minh, trí khôn/ năng khiếu/năng lực của con người rất đa dạng, giữa bậc phổ thông đã cần giáo dục/dạy học phân hóa để mỗi HS tự nhận thức được bản thân và định hướng phát triển hứng thú, năng lực riêng của mình, định hướng lập thân, lập nghiệp khi hết phổ thông. Kết thúc phổ thông, HS phải tự trả lời rõ các câu hỏi:

– Bạn yêu thích/hứng thú nghề gì/công việc gi? Tại sao?

– Bạn có năng lực (Thể lực, tâm lực, trí lực, năng khiếu) học và hành nghề đó không? Bạn lấy gì chứng minh?

– Bạn định học nghề đó ở đâu? Hoàn cảnh bản thân và gia đình bạn có điều kiện theo học nghề đó không?

– Xã hội sẽ có cần nghề đó không? Bạn dự định sẽ làm việc ở đâu?

– Trả lời những câu hỏi đó rồi bạn có thể lựa chọn học Đại học, Cao đẳng hay học nghề gì ở đâu là phù hợp. Nếu không có điều kiện đi học thì bạn sẽ tự lập thân bằng cách nào?

Hết bậc học phổ thông, mức độ trưởng thành của HS là trả lời rõ những câu hỏi trên và tự quyết định sự lựa chọn của mình, với niềm tin rằng, trong hoàn cảnh nào mình cũng phải tự lập thân, lập nghiệp, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Với quan niệm GD phổ thông như vậy, khuyên bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hãy dũng cảm làm 2 việc đễ nhất, tiết kiệm nhiều, hiệu quả cao:

Một là, Bỏ THI ĐUA trong giáo dục. Vì mỗi HS là một cá thể không ai giống ai, nó phải “trở thành chính mình” (Hồ Ngọc Đại, 1978), thì làm sao thi đua được với nhau? Mỗi trường, mỗi địa phương một khác, thi đua chỉ làm khổ Hiệu trưởng, GV, làm hỏng HS, làm GD trở thành hình thức, dối trá, “bệnh thành tích” vớ vẩn! Mỗi HS, mỗi nhà trường, mỗi địa phương chỉ tự “thi đua” với chính mình, để năm sau phát triển tốt hơn năm trước.

Hai là, bỏ kỳ thi “2 trong một”, trả quyền đánh giá HS cho GV, Hiệu trưởng mỗi trường; trả quyền tuyển sinh cho mỗi trường ĐH, Cao đẳng, Dạy nghề theo cách của họ, để tuyển chọn được những HS đáp ứng yêu cầu của mục tiêu đào tạo.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Có lẽ nên bỏ luôn thi đua ở tất cả các ngành nghề, ở mọi hoạt động kinh tế xã hội khác.
    Vì chính thi đua sinh ra bệnh thành tích, sinh ra các con số thống kê ảo làm méo mó bức tranh trung thực về nền kinh tế, về thực trạng xã hội. Và hậu quả tất yếu là sự thụt lùi, lạc hậu về mọi mặt.
    Sự rõ ràng đã quá rõ ràng rồi.

Leave a Reply to ba lú Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây