Giáo dục ở Việt Nam: Phải “xoá bài làm lại”!

FB Nguyễn Thị Oanh

20-7-2018

Cả nước đang xôn xao, tập trung phẫn nộ về vụ nâng điểm thi tốt nghiệp PTTH ở Hà Giang. Riêng tôi, khi đọc tin về vụ này, cảm giác thấy thật bình thường, không hề bất ngờ hay ngạc nhiên! Hình như tôi, cũng như nhiều người khác, sau rất nhiều những đau đáu góp ý và mong chờ, nay đã trở nên vô cảm với mọi chuyện đang diễn ra trong nền giáo dục nước nhà.

Mà rõ ràng đấy thôi, để thấy không có gì phải choáng váng: Đâu chỉ mỗi Hà Giang, người ta đang tiếp tục phanh phui thêm những trường hợp gian lận điểm thi ở Lạng Sơn, Sơn La, Hoà Bình. Còn bao nhiêu tỉnh, thành nữa sẽ “tiếp bước” các tỉnh trên? Và có phải chỉ năm nay mới phát hiện gian lận hay là việc gian lận đã có từ đời tám hoánh nào rồi nhưng bây giờ chắc “ăn không đồng, chia không đủ” nên mới bị lộ?

Nhiều người đổ lỗi nguyên nhân gây ra những tiêu cực đó là do phương thức thi cử. Nhưng nên nhớ rằng trên thế giới hiện nay vẫn còn nhiều nước duy trì kỳ thi tốt nghiệp quốc gia. Vấn đề là bộ máy của người ta không hỏng hóc nghiêm trọng như của mình! Cứ thử hình dung: Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp quốc gia thì cũng phải có hình thức xét tốt nghiệp kiểu khác. Và ai dám đảm bảo sẽ không tiếp tục phát sinh các tiêu cực mới khi thay đổi?

Ở Ontario (Canada), người ta tách riêng việc đánh giá trình độ học sinh cho một cơ quan khác ngoài bộ giáo dục. Để được tốt nghiệp trung học, từ lớp 9 đến lớp 12, một học sinh Ontario phải thoả ba điều kiện: 1/ Lấy đủ 30 tín chỉ (credits) của các môn học (trong đó có 18 tín chỉ bắt buộc và 12 tín chỉ tự chọn). 2/ Đạt 40 giờ tình nguyện Phục vụ cộng đồng (Community Service Hours). 3/ Thi đậu kỳ thi Kiểm tra trình độ ngôn ngữ theo tiêu chuẩn tỉnh bang (Ontario Secondary School Literacy Test – viết tắt là OSSLT).

Hai điều kiện đầu do giáo viên trực tiếp đánh giá học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường. Riêng với điều kiện thứ ba, học sinh phải tham dự kỳ thi viết có tính quốc gia và phải đạt tối thiểu 300/400 điểm mới đủ để được xét tốt nghiệp. Điểm đặc biệt của kỳ thi OSSLT là việc ra đề và chấm thi không phải do ngành giáo dục thực hiện mà là do EQAO (viết tắt của Education Quality and Accountability Office – tạm dịch: Văn phòng Trách nhiệm giải trình và Chất lượng giáo dục). Đây là một tổ chức có nhiệm vụ chuyên đánh giá sự phát triển về kỹ năng đọc, viết và làm toán của học sinh trong hệ thống giáo dục công lập.

Vì là “đánh giá chất lượng”, nên EQAO hoạt động hoàn toàn độc lập với bộ giáo dục để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa làm trọng tài”. Hàng năm, EQAO thực hiện việc ra các đề thi OSSLT và Toán gửi cho các trường. Ngay sau kỳ thi chung, các bài làm của học sinh được gửi lại cho EQAO để tổ chức này trực tiếp chấm điểm. Các trường sẽ đọc được kết quả thi của từng học sinh bằng cách đăng nhập vào trang web của EQAO với mã số riêng của mỗi trường. Còn các hội đồng/sở giáo dục địa phương (district school board) sẽ nhận được bản đánh giá xếp hạng các trường công lập thuộc khu vực của mình từ EQAO, căn cứ trên kết quả thi OSSLT mỗi năm.

Tôi thật thích cách làm này của họ vì nó “đâu ra đấy” để đảm bảo tính khách quan và hoàn toàn độc lập khi đánh giá chất lượng giáo dục. Như vậy, bộ giáo dục chỉ làm nhiệm vụ lo giảng dạy và không thể tự mình tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo của chính mình!

Nhưng giả sử nếu đem mô hình này vận dụng cho VN, câu hỏi lại đặt ra là: Liệu rồi một tổ chức đánh giá độc lập kiểu đó vẫn có thể đảm bảo việc ra đề cũng như chấm thi sẽ là nghiêm túc và không còn tiêu cực?

Nên mấu chốt ở đây vẫn là câu chuyện về con người. Đó là một cái vòng luẩn quẩn. Nền giáo dục bẩn sẽ cung cấp cho xã hội những con người không thể sạch. Và những con người này lại góp phần làm cho xã hội bẩn hơn bằng sự dốt nát, méo mó về tri thức cũng như nhân cách ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tất nhiên, hầu hết những đối tượng đó đều thuộc các gia đình hoặc có quyền, hoặc có tiền, bởi dân thường cô thế làm sao có đủ khả năng để “nâng đỡ” con cái theo cách như vậy? Cứ xem thông tin sơ bộ về các HS được nâng điểm ở Hà Giang trên báo chí chính thống thì rõ: Trong 114 thí sinh được sửa điểm thấp thành cao, ngoài một số là con em của các “đại gia”, đa phần còn lại đều thuộc diện “con ông cháu cha”, từ con ruột của bí thư tỉnh ủy đến các con, cháu của lãnh đạo huyện, tỉnh và nhiều sở, ngành khác nhau (Nguồn: Bao nhiêu trường hợp nâng điểm ở Hà Giang là ‘con ông cháu cha’?).

Điều đáng sợ ở đây là: Sau khi “hoàn tất” lộ trình học hành (bằng điểm mua hoặc tặng thêm theo cách như vậy), những thí sinh này hoàn toàn có khả năng lại được sắp xếp vào bộ máy công quyền để trở thành lãnh đạo, theo đúng quy trình dành cho các “hồng phúc của dân tộc”. Đừng ngạc nhiên hỏi vì sao quan chức bây giờ càng ngày càng lắm kẻ ngu dốt! Đừng phẫn nộ khi thấy nhiều chính sách được ban hành một cách tào lao bởi những người đang ở trên mây! Đừng bực bội khi thấy hết “đầy tớ” này đến “công bộc” nọ phát ngôn ngớ ngẩn như các chú hề! Bởi cần nhận thức rõ rằng: Với nền giáo dục dối trá toàn diện này, nếu không sản sinh ra một tầng lớp lãnh đạo ngu ngơ như thế, thì đó mới là chuyện lạ!

Tôi không miệt thị ông Nhạ, vì tôi nghĩ bất kỳ ai lên thay ông làm bộ trưởng lúc này cũng chẳng thể xoay chuyển gì nổi để giáo dục VN khá hơn. Ông Nhạ phải thừa kế một di sản giáo dục đã nát bét và “vỡ trận” từ lâu. Nếu ông giỏi thì còn có thể đắp đập be bờ đôi chỗ. Huống chi ông cũng chẳng hơn gì người tiền nhiệm! Thế nên căn bệnh ung thư của ngành giáo dục vẫn không có dấu hiệu suy giảm, mà trái lại còn tiếp tục di căn nặng nề hơn.

Giải pháp tốt nhất là phải “xoá bài làm lại”, giống như đập bỏ một căn nhà cũ mục nát để xây dựng một căn nhà mới hoàn toàn. Nhưng ai có thể cho phép làm vậy khi nền giáo dục của đất nước này còn bị buộc phải gắn liền với yêu cầu định hướng tư tưởng và đảm bảo thực hiện các mục tiêu chính trị của thể chế lãnh đạo hiện hành?

Tôi vốn là người ghét sự đa nghi nên trước giờ chẳng bao giờ thích suy luận theo thuyết Âm mưu. Nhưng cho tới nay, trước thực trạng ngày càng âm u của giáo dục VN, nhiều khi cứ phải tự hỏi: Hay bọn phản động nào, hoặc là quân gián điệp Hoa Nam đã được cài cắm từ lâu trong bộ máy của chúng ta để cố tình phá hoại giáo dục, nhằm thực hiện mưu đồ đen tối của chúng? Bởi ai cũng hiểu một nguyên lý: Giáo dục là chìa khoá để phát triển, vì chỉ giáo dục mới có thể cung cấp nguồn nhân lực cho việc kiến thiết đất nước. Do vậy, một quốc gia có nền giáo dục tệ hại sẽ chỉ là một quốc gia lụn bại và luôn mang thân phận “nhược tiểu”, nếu chưa muốn nói là còn có thể biến mất trên bản đồ thế giới vì bị thôn tính vào một ngày nào đó trong tương lai.

____

Chú thích: Ảnh minh hoạ dưới đây được chụp lại từ một tin nhắn rác rất thường thấy trên điện thoại của chính tôi. Tuy không liên quan đến vụ nâng điểm đang ồn ào, nhưng nó cho thấy thị trường mua bán bằng cấp ở VN hiện nay hoạt động nhộn nhịp và táo tợn tới mức nào! Cả xã hội cứ quay cuồng với các thể loại: Học giả bằng thật, học thật bằng giả và cả học giả bằng giả như thế này, vậy thì đất nước còn hy vọng gì để có thể “sánh vai các cường quốc năm châu”?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Người ta bắt đầu sợ hãi mấy chữ “đậu thủ khoa XHCN ’ như sợ các ‘chức danh G$/ T$ XHCN’ vậy !

    Bây giờ, nếu tuyển nhân viên mà thấy ‘quê ơ Hà Giang’, từng đậu ‘thủ khoa’, hay từng ‘tốt nghiệp điểm cao’…là đếch công ty nào dám nhận vào làm ! Nếu một người , có kết quả học không cao lắm nhưng lanh lợi,hữu ích, cầu tiến , giải quyết công việc hiệu quả sinh lời cho công ty, tập đoàn …vv, thì ‘tuyển dụng’ sẽ có lợi hơn nhiều…
    Tuổi trẻ VN cũng nên biết thế giới ngày nay rất thực dụng, các thứ ‘bằng cấp và kết quả học’ cũng chỉ có giá trị tham khảo chiếm tỉ trọng rất khiêm tốn trong Chiến Lược Thu hút và Sử dụng người tài ở các công ty, tập đoàn phát triển . Người ta biết mình cần gì và biết cách đánh giá thực chất năng lực của một con người ( Hoàn toàn ngược với cách mà hệ thống độc tài toàn trị XHCN quan niệm…).Cả các trường ĐH nào có chính sách ‘ tái khảo sát, thẩm định trình độ thí sinh trúng tuyển’ thì cũng thế, cái ‘ủy ban độc lập’ mà họ thành lập cho việc ấy, làm việc rất chuẩn mực và gắt chặc …, loại ‘mua bằng’ khó mà ‘lọt lưới’, nếu chẳng may có kẻ lọt vào, thì đến giữa năm 1st là phải ‘bỏ cuộc’ ( ra đi luôn, vì một số trường không chấp nhận SV năm I lưu bang )

    Do đó, thế giới văn minh và phồn vinh không có chỗ cho những gia đình …’mua bằng’ , các phụ Huynh mua điểm chỉ hủy hoại tương lai của chính con em mình mà thôi.

    Phần lớn, bọn Cẩu quan đang cai trị VN XHCN hiện nay , vốn thuộc tầng lớp vô sản lưu manh , ‘bụng ỏng đít phèn’ lưu manh dốt nát , chỉ nhờ ‘tổ tiên’ có công tham gia ‘ bắn giết’ mà cướp được ‘đặc quyền, đặc lợi’ để vơ vét . Tuy trở thành trọc phú nhiều tiền , nhưng bên trong bọn ấy, vẫn là một não trạng u mê tăm tối đầy suy nghĩ bạo lực, hung hiểm …Bọn ‘cẩu quan’ như thế, chúng chỉ cần tuyển loại ‘đểu cáng, lưu manh’, càng ít học càng tốt- vô học hoàn toàn thì lại càng ‘được việc’. Ở VN XHCN , với vô vàn ‘hệ thống GD Hà Giang’ thế này thì, những kẻ…không may‘đậu thủ khoa’ hay ‘tốt nghiệp điểm cao’ thì chỉ còn có cách đi theo con đường Cẩu quan như bọn ‘thằng bố’ nó thôi ! ( Một kẻ mà, nào là ‘đậu thủ khoa’, nào là quê ở Hà Giang , lại còn mang họ của…Triệu đại bàng nữa thì ‘Ôi thôi’ rồi….bởi trình độ tri thức lẫn nhân phẩm của Triệu Tài chủ chắc còn thua cả Heo ! ) – ‘Nâng điểm không trong sáng’ này thì cũng không mấy khác ‘nâng đỡ không trong sáng’ của bọn Cẩu quan quê Thanh Hóa- lũ ấy cũng có phẩm cách…Heo nọc cả…

    Ngài Niểng vừa gởi công văn ‘hỏa tốc’ cơ đấy ? He he ! Bản thân thằng Triệu kia và cả Niểng nữa, đều là sản phẩm đầu ra của ‘hệ thống đảng ta” – Niễng tuy dốt nhưng vẫn còn ú ớ được “Vờ Cờ Lờ Mờ”…, nhưng chính Niễng có lẽ cũng không dám chắc rằng, cái thằng Triệu Cẩu Bí Thư kia có đánh vần được như y không ? ( Thằng ấy chỉ lo mang vợ vào nằm luôn trong Ủy Ban Huyện Tỉnh, để tiện đẻ đái phong chức tước tại chổ luôn cho cả dòng họ, nên làm gì còn thời gian học ‘con chữ’ ?)- Mà VN thì sắp bước vô ‘đám mây 4.0’ gì đó, , tuyển chọn bậy bạ như thế thì chỉ còn loại như Y và Triệu Cẩu gia thì không có ‘nhân tài gánh vác trọng trách”, thế nên y mới lo, thế mới…”hỏa tốc’ …có lẽ thế ?!
    Lại muốn ngài ‘TS Phùng mặt Thớt ‘nên tiếng , lói cho một nời về chuyện lày’ hả ? Xin thưa, ‘Phùng Cẩủ Bộ trưởng’ và ‘Triệu Cẩu Bí thư’ …cả hai có lẽ cùng ‘tốt nghiệp thủ khoa’ ở Hà Giang cả, cách nhau vài khóa …với cùng một kiểu ‘tài năng , tri thức’ như thế. Phùng Cẩu quan không dám hó hé gì đâu , bởi nếu ‘lói không khéo thi rất dễ…đụng chạm đồng nghiệp “

    ——–

    Dù cho Hà Giang có tổ chức thi lại để lấy lại công bằng cho học sinh trên toàn quốc , thì cũng chả ích gì…! Từ ngày thằng Cẩu hiệu trưởng Sầm đức Xương tham dâm đòi tụt quần trước tòa…nền GD ở Hà Giang chỉ còn …dính lủng lẳng thừa thãi ,vô dụng nơi ấy rồi . Và cái gốc của vấn đề , là …thùng phân GD XHCN vẫn bám chặc chủ trương khốn nạn của độc tài toàn trị : Chính trị hóa GD để ‘ngu hóa’ dân tộc…thì bịt nơi này nó lại xìn ra nơi khác , vẫn thối om như nhau …mà thôi.

    Nhớ trong “ Bản tin sáng 26-03-2018” – Từng gợi ý : “…Môi trường gọi là ‘Học đường XHCN” hiện nay đã trở nên quá mức độc hại đối với con trẻ ! Và như thế, có nghĩa là đưa con đến trường là để chúng “ Học hành cho nên người….rừng” ? – Vậy, phụ huynh ngày nay, có thật sự cần đưa con đến trường nữa không ? Đó là câu hỏi nghiêm túc mà, không ai khác, chính quý phụ huynh XHCN , sớm muộn cũng phải đối diện ! …Nếu vẫn phải cho con đến trường, thì phải lên tiếng, phải đứng lên chống lại tất cả những gì làm hại tương lai con mình ! Phải cùng hợp tác với ‘thầy cô giáo’ tổ chức những cuộc bãi khóa có thời hạn, với những yêu sách thay đổi tích cực ….”

    Phụ huynh học sinh & sinh viên bắt buộc phải đứng lên ‘bãi khóa phản đối’ , cùng nhau tạo ra sự thay đổi để “Xóa bàn làm lại từ đầu”– Bởi, nếu không ‘sinh con ở nước ngoài’ , thì không còn cách nào khác đâu !

Leave a Reply to Nelson Mandela Nói Về GD Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây