Hà Giang – Một chương bất tử

FB Nguyễn Hồng Lam

19-7-2018

Câu chuyện về sự tha hóa, tàn mạt nhiều mặt của một bộ phận cán bộ trong mấy năm gần đây cũng không thể làm hoen ố cái tên Hà Giang. Chỉ là nhất thời thôi. Trong tôi, vẫn luôn có một Hà Giang – cao nguyên đá – với những con người lừng lẫy một thời, một biểu tượng bất khuất. Càng có ý nghĩa hơn khi mảnh đất phên dậu đầy đá tai mèo này nằm liền kề vùng Thập Vạn Đại Sơn (kéo dài 150 km từ châu Tổng Cản, tỉnh Quảng Tây đến tận sát cao nguyên Vân Nam – Quý Châu) mông muội và tàn bạo. Hà Giang, chính xác là Đồng Văn và Mèo Vạc chỉ cách mảnh đất hàng trăm năm thổ phỉ của Trung Quốc một con sông Nho Quế sâu thăm thẳm giữa trùng trùng núi đá.

***

Sau hàng chục năm tranh chấp, giành ảnh hưởng, đến khoảng gần năm 1920, uy tín của Vương Chính Đức (tiếng Mông: Vàng Dúng Lùng) ở Đồng Văn đã cao hơn hẳn, đánh bạt ảnh hưởng quyền lực của Dương Tụ Nghĩa và sau này là con trai kế vị Dương Trung Nhân ở Mèo Vạc, giúp họ Vương gần như độc chiếm nguồn lợi thuốc phiện của toàn xứ. Năm 1919, Vương Chính Đức đã bỏ ra 150.000 đồng bạc trắng (piastre – mỗi đồng nặng đúng 1 lạng bạc), thuê thợ từ Quảng Tây, Trung Quốc về Sà Phìn, Đồng Văn xây một tòa lâu đài đồ sộ có cả thảy 64 phòng bằng đá khối và gỗ samu. Cả đá, gỗ và ngói lợp cũng đều được mua từ Quảng Tây chuyển sang. Mất hơn 8 năm, đến năm 1928, công trình mới hoàn tất, Vương Chính Đức lại cho đặt 120 gốc samu khác từ Quảng Tây đem về trồng thành một vạt rừng bao quanh dinh thự.

Đoạn cuối cùng của tòa dinh, ông cho xây dựng 2 buồng kho, tường bằng đá phiến, mặt ngoài dày 1,4m, mặt trong dày 0,8m, bảo đảm đạn súng cối hay bộc phá cũng không thể phá. Phía trên 2 nhà kho là hệ thống công sự, lỗ châu mai, vọng gác. Một kho cất giữ vàng, bạc, châu báu, cửa duy nhất đi thông sang nhà bà vợ hai. Kho kia chỉ để cất trữ thuốc phiện, thông cửa và giao chìa khóa cho bà vợ cả.

Trong “Tuần lễ vàng” do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động năm 1945, Vương Chí Sình (tên khi nhỏ là Vàng Seo Lử, ghi theo âm Hán là Vương Chí Thành, sinh năm 1885), con trai và là người kế vị Vương Chính Đức còn cho người mang về Hà Nội 22 vạn đồng bạc trắng và 9kg vàng ròng để ủng hộ chính phủ Cụ Hồ.

Trong khu dinh thự họ Vương, tất cả các phiến đá kê cột nhà đều được tiện, gọt thành hình quả thuốc phiện. Sau khi mài nhẵn, chúng đều được dùng những đồng bạc trắng (piastre) đánh cho bóng loáng, biến màu đá trắng thành màu đồng thau, gần như màu quả thuốc phiện đã phơi khô. Họa tiết trang trí trên đầu đao kèo nhà cũng được tiện hình quả thuốc phiện. Một cách ám chỉ, cả nền móng quyền lực lẫn mục đích, khuynh hướng phát triển của nhà họ Vương, của người Mông và toàn cao nguyên đá Đồng Văn đều được đặt trên quả anh túc.

Năm 1928, Vua Khải Định đã ban cho Vương Chính Đức một bức hoành phi đại tự có 4 chữ “Biên chinh khả phong” cùng thẻ bài và mũ mão đại thần, chính thức công nhận quyền lực của họ Vương nơi biên ải. Kể từ đây, người Mông Đồng Văn gọi ông là Chính Vương, xem ông như “Vua Mèo” thực thụ. Danh vọng nhà họ Dương ở Mèo Vạc bị lu mờ dần. Tuy nhiên xích mích giữa hai nhà vẫn chưa dứt hẳn, đã dẫn đến nhiều cuộc xung đột, kể cả xung đột vũ trang.

Đến năm 1953, “Vua Mèo” tự phong đất Mèo Vạc thất thế trước “Vua Mèo” được suy tôn ở Đồng Văn, phải đưa cả gia đình về Hà Nội, sau đó theo Pháp di cư vào Nam, cuối cùng sang Mỹ định cư tại bang Minnesota, chấm dứt vai trò lịch sử một dòng cự tộc người Mông đối với lịch sử Cao nguyên đá. Dương Trung Nhân mất tại Mỹ vào năm 1984, thọ 82 tuổi.

“Vua Mèo” họ Vương tiếp tục ở lại Sà Phìn, đồng hành cùng các biến cố của Đồng Văn, tiếp tục sản sinh ra những huyền thoại mới trong thời đại của những con người “tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ”.

Ký hòa ước với Pháp, nhận sắc phong của triều đình nhà Nguyễn, Vương Chính Đức đã gần như độc bá quyền lực khắp châu Đồng Văn. Khi xây dinh thự họ Vương tại Sà Phìn, ông đã tỏ rõ ý chí quần hiền tụ sĩ của mình bằng cách cho ngoã lên trước cổng vào dinh một đôi câu đối: “Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập/ Môn phong lưu quý khách vãng lai” (Nhà thánh thiện, người hiền vào ra/ Cửa phong lưu, quý khách lui tới). Dưới chân bờ rào đá trước dinh là một khoảng sân rất rộng, đủ chỗ để buộc hàng trăm cỗ ngựa.

Mọi hoạt động xử lý công việc cai trị Đồng Văn, đón tiếp khách khứa bốn phương lẫn sinh hoạt của “Vua Mèo” Vương Chính Đức và ba bà vợ đều diễn ra trong dinh thự nằm lẫn giữa rừng sa mộc này. Tiếp khách hoặc xử án, Vương Chính Đức đều ngồi tại dãy nhà ngang cuối cùng, nơi cao nhất, an toàn nhất trong khu dinh nếu có tấn công từ bên ngoài vào. “Vua Mèo” ngồi ghế kê trên thềm cao, tội nhân bị buộc quỳ trên sàn ở gian trước, cách chỗ “Vua” ngồi một khoảng sân, khoảng cách đủ làm nhụt chí kẻ có tội đang bị trói nghiến, nếu kẻ đó có ý đồ manh động.

Hai hầm tầng trệt ở hai bên tả hữu chỗ “Vua Mèo” ngồi chính là nơi đặt hai kho chứa vàng bạc và thuốc phiện. Khách quen, có hiểu biết một chút sẽ không quá khó để nhận ra dụng ý của Vương Chính Đức. Mọi sắp xếp, xây dựng, trang trí, bố trí trong dinh thự đều chứng tỏ chủ nhân của nó mang một ám thị sâu sắc về ý nghĩa biểu trưng và sự cân đối, đối xứng. Dưới tán những gốc sa mộc vững chãi kia, quyền sinh sát một mình ông thâu tóm.

Sà Phìn là trung tâm quyền lực của người Mông Đồng Văn, nhưng ngoại trừ dinh thự nhà Vương, ở xung quanh thời đó vẫn không hề có bản làng của thứ dân nào cả. Một thứ quyền uy tối thượng và biệt lập. Thủ phủ thật sự của Đồng Văn thực tế đóng ở Phó Bảng, cách Sà Phìn 13km đường đèo. Trước khi Hòa ước Pháp – Mèo (được ký tháng 10/1913), đường vào Phó Bảng rất hẹp, chỉ đủ chỗ cho đoàn ngựa thồ xếp hàng một lên đèo xuống dốc. Hòa ước ký xong, người Mông nhất mực từ chối đi phu, đi làm xâu, người Pháp phải thuê người Hán ở khu Tổng Cản, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đối diện với Phó Bảng sang bạt núi, mở rộng đường. Sau đó, họ lại thuê người Khách (người Hẹ ở Quảng Đông, Trung Quốc) qua đẽo đá xây nên đồn Phó Bảng, thiết lập sự chiếm đóng và cai quản.

Phó Bảng là cửa ngõ của mọi giao thương trên miền Đồng Văn. Nằm ở độ cao lưng chừng trời, lại toàn đá và đá, đất canh tác ở Đồng Văn rất hiếm. Trồng ngô, đậu hay rau cải trong những kẹt đất hiếm hoi giữa các hốc đá, năng suất cực thấp, hầu như không đủ để nuôi sống người dân bản địa. Ngược lại, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết ở đây lại hết sức thích hợp với cây anh túc. Mỗi ha trồng anh túc thu được từ 1,5-2kg thuốc phiện mỗi vụ, trồng vài ba hécta, tiền bán thuốc phiện đủ để cho một gia đình người Mông sống cả năm. Thời gian còn lại tha hồ cho họ múa khèn, uống rượu, đám trai tráng tha hồ tập cưỡi ngựa, phóng lao và bày trò chơi chiến trận.

Đường về xuôi khó khăn, thuốc phiện Đồng Văn thường được bán sang Trung Quốc đổi thành ngựa to, lừa tốt, vải lanh từ Vân Nam, muối, gạo đường… từ Quảng Tây và quay trở lại Đồng Văn, tất tật đều qua ngả Phó Bảng. Để khóa chặt cửa ngõ mậu dịch tự do và dòng chảy thuốc phiện sang Trung Quốc, Pháp phải cố sống cố chết giành cho được quyền quản lý Phó Bảng và mở đường về miền hạ Hà Giang, từ đó về xuôi nhằm tận thu thuốc phiện tiêu thụ nội địa.

Ý đồ của Pháp, thương nhân Hoa Hán phát hiện ra ngay. Làm đường, xây đồn Phó Bảng xong, cả người Hán Vân Nam lẫn người Hẹ Quảng Đông đều không chịu về nước mà tìm cách ở lại Phó Bảng chiếm đất lập phố, buôn bán tấp nập (cho đến tận ngày nay). Không lâu sau, Phố Bảng đã khá sầm uất, buôn bán nhộn nhịp, được mệnh danh là Hồng Công thứ hai trên cao nguyên đá.

Tất nhiên Vương Chính Đức cũng không khoanh tay ngồi nhìn nguồn lợi của mình bị người Pháp và người Hoa Hán chia nhau xâu xé. Triệt để khai thác lợi thế đã được Hòa ước Pháp – Mèo công nhận, ông vẫn giành cho mình trọn quyền đại lý thuốc phiện. Mỗi lạng “vàng đen” bán ra khỏi đất Đồng Văn đều có phần nhất định của ông. Lợi dụng con đường về xuôi vừa mở, ông cho mua ngay một căn nhà ở phố Hàng Đường, Hà Nội đặt đại lý, đưa thuốc phiện Đồng Văn về xuôi phân phối ra khắp nơi đồng thời mua gạo, muối, dầu hỏa, đá lửa, vải vóc và nhiều loại nhu yếu phẩm khác chở ngược lên Đồng Văn, buôn bán kiếm lời cả hai chiều. Toàn bộ công cuộc kinh bang này, ông giao cho Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) trông coi.

Vương Chí Sình, là con trai thứ hai, người giàu chí hướng nhất trong số 4 con trai của “Vua Mèo”. Ông được ăn học khá đến nơi đến chốn, thông thạo cả Hoa văn và Pháp văn. Theo lệnh thân phụ, ông đã lấy vợ và sinh sống tại Phó Bảng chứ không đưa gia đình về sống trong dinh Sà Phìn. Cơ ngơi cũ của Vương Chí Sình hiện nay được sử dụng làm nhà văn hóa Phó Bảng. Tại đó, Vương Chí Sình đã mở đại lý trông coi việc buôn bán của gia tộc, sau đó mua thêm các chức “trứ do”, “chếnh tra”, “trại tra” (trưởng bản, trưởng xóm, trưởng thôn) cho mình và bộ tướng để củng cố thêm quyền lực. Do công việc buôn bán, Vương Chí Sình quen biết rất nhiều sĩ quan, quan lại cả Pháp lẫn Nam Triều ở Hà Nội. Viên quan ba chỉ huy đồn Phó Bảng cũng là “chiến hữu” của ông.

Nhìn rõ dã tâm nuốt trọn Đồng Văn của Pháp, sau khoảng 15 năm “tự quản” theo tinh thần hòa ước, cha con Vương Chính Đức – Vương Chí Sình bắt đầu bí mật tái vũ trang đội quân riêng của mình. Từ năm 1930, Vương Chí Sình đã được thân phụ giao trọn quyền mua vũ khí, ngựa chiến (từ tiền thuốc phiện) để chủ động đón đầu thời cuộc nhằm bảo vệ quyền lực cai trị Đồng Văn.

Đầu năm 1936, Pháp ráo riết mộ lính, xây đồn, đắp chiến lũy ở Đồng Văn. Quyền cai trị có nguy cơ bị đoạt lại, cha con họ Vương quyết định “tiên hạ thủ vi cường”. Giữa năm đó, đích thân Vương Chí Sình đã chỉ huy dân binh Mông tập kích một đoàn tiếp vận lớn của Pháp tại đèo Lao Va Chải (nay thuộc huyện Yên Minh) diệt sạch toàn bộ đoàn hộ tống và cướp hết quân lương, quân trang, quân dụng. Để trả đũa, Pháp vờ vịt làm ngơ, vẫn mời rất đông các thủ lĩnh Mông, trong đó có cả Vương Chính Đức về Hà Nội tham dự đấu xảo (hội chợ), sau đó bắt giữ và tống giam toàn bộ.

Vương Chí Sình phải tạm thời quay trở lại hòa hoãn với Pháp, đích thân bí mật xuôi xuống Hà Nội tìm cách cứu cha. Bỏ ra 800 đồng bạc Đông Dương, Vương đã nhờ một sĩ quan cao cấp từng quen biết quay về Pháp gõ cửa nhiều nơi trong chính phủ và Bộ Thuộc địa Pháp. Phải mất gần một năm, tay sĩ quan đầu cơ chính trị này mới quay trở lại, mang theo quyết định của Chính phủ Pháp trả tự do cho toàn bộ thủ lĩnh Mông bị bắt giữ. Quyết định có ghi: “Nếu ai bị chết trong thời gian bị giam giữ, chính quyền Pháp phải cấp tiền để gia đình đưa về quê chôn cất chu đáo”. Đến giữa năm 1938, Vương Chính Đức và tất cả các thủ lĩnh Mông đều được thả.

Trong gần 2 năm lo chạy đôn đáo cứu cha, mọi quyền “điều binh khiển tướng” ở Đồng Văn, Vương Chí Sình đều khoán trắng cho tay tâm phúc của mình là Mã Học Văn. Người nhỏ thó, chỉ cao 1m50, nhưng trong cộng đồng người Mông Phó Bảng, Mã Học Văn vẫn nổi lên như một tay kiệt hiệt. Ông thạo chữ Hán, biết tiếng Pháp, thông kim bác cổ và đầy mưu lược. Trong thời kỳ tranh chấp giữa người Mông Phó Bảng và người Hoa Hán ở Tổng Cản, họ Mã được người dân Phó Bảng nhất trí bầu làm “tụa thị tra” (đại đội trưởng), chỉ huy đội dân binh Mông đẩy lùi sự lấn chiếm, giành đất của những kẻ đến từ bên kia biên giới.

Mã Súa Lìa, em trai Mã Học Văn là con rể Vương Chí Sình cho nên ngay từ những ngày đầu thay cha điều hành chính sự, Vương Chí Sình đã chú ý đến Mã Học Văn. Đến năm 1930, họ Vương chính thức mời họ Mã tham gia “triều chính”. Mã Học Văn được xem như “tể tướng” của “vương triều” thu nhỏ họ Vương. Không hổ là Nho tướng, họ Mã đã một tay quán xuyến hết mọi công việc nội trị, ngoại giao của họ Vương dưới thời Chí Sình.

Nhật vào Đông Dương, lấn lướt quyền hành của Pháp. E ngại trước sức mạnh của đạo quân Thiên hoàng nhưng cũng lo lắng trước viễn cảnh mất quyền lực tại Đồng Văn, đã có lúc cả Vương Chính Đức lẫn Vương Chí Sình tỏ ra phân vân trước quyết định hợp tác hay bất hợp tác với Nhật. Riêng Mã Học Văn trước sau vẫn chủ trương chống Nhật. Họ Vương nghe theo.

Tháng 3/1945, Nhật hất cẳng Pháp. Khi quân Nhật tiến lên Hà Giang thì các đồn binh Pháp trên rẻo cao này đều kéo nhau… bỏ chạy hoặc nhanh chóng quy hàng. Mã Học Văn chủ trương không để quân Thiên hoàng kéo lên Đồng Văn. Theo sách lược của ông, một lần nữa, Vương Chí Sình lại tự mình dẫn một trung đội dân binh Mông lên chốt chặn Lao Va Chải và đánh tan một đại đội tinh nhuệ của Nhật đang trong thế chủ quan. Nhật dốc sức tăng quân đánh mạnh, chiếm được đồn Phó Bảng, quân Mông lại dũng cảm tập kích các toán Nhật hành quân lẻ, dùng súng hỏa mai cướp súng cối của Nhật.

Sau đó, dưới tài chỉ huy của Vương Chí Sình, một lần nữa đạo quân thiện chiến của Nhật lại phải nếm mùi thất bại trên cánh đồng và con đường cửa ngõ dẫn vào Phó Bảng. Một đại đội bộ binh và một trung đội kỵ binh của Nhật đã phải nằm phơi xác. Điều đáng chú ý: đây là thảm bại lớn nhất của quân Thiên hoàng trong các cuộc giao tranh trên chiến trường Đông Dương trong Thế chiến thứ hai.

Thất bại thảm hại, Nhật buộc phải theo chân Pháp cách đó 32 năm, ký với “Vua Mèo” Vương Chính Đức một thỏa ước, trong đó Nhật chấp nhận “bồi thường chiến phí” cho người Mông. Hòa ước quy định rõ: gạo, muối, bạc trắng, quân Nhật phải bồi thường đầy đủ đến từng gia đình người Mông bị thiệt hại, đồng thời phải giữ nguyên quyền tự quản của người Mông. Đổi lại, những cuộc hành binh “ngoài vùng đất Mông” của quân Nhật, người Mông sẽ không tập kích quấy nhiễu. Cho đến trước khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, đây là lần duy nhất quân Nhật phải ký một hiệp ước với vị trí kẻ bại trận. Còn với “Vua Mèo” Vương Chính Đức, cả Pháp lẫn Nhật đều phải thừa nhận thảm bại dưới tay ông – điều mà không một thủ lĩnh kháng chiến nào khác ở các xứ thuộc địa châu Á làm được.

Chấp nhận cho Nhật đưa quân vào Phó Bảng, chủ trương của Vương Chính Đức, Vương Chí Sình và Mã Học Văn đã khiến các nhà viết sử sau này lúng túng trong việc nhìn nhận thái độ, vai trò của các thủ lĩnh Mông trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của Cao nguyên đá. Tuy nhiên, thời gian càng lùi xa, quyết định đó càng được thừa nhận là sáng suốt. Bị Nhật hất cẳng, một bộ phận quân Pháp bỏ Phó Bảng, Đồng Văn chạy sang Vân Nam bắt tay với quân Tưởng Giới Thạch chống Nhật.

Lợi dụng tình thế, đúng vào hồi Chiến tranh thế giới thứ hai sắp tàn cuộc với thất bại dốc xuống phe Trục, Tưởng Giới Thạch đã điều Tập đoàn quân Vân Nam do 2 tướng Lư Hán và Tiêu Văn chỉ huy áp sát cửa ngõ biên giới Việt Nam, lăm le đục nước béo cò. Sự toàn vẹn của Cao nguyên lâm nguy trước dã tâm. Ký hòa ước với Nhật, họ Vương đã tạo ra cơ hội và điều kiện để dàn quân ngăn ý đồ tiến xuống phía nam của một đạo lớn quân Tàu Tưởng, giữ trọn miền biên viễn.

Hồ Chủ tịch là lãnh tụ sáng suốt đã nhìn thấu và đánh giá cao chủ trương đúng đắn này. Vì thế, khi kết nghĩa anh em với ông Vương Chí Sình, Hồ Chủ tịch đã tặng họ Vương một đôi bảo kiếm có khắc 2 vế đối: “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ”.

Năm 1947, trước khi mất, Vương Chính Đức đã viết thư cho Hồ Chủ tịch đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử người lên tiếp quản Đồng Văn. Gần 10 năm sau, năm 1956, Vương Chí Sình, người thay cha giữ quyền lực cao nhất ở Đồng Văn lại đề nghị bàn giao chức Chủ tịch, quyền lãnh đạo Đồng Văn và toàn vùng biên cương lân cận cho người của chính phủ, còn mình thì đưa gia đình về Hà Nội sống trong vai trò một đại biểu Quốc hội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hai khóa I và II. Thay ông làm Chủ tịch Đồng Văn là ông Vừ Mí Kẻ, nguyên là một Mã phài (người giữ ngựa) trong dinh thự “Vua Mèo” ở Sà Phìn nhưng đã sớm đi theo Cách mạng!…

_____

Một số hình ảnh của nhà báo Nguyễn Hồng Lam:

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây